15/03/2016

ĐỐI THOẠI SẦM SƠN: LỜI NGỎ GỬI ÔNG BÍ THƯ TỈNH UỶ XỨ THANH!

                                                                                                                                                                                                                                                                      

                                                      -Nguyễn Đăng Quang- 

          Cuối cùng thì Lãnh đạo cao nhất tỉnh Thanh Hoá cũng đã xuất hiện. Việc ông Bí thư Tỉnh uỷ Trịnh Văn Chiến đối thoại trực tiếp với ngư dân Sầm Sơn hôm 7/3/2016 tuy có muộn nhưng đã thành công, và tháo được ngòi nổ! Sau đối thoại, người dân phấn khởi vì bước đầu họ giành được thắng lợi, họ giữ được quyền mưu sinh khi Lãnh đạo tỉnh khẳng định không có văn bản pháp lý nào buộc ngư dân di chuyển bến thuyền của họ đi nơi khác, họ được tiếp tục neo đậu tầu thuyền ở bến cũ và cứ ra khơi đánh bắt hải sản như bình thường!  Kết luận buổi đối thoại, ông Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá rõng rạc tuyên bố : “Tôi đã rà soát lại các văn bản, nhưng không có văn bản nào chỉ rõ việc bà con phải di chuyển bến thuyền cả. (Vậy xin) Bà con vẫn cứ ra khơi khai thác và đánh bắt như lâu nay vẫn làm! 



        Trước đó, trong suốt 10 ngày liên tục, từ 26/2 đến 6/3/2016, hàng ngày có hàng trăm, có hôm lên cả gần ngàn ngư dân của 3 phường Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn và xã Quảng Cư thị xã Sầm Sơn cơm bọc, áo đùm, thay nhau “biểu tình ôn hoà” trước cổng UBND tỉnh Thanh Hoá để đấu tranh đòi dân sinh và bảo vệ công lý(1). Đòi hỏi của họ vừa rất chính đáng vừa rất chính nghĩa: Đánh bắt hải sản là nghề mưu sinh của họ hàng bao đời nay, tầu thuyền đi biển của họ to nhỏ đều phải có bến đỗ và bến đỗ đó đã có hàng trăm năm rồi!  Nay bỗng nhiên, chính quyền sở tại xua đuổi ghe thuyền của họ khỏi bến đỗ cũ đã tồn tại hàng bao đời nay để giao cho tập đoàn FLC, và buộc họ đưa số ghe tầu lớn đến đỗ ở bến mới cách xa 10 km, còn những ghe thuyền nhỏ có công xuất dưới 20CV đều bị giải bản (tức phá bỏ, ngư dân phải cam kết không đóng mới, mua mới tầu ghe nhỏ hơn 30CV) để được nhận hỗ trợ từ 50 - 70 triệu cho mỗi ghe thuyền giải bản. Như vậy chẳng khác nào chính quyền đã cùng tập đoàn FLC triệt tiêu kế sinh nhai hàng bao đời nay của họ! (2)

       Ông Bí thư Tỉnh uỷ Trịnh Văn Chiến sau nhiều ngày quan sát và nhiều đêm mất ngủ, cuối cùng buộc phải xuất hiện để tháo ngòi nổ bằng việc tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với ngư dân ở Sầm Sơn trong sự bảo vệ nghiêm ngặt của một lực lượng hùng hậu cảnh sát cơ động! Xin hoan nghênh và cũng xin chúc mừng ông Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã làm một việc khôn ngoan và hợp lòng dân, dù có hơi muộn!  Song điều quan trọng nhất là đã tháo được ngòi nổ. Hậu đối thoại sẽ còn rất nhiều việc phải làm, chưa thể nói là mọi việc đã êm xuôi!

     Nhân sự kiện này, tôi có vài lời ngỏ xin gửi tới ông Bí thư Tỉnh uỷ xứ Thanh như sau:

     Một là, như ông nói “Không có bất cứ một văn bản nào của cấp tỉnh quy định là ngày mấy, tháng mấy, năm mấy là phải di dời bến thuyền này!”  Vậy, xin hỏi ông:  Thế thì tại sao chính quyền tỉnh Thanh Hoá nói chung và thị xã Sầm Sơn nói riêng lại như đồng loạt và ngang nhiên xua đuổi tầu thuyền của bà con ngư dân, không cho neo đậu tại bến cũ, mà buộc họ di dời đi chỗ khác, bắt họ đến neo đậu tại bến mới cách đó 10 km, mà việc này phải thực hiện ngay để tập đoàn FLC hoàn thiện các hạng mục công trình được giao dọc 3,5 km chiều dài bờ biển Sầm Sơn trước 30/4/2016 để kịp phục đón khách du lịch mùa hè tới?  Phải chăng, họ đã thực hiện một chỉ thị hay quyết định ngầm của cấp cao nào đó trong tỉnh nhà? Nếu không có thì họ dựa vào thế lực nào để làm bậy như vậy? Còn trước đó nhiều ngày, lực lượng bảo vệ tập đoàn FLC đã nhiều lần cản trở, ngăn không cho ghe, thuyền của bà con ngư dân được neo đậu tại bến cá lâu nay của họ. Thậm chí số bảo vệ này còn rất ngang ngược không cho ngư dân cào ngao kiếm sống ngay trên bãi biển Sầm Sơn này. Những hành động vi phạm pháp luật rõ rệt của cấp dưới như vậy, chẳng nhẽ ông Bí thư Tỉnh uỷ không biết?  Nếu ông không biết, nay qua vụ việc này hẳn ông đã biết, vậy ông dự kiến sẽ xử lý số cá nhân là cán bộ, đảng viên và các tổ chức, ban ngành của chính quyền từ thị xã Sầm Sơn lên đến tỉnh Thanh Hoá-những cá nhân và tổ chức đã bất chấp luật  pháp, lợi dụng chức quyền để o ép dân lành- như thế nào đây để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước? Còn đối với số nhân viên bảo vệ FLC ỷ thế đồng tiền của chủ, coi thường pháp luật, coi thường người dân và coi thường ngay cả chính quyền thị xã Sầm Sơn, ngang nhiên ngăn cản ngư dân kiếm sống trên bãi biển của họ, ông sẽ có biện pháp gì để bảo vệ quyền lợi người dân và ngăn chặn những kẻ coi thường luật pháp, thưa ông? Tôi xin nêu lên khúc mắc như vậy, vì điều này không thấy ông đề cập đến trong buổi đối thoại. Hai sự việc trên, với tư cách là Bí thư Tỉnh uỷ, ông không thể không biết!

        Hai là, có một sự việc đáng tiếc đã xảy ra: 4 ngày trước khi ông về Sầm Sơn để đối thoại với bà con ngư dân, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá ra Quyết định số 116 ngày 3/3/2016 khởi tố “Vụ án hình sự: Gây rối trật tự công cộng” (3). Rồi đây, khi tình hình lắng dịu, dư âm cuộc đối thoại qua đi, rất có thể sẽ có một vài người, thậm chí đến cả chục người, bao gồm những ngư dân mà Cơ quan Cảnh sát Điều tra cho là “những kẻ kích động gây rối”, nhưng thực ra họ là những người khích lệ, cổ vũ hoặc động viên bà con ngư dân đấu tranh cho công lý và đòi quyền dân sinh của mình trong suốt 10 ngày liền để có buổi đối thoại được lòng dân giữa ông với ngư dân ở thị xã Sầm Sơn hôm 7/3/2016 vừa qua,  sẽ bị xử lý!  Vâng, rất có thể họ sẽ sớm bị bắt giam để phục vụ “công tác điều tra”!  Cho đến hôm nay, tôi cũng chưa rõ là những ai, gồm bao nhiêu người, song giá như ông Bí thư sớm tổ chức đối thoại với dân (ngay sau hôm 26/2 hoặc trước hôm 29/2/2016) thì ắt hẳn nhiều ngư dân sẽ tránh được nguy cơ rơi vào vòng lao lý, bị bắt, bị truy tố vì tội “tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng” phải không, thưa ông?  Ngoài ra, nếu như ngay từ đầu ông quyết định sớm đối thoại thì đâu ông đã phải mất ngủ mấy đêm để suy tính?  Trong buổi đối thoại vừa qua, chính ông cũng đã nhận lỗi là đã để xảy ra sự việc đáng tiếc này! Vậy xin ông đừng để xẩy thêm một việc đáng tiếc hoặc một oan khiên nào khác với ngư dân Sầm Sơn nữa bằng cách lệnh cho cấp dưới đình chỉ ngay quyết định khởi tố vụ án kia đi, vì rất có thể nó sẽ làm tình hình thuận lợi sau đối thoại sẽ trở nên bất lợi và xấu đi thôi!  Thua dân không có gì xấu hổ cả, thưa ông!  Nhân đây, xin phép được hỏi thêm ông, và xin ông thực tâm cho biết là: Trong sự việc xảy ra ở Sầm Sơn vừa rồi giữa chính quyền và người dân, bên nào có lỗi nhiều hơn, ai sai nhiều hơn, và lỗi chính thuộc về bên nào, hả ông?

      Ba là, có một chi tiết tuy nhỏ nhưng nó nói lên một điều hoàn toàn không nhỏ. Theo bản tin của báo Tuổi trẻ, trong buổi đối thoại, ông tuyên bố giữa hội trường: “ Tỉnh đã ban hành cơ chế chính sách di dời bến bãi rất ưu đãi, vượt nhiều lần về quy định chính sách hiện hành. Nhiều bà con muốn nhận tiền, nhưng do một bộ phận lôi kéo nên chưa nhận tiền. Tôi cũng nhận thấy còn một bộ phận người dân chưa đồng tình.”  Nghe đến đây, lập tức từ dưới Hội trường nhiều ngư dân lên tiếng phản đối, cho rằng nói người dân muốn nhận tiền đền bù là không đúng! (Thấy vậy, ông bèn đính chính) “ Cơ bản đa số bà con chưa đồng tình với chủ trương chính sách của tỉnh. Tôi nói lại như vậy, được chưa?”. Dưới hội trường ngư dân đồng thanh: “Nói vậy mới đúng!” (4)

   Như vậy, ngay trong buổi đối thoại này, chính ông Bí thư xứ Thanh đã chứng kiến và trực tiếp  “mắt thấy, tai nghe” 2 sự thật trái hẳn với báo cáo của chính quyền, đó là:

      1/. Không có việc đa số ngư dân Sầm Sơn muốn nhận tiền đền bù, hỗ trợ di dời bến cá. 

      2/. Không có việc một bộ phận kẻ xấu lôi kéo, kích động bà con Sầm Sơn.

  Chỉ qua hai việc cụ thể nói trên thôi, tôi dám khẳng định với ông là lâu nay, cán bộ cấp dưới và bộ máy tham mưu giúp việc của ông hàng ngày đã báo cáo láo lên ông nhiều, rất nhiều điều sai trái sự thật!  May mà qua cuộc đối thoại trực tiếp với dân nên ông mới “mục sở thị” được sự thật, biết được tâm tư,nguyện vọng của người dân! Qua đây, tôi không dám khuyên ông cải trang vi hành, mà chỉ mong ông gần dân, tiếp xúc với dân nhiều hơn để biết  được không chỉ tâm tư nguyện vọng và cả những bất bình và bức xúc của người dân nữa!  Còn đối với các tập đoàn lợi ích, như FLC chẳng hạn, thì xin ông bớt đi, giảm đi đôi chút, ông ạ!

       Bốn là, hai ngày sau buổi đối thoại, ông có nói với báo chí: tôi thấy mừng là trong buổi đối thoại có người dân đề nghị với tôi và các cơ quan bảo vệ pháp luật ”giơ cao, đánh khẽ”, giảm nhẹ tội cho những người vi phạm!” (5). Về tình tiết này, tôi xin được góp ý như sau:

    a/. Trong buổi đối thoại, một ai đó đề nghị ông “giảm nhẹ tội cho người vi phạm” thì chắc người đó biết là thế nào cũng có ngư dân nay mai sẽ bị bắt và truy tố theo Quyết định 116 của Công an tỉnh. Về vấn đề này, chắc ông phải đồng ý với tôi là người dân đấu tranh cho công lý và quyền lợi chính đáng của mình thì không thể có tội!  Không có tội, nhưng họ vẫn xin giảm nhẹ tội, đấy là một điều quý, chứng tỏ dân ta còn trọng chính quyền! Chính quyền cũng nên thấy là người dân 3 phường Trung Sơn, Trường Sơn, Bắc Sơn và xã Quảng Cư đã nhiều lần phản ánh tâm tư nguyện vọng, đề đạt kiến nghị và bày tỏ bất bình, bức xúc đến phường, xã và thị xã Sầm Sơn. Song các cấp chính quyền có lắng nghe dân đâu, họ có coi ý kiến và quyền lợi của dân là gì đâu, nên cùng bất đắc dĩ người dân mới kéo lên tỉnh. Khi phải kéo nhau lên tỉnh, họ cũng rất có ý thức là luôn giữ trật tự, ôn hoà, không xô xát, tuyệt đối tránh bạo động! Việc tập trung đông người như vậy  tất nhiên không thể tránh khỏi ảnh hưởng đến giao thông trật tự. Ngay như việc Uỷ ban Tỉnh quyết định đình chỉ tất cả các tuyến xe buýt Sầm Sơn – Thanh Hoá và ngược lại trong thời gian này cũng gây xáo trộn không nhỏ đến giao thông đi lại, buộc người dân phải lếch thếch hàng ngày cuốc bộ từ Sầm Sơn đến Thanh Hoá và ngược lại. Đây là lỗi đáng tiếc song không thể nói chỉ do người dân gây ra! Nay tình hình đã bình yên trở lại, đã không xảy ra tai nạn hoặc sự cố gì nghiêm trọng. Vì vậy theo tôi, mọi việc nên khép lại ở đây, cả hai bên không nên cố chấp. Cái gì đã qua thì nên cho qua. Ta cần khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Tôi nghĩ ai đó đề nghị với ông như vậy, chắc cũng không ngoài suy nghĩ và mong muốn như trên.

  b/. Còn về câu ”giơ cao, đánh khẽ”, đây là câu nói dân gian, thể hiện tâm thế của người bề dưới, như của con cái với bố mẹ, dân lành với quan triều đình, người thấp cổ bé họng với kẻ quyền thế,v.v... Chứ trong một xã hội dân chủ, văn minh thì người dân ít nói câu đó, và cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo khi nghe được câu đó chắc chẳng mấy ai cảm thấy vui mừng, vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy chúng ta: “Cán bộ, đảng viên là đày tớ của dân!”. Sau sự kiện này, tôi cứ ao ước nếu có một vài cán bộ, đảng viên của thị xã Sầm Sơn và của các ban ngành chức năng trên tỉnh mà nói được câu như vậy với ông thì có lẽ không chỉ ông mà cả ngư dân Sầm Sơn sẽ thực sự vui mừng, phấn khởi! Nếu quả được như thế thì tôi cũng xin được chia vui với ông, với người dân Sầm Sơn nói riêng và nhân dân Thanh Hoá nói chung!

    Cuối cùng, xin kính chào ông và chúc ông nhiều sức khoẻ để phục vụ nhân dân tỉnh nhà!

                                                                                               Hà Nội, ngày 14/3/2016.

                                                                                                               N. Đ.Q.

 Tài liệu tham khảo:





Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire