06/01/2018

Quá trình điều tra Vũ "nhôm" sẽ được tiến hành như thế nào?


 
Ngày 4.1, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ.


Ngày 4.1, Bộ Công an đã chính thức thông báo tiếp nhận, bắt bị can Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”). Theo luật sư, sau khi bắt được bị can Vũ, trước mắt cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra đối với tội "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước".



Ngày 4.1, Bộ Công an đã chính thức thông báo tiếp nhận, bắt bị can Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”). Theo luật sư, sau khi bắt được bị can Vũ, trước mắt cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra đối với tội "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước".

Theo luật sư Lại Xuân Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội, việc bắt và dẫn độ Vũ “nhôm” về Việt Nam sẽ giúp cơ quan điều tra thuận lợi hơn trong quá trình điều tra vụ án, thúc đẩy làm rõ các hành vi phạm tội của Vũ “nhôm” và tìm ra chân tướng sự việc để đưa ra truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; đồng thời sẽ trả lời được các nghi ngại, thắc mắc của nhân dân cả nước.

Luật sư Cường cho biết, bị can Vũ “nhôm” sẽ được di lý về trụ sở cơ quan điều tra Bộ Công an để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Các bước và quy trình sẽ được thực hiện theo đúng quy định về Tố tụng hình sự, được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1.1.2018.

Bị can Phan Văn Anh Vũ bị cơ quan An ninh điều tra Bộ công an khởi tố bị can với tội danh "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước" quy định tại Điều 263 BLHS năm 1999 và điều 337 BLHS năm 2015. Sau khi bắt được bị can Vũ, trước mắt cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra đối với tội "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước". Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện hoặc có căn cứ cho rằng bị can Vũ có dấu hiệu phạm một tội khác thì Cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người phạm tội.

“Theo quy định tại điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Tại thời điểm này, bị can Vũ có thể trực tiếp yêu cầu luật sư thông qua cơ quan điều tra hoặc thông qua gia đình để mời luật sư bào chữa cho mình. Việc mời người bào chữa sẽ không bị giới hạn và bị can Vũ có thể mời nhiều luật sư bào chữa cho mình” – LS Cường phân tích.

Theo quy định của BLTTHS năm 2018 thì người bào chữa có quyền xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa. Được đọc, ghi chép, sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra (điều 73 BLTTHS năm 2015).

Cũng theo LS Cường, theo quy định tại khoản 2 điều 119 BLTTHS năm 2015 thì tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp sau: "Bỏ trốn và  bị bắt theo quyết định truy nã". Do bị can Vũ Nhôm đã  bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã nên không có căn cứ để cho tại ngoại trong quá trình điều tra vụ án.


Dung Hà

https://laodong.vn/phap-luat/qua-trinh-dieu-tra-vu-nhom-se-duoc-tien-hanh-nhu-the-nao-584884.ldo

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire