17/12/2016

“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”: Cái giá đắt đỏ của nước nghèo, không chịu lớn lên


Các thay đổi cơ bản của nền kinh tế tri thức đang dẫn đến nguy cơ các nước giàu hút rỗng ruột các nước nghèo như nhện thò vòi hút sạch máu của con mồi cho đến khi chết mà không cần phải trực tiếp sang xâm chiếm. Các nước nghèo có thể vẫn giữ được những giếng dầu, mỏ than nhưng là các giếng dầu, mỏ than rỗng ruột.

Các nước nghèo có thể vẫn giữ được những giếng dầu, mỏ than nhưng là các giếng dầu, mỏ than rỗng ruột. Ảnh minh họa. newszing.




Gần đây, có nhiều ý kiến bàn về cái gọi là “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” sẽ tạo ra các lợi ích hết sức to lớn từ các sản phẩm và dịch vụ mới với chi phí không đáng kể phục vụ người tiêu dùng, làm cho cuộc sống của con người trở nên dễ dàng hơn và năng suất hơn. Cuộc “Cách mạng” này dự báo sẽ là một xu thế lớn có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội toàn cầu, của mỗi quốc gia, khu vực, trong đó có Việt Nam.

Điều hết sức đáng lo ngại, thậm chí là nguy hiểm nếu chúng ta không có sự hiểu biết rõ ràng và cái nhìn tỉnh táo về bản chất của cái gọi là “cuộc cách mạng” này vì nếu chấp nhận nó mà thiếu hiểu biết thấu đáo sẽ dẫn đến những sai lầm trong việc  hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế xã hội, có thể ảnh hưởng đến vận mệnh tương lai của đất nước.

Năm 2011, thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” xuất hiện lần đầu tiên trong một chiến lược về công nghệ cao của Chính phủ Đức nhằm thúc đẩy tin học hóa sản xuất thông qua kết nối máy móc và hệ thống điều khiển thông minh. Chưa đầy 5 năm sau, khái niệm “Công nghiệp 4.0” đã được mở rộng và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4) đã được lựa chọn làm chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra vào tháng 1/2016 tại Davos, Thụy Sỹ.

Nhiều tổ chức quốc tế, học giả, điển hình là Klaus Schwab, người sáng lập và là chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2016 dự báo “cuộc cách mạng này sẽ làm thay đổi căn bản cách con người sống, làm việc, và quan hệ với nhau”[1], do vậy nhiều quốc gia và đã và đang xem xét xây dựng các chiến lược, chính sách mới để tương thích với CMCN4.

Mặc dù vậy, cho đến nay chưa có một định nghĩa nào rõ ràng về cái gọi là cuộc cách mạng này ngoài một số ý kiến cho rằng nó dựa trên một số công nghệ như Internet of Things, Internet of service (Internet vạn vật và Internet dịch vụ) [2], trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây hay công nghệ in 3D…[3]

Trước hết, để nói một hiện tượng trở thành một cuộc cách mạng đặc biệt là cách mạng có tính chất toàn cầu, một trong những phương thức cổ điển nhưng đáng tin cậy nhất là nghiên cứu bản chất kinh tế chính trị của hiện tượng.

Theo định nghĩa, cách mạng là sự xóa bỏ cái cũ để thay thế bằng cái mới tiến bộ hơn. Nó hàm chỉ những thay đổi cơ bản, triệt để, có ý nghĩa và ảnh hưởng rộng khắp xảy ra trong khoảng thời gian tương đối ngắn, và đặc biệt, có sự thay đổi căn bản về lực lượng sản xuất (LLSX) và quan hệ sản xuất (QHSX) trong đó có sở hữu tư liệu sản xuất (TLSX), công cụ sản xuất (CCSX) cũng như phân công lao động.

Lực lượng sản xuất

Từ trước đến nay, lịch sử nhân loại đã chứng kiến 03 cuộc cách mạng là cách mạng nông nghiệp, cách mạng công nghiệp và cách mạng CNTT, tạo ra các nền kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và tri thức tương ứng, làm thay đổi căn bản cách thức con người lao động và sản xuất. CMCN 4 được cho là dựa trên sự phát triển của nhiều công nghệ, đặc biệt là Internet of Things, điện toán đám mây và công nghệ thông tin (CNTT)[4], của trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ in 3D, tự động hóa…, như vậy xét về mặt công nghệ, đó chính là CNTT. Do đó, có thể nói cái gọi là CMCN4 là giai đoạn phát triển tiếp theo của cách mạng CNTT chứ không phải là gì khác.

Những thay đổi về phương thức sản xuất nhờ CNTT như làm việc từ xa, học tập từ xa, kinh doanh từ xa, chính phủ từ xa (hay dưới thuật ngữ quen thuộc hơn là thương mại điện tử, chính phủ điện tử), máy móc thay thế con người, ảo hóa… đã được bàn nhiều trong các bài viết học thuật về cách mạng CNTT nên tác giả xin không được trình bày ở đây.

