05/04/2016

Tham những đang “hoành hành”


 Diệp Văn Sơn
 
ảnh minh họa

Góp ý cho Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ nhiều đại biểu Quốc Hội thống nhất nhận định "Báo cáo vẫn chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tham nhũng không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, không những chỉ là nguy cơ tiềm ẩn mà ngày càng hiện hữu; tình trạng lãng phí còn xảy ra khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục…"

 


Hiện nay các địa phương và các cơ quan Bộ ngành đang tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng. Qua tổng kết sơ bộ có thể nhận diện tham nhũng ở Việt Nam đó là những biểu hiện phức tạp đặc thù của nó là đa dạng, muôn vẻ sắc thái, loại hình, mức độ, cũng như hậu quả. 

Mức độ tham nhũng nặng nề ở Việt Nam, tính nan giải, khó trị của nó được lý giải từ sự yếu kém của thể chế, tính nửa vời trong chỉ đạo thực hiện và sự thoái hóa của không ít quan chức, công chức trong bộ máy, thậm chí tham nhũng có cả trong hoạt động tư pháp, trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tình trạng pháp luật có, pháp chế cũng có nhưng pháp trị thì không hoặc yếu kém và hình thức, là một thực tế phổ biến hiện nay. 

Tổ chức minh bạch quốc tế đánh giá Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước tham nhũng nghiêm trọng, hơn cả Trung Quốc, Indonesia… Có ý kiến cho rằng, tham nhũng là “quan nạn”, không phải là “quốc nạn”. Bởi vì chỉ người có chức vụ, quyền hạn mới tham nhũng được, còn người dân, cán bộ công chức bình thường không thể tham nhũng. Lý lẽ này trúng phóc, bởi vì tham nhũng thuộc nhóm tội phạm có chức vụ. 

Phải thấy rằng, địa chỉ của tham nhũng, không đâu khác là ở các cơ quan công quyền, ở các quan chức từ lớn đến nhỏ, bất kể ai nếu không ngay ngắn đều có thể trở thành kẻ tham nhũng. Đúng là trong xã hội truyền thống của nước ta, lâu nay vẫn tồn tại một lối suy nghĩ "Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ...". Trên thực tế cuộc sống lâu nay ai làm ngành nào thì cố gắng tìm kiếm những khả năng, cơ hội để thu vén, hoặc ở mức độ cao hơn đặt ra những tiêu chuẩn chế độ để thụ hưởng, thực chất là sử dụng "đặc quyền" để "trục lợi". 

Tư tưởng, hành động như vây theo các nhà kinh điển Mác lê nin gọi là "tư tưởng phường hội". "Tư tưởng phường hội" lâu nay bị lãng quên, ít bị lên án. Nhưng suy đến cùng, truy kích đến gốc mới thấy hết tác hại to lớn của nó. Đặc biệt là nó gây một tâm lý ngộ nhận làm an lòng những người hưởng quyền lợi không chính đáng. Thực chất là bớt xén, cấu véo vào ngân sách !           

Cứ theo lô gich của tâm lý "kiếm ăn trên vị trí đang thi hành công vụ" thì chẳng trách chi thầy giáo cố bắt học trò học thêm, bán thật nhiều sách tham khảo làm loạn óc học trò. Thầy thuốc cho toa thuốc "chóng mặt" bệnh nhân để hưởng hoa hồng, tệ hại hơn là cố tình rề rà với các ca cấp cứu để chờ phong bì tiền bồi dưỡng.  Trong thực tế có một bộ phận công chức hành chính nghĩ và cũng hành động như vậy. Công chức hành chính không có gì để "ăn" nên cũng cố tình "làm khó dân để ló ra tiền". Âu cũng là "hợp lẽ đời", hợp với cái lô gich tiêu cực ! Chỉ khổ người nông dân, công nhân những người làm ra của cải vật chất cho xã hội, những người không có cơ hội, chỉ có cách "tay làm thì hàm mới có nhai". 

Muốn xóa bỏ “văn hóa phong bì”, phải có luật lệ thủ tục minh bạch, rõ ràng; phải tạo cho được sự cạnh tranh lành mạnh trong xã hội. Và đặc biệt là cần xóa bỏ độc quyền ở một số ngành.  Cần  chuyển quan niệm về chính quyền từ cai trị sang phục vụ. 

Bên cạnh đó, phải có một hệ thống pháp luật nghiêm minh, chế tài cương quyết, mạnh mẽ để công chức không thể, không muốn và không dám tham nhũng. 

Vấn đề là biện pháp đã có nhiều, nhưng thái độ cương quyết tuyên chiến thì vẫn còn thiếu. Thái độ cương quyết làm trong sạch nội bộ, bịt “cửa đút lót để mua chức” dù ở bất kỳ cấp nào, tổ chức nào giờ đây là thước đo phẩm chất cách mạng và lòng trung thành với chế độ./ Quản lý xã hội nếu để tâm lý mọi người mạnh ai cứ ra sức chia động từ ĂN thì xã hội dứt khoát rối loạn, vì đẻ ra những bất công, phân hóa giàu nghèo quá mức. Quản lý xã hội để lập lại trật tự, công bằng là trách nhiệm chính trị của những ai được giao trọng trách.  

Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới WB thí điểm đưa Chương trình phòng chống tham nhũng và liêm chính công vào trường học tại trường dân tộc nội trú Đà Bắc tỉnh Hòa Bình. Tại đây nhà trường công khai cho học sinh thực hành kiểm tra hóa đơn mua thực phẩm phục vụ bếp ăn, kiểm tra việc mua vật tư vật liệu sửa chữa trường lớp... Qua đó học sinh làm quen với việc giám sát minh bạch liêm chính công và bước đầu có kỷ năng kiểm tra. Những học sinh này lớn lên sẽ làm việc trong các cơ quan công quyền rất cần làm quen với minh bạch và liêm chính công. Đây là hướng đi đúng cần ghi nhận và nhân rộng 

Kinh nghiệm cho thấy rằng, các quốc gia quản trị nhà nước hiệu quả là các quốc gia phòng, chống tham nhũng lãng phí đói nghèo có hiệu quả. Các quốc gia tôn trọng các quyền tự do dân sự và có trách nhiệm với công dân của họ thì ổn định hơn. Kết quả là họ sẽ có nhiều cơ hội thu hút đầu tư và đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn hơn. Họ cũng có thể đối phó với thiên tai tốt hơn. Chẳng hạn, nạn tham nhũng lãng phí ít có nguy cơ xảy ra hơn ở những nơi có truyền thống tự do, bởi lẽ báo chí sẽ gây áp lực đối với các chính phủ buộc phải có biện pháp phòng chống tham nhũng lãng phí quyết liệt tích cực hơn. Nếu quản trị nhà nước không được cải thiện thì người nghèo sẽ tiếp tục phải gánh chịu tình trạng thiếu an ninh, tham nhũng lãng phí tràn lan. 

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire