TS Vũ Ngọc Hoàng: “Có những người lúc đầu khi chưa có quyền lực
thì tốt, nhưng sau đó, khi đã có quyền lực trong tay thì dần dần trở nên hư
hỏng, thành người xấu; thậm chí đến mức có thể phản bội nhân dân, bán rẻ Tổ
quốc vì ngai vàng của cá nhân”.
LTS: Tuần Việt
Nam trân trọng giới thiệu bài viết mới nhất của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên
phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, xung quanh một vấn đề mà ông luôn trăn
trở – quyền lực và kiểm soát quyền lực.
Quyền lực như “con ngựa” bất kham, người không đủ nhân cách mà giao cho họ
cầm cương thì nó sẽ tung phá, gây đổ ngã và làm chết cả người ngồi trên yên
ngựa. Quyền lực là “con dao” hai lưỡi, có thể phục vụ cho đời và cũng có thể
làm hại đất nước nếu rơi vào tay những kẻ bất tài, tham lam.
Năm 2011, Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề cập, dù là mới thoáng
qua, việc kiểm soát quyền lực. Rất tiếc là chủ trương đó chưa được triển khai
thực hiện cụ thể. Trước và trong Đại hội XII, Tổng Bí thư của Đảng ít nhất đã
hai lần nhấn mạnh phải kiểm soát quyền lực.
Gần hai năm trước, trong bài “Tham vọng quyền lực và sự tha hóa”, tôi có
viết ý kiến về kiểm soát quyền lực và trả lời phỏng vấn của báo chí về việc
này. Thời gian gần đây một số tờ báo có đặt vấn đề phỏng vấn tôi yêu cầu nói
tiếp ý kiến về kiểm soát quyền lực. Đó là lý do khiến tôi viết tiếp bài này
trao đổi thêm để bạn đọc tham khảo.
TS Vũ Ngọc Hoàng. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Câu hỏi trước tiên cần nói thêm là vì sao phải kiểm soát quyền lực? nếu
không kiểm soát quyền lực thì sẽ thế nào?
Mặt tiêu cực của quyền lực
Quyền lực vốn là của cộng đồng nhân dân, khởi đầu là thế, và mãi mãi cũng
là thế, không phải của thần linh, không phải của bất kỳ cá nhân ai, của một gia
đình trị hoặc một tộc họ nào; cũng không phải của bất kỳ một tổ chức nào khác.
Từ lâu Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức được và đã nhiều lần khẳng định
trong các Nghị quyết rằng quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân không trực tiếp
nắm giữ tất cả, mà chỉ nắm giữ một số vấn đề then chốt (sẽ nói sau), còn lại là
ủy quyền cho nhà nước quản lý và sử dụng quyền lực để bảo vệ và phục vụ nhân
dân, kiến tạo một quốc gia phát triển.
Tuy nhiên, trong lịch sử, đã từng có không ít trường hợp những người (hoặc
nhóm người) bằng các thủ đoạn chính trị đã cướp đoạt quyền lực của nhân dân,
biến nhân dân thành đối tượng bị cai trị. Nhân dân sau khi ủy quyền thì mất
quyền, còn người được ủy quyền thì dần dần bị quyền lực làm tha hóa. Họ sử dụng
quyền lực không phải để bảo vệ và phục vụ nhân dân như mục đích ban đầu, mà để
phục vụ lợi ích của cá nhân, gia đình, dòng họ, cho một nhóm người, họ quay lại
ức hiếp nhân dân, biến nhân dân từ chủ nhân của quyền lực thành đối tượng bị
chèn ép, bị ức hiếp, bị tước đoạt.
Ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào, quyền lực cũng luôn có hai mặt. Mặt tích
cực, nó là công cụ hữu hiệu bậc nhất để tập hợp lực lượng xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc, xây dựng một xã hội tốt đẹp, nếu như quyền lực ấy được trao cho những con
người có nhân cách tốt.
Mặt tiêu cực, nó luôn làm tha hóa những con người và bộ máy sử dụng quyền
lực nhưng lại yếu kém về nhân cách và không có cơ chế tốt để kiểm soát quyền
lực. Sự tha hóa như vậy có từ trong bản chất tự nhiên của con người và quyền
lực. Có những người lúc đầu (khi chưa có quyền lực) thì tốt, nhưng sau đó, khi
đã có quyền lực trong tay thì dần dần trở nên hư hỏng, thành người xấu; thậm
chí đến mức có thể phản bội nhân dân, bán rẻ Tổ quốc vì ngai vàng của cá nhân.
Cá biệt có những người thay đổi bản chất rất nhanh, chỉ sau một lần bỏ
phiếu, họ gần như trở thành một người khác hẳn, từ dáng đi, cách nói, cách bắt
tay. Họ khệnh khạng hơn, có vẻ “oai vệ” hơn, “bề trên” hơn. Khi người ta đến
được đỉnh cao của “chiến thắng” trong quyền lực thì đấy là lúc người ta bắt đầu
thua, mà trước tiên là thua chính mình.
Trên đỉnh cao của quyền lực ít ai nhìn thấy tai họa ẩn chứa vốn có từ bên
trong quyền lực ấy, nếu không phải là người lãnh đạo có nhân cách lớn, minh
triết uyên thâm, có khả năng vượt qua chính mình và ma lực cám dỗ của quyền
lực, để tịnh tâm nhìn xa trông rộng. Khi đã có trong tay tất cả thì đấy cũng là
lúc tự mình bắt đầu đánh mất dần.
Tha hóa quyền lực dẫn đến sụp đổ chế độ
Việc kiểm soát quyền lực trước tiên là để bảo đảm cho quyền lực luôn thuộc
về đúng chủ nhân của nó, tức là thuộc về nhân dân, được sử dụng đúng mục đích,
không bị lợi dụng, lạm quyền. Khi quyền lực bị lạm dụng thì tất yếu sẽ tha hóa
bộ máy cầm quyền, và cũng là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tha hóa đạo
đức xã hội.
Sự tha hóa quyền lực tất yếu sẽ dẫn đến sụp đổ chế độ chính trị. Nếu sự tha
hóa ấy không dừng lại và lành mạnh hóa thì sụp đổ là không thể khác, chỉ còn là
vấn đề thời gian. Sự sụp đổ ấy chính là tự đổ, không phải do ai phá và cũng
không ai cản nổi.
Có những suy nghĩ rất ấu trĩ sai lầm khi cho rằng nắm cho chắc lực lượng vũ
trang là có thể đẩy lùi sự sụp đổ. Không đâu! Liên Xô ngày trước cả quân đội và
lực lượng an ninh KGB còn rất mạnh, bậc nhất thế giới, vậy mà đến một lúc, khi
sự tha hóa đã đến ngưỡng, thì cả một chế độ được cho là thành trì ấy bỗng chốc
đổ ào, đến mức không tưởng tượng được, không hiểu nổi.
Nhiều người đã giải thích rằng do địch phá bằng “diễn biến hòa bình”… Không
phải như thế đâu! Đấy là cách giải thích miễn cưỡng, không có cơ sở khoa học,
tự trấn an mình. Địch thì lúc nào mà chả phá ta? Do phá ta nên nó mới là địch.
Địch mà không phá ta mới là chuyện lạ.
Phá là việc của địch, còn ngã đổ là chuyện của ta. Nếu cử đổ lỗi cho địch
thì rồi chẳng biết cách nào mà sửa. Địch phá Liên Xô ư? Phá sao bằng thời kỳ
trước đó, khi 14 nước đế quốc tập trung bao vây nhà nước nhân dân còn non trẻ,
rồi nội chiến, rồi chủ nghĩa phát-xít đã tập trung cao độ lực lượng với nửa
nghìn sư đoàn thiện chiến trong đại chiến thế giới lần thứ 2 để tiêu diệt Liên
Xô, nhưng không tiêu diệt được.
Ngược lại, Liên Xô đã lớn mạnh thành một cường quốc hàng đầu thế giới. Sao
bây giờ địch giỏi vậy, tài tình vậy, chẳng tốn một viên đạn mà Liên Xô vẫn đổ
ào không cứu vãn được, cứ như một cơn đột quỵ dữ dội và bất ngờ. Địch mà giỏi
như vậy thì thật đáng kính phục?
Những nhà tuyên truyền “ngây thơ” đã vô tình tâng bốc địch, vậy mà cứ tưởng
thế mới là có lập trường địch – ta. Bản chất của vấn đề Liên Xô đổ là tự đổ, do
tha hóa quyền lực mà đổ, do không thể tự đứng được nữa mà đổ, do thối nát mà
đổ, chứ chẳng phải ai xô ngã được.
Có những người có quyền lực trong tay trở nên tha hóa. Ảnh minh họa: Shutterstock/Thanh niên |
Tham nhũng, lợi ích nhóm lan cả vào chốn thiêng
liêng
Đặc điểm chính trị quan trọng nhất của xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN) chân
chính là quyền lực thật sự và luôn luôn thuộc về nhân dân. Chỉ khi ấy mới
có một nền chính trị thật sự tốt đẹp và bền vững.
Thực tế lịch sử nhân loại đã cho thấy: nhà nước của chủ nô, của vua và các
tập đoàn phong kiến, nhà nước của quan lại tha hóa (như Liên Xô giai đoạn sau
chẳng hạn) và nhà nước của tài phiệt (tư bản hoang dã thời kỳ đầu) cuối cùng
đều phải ngã đổ và kết thúc. Chỉ có nhà nước của dân, thật sự của dân, thì mới
bền vững lâu dài, vì dân là vạn đại.
Vì vậy, việc kiểm soát quyền lực vừa là giá trị nhân văn của một xã hội
tiến bộ, phòng chống sự tha hóa của Nhà nước và xã hội, đồng thời là để thực
hiện mục tiêu XHCN chân chính, để có được một nhà nước bền vững lâu dài phục vụ
nhân dân.
Khi quyền lực không được kiểm soát thì mặt trái của nó chính là tác nhân
quan trọng nhất làm tha hóa cán bộ, tha hóa những con người được trao quyền
lực, rồi tha hóa cả bộ máy, làm cho bộ máy bị biến chất, không còn là nhà nước
của dân, mà dần dần thành nhà nước phản bội nhân dân.
Trong bất kỳ điều kiện nào, sự tha hóa quyền lực ở cán bộ và các cơ quan
lãnh đạo quản lý, đều là nguyên nhân lớn nhất làm cho đạo đức xã hội xuống cấp,
văn hóa suy đồi, dân tộc bị mất dần sức mạnh nội sinh, xã hội trì trệ và quốc
gia không thể hưng thịnh, không có đủ sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu XHCN
tốt đẹp mà nhiều người đã từng mong ước cũng trở nên xa vời và mơ hồ.
Lịch sử nước
ta đã từng có nhiều lần do tha hóa quyền lực mà dẫn đến mất nước. Hầu hết các
triều đại phong kiến Việt Nam đã từng bị sụp đổ vì tha hóa quyền lực. Triều đại
sau được dân chúng ủng hộ lên thay, rồi cũng tha hóa tương tự, lặp lại như cũ.
Ngay cả những triều đại đã một thời rất huy hoàng, có công lao to lớn bậc nhất
với lịch sử dân tộc nhưng sau đó cũng tha hóa và sụp đổ (như nhà Lý, nhà Trần,
Hậu Lê và Tây Sơn chẳng hạn).
Nhiều năm
qua lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã rất nhiều lần đề ra chủ trương và kêu gọi
phải chống tham nhũng, chống “lợi ích nhóm” tiêu cực, cũng đã mất nhiều công
sức cho công việc khó khăn và vất vả này, nhưng kết quả vẫn còn rất hạn chế.
Tình hình tham nhũng, “lợi ích nhóm” chẳng những không dừng lại, mà đang còn
khá phổ biến và phức tạp, gây nhức nhối xã hội, đau đầu các cơ quan lãnh đạo
đất nước.
Nó cứ lan
rộng dần vào tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, của công việc quản lý và
quản trị quốc gia, vào ngay trong các lĩnh vực mà trước đến nay thường được cho
là trong sạch, thiêng liêng (như lĩnh vực dạy người, cứu người, an ninh quốc
gia, nắm cán cân công lý để bảo vệ sự nghiêm minh, kể cả cơ quan ở cấp cao, cả
nhà thờ, chùa chiền, cả lĩnh vực làm từ thiện, nhân đạo, chính sách đền ơn đáp
nghĩa…).
Điều đó có
nguyên nhân trực tiếp quan trọng nhất là chưa làm tốt việc kiểm soát quyền lực,
nói thẳng và mạnh hơn là quyền lực về cơ bản chưa được kiểm soát, từ đó dẫn đến
tha hóa cán bộ và các tổ chức trong bộ máy lãnh đạo quản lý.
Vũ Ngọc
Hoàng
Nguồn:
Vietnamnet
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire