27/11/2015

ĐÔI LỜI VỚI BỘ TRƯỞNG HOÀNG TUẤN ANH

Huỳnh Ngọc Chênh
Chuyện đã qua rồi nhưng không thể không nói lại đôi lời với bộ trưởng  VHTTDL Hoàng Tuấn Anh. Ông đang nổi nhất hiện nay, nổi không phải ở cương vị bộ trưởng mà ở cương vị một diễn viên hài như ông đã tự nhận khi giải thích lý do gây cười của mình trước quốc hội:  "Tôi trả lời như vậy là để giảm stress cho các đại biểu"

Còn trong cương vị là bộ trưởng thì hầu như ông không làm được gì. Qua cách trả lời chất vấn của ông trước QH đã nói lên điều đó. Thay vì phải nói lên cái làm được, cái chưa làm được thông qua con số tăng trưởng du lịch và lý do chưa làm được thì ông lại lọ mọ nêu ra hai sản phẩm du lịch mà ông rất tự hào.

Cái thứ nhất là nhà văn hoá các dân tộc. Ông tự hào về sản phẩm nầy không phải là lượng khách du lịch đến thăm hàng năm và hiệu quả kinh tế của nó mà tự hào vì có các quan chức quan trọng đến thăm, có đoàn nghị sĩ nào đó đến thăm, phó tổng thống nào đó đến xin học tập kinh nghiệm…toàn cái kiểu tự hào theo tư duy phong trào hình thức lập công khoe cấp trên.
Và cái sản phẩm đáng tự hào đó được phóng viên báo Lao Động mới đây đưa lên mô tả như sau:
Sản phẩm du lịch đầy tự hào của bộ VHTTDL

“Thánh địa” du lịch hoang tàn, xập xệ
Với diện tích 1.544ha, kinh phí từ ngân sách nhà nước được Chính phủ phê duyệt trong giai đoạn 2008-2015 là 3.256,8 tỉ đồng, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc VN (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) được kỳ vọng trở thành “thánh địa” của du lịch - dịch vụ - văn hóa. Tuy nhiên, từ khi mở cửa (9.2010) đến nay, Làng Văn hóa chẳng khác gì một khu đất bị bỏ quên.
Hai năm trước, năm 2013, PV báo Lao Động đã ghé thăm Làng Văn hóa và thực hiện một phóng sự nói về sự hoang tàn, xác xơ nơi đây. “Thánh địa” du lịch vắng lặng, hiu hắt, đến mức nghe thấy cả tiếng bước chân đi. Hàng loạt công trình mới xây bắt đầu xuống cấp, xập xệ. Các khu nhà xây dựng cho du khách tham quan luôn bị khóa trái cửa. Khách có lỡ đến thăm quan mà đói bụng thì đành nhịn về Hà Nội ăn uống, bởi ở đây không có bất cứ một dịch vụ nào, dù là tối thiểu.
Đến nay, sau 2 năm lại ghé thăm làng, cảnh tượng vẫn không thay đổi. Có chăng, lễ hội nhiều hơn, rác nhiều hơn, còn sự hoang vu, lạnh lẽo vẫn như cũ. Những con đường dẫn vào làng rải nhựa thật đẹp, nhưng hiếm hoi lắm mới nghe thấy tiếng xe máy. Trên đường vào “Khu các làng dân tộc”, phòng bảo vệ đìu hiu, không người trực, chiếc barie bằng tre mục giương sẵn nhưng chẳng có khách ghé thăm.
Những ngôi nhà mô phỏng theo kiến trúc nhà ở của đồng bào các dân tộc vẫn cửa đóng then cài, một vài ngôi nhà có cửa phụ hoặc cửa sổ, ngó vào chỉ thấy mùi hôi nồng, ẩm mốc. Những mái nhà trơ khung, lan can trơ khớp gỗ và những lối vào nhà như mê cung bởi cỏ dại mọc ngút tầm mắt…
Những năm gần đây, để cứu vãn sự thất bại về ấn tượng Làng Văn hóa trong lòng du khách, Ban Quản lý (BQL) Làng thường xuyên tổ chức lễ hội, hội nghị, huy động đồng bào dân tộc từ các địa phương về biểu diễn cho mọi người xem, lấy kinh phí từ ngân sách Nhà nước. Khi hết lễ hội, đồng bào lại kéo nhau về. Chưa hết, dù là lễ hội với chủ đề gì thì đều giống nhau, chợ vùng cao lẫn lộn hàng hóa Trung Quốc với sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc, chợ nổi Nam Bộ hết trái cây từ miền Tây mang ra, BTC đành… dùng tạm trái cây mua vội từ Hà Nội. Lễ hội sắc xuân, dân ca, dân vũ diễn ra nhàm chán, trùng lặp, du khách cứ tham gia được nửa buổi là bắt đầu thấy nhễ nhại mồ hôi, mệt mỏi và… đói vì thiếu dịch vụ. (trích báo Lao Động)

Cái sản phẩm thứ hai là cái nón lá được giải tư trong cái hội chợ nào đó thì ông lại cầm nhầm niềm tự hào của ngành thủ công mỹ nghệ. Cái đó không phải sản phẩm du lịch, mà là sản phẩm của ngành thủ công mỹ nghệ.
Không cần kiểm tra, cân đo mọi người cũng đều thấy ngay những lãnh vực bộ ông phụ trách đều đi xuống, đi xuống một cách thảm hại từ du lịch, đến thề thao đến văn hoá.  Du lịch thì thua cả Lào và Kampuchia, thể thao thì bi đát, văn hoá thì xuống cấp trên nhiều bình diện. Dường như thành tích mà ông đạt được là bình chọn Hạ Long một cách tào lao, đăng cai ASIAD để bỏ chạy vì không đủ năng lực và…xây dựng thành công vang dội các tượng đài về mặt phô trương.
Trước khi được đề bạt lên làm bô trưởng, ông là chủ tịch một tp Đà Nẵng lẫy lừng. Nhưng công trạng của ông ở đó đã được dân gian đúc kết lại qua bài đồng dao sau: “Trời của Thanh, đất của Thanh, con chim trên cành là của Tuấn Anh”.  Thế nhưng dân Đà Nẵng cũng chưa chịu dừng ở đó, họ còn hiệu đính lại cho đúng hơn: “ Trời của Thanh, đất của Thanh, con chim trên cành cũng của Thanh, con chim trong quần mới của Tuấn Anh”
Thật tình tôi rất đau xót khi viết về ông, bởi ông không những là đồng hương cùng huyện mà còn là người quen biết cũ của tôi. Tôi quen ông từ khi ông còn làm bí thư tỉnh đoàn  QNĐN, phải chi ông cứ làm tỉnh đoàn vô thưởng vô phạt ấy mãi cho đến lúc về hưu thì đỡ hại cho ông và đỡ hại cho đất nước biết bao.
Tôi mang ông ra đây không phải nhằm công kích ông mà muốn nói đến cái cơ chế đề bạt nhân sự quốc gia một cách phản dân chủ, hại dân hại nước, càng lúc càng đưa những người yếu kém ra gánh vác trọng trách. Những con người như thế mà đưa lên gánh vác đất nước thì hỏi sao đất nước nầy không điêu linh tàn mạt.
Mà nội các Nguyễn Tấn Dũng không phải chỉ có cá biệt một bô trưởng như ông.
Các quan chức nhà nước khác cũng như các đại biểu quốc hội có "tầm vóc" như ông lại không phải là ít.
Đau.
HNC



1 commentaire:

  1. Nhân dân Đà Nẵng sẽ biết ơn Bác vì đã nói hộ một điều khó nói với ông anh !

    RépondreSupprimer