11/02/2016

Ông Dương Trung Quốc: Giặc nội xâm phải "xử" ngay, còn ngoại xâm cứ đến là đánh


Ngọc Quang (Thực hiện)

(GDVN) -Mặt trận cuối cùng không phải là chống đế quốc phong kiến nữa. Cũng không phải chống giặc ngoại xâm, vì đã là giặc xâm phạm bờ cõi thì bao nhiêu lần cũng đánh.

Mùa xuân mang đến nhiều hy vọng cho mọi người, cho mọi nhà, còn với Nhà sử học Dương Trung Quốc - ông luôn chờ đợi đất nước có thật nhiều đổi mới, người dân thực sự được tham gia vào tiến trình xây dựng đất nước. 

Lời đầu tiên, thay mặt cho hàng vạn độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, xin chân thành cảm ơn ông đã có rất nhiều chia sẻ, đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực của đất nước với vai trò là nhà nghiên cứu lịch sử và Đại biểu Quốc hội trong năm vừa qua… Đón mùa xuân mới, ông mong mỏi điều gì cho đất nước?
 
 


Nhà sử học Dương Trung Quốc: Vừa rồi chúng ta đã trải qua một sự kiện lịch sử rất quan trọng, đó là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Tôi mong rằng qua Đại hội lần này sẽ tạo ra được sức mạnh thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước.

Nói đổi mới thì đã nói rất nhiều, nhưng bản chất là dân chủ, là hội nhập, hướng tới những giá trị phổ quát của nhân loại. Cái bài học lớn nhất là chúng ta kỷ niệm 70 ngày Quốc khánh 2/9 và 70 năm thành lập Quốc hội Việt Nam thì một lần nữa toàn dân thấy được đó là những giá trị cơ bản, nó sống mãi trong lòng dân tộc.

Tôi trở lại với câu chúc cổ điển của người xưa, đó là: “Nhật tân nhật tân hựu nhật tân” – hiểu một cách nôm na là mỗi ngày có thêm một cái mới.
 
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh, minh bạch là yếu tố vô cùng quan trọng để chống tham nhũng. ảnh: Ngọc Quang.
 
Vậy ông nhìn nhận thế nào về vấn đề dân chủ hiện nay?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ là về mặt lý thuyết chúng ta đã nói rất nhiều rồi, chẳng thiếu cái gì, chỉ có một việc quan trọng nhất bây giờ là phải làm cho tốt thôi.

Tôi tin rằng khi người dân thực sự được tham gia vào tiến trình phát triển của đất nước thì mới phát huy được sức mạnh của cả dân tộc. Tôi lấy một thí dụ đơn giả nhất là bài học lịch sử cách đây 70 năm vẫn còn nguyên giá trị.

Cụ Hồ đã dựa vào sức mạnh của chính mình, tức là sức mạnh của dân, để tạo nên những chiến thắng oanh liệt, lập nên một nhà nước chỉ với một mục tiêu duy nhất là mọi việc làm đều phải vì dân, trọng dân.

Mốn dân chủ thì phải minh bạch, minh bạch một cách thực sự, thưa ông?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Minh bạch chính là một yếu tố hết sức quan trọng để đảm bảo dân chủ. Tôi nói ngay một thí dụ đơn giản là chúng ta lâu nay đã nói quá nhiều về chuyện cán bộ kê khai tài sản. Kê khai một cách hình thức, chứ chưa đi vào thực chất và lâu lâu lại rộ lên một số tin cán bộ cấp cao có nhiều tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng.

Người dân thì bán tín bán nghi, và nhiều người tin đó là sự thật, bởi lẽ chúng ta thực sự công khai, minh bạch.

Có lần, tôi đã chia sẻ với bạn rằng, nếu chúng ta làm điều đó một cách thẳng thắn và đàng hoàng thì đấy chính là biện pháp hữu hiệu để nâng cao các giá trị niềm tin trong nhân dân. Vậy thì tại sao chúng ta biết như vậy rồi mà chưa thực sự làm được, tôi nghĩ đó là điều rất đáng suy ngẫm.

Thưa ông, vào cuối năm 2015, Tổ chức minh bạch thế giới một lần nữa công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng của 168 quốc gia. Việt Nam đứng 112 trên bảng xếp hạng, với điểm số 31/100, tức là 4 năm liền không có sự cải thiện về điểm số. Ông có thấy bất ngờ với thông tin này?

Nhà sư học Dương Trung Quốc: Tôi không thấy bất ngờ, bởi vì thực tế chống tham nhũng chưa thay đổi được bao nhiêu cả trong tư duy và hành động.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội vừa qua đã nêu ra các số liệu cho thấy số vụ bị phát hiện tham nhũng rất ít, số cán bộ bị xử lý kỷ luật liên quan tới tham nhũng cũng không nhiều, trong khi đó dư luận nhân dân lại tin rằng tham nhũng rất nhiều. Vậy thì chúng ta tin vào dân hay tin báo cáo của cơ quan nhà nước, đó cũng là vấn đề rất cần phải lưu tâm.

Tại kỳ họp vừa rồi, tôi cũng đã chuẩn bị một bài phát biểu về vấn đề này, nhưng rất tiếc là không có cơ hội được trình bày. Tôi nói với tinh thần cách đây 10 năm khi bắt đầu bàn về câu chuyện xây dựng Luật phòng chống tham nhũng. Thực ra về mặt lý thuyết, chống tham nhũng ở Việt Nam là dễ nhất thế giới. Vì tham nhũng phải đi liền với quyền lực, đi liền với chức vụ.

Những người có chức vụ là ai? Trước hết là Đảng viên, điều đó là rất rõ rồi, vì cơ chế của mình như thế. Trong số 4,5 triệu Đảng viên thì chỉ có một số rất nhỏ có quyền lực, trong số những người nắm quyền lực ấy thì cũng không phải tất cả đều lợi dụng chức vụ và quyền lực để tham nhũng. Như cách nói của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là có một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên suy thoái, biến chất.

Tôi nghĩ rằng khi đã thấy được vấn đề như vậy thì chống tham nhũng cũng đơn giản như chống dịch bệnh, tức là khu trú được ổ dịch, bây giờ phải tìm cho được biện pháp tiêu diệt hẳn mầm bệnh.

Mỗi một lần ở Đại hội Đảng hay sinh hoạt Đảng, chúng ta đều nghe thấy câu hát “Đấu tranh này là trận cuối cùng”. Mặt trận cuối cùng không phải là chống đế quốc phong kiến nữa. Cũng không phải chống giặc ngoại xâm, vì đã là giặc xâm phạm vào bờ cõi thì bao nhiêu lần nữa cũng đánh.

Tôi tin rằng điều quan trọng nhất là phải chống cho được tham nhũng, vì nếu không thì chúng ta tự diệt vong, Đảng không còn giữ được sự lãnh đạo như mong muốn của các thế hệ đi trước.

Vì vậy, sự nghiêm túc của Đảng cũng chính là mong mỏi của dân, và chắc chắn nhân dân sẽ rất ủng hộ nếu Đảng thực sự kiên quyết chống tham nhũng.

Nhân dịp xuân Bính Thân, xin chúc ông mạnh khoẻ, tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng cho nước nhà!

Ngọc Quang (Thực hiện)

1 commentaire:

  1. Tôi khôngđồng ý với quanđiểm choằng chống tham nhũng là dễ khi đã xác định được mục tiêu. Biết đấy những bằng chứng đâu??? vả lại hệ thông điều tra, tư phấp của ta có quá nhiều thứ để người dân nghi ngờ khó có khả năng chông tham nhũng. Vũ khí chống tham nhũng hiệu quả nhất không phải chỉ là minh bạch mà cốt yếu pải có dân chủ và tam quyền phân lập, và cũng phải có cơ chế ấy thì đất nước mới phát triển được. Thực tế gần một thế kỷ qua đã chứng minh thực tế đó.

    RépondreSupprimer