Điều khác biệt lớn nhất nếu có xảy ra so với các cuộc cách mạng về nông nghiệp, về công nghiệp, chính là nằm ở trong sự thay đổi về quan hệ sản xuất, đặc biệt là sự sở hữu, chiếm hữu về công cụ và tư liệu sản xuất và phân công lao động, mặc dù những sự thay đổi này diễn ra từ khi cách mạng về dịch vụ ra đời những năm 1960 của thế kỉ 20, được phát triển đặc biệt mạnh mẽ nhờ CNTT trong những năm cuối thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21 này, trong một cái gọi là “kinh tế tri thức”.

Nước nghèo và những giếng dầu, mỏ than rỗng ruột

Nói một cách khái quát, kinh tế tri thức là nền kinh tế tạo ra giá trị tư bản con người (human capital), bao gồm hàng hóa, dịch vụ dựa trên tri thức, có tính chất vô hình, phi trọng lượng và giá trị trao đổi cao (ví dụ thiết bị điện tử, phần mềm máy tính, đào tạo, tư vấn, vốn vay…) để trao đổi với các hàng hóa khác, trong đó có hàng hóa vật chất, chủ yếu là tư bản thiên nhiên (natural capital). Các trao đổi này được bảo hộ thông qua các định chế quốc gia, đa quốc gia và quốc tế như các hiệp định thương mại, điển hình là các hiệp định thương mại trong WTO.

Nếu như trong nền kinh tế công nghiệp thế kỷ 19, tư liệu sản xuất thuộc giới chủ, người lao động là công nhân không nắm giữ trong tay TLSX và cả 2 giới này chủ yếu ở trong cùng một quốc gia thì trong nền kinh tế tri thức hiện nay, TLSX và CCSX thuộc các nước giầu, người giầu hoặc các doanh nghiệp đa quốc gia của các nước giầu; người làm thuê, lao động thuộc các nước nghèo.

Như vậy trong nền kinh tế tri thức của thế kỉ 21, có sự thay đổi về phân công lao động mang tính toàn cầu thay vì sự phân công lao động trong lãnh thổ một quốc gia dẫn đến phân hóa giữa nước giầu và nước nghèo thay thế cho sự phân hóa giữa giai cấp tư bản và giai cấp vô sản của thế kỷ 19 và mâu thuẫn giai cấp trong nội bộ một quốc gia dần dần được thay thế bằng mâu thuẫn giữa các quốc gia.

Dường như sẽ ý kiến cho rằng lập luận này đi ngược với trào lưu toàn cầu hóa với nhiều loại hiệp định thương mại tự do kiểu mới. Tuy nhiên, những hiện tượng dân tộc chủ nghĩa, bảo hộ nội địa đang dần lan rộng ở nhiều nước như Trung quốc, Nga, gần đây là Brexit ở Anh, Durtete ở Philippines hay Trumph ở Mỹ là những minh chứng rõ ràng cho xu thế này. Những người nghèo ở nước nghèo muốn tìm cách chống lại xu thế này bằng cách sang nước giầu để trở thành công dân của nước giầu như trào lưu nhập cư diễn ra mạnh mẽ ở Châu Âu cũng là một thí dụ điển hình khác của trào lưu bảo hộ và dân tộc kiểu mới.

Một điểm mới trong nền kinh tế tri thức là, có sự thay đổi về cách thức chiếm đoạt TLSX, tài nguyên thiên nhiên: nhiều học giả cho rằng nền kinh tế tri thức là nền kinh tế phi trọng lượng, trong đó hàng hóa tri thức thức có giá trị cao quan trọng hơn nhiều so với hàng hóa vật chất, do vậy những ngành kinh tế dựa trên công nghệ cao phải chiếm những vị trí cao hơn các  ngành truyền thống như nông nghiệp, khoáng sản, các chiến lược phát triển kinh tế do vậy cũng luôn có ưu tiên cho các ngành công nghệ mới như CMCN4 này…

Câu hỏi đặt ra là người nước giàu có cần ăn, có cần mặc, có cần sử dụng hàng hóa vật chất không? Tôi chắc chắn rằng câu trả lời là có, họ đều phải ăn, mặc, và có nhu cầu sử dụng hàng hóa vật chất. Tuy vậy, họ sẽ đạt được bằng cách nào? Bằng phương thức trao đổi hàng hóa tri thức hay dịch vụ để lấy hàng hóa vật chất (mà tôi gọi là đổi trí tuệ lấy vật chất - exchange of Mind for Mass).

Điều đặc biệt cần lưu ý là phương thức trao đổi luôn luôn bất bình đẳng, phân biệt đối xử giữa hàng hóa vật chất và hàng hóa phi vật chất. Các “tiêu chuẩn kép” trong toàn cầu hóa thể hiện qua một loạt định chế của WTO như Hiệp định về thương mại dịch vụ GATS, Hiệp định về nông nghiệp AoA, Hiệp định về thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ TRIPS[5].

