13/06/2014

DÃ TÂM ĂN CƯỚP DƯỚI CHIÊU BÀI HỮU NGHỊ CỦA TRUNG QUỐC



 Báo lề đảng lại có một bài rất mạnh mẽ về Tàu cộng xâm lược. Lề nào cũng yêu nước, cũng đặt quyền lợi quốc gia lên trên tất cả, mỗi khi tuyên huấn lơ là chuyện kìm kẹp, là đưa lên những bài biết sắc bén vạch trần dã tâm ông bạn vàng của đảng.
(Chính trị Việt Nam) - Đối đầu với Trung Quốc về quân sự Việt Nam không và chưa bao giờ ngán, nhưng trên mặt trận kinh tế, nếu mất cảnh giác là rất nguy hiểm.
Mỹ tấn công Iraq, Afghanistan… rồi gần đây Pháp, Ý tấn công Libya không phải là để chiếm đất đai, mở rộng lãnh thổ mà cái họ cần đạt được là dựng lên một chính phủ mới “thân” họ, sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu chiến lược kinh tế, quân sự của họ hiện tại và tương lai.
Đối với những quốc gia có năng lực quốc phòng mạnh thì dùng đòn kinh tế để làm tan rã quốc gia, thực hiện các “cuộc cách mạng màu” như thời gian gần đây tỏ ra vô cùng hiệu quả.
“Diễn biến hòa bình” Made in China!

Sau 1975 thực tế rõ ràng là có rất nhiều lực lượng thù địch hoạt động chống phá Việt Nam và chúng ta gọi đó là “Chiến lược diễn biến hòa bình”.
Với sự đổi mới tư duy, đa phương hóa trong các mối quan hệ quốc tế, Việt Nam đã từng bước hòa nhập vào thế giới. Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước trên thế giới khiến áp lực “diễn biến hòa bình” giảm hẳn, nhưng có một sức ép, khác-sức ép này nằm trong chiến lược thôn tính Việt Nam vô cùng thâm hiểm mà nhà cầm quyền Bắc Kinh từ xưa đến nay đã triển khai thực hiện từng giờ, từng phút không bao giờ ngơi nghỉ.
Nếu như “chiến lược diễn biến hòa bình” dễ nhận ra bởi mục đích chống phá, phá hoại Việt Nam, dựng nên một chính phủ khác để chi phối, lũng đoạn thì chiến lược thôn tính Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc thâm và hiểm ở chỗ nó thực hiện dưới chiêu bài anh em đồng chí, hữu nghị... có mục tiêu chính trị “giống nhau”. 
Cài thế chiến lược thôn tính Việt Nam
Một điều khẳng định được ngay là nếu Trung Quốc không đạt được mục tiêu chi phối Việt Nam là có chuyện ngay. Tùy theo tình hình mạnh yếu khác nhau, họ luôn gây căng thẳng, đe dọa và tiến hành chiến tranh. Xuyên suốt lịch sử Việt Nam và Trung Quốc bao đời nay là vậy.
Gần đây nhất là năm 1979, Khơ me đỏ dưới sự chỉ đạo của Trung Quốc dùng hàng chục sư đoàn quân hiếu chiến tấn công Việt Nam ở biên giới Tây Nam. Thế 2 gọng kìm phía Nam và Tây áp sát Việt Nam là nước cờ rất hiểm, cho nên, từ thời Đặng Tiểu Bình cho đến nay, giới cầm quyền Trung Quốc bám riết lấy để chơi nước cờ này mà không bao giờ từ bỏ. 
Sau 1979, các nhà đầu tư Trung Quốc đã sang thuê đất “trồng rừng” ở nhiều nơi như biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng. Tại Nghệ An, họ thuê đất gần với đường 7, đường 8 sang Lào. Tại Quảng Nam họ thuê gần khu vực có đường thuận tiện lên Tây Nguyên và sang Campuchia… Lưu ý là những khu vực mà họ thuê thì người Việt không được bén mảng vào đó.
Người Trung Quốc cũng thuê nuôi cá bè tại Nha Trang gần cảng Cam Ranh.
Vị trí Tây Nguyên, nơi mà các nhà quân sự cho rằng ai chiếm được nó là làm chủ toàn Đông Dương hay Vũng Áng-Hà Tĩnh, điểm cắt ngắn nhất sang đảo Hải Nam cũng đã có người Trung Quốc làm các dự án kinh tế.
Trên thực tế, đối đầu với Trung Quốc về quân sự thì Việt Nam không và chưa bao giờ ngán. Nhưng làm ăn kinh tế với Trung Quốc như trong thời gian qua, ngẫm lại thấy lo. Nếu Việt Nam cảnh giác với Trung Quốc như đã từng cảnh giác với phương Tây trong chiến lược diễn biến hòa bình thì không hề gì, đằng này Trung Quốc lợi dụng tình hữu nghị anh em để che đây dã tâm thôn tính của họ.
Tính đến năm 2011 đã có tới 90% các công trình khai khoáng, luyện kim, dầu khí, hóa chất đều do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Có tới 30 doanh nghiệp Trung Quốc đang thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia. Xét về điện đã có nhiều dự án tỷ đô la rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Tiêu biểu phải kể đến dự án điện Quảng Ninh 1, 2 với giá trị 400 triệu USD; điện Mỹ Tân 2 với số vốn 1,3 tỷ USD; điện Duyên Hải 1 là 4,4 tỷ USD.
Vấn đề cần đặt ra là: Tại sao và Trung Quốc muốn gì?.
Trước hết phải hiểu vì sao các doanh nghiệp của Trung Quốc trúng thầu, vì họ bỏ giá rẻ. Bỏ giá rẻ là lỗ, chẳng có doanh nghiệp nào điên khùng như thế, nhưng các doanh nghiệp của Trung Quốc thì không. Miễn sao trúng thầu, trúng thầu rồi, sau một thời gian thì họ báo đội giá (vậy thì đấu thầu có ý nghĩa gì?) rồi làm đến đâu là quyền của họ, họ luôn luôn lạm dùng tình hữu nghị Trung-Việt!
Thứ nhất là hầu như các dự án đó có tiến độ rất ì ạch, khi hoàn thành thì vận hành gặp rất nhiều trục trặc, phụ thuộc hoàn toàn vào nhà thầu Trung Quốc.
Thứ hai là họ không thuê lao động là người Việt Nam mà họ đem người Trung Quốc sang làm.Nguyên ngoại trưởng Mỹ, bà H.Clinton chẳng đã từng vạch mặt gọi Trung Quốc là thực dân ở châu Phi đó sao!.
Trung Quốc đã, đang, tạo nên một sức ép rất lớn lên Việt Nam. Và, có thể nói, Việt Nam phải đối phó với rất nhiều mũi nhọn mà Trung Quốc chĩa vào chứ không phải chỉ riêng ở Biển Đông.
 Rung chấn từ giàn khoan Hải Dương 981
Nếu như sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc khiến Nhật Bản thay đổi Hiến pháp hòa bình thì sự hung hăng, ngang ngược, bất chấp của Trung Quốc gần đây nhất trong vụ hạ đặt giàn khoan trái pháp trong thềm lục địa Việt Nam đã  như giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Việt Nam không còn một chút lòng tin nào vào Trung Quốc mà thay vào đó là sự cảnh giác, cảnh giác đến cao độ.
Thủ tướng Việt Nam tuyên bố: “Không đánh đổi chủ quyền thiêng liêng bằng thứ hữu nghị viễn vông hay hòa bình lệ thuộc nào đó”.
Đây là một tuyên bố có ý nghĩa đánh dấu lịch sử quan trọng, tuyên bố dứt khoát thoát ra khỏi lệ thuộc Trung Quốc, một láng giềng đầy dã tâm.
Khó khăn về kinh tế sẽ đến với chúng ta, thậm chí chiến tranh có thể xảy ra, nhưng muốn tự do, muốn độc lập dân tộc, muốn có sự thay đổi, phát triển thì phải dứt khoát thay đổi tư duy. Khi đã xác định rõ “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” thì sẵn sàng chấp nhận mọi giá để có được và giữ được độc lập, tự do.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire