Xuân Dương: "Tưởng chừng câu chuyện “con ông, cháu cha” không còn
“đất” để khai thác thì không ngờ mới đây, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân thành phố Hà Nội lại phát hiện một điều mới mẻ, ấy là chuyện “con ông,
cháu cha… vỉa hè”."
Cảnh thi công lát đá tự nhiên cho vỉa hè tại Hà Nội. (Ảnh minh hoạ: Baogiaothong.vn) |
Người Việt vài chục năm qua vốn đã quá quen với cụm từ
“con ông, cháu cha”
hay cũng còn gọi là “con cháu các cụ” (4C), ấy là khi nói đến chuyện tuyển dụng
vào biên chế, bổ nhiệm, cất nhắc các vị trí trong cơ quan công quyền thì lớp
“4C” này luôn được xem là ưu tiên số một.
Cũng vì thế nhóm “4C” còn được xếp đầu bảng trong hàng
ngũ “tứ ệ” hay “ngũ ệ” với tục danh là “hậu duệ”.
Nói đến “con ông, cháu cha” là người ta nghĩ ngay đến
những lãnh đạo sở, huyện tuổi chừng
30, con cái các vị Bí thư hoặc nguyên Bí thư ở Quảng Nam, Hậu Giang,
Hải Dương,…
Thực ra “4C" nơi nào cũng có chỉ có điều người ta
chưa biết đến vì “các cụ” không thiếu kinh nghiệm “rào giậu”.
Người Hà Nội chưa nghe thấy chuyện "4C" tại
Thủ đô không phải vì không có mà vì đất Tràng An thanh lịch, “xấu chàng hổ ai”,
chẳng lẽ lại tự động vạch áo cho người xem lưng?
Truyền thông dẫu có biết cũng phải học nghề thợ may
“bảy lần đo, một lần cắt”.
Tưởng chừng câu chuyện “con ông, cháu cha” không còn
“đất” để khai thác thì không ngờ mới đây, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân thành phố Hà Nội lại phát hiện một điều mới mẻ, ấy là chuyện “con ông,
cháu cha… vỉa hè”.
Báo Anninhthudo.vn dẫn lời ông Chung như sau:
“Như
việc lát đá vỉa hè vừa qua, tại sao Ban quản lý dự án các quận huyện lại làm
không tốt. Quá trình duyệt dự toán thế nào?
Có việc “con ông
cháu cha” cung cấp vật liệu để hưởng lợi không?
Tôi biết là có việc
đó và chúng ta cần phải kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm và công khai”.
[1]
Đã là “4C” thì đương nhiên chỗ ngồi phải “ấm”, chỗ ăn
thì phải ngon, không ngon thì dại gì mà dính vào.
Thế thì cái vụ “ăn” đá lát vỉa hè Hà Nội vừa qua chắc
không thể là chuyện cà mèng, lại càng không thể do các “4C” tự ý nghĩ ra mà
không có sự chỉ lối, đưa đường của “các cụ”.
Vậy nên làm rõ chuyện “4C vỉa hè” không phải là quan
trọng nhất, quan trọng là tìm ra “các cụ” của những “4C vỉa hè” đó là ai, làm
gì, ở đâu và quan trọng nữa là nên cho dân chúng biết để tránh “ít cụ, nhiều
ngờ”.
Báo Tienphong.vn đưa tin: “Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức
Chung cho biết, thành phố đang chỉ đạo rà soát lại tất cả vấn đề liên quan đến
trình độ, bằng cấp.
“Bước đầu đã có một số trường hợp vi phạm trong bằng cấp, thành phố sẽ xử
lý nghiêm túc và công khai trong thời gian tới”. [2]
|
Ông Chung đã nói thế thì dân biết thế, bởi từ khi nhậm
chức đến nay, ông có nhiều phát biểu mà dân chúng ghi nhận là thẳng thắn, không
né tránh, chẳng hạn cái vụ công an chống lưng cho tư nhân
bán bia vỉa hè hay vụ bảo kê trông giữ xe ở Mỹ Đình,…
Cứ tưởng sau vụ “trồng nhầm” cây mỡ thay cây vàng tâm
trên vỉa hè một vài tuyến phố Hà Nội được rút kinh nghiệm triệt để thì nay lại
đến vụ đá lát vỉa hè.
Mà sao cái “vỉa hè” Hà Nội lại dính đến nhiều chuyện
thị phi như vậy?
Phải chăng đất công sản ở đâu cũng là màu mỡ, béo bở
chứ không riêng Đà Nẵng?
Hơi tiếc là dân Thủ đô chưa thấy bất kỳ cây “gậy chống
bia” nào - mà ông Chung biết rất rõ - được thành phố công khai đưa vào chiếc lò
đang nóng vốn đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ủy ban Kiểm tra Trung
ương nhóm từ năm ngoái.
Chẳng lẽ dân nên “yên tâm” chờ đợi, nhất định đến một
ngày đẹp trời nào đó các thành viên “nhóm lợi ích bằng rởm”
hay “gậy chống bia” sẽ được “công khai”.
Mà thành phố đã nói là “công khai trong thời gian tới”
thì dân có cần biết câu chuyện của những người thích đùa thế này:
Một cửa hàng trương biển: “Ngày mai miễn phí các mặt
hàng”. Hôm sau dân rồng rắn xếp hàng từ sớm, khi mang hàng ra cửa bị bảo vệ yêu
cầu vào quầy trả tiền, dân hỏi “sao bảo miễn phí”?
Trả lời “ngày mai mới miễn phí chứ không phải hôm
nay”!
Nhân nói đến chuyện “làm rõ, xử lý nghiêm và công
khai”, mấy tháng trước người dân vừa được biết đến tuyên bố của ông Bí thư
Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến sau khi kiểm điểm trách nhiệm và xử lý kỷ luật cán bộ
tỉnh này liên quan đến người mà truyền thông gọi là “hot girl Thanh Hóa”
như sau:
“Việc này cần thực hiện công khai để đảng viên
trong Đảng bộ hiểu rõ bản chất vụ việc, đâu là việc đúng, sai, để thể hiện
tính minh bạch trong xử lý vi phạm".
|
Tiếc cho ông Chiến là sau đó Ủy ban Kiểm tra Trung
ương đã kết luận rất khác so với những gì mà ông Chiến đã chỉ đạo Tỉnh ủy “công
khai, minh bạch trong xử lý vi phạm”.
Cấp dưới của ông là ông Phó Chủ tịch Ngô Văn Tuấn đã
bị cách hết chức vụ trong Đảng vì “nâng đỡ không trong sáng” cô gái có tên
Quỳnh Anh!
Người viết tin rằng điều đó sẽ không lặp lại tại Hà
Nội, hy vọng rằng với kinh nghiệm và bản lĩnh của vị tướng công an, ông Nguyễn
Đức Chung có đầy đủ công cụ và quyền lực để thực hiện lời nói của mình trước
cán bộ dưới quyền và với nhân dân thành phố.
Và người dân Kẻ Chợ cũng tin rằng nhận định của Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
“Công
tác phòng chống tham nhũng tiêu cực đã có kết quả bước đầu, xử lý nhiều cán bộ
cao cấp. Cứ nói trên nóng dưới lạnh, nhưng giờ dưới cũng nóng dần lên rồi”
[3] sẽ được thực hiện nghiêm túc tại Hà Nội.
Nhiệm kỳ Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố là 5 năm,
kéo dài đến năm 2021, thế là đã gần nửa chặng đường.
Một trong những quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền
thành phố và ông Chủ tịch Nguyễn Đức Chung là hồi sinh bốn dòng sông chết của
thủ đô: sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch và sông Tích.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, thành phố sẽ hoàn thành việc
tách nước thải đưa về hệ thống xử lý tập trung trước khi đổ vào hồ, xử lý tất
cả các hồ nội thành và các hồ gắn với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh bị ô
nhiễm nghiêm trọng. [4]
Thời gian chỉ còn ba năm, cũng gần dịp kết thúc nhiệm
kỳ lãnh đạo, cải tạo cả bốn dòng sông không chỉ cần quyết tâm mà cũng cần nhiều
tiền bạc.
Nếu thành phố
động viên xã hội hóa, cho tư nhân cải tạo sông, đổi lại được phép xây một số
cầu bắc qua sông làm bãi đỗ xe hoặc kinh doanh thương mại thì chắc nhiều
người sẵn sàng hưởng ứng.
|
Người viết tưởng tượng viễn cảnh thế này:
Trên các dòng sông nước trong veo không có chút mùi
khó chịu nào, có những câu cầu bắc ngang, tầng dưới là cầu và bãi đỗ xe, tầng
trên là nhà hàng.
Người thủ đô đi dạo, thể dục dưỡng sinh trên cầu mỗi
sáng và nhâm nhi ly cà phê buổi tối.
Nếu lòng sông mở rộng, trên những con thuyền nan lờ
lững trôi là các đôi nam thanh nữ tú thì chắc chắn đấy sẽ là điểm nhấn cho du
lịch thủ đô.
Hồi sinh được bốn dòng sông chết chắc chắn là một kỳ
tích, chắc chắn là điều mà toàn dân Hà Nội mong đợi.
Vấn đề là khi nào điều đó sẽ thành hiện thực.
Vấn đề cũng còn ở chỗ ý thức của người Kẻ Chợ khi các
dòng sông đó hồi sinh, liệu người ta có đối xử với sông như đối xử với những
vườn hoa quanh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm dịp Tết dương lịch vừa qua?
Một việc nữa mà người viết cũng mong muốn là Hà Nội sẽ
làm gương cho cả nước về tinh gọn bộ máy chính quyền, đoàn thể.
Nên chăng Hà Nội chủ động đề xuất với Trung ương việc
ghép lại hai quận Từ Liêm, quận Long Biên và huyện Gia Lâm thành một đơn vị
hành chính như cũ?
Vừa rồi, vụ Vũ “nhôm” có
hộ chiếu nước ngoài (dư luận cho là do quốc đảo Antigua & Barbuda ở phía
đông biển Caribe cấp), quá khứ cũng có người khác đã chuẩn bị cho ngày rời bỏ
tổ quốc bằng cách thức tương tự, chính quyền Hà Nội có nên quan tâm xem có
hay không cán bộ công chức trong bộ máy nhập quốc tịch nước ngoài, sẵn sàng
cho ngày “cất cánh an toàn”.
|
Hà Nội có nên tổng rà soát xem bao nhiêu cán bộ lãnh
đạo địa phương mua nhà tại Hà Nội, cung cấp dữ liệu đó cho Ủy ban Kiểm tra
Trung ương bởi những biệt phủ hoành tráng tại địa phương giá trị chưa chắc đã
bằng một căn hộ tầng thượng (Penthouse) tại Hà Nội.
Làm được việc này chính là đáp ứng tiêu chí Hà Nội vì
cả nước, vì công cuộc phòng chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước đang tiến hành.
Còn nhiều điều khác nữa như thực phẩm bẩn, tội
phạm ma túy, mãi dâm, công chức “tham nhũng vặt”,… cũng cần đến quyết tâm của
Đảng bộ và chính quyền và người dân không nghĩ rằng thành phố sẽ giải quyết
một lúc tận gốc mọi vấn đề.
|
Điều mà người dân mong đợi là những gì đã nói ra, đã
hứa sẽ được thực hiện chứ không phải tình trạng “nói mà không làm, làm không
đến nơi đến chốn, làm ngược với nói” như từng được nêu trong nhiều văn bản,
trong phát biểu các các vị lãnh đạo cao cấp và trên mặt báo.
Có người hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch thành phố để lại di
sản là “quy hoạch băm nát thủ đô”.
Mới chưa quá nửa nhiệm kỳ mà đòi hỏi lãnh đạo Đảng bộ
và Ủy ban nhân dân thành phố làm đủ mọi thứ là không hợp lý.
Thế nhưng nếu không làm ngay từ hôm nay thì chẳng bao
giờ có được câu trả lời dẫu “thời gian tới” có dài bằng ba bốn nhiệm kỳ cũng
vậy.
Tài liệu tham khảo:
Xuân
Dương
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire