Nguồn: East Germany and Hungary move
toward democracy, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm
1989, các quốc gia nằm dọc Bức màn Sắt, Đông Đức và Hungary, đã có những bước
đi quan trọng trong việc chấm dứt sự thống trị của chủ nghĩa Cộng sản ở nước
họ, thay thế nó bằng nền chính trị dân chủ hơn và kinh tế thị trường tự do.
Tại Hungary,
Đảng Cộng sản đã tan rã vào ngày 07/10, theo sau đó là việc dỡ bỏ hàng rào thép
gai vốn đã chia cắt Hungary và Áo bấy lâu nay. Hành động này đã chính thức
đánh dấu sự kết thúc của Bức tường Berlin như là một chướng ngại vật ngăn cản
di chuyển giữa Đông và Tây Đức. Giờ đây, người Đông Đức chỉ cần đơn giản đi
đến Hungary, từ đó qua Áo và tiếp tục đi đến Tây Đức. Cũng chẳng mấy ngạc nhiên
khi Bức tường Berlin sụp đổ
không lâu sau đó.
Vào ngày 18/10,
hiến pháp Hungary được sửa đổi để cho phép một hệ thống chính trị đa đảng và
bầu cử tự do (diễn ra vào năm 1990). Nhiều biện pháp kiểm soát của nhà nước đối
với nền kinh tế đã được loại bỏ và Hungary tiến tới một hệ thống thị trường tự
do có giới hạn. Các cuộc biểu tình của công nhân, sinh viên, và nhiều nhóm
người khác trên khắp cả nước đã ban hành tuyên bố tố cáo “tội ác” trong quá khứ
của chế độ cộng sản.
Sự thay đổi có
lẽ thậm chí còn kịch tính hơn ở Đông Đức, nơi mà vào ngày 18/10, sự cai trị kéo
dài gần 20 năm của nhà cộng sản Erich Honecker đi đến hồi kết. Honecker giữ
chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Đức từ năm 1971, và trở thành người đứng
đầu nhà nước từ năm 1976. Không còn sự ủng hộ từ Liên Xô, Bức tường Berlin thì
sụp đổ (thông qua hành động của Hungary) và chính phủ của ông phải hứng chịu sự
chỉ trích rất lớn từ người dân Đông Đức, Honecker đã trốn sang Liên Xô và bị
thay thế bằng một chế độ cải cách hơn. Sau này, ông quay trở lại Đông Đức, và
đã bị xét xử và kết tội giết người hàng loạt vì cái chết của những người tị nạn
Đông Đức cố gắng vượt qua Bức Tường Berlin kể từ khi nó được dựng lên vào năm
1961. Tuy nhiên, ông đã được giảm án vì tình trạng sức khoẻ yếu.
Egon Krenz đã
lên thay thế Honecker làm lãnh đạo Đảng Cộng sản. Krenz nhận được nhiều sự ủng
hộ nhờ vai trò làm trung gian hòa giải trong các cuộc biểu tình hồi đầu tháng
10. Vào ngày 07/10, chỉ bốn tháng sau vụ thảm sát Quảng trường Thiên An
Môn tại Trung Quốc, Honecker đã ra lệnh cho quân đội bắn súng vào
cuộc biểu tình ở Leipzig. May mắn thay, Krenz, khi đó đang phụ trách an ninh,
đã đến Leipzig hai ngày sau để hủy bỏ mệnh lệnh của Honecker. Nỗ lực của Krenz
để cứu hình ảnh của đảng bằng cách ngăn chặn bạo lực đã giúp cuộc cách mạng
dân chủ được tiến hành một cách không bạo lực.
Các hành động ở Đông Đức và Hungary không chỉ phản ánh
sự bất mãn ngày càng tăng của người dân đối với hơn 40 năm cai trị của chế độ
cộng sản, mà còn cho thấy sự kiểm soát ngày càng suy yếu của Liên Xô đối với
các nước vệ tinh Đông Âu của mình.
Nguồn: Theo NCQT
http://nghiencuuquocte.org/2017/10/18/dong-duc-va-hungary-tien-toi-dan-chu/#more-23274
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire