03/12/2017

“Không có gì quí hơn độc lập, tự do”


Thiện Tùng


“Độc lập, tự do” là khát vọng truyền đời của dân tộc Việt Nam. Khai thác sự khát khao ấy của dân tộc, Hồ CHí Minh nâng nó lên tột đỉnh bằng câu nói để đời: “Không có gì quí hơn độc lập, tự do”, có nghĩa là nó còn cao hơn mạng sống của con người?. Khơi đúng vào nỗi khát khao ấy, nhân dân cả nước, hết thế hệ nầy sang thế hệ khác, sẵn sàng hiến dâng cả tính mạng và tài sản của mình để góp phần thực hiện ước mơ chung ấy.



Từ khi Đảng CSVN cầm quyền đến nay, qua nhiều lần thay đổi tên gọi, tính ra đã 72 năm (1945-2017), trải qua 30 năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ (1945-1975), 42 năm xây dựng đất nước trong hòa bình, nhưng đất nước và dân tộc Việt Nam vẫn chưa bao giờ độc lập, tự do thật sự. Trong thời chiến cũng như thời bình, lãnh đạo  Việt Nam lúc nào cũng quen lối sống dựa, “thở hùn lỗ mũi” của người ta. Không khéo, giống như VNCH, khi Mỹ không cho dựa thì chết ngay.

Trong  những năm chiến tranh, nhứt là thời điểm chiến tranh Cục bộ giữa 2 phe, còn gọi là “chiến tranh ủy thác”, Miền Bắc dựa vào Liên Xô và Trung Quốc; Miền Nam dựa vào Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực để đối đầu với nhau, đó là điều có thể chấp nhận được. Còn sau năm 1975, đã kết thúc chiến tranh, đất nước thống nhứt mà vẫn tiếp tục sống dựa, đó là điều người viết thấy lạ, viết bài nầy. 


Dựa Liên Xô xỏ xiên Trung Quốc


Năm 1972, Mỹ và Trung Quốc bắt đầu “đi đêm” với nhau thì mặc kệ họ, đàng nầy, Lãnh đạo Việt Nam dựa hẳn vào Liên Xô, xỏ xiên Trung Quốc, khiến cho Trung Quốc tức giận, ghét cay ghét đắng thằng nghịch đệ “ăn xong đá bát”. Mùa Hè 1979, Trung Quốc xua 60 vạn quân tràn sang các tỉnh biên giới phía bắc “Dạy cho VN bài học” , ngoài nhà tan cửa nát, hơn 40 ngàn người phải bỏ mạng trong cuộc chiến tranh biên giới nầy ! .


Dựa Trung Quốc  


Hốt hoảng trước cảnh các nước Cộng sản Đông Âu liên tiếp sụp đổ, năm 1990, Tổng Bí thư Nguyễn văn Linh dẫn phái đoàn sang Thành Đô thực hiện cuộc “đi đêm” với Trung Quốc. Tại cuộc mật nghị nầy, hai bên giao ước những gì với nhau đố trời mà biết, đến nay cả 2 bên vẫn giữ kín như bưng. Chỉ thấy, từ sau mật nghị Thành Đô cho đến nay, Trung Quốc luôn ở thế thượng phong, như anh cả đỏ, lãnh tụ của họ chỉ bảo những gì lãnh tụ VN cũng ngoan ngoản OK . Cũng từ mật nghị Thành đô đến nay, chính trị và kinh tế VN lệ thuộc vào Trung Quốc, VN độc lập chỉ có trên danh nghĩa. Ngay cả khâu đào tạo cán bộ cho mình, VN cũng  giao luôn cho Trung Quốc, đúng là “gởi trứng cho ác”. Đến giờ nầy, ai có thể nói được có bao nhiêu Thái thú Tàu đang hoạt động trên đất nước VN?  – Chỉ có thiếu tướng, viện trưởng Học viện Công an Trương Giang Long, vì yêu nước thương nòi, bạo miệng cảnh báo trước học viên lớp học: “Trung quốc cài cắm tình báo vào VN không phải hàng trăm mà trăm nầy cộng với trăm kia, không chỉ có ở cấp thấp mà có cả ở cấp cao…”. Đúng là con ếch chết vì cái miệng, ông Long đang “được” TW Đảng cho ngồi chơi xơi nước, chờ đủ tuổi về hưu. 
Mật nghị Thành Đô Việt-Trung hai ngày 3 và 4/09/1990e
        

Tìm đường thoát Trung


Khi buộc được VN phụ thuộc về chính trị và kinh tế,  gọi là phân định lại biên giới, Trung Quốc lấn nhiều vùng đất của VN, nhất là thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, với tổng diện tích ước tính bằng diện tích tỉnh Cao Bằng / Phân chia lại Vịnh Bắc bộ, nguồn tin chưa được kiểm chứng cho biết, VN bị thua thiệt hơn 12.000 km2 / Ngoài gia cố quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm của VN hồi năm 1974, họ còn từng bước lấn chiếm quần đảo Trường Sa của Việt Nam / Ngăn cản không cho VN khai thác dầu khí trong vùng thuộc hải phận của VN / Mượn tay công ty cán thép Formosa thải độc giết chết hệ sinh thái dọc theo bờ biển các tỉnh Miền Trung và thường xuyên cản trở ngư dân VN đánh bắt hải sản ở Biển Đông..v.v.

Trước áp lực của Trung Quốc như vừa nói, lẽ ra VN bám lấy Liên Hiệp Quốc, Hội Đồng Bảo An kiện về tham vọng bành trướng nầy của Trung Quốc, đàng nầy, lãnh đạo VN lại một mực muốn dựa dẫm Mỹ, dùng thế lực Mỹ để kềm chế Trung Quốc để mình “du dây. Du dây chỉ dành cho những phần tử cơ hội, du dây là việc làm nguy hiểm, chỉ cần một bên dứt dây là “tới số”. Nhưng lại khổ nỗi, trong nội bộ lãnh đạo Đảng CSVN số thì muốn ngã về Phương Tây, chủ yếu là Mỹ, số thì nặng tình với Trung Quốc vừa là đồng chí vừa là anh em. Từ đó, sanh ra mâu thuẫn nôi bộ, không khéo dễ dẫn đến nội chiến chớ chẳng chơi đâu?. Lợi dụng người thì người cũng có thể lợi dụng lại, tại Hội nghị Apec 2017, dường như 2 cường quốc Mỹ-Trung thỏa thuận ngầm, họ chia nhau cỡi trên lưng Việt Nam và Bắc Hàn để trục lợi.


Giận dao chém thớt xung quanh vấn đề “Xét lại” chủ thuyết Mác-Lenin.


 Năm 1956, khi nhậm chức Tổng bí thư Đảng CS Liên Xô, Khơ-rút-xốp (Khrushchev)  không còn mấy tin thuyết dùng bạo lực lập chuyên chính vô sản trên toàn thế giới theo học thuyết Mác-Lenin, ông chủ trương "Các nước không cùng lập trường chính trị có thể sống chung". Vô hình trung, ông đặt nhẹ đấu tranh giai cấp và đấu tranh giải phóng các dân tộc. Quan điểm nầy của ông đối lập với tư tưởng Mao, bị Mao Trạch Đông lên án kịch liệt, cho đây là chủ nghĩa “Xét lại”- Xét lại chủ nghĩa Mác-Lenin.

Đầu thập niên 1960, Những người có khuynh hướng thân Liên Xô trong Đảng Lao động Việt Nam tán thành chủ trương “Xét lại” của Khơ-rút-xốp, không muốn phát động chiến tranh vũ trang ở Miền Nam VN, ngoài sợ phật lòng Liên Xô,  còn sợ từ một đốm lửa sẽ gây ra đám cháy, khó tránh khỏi chiến tranh thế giới lần thú 3. Tổng bí thư Đảng Lao động VN Lê Duẩn cùng quan điểm với Mao Trạch Đông, ông cỗ vũ xu hướng dùng bạo lực giải phóng Miền Nam VN. Ông Duẫn đồng tình với ông Mao, cùng tẩy chay đại hội lần thư 23 vào tháng 3/1965 của Đảng CS Liên Xô. Cũng từ đó, ông Lê Duẫn, Lê Đức Thọ đầu mưu dựng ra cái gọi là “Vụ án xét lại chống Đảng”. Hàng trăm quan chức, cán bộ bị cho là thân Liên Xô, nếu không bị kết án tù cũng bị phân biệt đối xử, trong đó có Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Chính, Ung văn Khiêm,… và nghe đâu có cả Hồ Chí Minh trong số đó.

 Đầu năm 1970, Mao Trạch Đông  lại bắt chước Liên Xô, “Xét lại” chủ nghĩa Mác-Lenin, ngỏ ý muốn bang giao với Hoa Kỳ thời tổng thống Richard Nixon để tháo gở bế tắt về kinh tế. Về phía Mỹ muốn thoát khỏi vũng lầy chiến tranh ở VN, năm 1972 Nixon chấp nhận “đi đêm” với Trung Quốc, ông dẫn phái đoàn sang Trung Quốc gặp Mao Trạch Đông. Từ cuộc “đi đêm” nầy, hai nước Mỹ-Trung trở thành đối tác thân thiết. Cũng từ đó, Trung Quốc đoạn giao với Liên Xô, còn Mỹ chia tay với Đài Loan và Việt Nam Cộng hòa. “Chạy đàng mồ mắc đàng mã”, khi Trung Quốc cũng “Xét lại” như Liên Xô, hoạt đông theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”. Hai anh lớn đã làm thế, không còn cách nào khác, Việt Nam đành phải thực hiện sách lược “đu dây” giữa Liên Xô và Trung Quốc, nhờ mỗi nước một ít để cầm hơi. Khi thấy đôi “uyên ương” Trung- Mỹ ngày càng nồng ấm, Việt Nam xích lại ngày càng gần hơn với Liên Xô để mong giữ vững chủ thuyết Mác-Lenin, khiến cho đầu lĩnh Trung Quốc  Đặng Tiểu Bình tức giận. Về mặt nội bộ, lãnh đạo VN chủ trương giảm và miễn tội dần cho những người trước đó bị coi là “theo chủ nghĩa Xét lại chống Đảng” nhằm xả bớt căng thẳng, chia rẽ trong nội bộ Đảng.

Năm 1979, khi Trung Quốc xua quân đánh các tỉnh biên giới phía bắc, lãnh đạo Việt Nam dựa hẳn vào Liên Xô để đối phó với Trung Quốc, nhiều cán bộ bị nghi ngờ là thân Trung Quốc, nếu không mất chức cũng bị phân biệt đối xử thậm tệ. Những ai được xem thân Liên Xô đều được trọng dụng.

Từ năm 1989, các Đảng cs Đông Âu lần lượt sụp đổ. Đảng CS Liên Xô cố gắng gượng, cuối cùng cũng sụp đổ vào năm 1991, Liên bang Xô Viết “rã hùn” bắt đầu từ đây. Từ sau mật nghị Thành Đô đến nay, VN trở thành nước hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc. Những quan chức bị coi không thân Trung Quốc lần lượt bị loại, thường dân ra mặt chống Trung Quốc, nếu không cho vào “kho” cũng “trầy vi tróc vãi” chớ chẳng được yên.

Ở tỉnh Mỹ Tho xưa, Tiền Giang nay, có ông Chín Thảo, cán bộ cao cấp của Đảng CSVN luôn bị “sâm soi” không ngóc đầu lên được : Trong chiến tranh, ông được phân công tác trách Trí vận, bị nghi ngờ có quan hệ với CIA Mỹ / Khi VN bất hòa với Liên Xô, ông phụ trách Hội Việt-Xô Hữu nghi, bị nghi là tình báo KGB. Khi VN bất hòa với Trung Quốc, ông phụ trách Hoa vận,  bị nghi ngờ quan hệ với đặc vụ Bắc Kinh (Tình báo Hoa Nam) . Nay ông đã chết rồi chắc người ta không còn nghi ngờ gì ở ông nữa.

Một mũi chích rất đau, cách nay hơn 30 năm sau khi Bác Tôn Đức Thắng mất, không biết xuất xứ từ đâu, tung ra thị trường chuyện phiếm. Chuyện rằng:

<< Cụ Tôn chết xuống gặp cụ Hồ. Hai cụ ôm nhau khóc xướt mướt. Cố nén xúc cảm, cụ Hồ hỏi:

 -  Trên ấy thực hiện di huấn của tôi đến đâu rồi ?

 -  Di huấn nào, trước khi chết, Cụ để lại cho thế hệ kế tiếp nhiều di huấn ? – Cụ Tôn hỏi. 

  -  “Không có gì quí hơn độc lập, tự do” ấy mà - Cụ Hồ nói.

  -  Về việc ấy thì đã thực hiện được một phần ba (1/3) di huấn của Cụ - Cụ Tôn trả lời. 

  -   Nghĩa là sao, tôi chưa hiểu? – Cụ Hồ vặn hỏi.

  -  “Không có gì quí hơn độc lập, tự do” tổng số là 9 chữ, làm được 3 chữ đầu “không có gì”- Cụ tôn đáp với giọng trầm buồn.

  -  Thế là dân tình còn lắm gian truân ! – Cụ hồ lấy khăn lau nước mắt.

- Tôi e rằng mãi mãi cũng sẽ như vậy, nhưng đó là trách nhiệm của những thế hệ kế tiếp, minh lo chuyện siêu thoát là hơn. Tôi thì thoải mái rồi, chỉ thương cho Cụ còn kẹt ở Lăng – Cụ Tôn vịn vai cụ Hồ an ủi.>>

Muốn có tự do phải độc lập. Muốn có độc lập phải tự chủ về chính trị và kinh tế, phải từ bỏ lối sống dựa và đu dây. 72 năm qua, Việt Nam luôn không tự chủ về chính trị và kinh tế, chuyên sống dựa và đu dây thì bảo làm sao có độc lập tự do thật sự, có chăng chỉ trên danh nghĩa mà thôi.

 02/12/2017
     T.T

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire