12/09/2017

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng: "Thu phí BOT hiện nay như kiểu trấn lột"


 Vũ Phương


(GDVN) - Chủ đầu tư dự án BOT không đấu thầu, không cần tiền, không cần tính đến chuyện lỗ. Mức phí chủ đầu tư áp đặt như trấn lột khách hàng.


Diễn biến tại các trạm thu phí BOT những ngày qua nóng hơn bao giờ hết, đặc biệt là sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận về sai phạm tại một loạt các dự án BOT.


Tài xế dùng tiền lẻ trả phí qua trạm BOT quốc lộ 1 đường tránh Biên Hòa, Trảng Bom, Đồng Nai. ảnh: Lao Động/M.H
Nhiều tài xế tiếp tục phản ứng mức thu phí quá cao mà chủ đầu tư áp đặt bằng cách trả phí tiền lẻ khi qua trạm; thậm chí có tài xế còn trả bằng tiền xu mệnh giá 200 đồng khiến giao thông tắc nghẽn.



Sau khi nhiều lái xe phản ứng với trạm Cai Lậy (Tiền Giang), trạm thu phí đường 5 cũ (Hà Nội - Hải Phòng) thì mới đây tại trạm thu phí BOT quốc lộ 1 (Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ trả phí đường bộ khiến giao thông tắc nghẽn.

Các tài xế cho biết, họ phản ứng như vậy là vì không đi qua đường tránh này mà vẫn bị thu phí. Một số khác thì tìm đường vòng né trạm thu phí.

Theo đó, người dân ở xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) phải dùng thùng phuy, đá tảng và dựng rào chắn các phương tiện né trạm BOT đặt trên quốc lộ 1.

Được biết, ba năm nay từ khi trạm thu phí tuyến tránh thành phố Biên Hòa đặt trên quốc lộ 1 thì tuyến đường D02 ở ấp Bàu Cá, xã Trung Hòa trở thành tuyến đường né trạm thu phí BOT Biên Hòa.

Còn diễn biến tại quốc lộ 5 cũ đoạn qua tỉnh Hưng Yên, người dân huyện Văn Lâm kêu trời vì các phương tiện né trạm thu phí BOT đang băm nát nhiều tuyến đường do lượng xe đổ dồn về quá đông.  


Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, thu phí BOT hiện nay như trấn lột (ảnh: Vũ Phương).


Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội thẳng thắn cho rằng: “Cần phải xem xét lại tất cả các hợp đồng BOT. Các dự án BOT giao thông hiện nay đang có nhiều điều không ổn. Không xử lý sớm bất ổn có thể sẽ xảy ra”.

Đánh giá về mức thu phí của chủ đầu tư BOT, cũng như quan hệ chủ đầu tư và người dân, Tiến sĩ Dũng nói: “Khách hàng đang là thượng đế, nhưng thượng đế đang phải chịu cảnh chủ đầu tư BOT bắt trả bao nhiêu phí phải trả bấy nhiêu.

Thu phí BOT hiện nay như kiểu trấn lột, các trạm thu phí đặt một cách bừa bãi. Thu phí dù chỉ một đồng của người dân nhưng là bất công cũng phải dừng ngay”.

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng phân tích bằng một ví dụ: “Ai đó đi mua một gói xôi, làm sao người bán có thể áp đặt mức giá trên trời được, khách hàng sẽ mua của người khác. Anh bán giá như vậy sẽ sập tiệm.

Trong nền kinh tế thị trường, người mua có quyền lựa chọn, người mua là thượng đế. Tuy nhiên, tại các dự án BOT, khách hàng, người mua đã bị biến thành nô lệ.

Nhìn BOT phải nhìn từ yếu tố từ thương quyền, tại sao anh lại được làm. Trong khi đó, kinh doanh các thứ khác lỗ lãi, rủi ro, còn kinh doanh BOT chắc chắn sẽ lãi.

Như vậy, anh đã giao thương quyền này thì anh phải có trách nhiệm, tức là lãi phải thấp hơn lãi suất của ngân hàng vì đầu tư vào BOT sẽ đảm bảo chắc thắng. Thật vô lý khi anh được thương quyền đó mà lại áp đặt giá”.  

Hàng loạt các trạm BOT đang vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ người dân, trong đó có việc người dân lưu thông trả phí bằng tiền lẻ gây ách tắc giao thông.

Có thời điểm trạm thu phí BOT quốc lộ 5 phải xả trạm. 

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng: “Nhà nước đã bắt đầu phản ứng đối với vấn đề BOT, nhưng Quốc hội cần phải vào cuộc vì Quốc hội đại diện cho quyền và lợi ích của người dân, thực tế người dân đang phản ứng.

Quốc hội cần thiết phải giám sát và cần phải có những phiên tranh luận, điều trần để làm sáng rõ khía cạnh chính sách liên quan đến BOT”.

Về việc đề nghị điều tra và xử lý việc người dân trả phí BOT bằng tiền lẻ, ông Dũng phân tích: “Cái đó không cấu thành tội phạm, chỉ có những hành vi được quy định trong bộ luật hình sự mới cấu thành tội phạm. Người nào phát ngôn như vậy rõ ràng chưa nắm rõ về luật hình sự”.


Nhiều tài xế trả tiền lẻ khi quan trạm BOT đường 5 cũ, giao thông bị ùn tắc và có những thời điểm phải xả trạm. ảnh: vov.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Kiến Thiết (Đoàn Luật sư Hà Nội) bức xúc cho biết: “BOT đang bủa vây tứ phía, nếu tiếp tục đà này trong thời gian tới người dân đi một bước ra đường phải trả phí BOT.

Mức phí ngày càng tăng và áp đặt của chủ đầu tư đối với người dân là rất vô lý. Như tôi vẫn đi từ Hà Nội về Thái Bình, tiền xăng không bằng tiền phí BOT.

Điều mà lúc nào người đi đường cũng lo lắng đó là phải chuẩn bị tiền qua các trạm BOT.

Bản chất của BOT là rất tốt, nhưng thực hiện ở nước ta đang bị méo mó, tiêu cực. BOT đang được thực hiện qua những sân sau của nhóm lợi ích, minh chứng là ba không: Không đấu thầu, không cần tiền, không cần tính đến chuyện lỗ.

BOT đang là những 'trái bom' rất nguy hiểm, lúc nó nổ ra sẽ gây ra hiệu ứng domino tác động xấu đến nền kinh tế, xã hội và ảnh hưởng không nhỏ đến người dân".

Liên quan đến việc phản ứng của không ít lái xe bằng cách qua trạm thu phí BOT quốc lộ 5 trả tiền lẻ mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, Công an tỉnh Hưng Yên cũng làm việc với một số lái xe để điều tra làm rõ và cân nhắc có khởi tố vụ án gây rối trật tự công cộng hay không. 

Trước thông tin này, Luật sư Nguyễn Kiến Thiết cho rằng: “Rất buồn và lấy làm khó hiểu bởi một số cơ hành pháp đã đưa vấn đề hình sự hóa việc người dân phản ứng bằng việc trả tiền lẻ tại các trạm thu phí BOT.

Họ căn cứ vào văn bản pháp luật nào để nói người dân tiêu tiền lẻ, cho tiền lẻ vào chai trả phí BOT là phạm luật.

Điều quan trọng, người dân không hủy hoại tiền theo quy định pháp luật về tiền tệ. Nhà nước cũng chưa có văn bản nào nói tiền mệnh giá 200 đồng không có giá trị.

Không thể dùng thiết chế hình sự hóa để bảo vệ cái sai mà đi ngược lại lợi ích của người dân”.


Vũ Phương
Nguồn: Theo GDVN


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire