10/04/2013

VIỆT NAM CẦN MỘT THATCHER


Nguyễn Văn Thạnh
Ngày nay, với sự bùng nổ của mạng internet, thông tin trở nên tràn ngập đến tận “phòng ngủ” mọi người. Một ngày không biết bao nhiêu tin tức được truyền tải, một người dù có dành ra 24h/ngày cũng không thể xem hết. Đây là một điều tuyệt vời của kỷ nguyên số nhưng cũng có cái không hay của nó. Giữa một rừng thông tin như vậy, xã hội sẽ không biết đâu là trống trận, đâu là nhiễu âm để cùng nhau giải quyết những vấn đề nghiêm trọng mà xã hội mắc phải. Sức mạnh của công chúng bị phân tán, xã hội rơi vào tình trạnh lình xình, bàn cãi nhiều nhưng vấn đề vẫn còn đó.
Trong rừng thông tin truyền tải trên mạng mấy ngày nay, tôi chú tâm vào hai tin:

(1) Bầu Đức-tức ông Đoàn Nguyên Đức-chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai phản bác lại Ts Alan Phan- người kêu gọi hãy để thị trường quyết định số phận bong bóng bất động sản thay vì chính phủ bỏ tiền cứu nó-với lỡi lẽ rất gay gắt. Ngoài bầu Đức và câu lạc bộ bất động sản Hà Nội, gần như cả hệ thống truyền thông được huy động vào cuộc để đánh ông già Alan. Từ những câu hỏi nghi ngờ lấp lửng đến những chuyện bới móc đời tư làm ăn trong quá khứ của ông tận bên Mỹ. Chi tiết xem tại đâyđây.
Mọi người đều không quá ngạc nhiên trước phản ứng như vậy bỡi lẽ lời khuyên của ông già Alan đã đụng chạm đến lợi ích không chỉ của giới bất động sản mà còn có khả năng là giới cầm quyền. Ts Alan đã đụng tới “nhóm lợi ích” khổng lồ nên họ bật lại và không để ông yên là điều dễ hiểu. May là ông ở Việt Nam với tư là một người Mỹ gốc Việt-tư cách như một doanh nhân ngoại quốc nên ông không bị côn đồ hay an ninh đe dọa bản thân, gia đình hay chuyện làm ăn. Nghe đâu ông sợ quá mà đã bay sang Malaysia lánh nạn?.
(2) Một cựu nữ thủ tướng nước Anh qua đời-bà Margaret Thatcher-người được vị thủ tướng đương nhiệm David Cameron tôn vinh “một nhà lãnh đạo tuyệt vời, một thủ tướng tuyệt vời và một người Anh vĩ đại”. Bà Margaret Thatcher từ lâu đã được truyền thông thế giới và nhiều người nổi tiếng đặt cho biệt danh “bà đầm thép”. Tuy sinh trưởng trong một gia đình thứ dân bình thường nhưng bà có thời gian tại vị thủ tướng liên tục 3 nhiệm kỳ-lâu nhất trong các thủ tướng ở thế kỷ 20, được Nữ Hoàng Anh phong tặng cho tước hiệu Nam Tước cao quí.
Bà đã làm gì cho nước Anh mà được tôn vinh như vậy?
Sau thế chiến II, với nền kinh tế đình đốn đồng thời chịu ảnh hưởng tư tưởng của chủ nghĩa xã hội Fabian, nước Anh đã tiến hành quốc hữu hóa các ngành công nghiệp, thực hiện đường lối kinh tế nhà nước chủ đạo (kiểu Việt Nam hiện giờ), (Giống như Hugo chavez đã làm ở Venezuela). Người dân tất nhiên sẽ nhiệt tình ủng hộ chính sách trên vì họ có lợi: được tăng lương-giảm giờ làm, trợ cấp nhà ở, bao cấp y tế, giáo dục, phát sữa miễn phí cho học sinh,…Và lẽ đương nhiên là niềm vui chóng tàn vì doanh nghiệp quốc doanh thì làm gì có hiệu quả. Nước Anh lâm vào khủng hoảng kinh tế với tình trạng lạm phát và nợ công cao kỷ lục. Ngân sách trống rỗng trong khi các nghiệp đoàn liên tục biểu tình đòi tăng lương, chống sa thải, chống cắt giảm các chương trình phúc lợi xã hội. Nước Anh lâm vào rối ren và mất phương hướng.
Thật sự, nước Anh đã vướng vào tình trạng “lưới lợi ích” khổng lồ không lối thoát: người dân thì muốn nhà nước bao cấp, muốn tăng lương, muốn giảm giờ làm; giới chủ doanh nghiệp quốc doanh và chính trị gia thì muốn được duy trì nó để giữ quyền lợi cho mình. Đất nước ngày càng lụn bại nhưng không ai muốn thay đổi hoặc muốn thay đổi nhưng đừng ảnh hưởng đến lợi ích đang có. Bất kỳ ý tưởng thay đổi nào động chạm đến lợi ích đám đông hay giới lãnh đạo (doanh nghiệp, nghiệp đoàn và chính trị) đều bị đám đông biểu tình hay chính quyền phản đối để dẹp bỏ. Nước Anh vướng vào thế tiến thoái lưỡng nan: không thay đổi thì chết mà thay đổi thì không được.
Trong tình cảnh đó, bà Margaret Thatcher xuất hiện. Với tài năng, lòng kiên định và sự khéo léo, bà đã từng bước tiến hành tư nhân hóa các tập đoàn kinh tế nhà nước khổng lồ, giải tán các loại trợ cấp từ sữa miễn phí đến nhà cửa, giáo dục, y tế,….Tất cả người dân Anh phải thỏa mãn nhu cầu sống của mình qua thị trường kinh tế tư nhân tự do-tức là đi làm (kinh doanh hoặc lao động) để có tiền rồi dùng tiền mua các sản phẩm mình cần.
Nước Anh đã hồi sinh, kinh tế từ chỗ trì trệ, lạm phát, thất nghiệp,…đã dần năng động, phát triển mạnh mẽ. Hiện nước Anh là nền kinh tế lớn thứ 2 châu Âu sau Đức. Bà Margaret Thatcher có công lớn trong việc bẻ lái nước Anh chuyển từ mô hình kinh tế nhà nước chủ đạo sang nền kinh tế tư nhân tự do. Điều này nghe chừng rất đơn giản nhưng hãy xem cách con người ta phản ứng thế nào khi quyền lợi bị đụng chạm trong trường hợp bầu Đức để thấy việc bà làm là không dễ.
Để làm được việc trên bà phải đối mặt với hai nhóm lợi ích cực lớn. Nhóm đầu tiên là người dân. Đây là một đám đông, họ không cần biết chính phủ làm gì, miễn mang lại quyền lợi trước mắt cho họ là chính phủ tốt, họ ủng hộ. Nếu làm điều ngược lại họ sẽ đi biểu tình để phản đối. Khi cắt chương trình trợ cấp sữa miễn phí cho học sinh, bà bị công chúng chỉ trích dữ dội, họ gọi bà là Milk Snatcher (kẻ cướp sữa). Ngoài nhóm lợi ích trên, bà còn đối mặt với nhóm lợi ích lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo nghiệp đoàn và không loại trừ lãnh đạo chính trị. Việc này nguy hiểm đến mức bà suýt chết khi bị ám sát bằng bom.
Gian khổ và nguy hiểm tứ bề nhưng bà đã thành công. Chính điều này đưa bà đến danh hiệu bà đầm thép (một phần còn đến từ việc bà xử lý tranh chấp quần đảo Falkland với Argentina). Bà xứng đáng với mệnh danh đó và nhiều vinh quang cao quí khác.
Qua cuộc đời bà Thatcher ta thấy một điều: dù nước Anh có truyền thống dân chủ lâu đời, có tự do ngôn luận, có đa đảng hoạt động nhưng việc gỡ cuộn chỉ rối do doanh nghiệp nhà nước gây ra cũng vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Ở đâu trên trái đất này cũng vậy, giống người là một. Họ luôn có xu hướng hàng động để bảo vệ lợi ích của mình. Con người luôn chăm vào quyền lợi của mình như là một tất yếu. Hành động chống lại lợi ích của một giai tầng trong xã hội đều là hành động nguy hiểm.
Nếu bà Thatcher đối mặt khó khăn ở nước Anh là 1 thì ai muốn bẻ lái con tàu Việt Nam phải đối diện với khó khăn nguy hiểm gấp chục lần. Việt Nam hiện nay không chỉ đối diện với cuộn chỉ rối do hệ thống kinh tế nhà nước chủ đạo gây ra mà còn phải đối diện với nền tảng văn hóa người dân chưa sẵn sàng cho kinh tế tư nhân, tâm lý còn nhiều sợ hãi và đối diện với nền chính trị chuyên chế độc tôn với tự do ngôn luận bị bóp nghẹt. (Chàng độc quyền chính trị, nàng xí nghiệp quốc doanh - mối tình đẹp đôi đệ nhất thiên hạ).
Việt Nam không thể thoát khỏi mớ bùng nhùng hiện nay nếu không có người thép như bà Thatcher, người đã xông lên chặt đứt, dẹp bỏ những dây nhợ lợi ích lùng nhùng để đưa nước Anh quay lại quĩ đạo đúng, hệ thống đúng của xã hội loài người là kinh tế tư nhân, chính trị cạnh tranh.
Mong thay một “bà đầm thép” cho Việt Nam!
Nguyễn Văn Thạnh

4 commentaires:

  1. tiến sĩ giấy10 avril 2013 à 22:22

    Xa vời quá anh Chênh ạ.
    Tôi chỉ ước ao Việt Nam nổi lên một bố già như Vito Corleone, một Zorro, hoặc một hảo hớn ngoài vòng pháp luật để xử đẹp viên thẩm phán và VKS Hải Phòng đem lại công lý cho gia đình họ Đoàn.

    Hải phòng là đất của nhiều tay anh chị tay nhúng máu không tanh nhưng toàn là bọn bát nháo... Mong sao Hải Phòng nổi lên một... người hùng.

    RépondreSupprimer
  2. VN cần nhiều thứ lắm ,trước hết cần sự đồng lòng của những con người quả cảm,sự bền lòng đến kiên cường của từng con người trong chúng ta .

    RépondreSupprimer
  3. Mười bà "đấm thép" Marguerite Thatcher cũng chẳng làm nên công cán gì ở cái xã hội VN nhiễu nhương này!Trẻ em VN đâu được phát sữa miễn phí, dân VN đâu có làm ít ăn nhiều đâu, chỉ có các ông lớn , ông bé là béo bở thôi, nếu "bà đầm thép" hay "ông ta thép" nào mà xuất hiện tại VN thì sẽ bị tai nạn hoặc bị côn đồ đánh hội đồng từ chết đến bi thương mà thôi. Như bạn tiến sỉ giấy nói là đúng, rất cần một Zorro hay Batman có phép thần bỏ điều bốn HP là từ từ sẽ ổn định và sẽ O còn bị xuống hố cả nước nữa!

    RépondreSupprimer
  4. Khi viết bài này, tôi mong mọi người thấy rằng cái bả doanh nghiệp nhà nước, các chương trình phúc lợi cho chính phủ thực hiện nó rất nguy hiểm. Nó vừa làm vui dân chúng vừa hài lòng quan chức. Đất nước bị tàn phá vì nó nhưng dân lại thích nó.
    Hiện nay để dân chủ hóa được VN cần phải làm teo cái mạch máu này.
    Tôi viết tiếp bài này những không thấy ai lên tiếng
    http://huynhngocchenh.blogspot.com/2013/04/khi-nao-nguoi-viet-nam-co-nen-dan-chu.html
    Buồn quá!

    RépondreSupprimer