04/02/2013

TIẾNG CHĂM CÓ ẢNH HƯỞNG LÊN CÁCH PHÁT ÂM CỦA NGƯỜI QUẢNG?

 Tuy không ồn ào, nhưng cuốn sách Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều người đặc biệt là giới học thuật. Đã có nhiều ý kiến khác nhau về toàn bộ cuốn sách này cũng như về một số vấn đề mà cuốn sách nêu ra. Đặc biệt về vấn đề phát âm của người Quảng nam và ảnh hưởng của tiếng Chăm lên nó đã gây ra những bàn cãi trên một số trang mạng. Sau đây là bài viết của PGS, TS Andrea Hòa Phạm- người đã có công trình về âm vị học xuất bản qua Amazon (xem tại đây) được giới học thuật thế giới đánh giá cao- trao đổi lại với ông Nguyễn đăng Châu và tác giả Hồ Trung Tú về vấn đề trên



Nguyễn Đăng Châu: GS Cao Xuân Hạo khi nói về sự biến âm xa đến kì lạ của tiếng Quảng ở Thanh Chiêm (Hội an) đã nghe ko ra cái âm a trong từ [hai] nên nghe thành [ha:]. Âm a và o tiếng bắc QN khác nhiều âm vi /a/ và / /. Chúng ko chỉ dài hơn nhiều a và o của phương ngữ bắc mà chiếu theo hình thang nguyên âm, chúng có cấu âm miệng mở rất rộng, lưỡi gần như ko nâng. Rộng đến nỗi phát âm từ [học] ko đóng kịp âm tiết. Bảng phiên âm IPA chỉ có kí hiệu ghi âm o này chứ ko có cho âm a. Là người QN gốc, mình cảm nhận được bán nguyên âm /j/ trong [hai] chứ ko đúng như thầy CXH cảm nhận [aj] thành [a:]. HTT chính xác khi cho rằng ko có âm vị /a/ trong tiếng QN bắc Thu Bồn. Đừng nghĩ chỉ có a dài [a:], a [a], và a ngắn /ă/; còn có âm a nhưm ình miêu tả ở trên. Nếu Andrea Hoa Pham có cảm hứng, mình làt ư liệu sốngcho thực nghiệm ngữ âm đây!
Với ngữ âm Chăm Bình Thuận, có thể chỉ ra được mối liên hệ này nhưng mình ko dám chắc vì, liệu Chăm Dừa ở QN có ngữ âm giống Chăm Cau trong kia?

Hồ Trung Tú: Người Bắc phát âm hai chữ "anh, ách" không thực chuẩn là /a/ ngắn mà là /e/ ngắn. Còn âm a trong "anh" đã được người Quảng Nam chuyển thành a dài rồi (ở vùng Thăng Bình Quế Sơn thì a này rất dài - trái "ba:anh"). Âm a mà người miền Bắc phát âm đúng là a ngắn là /ă/ như "ăn", thì người Quảng Nam lại biến thành e (en). Thực sự không tìm thấy dấu vết a ngắn nào ở Quảng Nam chị Hòa ạ !


Andrea Hòa Phạm: Hôm nọ vội vã đi làm rồi bận quá nên viết vắn tắt. Hôm nay tôi xin phép được nói nốt ý của mình để tôn trọng các anh chị đã bàn luận hoặc có nhã ý theo dõi thảo luận này. Xin thưa trước là tôi xin chỉ nói về vài nhận xét nêu ra trong thread này và chỉ liên quan đến nguyên âm ‘a’, chứ không có ý định nói về mọi vấn đề trong phần lý giải ngữ học trong cuốn sách “Có 500 Năm Như Thế”. Và cũng chỉ bàn về giọng Quảng Nam trong nhát cắt đồng đại (synchronic) của nó, chứ không dám nói về mặt lịch đại (diachronic) như quá trình hình thành của nó, vì đó không phải lĩnh vực của mình. Vấn đề tiếng Quảng Nam ở thế kỷ 17 như thế nào thì tôi không dám bàn, cũng như tiếng Chăm Dừa và Chăm Cau khác nhau thế nào cũng không liên quan đến những diều tôi trình bày dưới đây. Tôi nghĩ ngành Ngôn ngữ học lịch sử ở trong nước rất phát triến và có nhiều công trình tốt và có rất nhiều người giỏi để các bạn tham khảo nếu có nhu cầu.

Tôi cũng xin lỗi trước sẽ làm phiền tai các anh chị trong ngành khi nhắc lại một số khái niệm cơ bản của ngữ âm và âm vị học, để tiện cho các bạn ngoài ngành đã có hứng thú theo dõi. Giọng Quảng Nam đôi khi sẽ được viết tắt dưới đây là ‘giọng Quảng’.

Có hai vấn đề chính thuộc nguyên tắc mà tôi xin phép nhắc tới. Một là cách làm việc của các nhà ngữ học khi miêu tả hệ thống ngữ âm/âm vị của một ngôn ngữ hay tiếng địa phương dựa trên chất liệu thu được từ điền dã như thế nào. Hai là nhận ra vấn đề gì trong miêu tả là cốt tử, vấn đề gì thuộc “biến thể tự do hay biến thể cá nhân, hay biến thể đơn lẻ trong nội bộ vùng” (tức không ảnh hưởng đến việc có thể làm thay đổi hệ thống).

Về điều thứ nhất, khi miêu tả một tiếng nói hay một giọng địa phương nào, thì người làm ngôn ngữ học cố gắng nhìn nó như một chỉnh thể thống nhất và có hệ thống, như vậy mới miêu tả nó một cách khách quan. Các ngôn ngữ tự nhiên, không có giọng nào ‘phát âm đúng’ hay giọng nào ‘phát âm sai’. Việc dùng giọng X làm căn cứ để đổi chiếu với giọng Y, ‘dịch’ âm giọng Y sang giọng X, rồi dựa vào kết quả đó mà mô tả giọng Y là có âm này không có âm kia, thì tương tự như khi GS Cao Xuân Hạo chỉ trích xu hướng ban đầu của ngữ học Việt là dùng ngữ pháp tiếng Pháp mà mô tả ngữ pháp tiếng Việt. Tuy hai thứ tiếng đều dựa trên những chất liệu và nguyên tắc cấu âm, từ, câu, v.v...bình thường (tính chất phổ quát của tất cả ngôn ngữ loài người) nhưng cách cấu trúc và lựa chọn, xếp đặt từng tiêu chí trong mỗi bộ phận của ngôn ngữ khác nhau (tính khu biệt của từng ngôn ngữ). Việc căn cứ vào vốn từ vựng chung và cách phát âm của người Bắc, thấy người Quảng không phát âm như thế và cho rằng giọng Quảng không có âm này hay âm kia, hoặc là ‘nói sai âm này âm kia’ là làm việc tương tự theo kiểu dùng khuôn ngữ pháp tiếng Pháp để phân tích cấu trúc câu tiếng Việt. Ngược lại, nếu mô tả giọng Quảng như một hệ thống độc lập và toàn vẹn, thì sẽ không phải đi “tìm” âm nào cả, mà chỉ mời một số người Quảng (có chọn lựa theo những điều kiện sẽ nói thêm ở dưới) phát âm tất cả các âm thanh và vần có trong tiếng nói của họ, thu lại và phiên âm ra (dùng IPA). Sau đó sẽ sắp xếp những gì thâu thập được thành ‘hệ thống’, như là quan sát quân cờ trên một bàn cờ. Lúc đó mới thấy nó có những quân cờ gì và “thiếu” quân gì. Và cũng phải thu âm giọng nói họ trong một cuộc nói chuyện ngắn hoặc cuộc phỏng vấn để có diện mạo của những vần này trong điều kiện tự nhiên nhất, đổi chiếu với những vần ấy được phát âm trong những từ rời, để kiểm tra xem tiêu chí nào là ‘khu biệt’ trong mọi hoàn cảnh, tiêu chí nào là biến thể tự do trong từng cá nhân, giữa các cá nhân, từ đó mới xác lập được một hệ thống âm vị tương đối hoàn chỉnh và khách quan của hệ thống – cho đến lúc nào có phát hiện mới mà có thể thay đổi diện mạo của một hay vài âm vị của hệ thống. Trong giọng Bắc, ‘a dài’ như nguyên âm trong “lan”, ‘a ngắn’ như nguyên âm trong “lăn”. Làm theo kiểu này, âm ‘a’ dài của giọng Quảng xuất hiện ở nơi mà giọng Bắc có ‘a’ ngắn, như trong “tay”.  Người Quảng Nam ở Hòa Vang (vì có thể vùng khác sẽ nói khác cho nên tôi khoanh vùng lại cho dễ nói chuyện) nói “tay” thành “ta” (và họ nói nguyên âm ‘a dài’ này một cách dễ dàng thoải mái chứ không “khó khăn” gì cả :)).

Cũng như vậy, nói rằng “Người Bắc phát âm hai chữ "anh, ách" không thực chuẩn là ‘a’ ngắn (tôi dùng chữ Việt cho dễ thay vì ký âm IPA) mà là e ngắn”, và người Quảng Nam nói ‘e ngắn’ của người Bắc thành ‘e dài’, ví dụ ‘ăn’ thành ‘eng’, rồi cho rằng giọng Quảng không có e ngắn là bị ‘ám ảnh’ của giọng Bắc rồi :). Đúng là nguyên âm của ‘anh ách’ trong giọng Bắc, về mặt ngữ âm, là cái gì giữa ‘a’ và ‘e’, do tác dộng bởi âm cuối ‘nh, ch’ (kéo ‘a’ nhích ra phía trước nghe gần như ‘e’, là hiện tượng assimilation (đồng hóa) thường gặp trong ngôn ngữ). Điều này các nhà ngôn ngữ học tiếng Việt đã miêu tả từ lâu. Nhưng đó là trong giọng Bắc. Nếu muốn tìm xem giọng Quảng Nam có a ngắn không thì phải nhìn vào đám quân cờ ‘hỗn độn’ kia. Và có thể thấy rằng người Quảng phát âm các từ ‘anh ách’ với nguyên âm ‘a’ ngắn. Ví dụ 1: Nếu đưa cho một người Hòa Vang biết đọc biết viết một miếng giấy chỉ có chữ “anh”, không có ngữ cảnh gì, và nói họ đọc lên bằng giọng Hòa Vang, họ sẽ đọc như “ăn” của giọng Bắc. Đó chính là ‘a ngắn’ của giọng Hòa Vang. Ví dụ 2: đưa cho một người Quảng ở Hòa Vang không biết chữ, một tấm giấy màu xanh, và hỏi họ đây là màu gì. Nếu chỉ nghe giọng họ trả lời mà không nghĩ đến chữ viết, thì sẽ nghe một âm tương tự như người Bắc nói từ “xăn”. Đó là âm ‘a ngắn’ của giọng Hòa Vang. Khi lấy tư liệu cách dùng hình ảnh thay vì yêu cầu cộng tác viên đọc bảng từ như trên là cách được dùng phổ biến hiện nay, để tránh việc cộng tác viên khi nhìn chữ viết có thể vô tình đọc trại ra giọng chuẩn (cho “đúng chính tả”) chứ không phải giọng nói chính gốc của mình. Còn trường hợp ‘ăn’ của giọng Bắc thành ‘eng’ của giọng Quảng, thì đó là ‘e’ dài của giọng Quảng, không vì thế mà ‘a ngắn’ bị mất chỗ trong hệ thống âm vị giọng Quảng Nam.

Ngay cả như vậy cũng chưa đủ để kết luận phải chăng giọng Quảng Nam có âm vị ‘a’ ngắn, nếu nó không đối lập với ‘a’ dài trong hệ thống của nó. Một ngôn ngữ đổi lập từ vựng về mặt trường độ nguyên âm ở 3 mức như anh Châu tả giọng Quảng: “a dài, a, và a ngắn” là cực kỳ hiếm (chưa tìm thấy chứng cớ nhưng không ai dám nói là không tồn tại). Carmen Jany ở Đại học Santa Barbara làm ngữ âm thực nghiệm với một thổ ngữ có nguy cơ biến mất ở Mexico, kết quả là không tìm thấy chứng cớ gì là nguyên âm tiếng này đối lập độ dài ở 3 mức như trước đây cho là thế. Độ dài nguyên âm có thể bị tác động bằng nhiều yếu tố bao gồm biến thể cá nhân nhưng điều đó không phải chủ ý đang bàn. Tôi không nghĩ giọng Quảng có đối lập này. ‘t bật hơi’ hay ‘t’ trong tiếng Anh chỉ là một âm vị trong khi ‘t’ và ‘th’ trong tiếng Việt là hai âm vị (chúng ta không cần thiết tranh cãi chỗ này về phát âm của ‘th’ Việt khác một chút với ‘t bật hơi’ tiếng Anh như thế nào, đó  là chuyện ‘nét rườm’ sẽ nói ở dưới). Có thể làm ngữ âm thực nghiêm đo các formants để xác định độ mở của miệng, độ nâng của lưỡi, v.v.. không khó. Quan trọng là trong quan hệ với các âm khác, nếu mở rộng ra một chút mà không làm người nghe hiểu sai đi thì đó được xem là biến thể cá nhân, không ảnh hưởng đến hệ thống. Vì nguyên âm ngắn chỉ xuất hiện trong âm tiết đóng, ít nhất là trong tiếng Việt, nên cũng phải so sánh với biến thể dài của nguyên âm đó, xem nó có mặt trong âm tiết đóng hay không. (Âm ‘a dài’ trong giọng Quảng Nam chính là nguyên âm như trong từ “móc”,  đối lập với ‘a ngắn’ như trong từ “mất” giọng Quảng. Trong giọng Bắc “mất” là ‘ơ ngắn’, nhưng vì trong giọng Quảng Nam, cũng như đa số giọng phía Nam, ‘ơ’ không có đối lập ngắn/dài – chuyện này quá đài dòng phức tạp để nói ở đây. Nếu quan tâm xin xem bài báo “Vietnamese Rhyme” đã gửi anh Tú).

Các nguyên âm khác cũng làm việc theo kiểu như vậy. Đây là cách miêu tả hệ thống âm vị của một ngôn ngữ hay giọng địa phương của các nhà ngữ học. Chính vì việc khi miêu tả một âm nào cũng đặt nó trong hệ thống, nên nếu tả một nguyên âm mà chỉ nói “không ra ‘o’ cũng không ra ‘a’”, mà cũng không cho ví dụ như trong chữ gì thì khó mà hình dung được.

Nhân đây xin được nói thêm về “học” trong giọng Quảng Nam. Âm cuối của “học” trong giọng Bắc gồm hai ‘âm’: âm ngạc ‘ng’ và âm môi ‘m’ cùng phát một lúc (double articulation). Đây là một trong những âm khó nhất cho người Mỹ học tiếng Việt. Về mặt ngữ âm (tôi đánh chữ nghiêng để nhấn mạnh) thì nó không phát ra bắt đầu bằng một nguyên âm tròn môi. Để mô tả tính chất không tròn môi trong các trường hợp này ở giọng Hà nội, Laurence Thompson, chỉ bằng cảm nhận tai nghe chứ không máy móc đo đạc gì, đã mô tả chính xác trong cuốn sách Ngữ pháp tiếng Việt in năm 1965, bằng việc dùng ‘a’ ngắn khi ông phiên âm “ong óc” là ‘ăwng, ắwk’. Hoặc ngược lên rất xa, Alexandre de Rhodes trong từ điển Việt – Bồ - La 1651 phiên âm “móc” là ‘măóc’, tr. 476 bản in lại 1991. Nhưng về mặt âm vị học, các tác giả hiện nay đều phiên âm thống nhất nguyên âm trong “học” là ‘o’ tròn môi.

Ngưởi Quảng Nam phát âm “học” thành “hạc”. Trước hiện tượng này có thể có ít nhất hai cách giải thích. Cách gọn nhất và tự nhiên nhất, là vần trong từ “học” mang nguyên âm ‘a dài’ trong giọng Quảng, và phụ âm ngạc đơn ‘ng’ (không phải double articulation ‘kp’). Cách giải thích thứ hai  là vần ‘oc’ gồm nguyên âm ‘o’ (tròn môi) và phụ âm cuối là âm đôi ‘ngạc-môi’ ‘kp’.  Theo luật ‘hai âm có thuộc tính giống nhau khi phân bố gần nhau thì một âm bị lược bỏ, nên đặc trưng môi ‘p’ của phụ âm cuối bị loại bỏ (deletion), chỉ còn lại đặc trưng ngạc (‘k’), đồng thời ‘o’ bị dị hóa (dissimilation), nên “học” nói thành “hạc”. Deletion là một trong những hiện tượng thường gặp nhất trong ngôn ngữ, giới ngữ học nay gọi là OCP (Obligaroty Contour Principle). Còn giải thích là do vì nguyên âm ‘a’ “Rộng đến nỗi phát âm từ [học] không đóng kịp âm tiết” thì nghe không ổn. Giả sử người nói từ “học” mà nhẩn nha có thừa thì giờ, và miệng đang nhai, thì liệu miệng có mở rộng đến nỗi ‘không đóng kịp âm tiết’ không? :). Còn vấn đề vì sao “học” nói thành “hạc” chỉ thấy trong giọng Quảng mà không thấy trong các giọng khác thì tôi không biết, và là chuyện của ngôn ngữ học lịch đại.

Về ‘tư liệu sống’. Một trong những nguyên tắc chọn cộng tác viên khi làm điền dã, lý tưởng nhất là chọn được người sinh trưởng ở nơi đó vài thế hệ, nhất là chưa bao giờ ra khỏi làng mình, hoặc có nhiều cơ hội tiếp xúc với những người ở địa phương khác, nhất là không làm những nghề mà giao thiệp nhiều với công chúng nói các giọng khác nhau, như người bán hàng hoặc thầy cô giáo. Họ cũng phải còn đủ răng để luồng hơi phát ra không bị thều thào ảnh hưởng đến chỉ số đo của tần sổ cơ bản, các formants... nhất là với nguyên âm. Đơn giản vì bảo đảm người cộng tác viên không ‘chỉnh’ giọng của mình theo giọng chuẩn, hoặc bị ảnh hưởng giọng nơi khác mà không để ý hoặc không nhận ra (điều này rất thường gặp). Ngay cả nếu mình có tin tưởng cộng tác viên sẽ không ‘sửa giọng’ chỗ này chỗ kia, thì những chuyên gia trong ngành được mời đọc và phê bình bài nghiên cứu có thể nghi ngờ tính chân thực của tư liệu, và không ai ra đó mà ‘cãi’ đươc là bảo đảm ‘hàng nguyên chất 100%’ :). Vì thế mà phải lặn lội về tận Việt Nam và đi đến các làng quê hẻo lánh mỗi khi cần tư liệu (tôi cũng từng xách ba lô tụột khỏi xe đi bộ trên các bờ ruộng, đường đất đỏ hẹp và trơn trượt, chứ không dám ngồi xe sợ xe lao xuống ruộng, hoặc “bò” trên các cây cầu chỉ còn vài thanh, khi đi lấy tư liệu trên vùng núi Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh). Chứ người Quảng Nam ‘chính gốc’ thì ở đây cũng có thể kiếm được :). Lần rồi tôi cũng lặn lội lên Quế Sơn chỉ để kiểm tra cái âm ‘a’ dài trong “trái banh” mà anh Tú nhắc. Tôi biết cách phát âm này vì trước đây lâu lắm, khi làm việc ở Trà My có gặp vài chị người Quế Sơn nói như thế. Nhưng những người dân tôi gặp ở Quế Phú không nói như thế, cho nên có thể ở một hay vài làng xã nào đó chứ không phải toàn huyện Quế Sơn. Nhưng tôi không dám khẳng định điều gì cho đến khi có tư liệu đáng tin cậy trong tay.

Vấn đề chính thứ hai là khi miêu tả hệ thống âm thanh của một ngôn ngữ, người ta phân biệt nét nào là ‘rườm’, ‘biến thể tự do’ (không ảnh hưởng đến hệ thống), và nét nào ‘khu biệt’, nghĩa là làm thay đổi ý nghĩa của lời nói. Âm ‘t’ trong tiếng Anh phát âm bật hơi như trong “top”, trừ khi nó đứng sau ‘s’ như trong “stop”. Bật hơi hay không bật hơi vẫn là âm vị ‘t’. Sinh viên Mỹ học tiếng Việt lúc đầu hay bị lỗi  khi nói “tôi” thành “thôi”, người ta cũng hiểu. Nhưng trong tiếng Việt, “tôi” và “thôi” là hai từ khác nhau. Việc “hai” của giọng Bắc nói thành ‘hưa’, ‘ha’ hay ‘he’, hay là gì khác nữa, là tùy làng hay xã, là những biến thể có tính cách lẻ tẻ và không ảnh hưởng đến hệ thống hay diện mạo chung của giọng Quảng. Vì vậy, khi miêu tả một hệ thống người ta thường dựa vào một giọng có thật ở một địa phương. Nếu giọng đó khá tiêu biểu cho vùng phương ngữ thì người ta có thể dùng một từ chung hơn cho gọn, như nói “giọng Bắc” khi miêu tả giọng “Hà Nôi”. Các biến thể khác, như có nơi nói ‘n’ thành ‘l’, ‘l’ thành ‘n’, cũng không làm thay đổi toàn thể diện mạo trong cả hệ thống giọng “Bắc” (mấy chuyện này hay bị đem ra giễu nhưng về mặt ngôn ngữ thì họ chẳng nói ‘sai’ gì cả. Chỉ là trong hệ thống của họ tại thời điểm đó không có ‘l’ hay ‘n’ mà thôi, hay ‘l’ và ‘n’ là biến thể tự do nên nói gì cũng được. Chỉ thành vấn đề khi cố gắng “sửa” nhưng sửa không thống nhất mọi mơi mọi chỗ, hoặc sửa bị “sai”).

Không có một hệ thống hoặc lý thuyết nào giải thích được tất cả mọi điều. Công việc của chúng ta là cố gắng tìm hiểu để tiếp cận gần nhất ‘sự thật’.

Tôi có giới thiệu cuốn “Có 500 Năm Như Thế” với một đồng nghiệp, giáo sư Marc Brunelle ở Đai Học Ottawa, một nhà âm vị học người Canada gốc Pháp, nói tiếng Việt rất giỏi, nghiên cứu về cả tiếng Chăm lẫn tiếng Việt (Qua Marc tôi mới biết có những nhà khoa học xã hội cũng bắt đầu nghiên cứu lại lịch sử Nam tiến và người Chăm, như giáo sư sử học Andrew Hardy và Nguyễn Tiến Đông ở Quảng Ngãi: http://www.efeo.fr/chercheurs.php?code=801&ch=20&l=EN). Lần về nước năm ngoái Marc mua được một cuốn. Đọc xong Marc đồng ý là cuốn sách có một số ý thú vị về giai đoạn ‘Hậu-Chăm’ (post Champa), nhưng cho rằng “giọng Quảng Nam là do người Chăm nói tiếng Việt mà thành” thì không thấy chứng cớ ngữ học, loại chứng cớ mà dân ngữ học cần, không phải từ suy đoán hoặc miêu tả qua cảm nhận của người bản ngữ. (GS Brunelle quan tâm việc tại sao giọng Chăm không tác động đến tiếng Việt ở miền Trung cũng như tiếng Khmer ở miền Tây). Như đã nói trong bài điểm sách: “vì sao từ âm A mà biến sang âm B chứ không phải C hay D, v.v... thì chứng cứ không đến từ suy luận mà thường phải qua các phản ứng nội tại của ngôn ngữ trong những hoàn cảnh ngôn ngữ nhất định (context-sensitive), hoặc từ chất liệu của các ngôn ngữ tham gia vào quá trình”. Nếu theo hướng gợi ý của cuốn sách, thì  cần tìm xem yếu tố nào của giọng Chăm đã ảnh hưởng đến phát âm Việt, mà khi người Quảng nói “áo” thì ra “ố” chứ không ra “á” hay “ó”, hay ra một âm nào khác. Chúng ta chưa thấy cái “gạch nối” có tính cách nội tại này. Khi những phát âm ‘sai biệt’ này trong giọng Quảng Nam so với giọng Bắc nhiều vô kể, thì khó thể nói tất cả các biến âm như thế hoàn toàn là ngẫu nhiên (Trong khi ngược lại nhiều nhà nghiên cứu tiếng Chăm đã nói đến hiện tượng thanh điệu đang hình thành đần trong tiếng Chăm theo con đường “nội tại”, tương tự như đối với tiếng Việt mà Haudricourt 1954 đã thuyết phục đầu tiên, cộng thêm yếu tố ảnh hưởng do tiếp xúc hàng mấy trăm năm với tiếng Việt).

Vì bài điểm sách của tôi được nhắc đến nên xin được nói rõ thêm một chút một ý trong đó: Việc dân Chăm sống với di dân Việt trong một thời gian dài như thế ở một hoàn cảnh lịch sử phức tạp như thế, rất có thể là một trong những điều kiện quan trọng thúc đẩy những “đột biến” trong giọng nói cả về lượng lẫn chất trong tiếng Quảng. Nhưng đây cũng chỉ là suy luận để khởi đầu, như tác giả công nhận. Trong 4 yếu tố về ngôn ngữ biến đổi đã nhắc, thì yếu tố “sáng tạo về cách phát âm” là có vẻ gượng ép và khó giải thích nhất trong trường hợp tiếng Quảng Nam. Ảnh hưởng của việc tiếp xúc lâu dài đó ở chỗ nào và đến chừng mức nào là chuyện cần chứng cớ, vì còn phải tính đến dấu vết của các giọng nói của tổ tiên của những di dân ban đầu (như tác giả cũng đề cập dấu vết vài âm của giọng Thanh Hóa).

Trong khi chưa có chứng cớ, thì một giả thiết thú vị là rất đáng trân trọng. Xin được vẫn nhắc lại, “Có 500 Năm Như Thế” là một bằng chứng đẹp về cái thao thức bất tận trong việc đi tìm sự thật, bằng một thái độ viết tâm huyết, nghiêm túc, được nâng đỡ bởi một tâm hồn lãng mạn, bay bổng.” Cuốn sách gợi mở nhiểu điều đối với tôi, cảm ơn tác gi
Andrea Hòa Phạm

2 commentaires:

  1. Prof Andrea Hoa Pham nói sao cũng đúng hơn tui hết á. Tui chỉ là những cảm cảm nhận ban đầu, hơn chục năm nay rồi tìm khắp thế giới xem ai chứng minh giả thuyết mình đatự ra giùm. Chị Hòa làm được chuyện này tui đội ơn nhiều; không phải cho tui mà cho cái câu hỏi không lẽ mang xuống mồ mà không có người giải đáp giùm :)
    Chúc chị ăn tết trên xứ người như vui như tết ở quê nhà :)

    RépondreSupprimer
  2. Người có trình độ, học hành nghiên cứu nghiêm túc viết có khác

    RépondreSupprimer