Những tiêu chuẩn kép này còn thể hiện rõ ràng hơn trong các hiệp định thương mại tự do kiểu mới như Hiệp định xuyên Thái Bình dương TPP. Trong các hiệp định này, nếu hàng hóa vật chất phải chịu đánh mã HS để kiểm soát qua biên giới, chịu thuế cũng như kiểm soát về chất lượng cũng như qua các tiêu chuẩn, rào cản chất lượng thìi các hàng hóa tri thức, dịch vụ như dịch vụ CNTT và thương mại điện tử không chịu một mã HS nào, do vậy khi trao đổi qua biên giới không chịu kiểm soát, không chịu áp thuế, cũng như khó có thể đưa ra rào cản về chất lượng.

Một điểm quan trong nữa trong nền kinh tế tri thức là hàng hóa vật chất luôn có giá trị rẻ (mặc dù giá sử dụng có thể rất cao), thậm chí rất rẻ so với hàng hóa phi vật chất. Một thí dụ dễ nhìn là 2,6 tấn gạo Việt Nam xuất khẩu đổi được 1 chiếc iPhone 7+, còn bán bao nhiêu tấn gạo để mua được 1 chiếc Boing 787 Dreamliner cho Vietnam Airline? Sự khác biệt về giá này đi ngược lại hoàn toàn những quy luật căn bản nhất của nền kinh tế truyền thống là quy luật giá trị và quy luật cung cầu trong các học thuyết kinh tế, trong đó có học thuyết Marx.

Theo quy luật giá trị thì sản xuất và trao đổi hàng hóa dựa trên cơ sở hao phí lao động xã hội cần thiết, còn theo luật cung cầu thì giá hàng hóa phụ thuộc vào sự điều chỉnh của thị trường khi đạt mức cân bằng giữa cung và cầu. Theo các quy luật này, hàng hóa có giá trị cao là hàng hóa có nhu cầu sử dụng cao hoặc là cung khan hiếm hoặc có hao phí lao động xã hội cao và ngược lại giá rẻ thì nhu cầu thấp hoặc do cung thừa hoặc hao phí lao động thấp.

Tuy nhiên thực tế thì hàng hóa vật chất luôn có nhu cầu cao, nhiều hàng hóa chỉ một người sử dụng được một lần, do vậy ngày trở nên khan hiếm, thậm chí cạn kiệt vĩnh viễn (không như ở thế kỷ 19 thời sự khan hiếm mang tính tương đối, tạm thời). Hàng hóa tri thức thì không khan hiếm. 1 phần mềm, một dịch vụ, một sản phẩm trí tuệ có thể sao chép để rất nhiều người sử dụng nhiều lần. Sự khan hiếm này được tạo ra một cách nhân tạo thông qua các quy định về bảo hộ về sở hữu trí tuệ.

Như vậy, trong nền kinh tế tri thức, các định chế đang đi ngược lại các quy luật kinh tế cơ bản nhất là cung cầu và giá trị, đang phát ra 1 tín hiệu hết sức sai lầm về sự dư thừa của hàng hóa vật chất và sự khan hiếm của hàng hóa phi vật chất trong khi đáng ra phải là ngược lại. Cũng do vậy, nền kinh tế tri thức tạo lợi ích cho tầng lớp giàu, người sở hữu TLSX trong đó có tri thức cao hơn hẳn người nghèo.

Liên quan đến lao động: lao động chân tay dần bị thay thế bởi máy móc đặc biệt bởi tự động hóa cho dù công nghệ mới cũng có thể tạo ra việc làm mới nhưng có khi không tạo ra công việc mới. Sự thay thế con người bằng máy móc, đặc biệt là CNTT và tự động hóa sẽ diễn ra khốc liệt hơn, dẫn đến nạn thất nghiệp sẽ ngày càng trầm trọng hơn đặc biệt là những lao động trình độ thấp nếu không có những sự đối phó kịp thời và phù hợp. Do vậy, việc đào tạo nhân lực về mặt công nghệ và tri thức mới cũng như xây dựng một môi trường hỗ trợ sáng tạo là sống còn để thích nghi cuộc cách mạng công nghệ này.

Các thay đổi cơ bản của nền kinh tế tri thức đã và đang dẫn đến nguy cơ suy kiệt tài nguyên dẫn đến nguy cơ về sự tồn vong của các nước nghèo trong khi các nước giầu đang giữ được tài nguyên cho tương lai, hút rỗng ruột các nước nghèo như nhện thò vòi hút sạch máu của con mồi cho đến khi chết mà không cần phải trực tiếp sang xâm chiếm. Các nước nghèo như Việt Nam có thể vẫn giữ được những giếng dầu, mỏ than nhưng là các giếng dầu, mỏ than rỗng ruột.

Như vậy, CMCN4 chỉ là một giai đoạn của cách mạng CNTT, của nền kinh tế tri thức. Kinh tế tri thức là sự phát triển cao của kinh tế tư bản với những thay đổi căn bản về tạo giá trị, chiếm hữu tài nguyên và phân công lao động mang tính toàn cầu. Những thay đổi căn bản này đòi hỏi Việt Nam cần sớm có các nghiên cứu thấu đáo, toàn diện, kịp thời về nền kinh tế này nhằm có các chính sách phù hợp./.

Ts. Nguyễn Thanh Tuyên và  Ths. Trương Hữu Chung

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire