27/04/2014

NGÀY 30-4 VẪN VƠ NGHĨ LẠI CHUYỆN BẦU CỬ

Tôi biết đến chuyện bầu cử rất sớm. Năm tôi lên chín thì diễn ra cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên của Việt Nam. Tôi nhớ dường như có đến ba ông ra tranh cử gồm quốc trưởng Ngô Đình Diệm, ông Hồ Nhựt Tân và một ông nào đó nữa tôi không còn nhớ rõ.

Tôi nhớ ông Hồ Nhựt Tân bởi lẽ khẩu hiệu tranh cử "Nhựt Tân, Nhựt Tân, Hựu Nhựt Tân" của ông đến tận bây giờ vẫn còn in trong óc tôi, dù suốt một thời gian rất dài tôi chẳng hiểu gì đến ý nghĩa của nó.  Hồi đó ba tôi có giải thích cho mọi người nghe về cái "slogan" tiếng Nho đó, tôi có nghe lén được nhưng rồi quên mất. 
Trưng cầu dân ý năm 1955, truất phế Bảo Đại và đưa Ngô Đình Diệm lên làm quốc trưởng
Hồi nhỏ, vào những năm đầu thập kỉ 60, chẳng có phương tiện vui chơi giải trí gì, cũng chẳng có báo đài để nghe thời sự tin tức. Tôi thường giải trí bằng cách tự cập nhật tin tức thời sự qua những lần nghe lén những cuộc họp chi bộ do ba tôi bí mật tổ chức tại nhà hoặc hóng hớt từ những cuộc đàm đạo của ông với bạn bè trong làng qua những cuộc trà dư tửu hậu. Nhờ thế mà tôi biết được ba tôi đang vận động mọi người bỏ phiếu cho ứng cừ viên Hồ Nhựt Tân. Tôi còn nhớ như in lời hứa của ông Hồ Nhựt Tân, đại khái là sau khi đắt cử, ông sẽ lo cho mỗi gia đình dân nghèo có được một ngôi nhà ngói. Nhiều bạn bè ,đồng chí của ba tôi rất thích thú với lời hứa nầy, vì thời đó cả làng chỉ có vài gia đình giống như nhà tôi có được ngôi nhà tường, lợp ngói, còn lại hầu như là nhà tranh vách đất. Tôi cũng còn nhớ như in những điều ba tôi trao đổi thì thầm riêng với các đồng chí tin cẩn của ông: Hứa hẹn như thế cũng là mị dân thôi, tuy nhiên bầu cho ông Tân là theo chỉ đạo từ trên (?). Tôi thắc mắc cái từ mị dân lắm, nhưng không dám hỏi ba vì sợ lộ ra chuyện mình rình nghe lén cuộc họp bí mật.
Cuộc bầu cử tổng thống thứ hai qua đời tôi cũng là cuộc bầu cử tổng thống thứ hai của Việt Nam Cộng Hòa (hay thứ hai của nước Việt Nam cũng đúng). Lúc đó tôi mới 15 tuổi ,chưa đến tuổi đi bầu nhưng tôi rất quan tâm. Tôi đã có báo đài để theo dõi thời sự một cách chính thức nên hào hứng với cuộc bầu cử nầy lắm. Hồi đó chính phủ VNCH hồn nhiên đến mức cho một liên danh "Việt Cộng nằm vùng" ra tranh cử. Ba tôi bảo đó là liên danh "phe ta" nên tôi tin vậy (sau nầy đọc lại các tài liệu lịch sử thì thấy cũng đúng như vậy). Đó là liên danh của Trương Đình Dzu - Trần Văn Tuyên. Liên danh nầy đã bất ngờ vượt qua các ứng viên nặng ký như Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương... lên đứng hạng nhì sau liên danh đắc cử Nguyễn Văn Thiệu- Nguyễn Cao Kỳ. Logo chim bồ câu hòa bình và sự tác động ngầm của phe Việt Cộng đã giúp cho liên danh nầy kiếm phiếu. Có lẽ đây là cuộc bầu cử dân chủ cuối cùng mà tôi biết được.
LS Trương Đình Dzu
Qua năm 1971, cuộc bầu cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của nền đệ nhị cộng hòa được tổ chức. Hồi đó chiến tranh bước vào giai đoạn căng thẳng nên chính phủ Nguyễn Văn Thiệu dứt khoát không muốn để lọt chức tổng thống vào tay bất cứ hai. Ông biết sự xáo trộn lúc nầy là đưa đến thua trận nhanh chóng. Quốc hội lúc đó đưa ra quy định ai muốn ra tranh cử phải có đủ một số chữ ký giới thiệu nhất định của các nghị sĩ và dân biểu. Hai ông Dương Văn Minh và Nguyễn Cao Kỳ là hai đối thủ rất nặng ký, bị gạt ra hoặc tự nguyện rút ra để phản đối quy định nầy. Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ ba rơi vào thế độc diễn, chỉ có một mình liên danh đương kim tổng thống ra ứng cử. Phe đối lập và sinh viên tranh đấu đứng lên tổ chức các cuộc biểu tình chống độc diễn, tẩy chay bầu cử. Tôi lúc đó vừa đến tuổi đi bầu, nhưng tham gia vào phòng trào chống độc diễn nên cũng tẩy chay đi bầu. Tôi nhớ tôi đã ném thẻ cử tri xuống kênh Nhiêu Lộc đoạn gần chùa Vĩnh Nghiêm ngay sau khi được nhận mà không hiểu rằng đó là lá phiếu cử tri tự do đầu tiên và cuối cùng của đời mình, tính đến ngày hôm nay.

Những ngày đầu sau năm 1975, tôi hy vọng mình sẽ được sống trong đất nước thống nhất, hòa bình, độc lập và dân chủ. Tôi hy vọng sẽ được tham gia vào những cuộc bầu cử dân chủ thực sự với lá phiếu trên tay mình là do mình toàn quyền định đoạt và do vậy mình sẽ góp phần vào việc định đoạt vận mệnh đất nước như bao công dân của các nước dân chủ tiên tiến trên thế giới.
Thế nhưng ngay sau đó thì tôi hiểu được thực chất của cái gọi là dân chủ tập trung của chế độ mới. 
Năm 1976, tôi được tham gia bầu cử quốc hội của nước VN thống nhất và hội đồng nhân dân các cấp, nhưng là cuộc bầu cử tập dượt. Trước khi tiến hành chính thức bầu cử, các cơ quan ban ngành địa phương tổ chức cuộc bầu cử tập dượt. Phiếu bầu in một danh sách trên 10 ứng cử viên do đảng chọn lựa được phát đến cho cán bộ công nhân viên và được hướng dẫn gạch bỏ một hoặc hai người không được bầu. Gạch bỏ ai, cũng được gợi ý hướng dẫn trước. Sau khi bỏ phiếu xong, thùng phiếu bầu thử được mang về ủy ban Huyện kiểm tra. Huyện sẽ rút kinh nghiệm, tuyên dương khen thưởng những đơn vị bầu cử thử đạt yêu cầu và phê bình các đơn vị không đạt yêu cầu theo chỉ đạo. 
Lúc đó tôi đang dạy học tại trường cấp ba Hòa Vang, cuộc bầu cử tập dượt được tổ chức ngay tại cuộc họp toàn thể gíao viên và công nhân viên, buộc trăm phần trăm phải bỏ phiếu thử nên tôi đã tham gia. Đó là lần đi bầu cử (dù là bầu tập dượt) duy nhất của tôi từ sau năm 1975. 
Thế là, từ lúc lớn lên cho đến tận bây giờ tôi chưa được tham dự một cuộc bầu cử nào. 
Và không lẽ từ bây giờ đến cuối đời, không có một cuộc bầu cử thực sự dân chủ nào để tôi được tham gia hay sao? Như vậy thì bất hạnh quá, không chỉ cho riêng tôi.
HNC

6 commentaires:

  1. co phai mot minh Anh bat hanh dau

    RépondreSupprimer
  2. Cám ơn tác giả Huỳnh ngọc Chênh,đúng vậy.

    RépondreSupprimer
  3. Tác giả có được cái diễm phúc tự do không đi bầu,trong khi hầu hết người dân buộc phải chọn cái quyền "tự do được đi bầu",vì nếu không bỏ phiếu,công an đến tận nhà buộc bạn thực hiện quyền "tự do" đó

    RépondreSupprimer
  4. Liên danh thứ ba là liên danh Nguyễn Đình Quát (chỉ là một triệu phú thời đó) bác Chênh à.

    RépondreSupprimer
  5. Don't be sad my brother ! I belive " dinh menh da an bai "

    RépondreSupprimer
  6. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, khi lớn lên lần đầu tiên được đi bầu cử đã bị thất vọng quá lớn vì trò bầu cử có chỉ đạo trước. Tôi đã cố tình làm ngược lại lời người hướng dẫn yêu cầu. Bầu cho người mà anh ta nói phải bỏ. Lần thứ 2. Họ gọi loa thúc dục, bắt chúng tôi đi bầu để lấy thành tích. Rát tai quá đành phải đi, rồi vẫn bị người ta theo dõi chặt chẽ, cứ kèm rề rề bắt mình làm theo ý họ. Tôi thấy trò bầu cử thật nhố nhăng và cứ tự hỏi, tại sao họ muốn như vậy, rồi bắt người ta làm theo mà còn dở trò bầu cử ra làm gì cho tốn kém thế? Từ lần sau đó, mặc kệ họ gọi, họ thúc, tôi lấy lý do bận, rồi cứ đưa tất phiếu cho 1 đứa trong nhóm cầm cả nắm phiếu vứt cho đám bầu cử cho xong chuyện. Bởi đi chỉ phí thời gian vô ích!

    RépondreSupprimer