Thanksgiving 2017, Nguyệt Quỳnh xin dành bài viết này thay lời tạ ơn đến sinh viên Phan Kim Khánh và ông bà Phan văn Dung. |
Bản án sáu năm tù giam và 4 năm quản chế mà Tòa án tỉnh
Thái Nguyên tuyên cho sinh viên Phan Kim Khánh dẫn tôi đến một bài viết của anh
“Nghĩ về chiến tranh”. Tim tôi chợt chùng xuống khi bắt gặp đôi mắt của bé trai
và gương mặt của người mẹ trong tấm ảnh Khánh đăng cùng
bài viết. Tấm ảnh là một minh họa sinh động về chiến tranh và người Mẹ. Riêng với
tôi, nó minh họa nỗi đau của những người mẹ ngày hôm nay. Mẹ của Khánh, của
Paulus Lê Sơn, Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Viết Dũng, Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Mai
Trung Tuấn, …
Khánh sinh ra sau chiến tranh nhưng ý thức về những mất
mát, những hy sinh của người lính cho
mảnh đất anh đang sống không ngừng thôi thúc trong những suy tư của anh. Và nỗi
ám ảnh đó dắt tay anh vào một cuộc chiến mới. Cuộc chiến chống lại cái xấu, cái
dối trá, cái thối nát và tha hóa đang làm trì trệ đất nước anh.
Ở năm thứ hai của đại học, Khánh bắt đầu tìm hiểu về những vấn đề khiến Việt
Nam không thể phát triển. Anh lập trang web ngươiviettreonline để cập nhật đến
các bạn trẻ những bài viết về tình hình VN, sự thiếu minh bạch, thiếu tự do
trong các lĩnh vực. Đầu năm 2015, anh thành lập trang baothamnhung với mục tiêu
thông tin về tình hình tham nhũng trong giới chức chính quyền.
Nếu không bị bắt, tháng bảy vừa qua Phan Kim
Khánh đã tốt nghiệp Khoa Quốc Tế của trường Đại học Thái Nguyên. Nhà Khánh nghèo, nhưng anh học rất giỏi và là một
sinh viên có thành tích hoạt động xuất sắc. Anh đã đem về
căn nhà lụp xụp thuộc hộ nghèo ấy thật nhiều bằng khen. Luật sư Hà Huy Sơn bảo có lẽ tài sản lớn
nhất của bố mẹ anh chính là người con trai Phan Kim Khánh. Nhưng Khánh không chỉ
là tài sản riêng của gia đình anh. Ở thời điểm đất nước
cần anh, anh góp mặt. Và đối với chúng ta anh là một trong những nhân tố cho sự
đổi thay.
Giữa lúc sự
bắt bớ nhắm vào các nhà hoạt động ôn hòa đang leo thang; giữa bức tranh u ám của
xã hội VN qua hành động nhũng nhiễu tôn giáo, hành hung các nhà hoạt động, phá
hoại tài sản, đánh đập người dân của các Hội Cờ Đỏ, tôi ngồi đọc những suy tư
và ước mơ của Phan Kim Khánh.
Rõ ràng cái ác đang diễn ra nhưng người tốt vẫn
âm thầm góp mặt và những điều tốt đẹp vẫn cứ tiếp tục đâm chồi. Tôi muốn cám ơn
Khánh bằng một lời chân tình nhất, cám ơn anh đã cho tôi nhìn thấy hoài bảo của một lớp người trẻ thầm lặng. Cám ơn cái màu
xanh, ngát đầy niềm tin hy vọng bên dưới cái bề mặt tối tăm, khắc nghiệt, ảm đạm
của đất nước tôi.
Người ta bảo công lý là lương tâm con người. Giữa phiên tòa vắng bóng
công lý dành cho Phan Kim Khánh, chàng sinh viên 24 tuổi đã nói với tòa án về
công lý của chính mình. Anh không phủ nhận tội trạng mà lại nhận đó là hành vi,
là quá trình nhận thức của anh. Những chia sẻ của Khánh không biết có làm bâng
khuâg những người đại diện cho một thể chế đang
bóp chết tương lai tốt đẹp của người sinh viên trẻ ấy không? Nhưng tôi biết nó
làm dâng tràn tình thương trong muôn người vừa biết đến anh. Nó đủ mạnh để làm mờ đi những cái
ác dẫn đến từ sự ngu muội, cái hình ảnh hung
hăng của các hội nhóm cờ đỏ vừa được thành lập ở Nghệ An.
Và Khánh làm tôi nhớ đến cái khát vọng của cả một
thế hệ Thái Nguyên ngày trước. Giữa lúc đất nước đắm chìm trong những
ngày Pháp thuộc đen tối, những người lính khố xanh từ những trại tù nơi giam cầm các nghĩa sĩ đã trỗi dậy. Tự tuyên xưng mình là “Quang phục quân Thái Nguyên”, họ phá cửa trại giam và
cùng với Lương Ngọc Quyến giành lại bảy ngày độc lập cho Thái Nguyên. Cái khoảnh khắc
được đứng giữa đất trời, được là một người lính của một quốc gia độc lập với đầy
đủ quốc kỳ, quốc hiệu không chỉ sống với họ ở giây phút đó, nó tác động đến
hàng bao thế hệ Việt Nam sau này. Và họ đã chiến đấu và
hy sinh đến người cuối cùng, những cái tên Đội Cấn, Đội Giá, Đội Trường,… đã đi
vào lịch sử.
Người yêu dân ca khi nghĩ về Thái Nguyên là nghĩ đến những
nương chè xanh ngút mắt và những câu hát lượn của các thôn nữ người Tày. Người
yêu lịch sử sẽ nhớ đến hình
ảnh hào hùng của những người lính khố
xanh vào thế kỷ thứ 19. Nhưng cái đẹp của Thái Nguyên không chỉ dừng ở đó. Tôi
muốn nhắc đến phiên tòa
cách đây 100 năm và hai người mẹ. Hai
người phụ nữ sống cách nhau đúng một thế kỷ. Tôi mường tượng đến nỗi xúc động
và sự mạnh mẽ của hai người mẹ trao đến cho các con trai của họ.
Trong phiên tòa xử Lương Ngọc Quyến,
thân mẫu của ông, bà Lê Thị Lễ thay vì phủ dụ con, bà đã dõng dạc nói
trước phiên tòa của thực dân Pháp: "Từ thuở còn
trong bào thai, chúng tôi đã dạy con về tình thương yêu nòi
giống. Bởi vậy, các con tôi theo đuổi mục đích cứu nước là hợp đạo lý gia đình
và đạo lý đất nước chúng tôi, sao lại gọi là phản loạn". Rồi bà quay sang
nói với con trai: "Mẹ chỉ mong con xứng đáng là con dân nước Việt đến hơi thở cuối cùng".
Sau phiên tòa xử Phan Kim
Khánh, bà Dung, thân mẫu của Khánh đã nói với luật sư “Nếu như tôi được gặp Khánh tôi sẽ
nói : “Bố mẹ ủng hộ việc con làm. Tôi tin tưởng, con tôi yêu nước, yêu
chính trị chứ không phải này kia”. Người mẹ ấy yêu con vô cùng. Khánh có quyền hãnh diện về bậc sinh thành của mình. Những bậc cha mẹ
khác, yêu con luôn tìm cách bao bọc, bảo vệ con khỏi những bất trắc và do đó vô
tình họ quay lưng lại với hạnh
phúc đích thực của con. Mẹ của Khánh thì
khác, bà biết đất nước này dù còn nhiều khó khăn, nhưng nó đâu có thuộc về thiểu
số nhóm lợi ích, nó còn thuộc về thế hệ của những Phan Kim Khánh. Bà hiểu và thương cái khát vọng
tươi đẹp của con trai mình:
“…Với tôi làm chính trị đơn giản là sao cho con đường của
các em nhỏ tới trường được dễ dàng, cho đất cày của bà con nông dân quê tôi được
mền lúa cấy lên tươi tốt. Đơn
giản là cho người với người sống yêu thương nhau!”
***
Tôi nhớ trong một bài dân ca về Thái Nguyên, nhạc sĩ Cao Khắc Thúy có nhắc
về tiếng “rì rầm trong cổ tích” của quê hương miền núi này. Phải chăng chúng ta cũng đang nghe tiếng rì rầm ấy; tiếng
rì rầm cổ tích trở lại sau hàng trăm năm khi Lương Ngọc Quyến và những người lính khố xanh viết nên câu chuyện về Thái Nguyên.
Xin đất trời đem hơi ấm của những ngày lễ tạ ơn về đến căn nhà nhỏ bên chân đồi của ông bà Phan Văn Dung. Ở đó, đồi núi,
gió rừng và những nương chè cũng đang lắng nghe. Ở đó, Thái Nguyên
đang kể tiếp câu chuyện của mình, câu chuyện của người mẹ và chàng trai Phan Kim
Khánh.
Nguyệt Quỳnh
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire