Đến dự phiên toà xét xử Nguyễn Mai Trung Tuấn có thầy giáo chủ nhiệm năm lớp 9 là năm học cuối cùng của cuộc đời học sinh của em.
Thầy cho biết liên tục từ lớp 6 đến lớp 9 em là học sinh ngoan luôn luôn đạt hạnh kiểm tốt. Mẹ em, bị cáo của phiên toà trước, cũng xuất hiện trước toà cho biết em là đứa con ngoan hiền trong gia đình, tuy còn nhỏ nhưng đã biết giúp đỡ cha mẹ và lo lắng cho em.
Điều gì đã đẩy một cậu bé ngoan hiền như em vào con đường chống lại cả một hệ thống cơ quan quyền lực?
Phát biểu tại toà, ông Nguyễn Trung Cang, cha em đã nói nếu chính quyền địa phương vận dụng quyết định 3047 và 2282 (?) thay vì các quyết định 3629 và 2772 liên quan đến đền bù giải toả thì đã không đẩy gia đình ông vào bước đường cùng như hôm nay: mất đất, tan nhà, hai vợ chồng vào tù và đứa con 15 tuổi bé bỏng của ông cũng đối diện với phiên toà.
Miếng đất mà gia đình ông sinh sống trên đó từ bao đời, nhờ vào đó mà gia đình ông mới mở quán buôn bán làm ăn mang đến nguồn thu nhập để nuôi hai con ăn học. Cướp miếng đất đó đi không những là cướp đi chỗ ở duy nhất mà còn triệt tiêu phương tiện sinh sống từ bao lâu nay của gia đình ông.
Gia đình ông quyết liệt chống lại lệnh cưỡng chế vì sự vận dụng phi lý của chính quyền địa phương và vì không còn con đường sống.
Sáng ngày 14/4/2015 là ngày lực lượng cưỡng chế đến trấn áp gia đình bất hạnh đó, cậu bé Trung Tuấn quá thương cha mẹ không thể cắp sách đến trường được. Cậu quyết định ở lại nhà với... bom xăng và ná cao su để ngăn cản lực lượng cưỡng chế hùng hậu được vũ trang đến tận răng theo như tư duy trẻ con của cậu.
Cậu đã ném bom xăng xuống mặt đường trước cửa nhà với hy vọng ngăn cản không cho lực lượng hung dữ đó vào nhà bắt cả nhà cậu đi. Đám lửa nhỏ nhoi ấy cũng không ngăn cản được ai, cậu hoảng hốt dùng đến ná cao su bắn vào đoàn người cưỡng chế. Nhưng cậu cũng chẳng bắn trúng được ai.
Khi lực lượng cưỡng chế do trung tá công an dẫn đầu tràn vào thì ngôi nhà bùng lên bốc cháy. Hoảng loạn cũng bùng lên. Hoảng loạn đến mức viên trung tá chỉ huy cũng quay lưng bỏ chạy ra ngoài. Trong bối cảnh đó, lại vang lên các tiếng thét của lực lượng cưỡng chế: Bắt lấy nó, bắt lấy nó!
Cậu bé không còn biết suy nghĩ gì nữa, sẵn ca axit của ba cậu dùng để chế bình accu xe (ba cậu làm nghề sửa xe) để gần đó cậu đã chụp và tạt ra ngoài, ngẫu nhiên trúng vào lưng ông trung tá công an đang xoay lưng bỏ chạy vì hoảng loạn.
Nếu thương tật của ông trung tá ở mức 30% thì Tuấn đã vô tội. Nhưng luật sư Nguyễn Văn Miếng cho rằng có vấn đề trong chuyện giám định thương tật. Cơ quan giám định của địa phương chưa khách quan, thủ tục giám định có sai trái, bản kết quả giám định đưa ra toà là bản sao chứ không phải bản chính, hai giám định viên được luật sư yêu cầu ra làm chứng cũng không có mặt...Luât sư Miếng nghi ngờ mức thương tật 35% mà giám định đưa ra, cái mức vừa đủ khít để cò thể truy tố Tuấn về hành vi tấn công gây ra thương tích.
Trực tiếp nghe phiên toà (qua loa bắt ra ngoài) tôi thấy cả một hệ thống toà án đang truy bức cậu bé. Từ chủ toạ phiên toà, đến hai vị hội thẩm đến công tố viên đều đặt ra những câu hỏi áp chế, mớm cung để gài cậu bé từ hành vi không cố ý thành hành vi cố ý.
Luôn miệng những người nầy dùng từ "trừng trị" "răn đe" khi xét hỏi cậu bé 15 tuổi.
Bản án đã tuyên y như mức mà công tố viên đã hăm hở đề nghị. Tất cả những bào chữa hợp lý của luật sư Miếng đều bị gạt bỏ.
Cả một hệ thống vào cuôc một cách thô thiển, thô bỉ và tàn bạo đến bất nhân để đẩy một gia đình dân lành vào bước đường cùng.
Phiên toà kết thúc, tôi đứng lên và bắt gặp ngay cô bé Nguyễn Mai Thảo Ly em gái của Tuấn. Em cố gượng cười để tôi chụp ảnh, nhưng miệng em cứ méo dần đi. Mắt em buồn rười rượi. Em sẽ đi về đâu khi không còn nhà, không còn cha, không còn mẹ và không còn cả người anh trai thương yêu, sẵn sàng đi chăn vịt để kiếm tiền nuôi em đi học khi cha mẹ đã vào tù.
Em gái Thảo Ly của bị cáo 15 tuổi |
Đến dự phiên toà công khai bên ngoài hành lang là đông đảo dân oan từ khắp mọi miền |
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire