15/03/2017

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Đời đời không quên những người lính đã hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma


Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: "Tôi không rõ lý do vì sao nhưng thực tế đúng là sự kiện Chiến tranh biên giới tháng 2.1979 và Gạc Ma 14.3.1988 chưa được truyền thông rộng rãi, nhất là nếu so với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Chúng ta hay nói dân tộc phải trải qua cuộc trường chinh 30 năm nhưng với tôi và nhiều nhà quân sự khác, cũng như những người đã từng chứng kiến cuộc chiến 1979, cuộc trường chinh của dân tộc trong thế kỷ 20 phải kéo dài đến hơn 40 năm. Bao xương máu đã đổ xuống. Trên biên giới phía bắc, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Rồi trong cuộc thảm sát ở Gạc Ma, 64 chiến sĩ đã ngã xuống.

Tôi luôn đề nghị giáo dục cho con em chúng ta hiểu và biết được đất nước chúng ta còn trải qua hai cuộc chiến đấu khốc liệt ấy. Không một lý do gì mà chúng ta được phép quên công lao, quên xương máu của những người đã ngã xuống vì bảo vệ từng tấc đất biên cương, từng hòn đảo của Tổ quốc."






Ngày 14.3.1988, hải quân Trung Quốc đã thảm sát các chiến sĩ công binh Việt Nam. Chúng ta không quên công lao, quên xương máu của những người đã ngã xuống vì bảo vệ từng tấc đất biên cương, từng hòn đảo của Tổ quốc”, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nói.

 

- Thưa ông, 29 năm đã trôi qua kể từ sự kiện Gạc Ma (14.3.1988). Nhiều độc giả muốn hiểu rõ hơn chuyện gì đã xảy ra vào cái ngày 14.3 năm đó?
 

- Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Trước khi xảy ra sự kiện Gạc Ma, chúng ta đều biết tháng 2.1979, Trung Quốc đem 60 vạn quân xâm lấn 6 tỉnh biên giới phía bắc nước ta. Đến tháng 3 họ rút quân về nước nhưng từ đó, ngày nào họ cũng dùng pháo cối 100 ly,120 ly nã sang Việt Nam. Hằng ngày tôi đi giao ban ở Bộ Tổng tham mưu đều được nghe báo cáo hôm nay TQ bắn sang ta mấy vạn quả pháo cối và ta bắn sang TQ mấy trăm quả.

Cứ kéo dài như vậy, đến năm 1987 thì họ bắt đầu gia tăng hoạt động ở Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Trường Sa. Trường Sa có diện tích khoảng 160.000km2 gồm 100 đảo đất, đá, và bãi san hô. Năm 1988, VN đang quản lý 9 đảo đất và 12 bãi san hô ngầm. Đến khi TQ xuống Biển Đông thì không còn đảo đất nào mà chỉ còn lại bãi san hô ngầm và đá thôi.

TQ cho tàu trinh sát đi liên tục suốt nhiều năm để tìm và chiếm đóng những bãi san hô có ý nghĩa chiến lược. Đến tháng 3.1988, họ đã chiếm đóng Thập Châu Viên, Su Bi, Ga Ven và ngày 14.3.1988 thì chúng ta bị mất đảo Gạc Ma. 

Ảnh cắt từ clip


Thực chất Gạc Ma không phải là đảo mà là bãi đá ngầm nhưng nó có một vị trí chiến lược vì nằm ở giữa các đảo mà chúng ta đang quản lý. Nếu TQ chiếm được Gạc Ma thì họ đã đưa được thế cài răng lược vào giữa vùng đảo của Việt Nam.

Phía ta hiểu rõ điều này nên cố gắng cho anh em công binh đến trước. Đến tối 13.3.1988, trên đảo có 48 chiến sĩ công binh. Khi lính TQ đổ bộ thấy cờ Việt Nam cắm ở đó thì xông đến để nhổ cờ, dập xuống nước. Anh em chiến sĩ ta cố sức bảo vệ lá quốc kỳ nên xảy ra xô xát bằng dao găm. Ngay lập tức, lính TQ đứng đó không xa dùng tiểu liên bắn quét tất cả 48 anh em chiến sĩ trên đảo.

Cách đảo khoảng 5-6km lúc đó đang có 2 tàu vận tải cỡ 400 tấn mang số hiệu 604 và 605 là hai tàu chuyên chở các chiến sĩ công binh lên đảo. Đây chính là tàu TQ đã viện trợ cho ta trong chiến tranh chống Mỹ. Tàu chiến TQ đã nã pháo bắn chìm luôn hai tàu này, làm 16 cán bộ và chiến sĩ trên tàu hy sinh. Còn một số anh em kịp lên các xuồng cao su sau đó được Bộ Tư lệnh hải quân cử tàu mang cờ chữ thập đỏ đến cứu.

Cuộc thảm sát 64 cán bộ, chiến sĩ của ta vào ngày 14.3.1988 đã diễn ra như vậy đấy. 


- Ông có còn nhớ, sau khi quân xâm lược Trung Quốc nổ súng thảm sát các chiến sĩ công binh Việt Nam, bao lâu thì đất liền mới biết?
 

- Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Lúc đó chưa có điện thoại di động như bây giờ. Phải liên lạc bằng phương tiện đánh ma níp, phải mất mấy tiếng đồng hồ mới truyền tin tức vào được. Anh em hải quân ở những đảo lớn quan sát và biết tình hình, liên tục báo tình hình về đất liền.

Tôi nghe kể, lúc đó chúng ta đã nhanh chóng ứng cứu…

Trên biển luôn có lực lượng hải quân sẵn sàng. Nhưng lúc đó hoàn cảnh của chúng ta hết sức khó khăn. TQ bắn chìm 2 chiếc của ta. Một số chiến sĩ của ta bị TQ bắt, một số hy sinh theo tàu. Ta có đưa tàu 604 và 605 là những tàu vận tải 300 tấn, treo cờ chữ thập đỏ ra cứu số anh em đang trôi dạt trên biển. Chúng ta đã cứu được một số. 

Thân nhân chiến sĩ Gạc Ma viếng tượng đài Gạc Ma - Ảnh NLĐ


- Không có gì có thể phủ nhận, sự kiện Gạc Ma 1988 là một trang sử bi tráng của dân tộc. Nhưng vì sao hiện nay nhiều vẫn chưa biết rõ về sự kiện này. Vì sao lại như vậy?
 

- Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Tôi không rõ lý do vì sao nhưng thực tế đúng là sự kiện Chiến tranh biên giới tháng 2.1979 và Gạc Ma 14.3.1988 chưa được truyền thông rộng rãi, nhất là nếu so với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Chúng ta hay nói dân tộc phải trải qua cuộc trường chinh 30 năm nhưng với tôi và nhiều nhà quân sự khác, cũng như những người đã từng chứng kiến cuộc chiến 1979, cuộc trường chinh của dân tộc trong thế kỷ 20 phải kéo dài đến hơn 40 năm. Bao xương máu đã đổ xuống. Trên biên giới phía bắc, hang vạn cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Rồi trong cuộc thảm sát ở Gạc Ma, 64 chiến sĩ đã ngã xuống.

Tôi luôn đề nghị giáo dục cho con em chúng ta hiểu và biết được đất nước chúng ta còn trải qua hai cuộc chiến đấu khốc liệt ấy. Không một lý do gì mà chúng ta được phép quên công lao, quên xương máu của những người đã ngã xuống vì bảo vệ từng tấc đất biên cương, từng hòn đảo của Tổ quốc.

Chúng ta cũng phải nói rõ cho nhân dân TQ biết. Tôi tin có nhiều người dân TQ cũng không đồng tình với việc làm của các nhà lãnh đạo TQ năm 1979 và 1988.

Thứ hai, tôi đề nghị ngày 17.2 và ngày 14.3 phải là ngày kỷ niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước. Như vậy mới xứng đáng và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân cả nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn chúng ta, chúng ta chống thực dân Pháp, Mỹ nhưng không chống nhân dân những nước này. Trong hai cuộc kháng chiến đó, bao nhiêu người Pháp, người Mỹ đã xuống đường đấu tranh cho Việt Nam. Nhân dân TQ cũng vậy. Những người hiểu biết và chính trực họ sẽ phản đối những nhà lãnh đạo TQ có tham vọng bành trướng và bá quyền, có tham vọng muốn biến biển Đông thành ra ao nhà của họ.

Một minh chứng rõ ràng là ông Lý Lệnh Hoa, một nhà sử học TQ đã lên tiếng công khai phản đối đường lưỡi bò. Và còn nhiều ông Lý Lệnh Hoa khác.

Bởi vậy, chúng ta kỷ niệm những ngày này để tôn vinh tinh thần tự hào dân tộc, để mỗi người dân ghi nhớ mà đoàn kết lại với nhau. Nhưng chúng ta không bài Hoa, không chống nhân dân Trung Quốc. Việt Nam luôn luôn bắt tay hữu nghị và làm ăn với Trung Quốc.

Nhưng chúng ta, cũng cần phải luôn nhắc nhở với nhân dân, với các lực lượng vũ trang, với các thế hệ người Việt Nam những việc làm của quân xâm lược. 


- Sau này ông có thường gặp lại những người lính Gạc Ma không?
 

- Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Sau này tôi chuyển về Trường Sĩ quan Hải quân nên thi thoảng mới gặp lại anh  em Gạc Ma. Tuy nhiên, tôi luôn biết tin tức về số anh  em chiến sĩ Gạc Ma. Phần nhiều anh  em ở Đà Nẵng, một số ở Quảng Bình. Có một đồng chí ở Đà Nẵng mới mất.

Họ là những người chiến sĩ đã xả thân cho chủ quyền dân tộc. Sự kiện Gạc Ma năm 1988 là khúc quanh bi tráng nhất của lịch sử giữ gìn biển đảo cho Tổ quốc.

Chính sự kiện này cũng như cuộc tấn công biên giới tháng 2.1979 giúp chúng ta rút ra nhiều bài học lớn trong bảo vệ chủ quyền. 


Nguồn: Theo Duy Chiến/VNN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire