23/01/2018

‘Y án’ Thăng – Thanh: Kinh hoàng những ‘nạn nhân’ tiếp theo của ông Trọng!


 Phạm Chí Dũng

Ảnh: Tuổi Trẻ


Vietnam – Cali Today news – Nụ cười lồ lộ hy vọng của Đinh La Thăng khi ngồi trong xe công an đã tắt hẳn. Bước khỏi phòng xử vào ngày 22/1/2018, gương mặt Đinh La Thăng dại đi. So với mức án đề nghị của Viện Kiểm sát tối cao, ông Thăng chỉ được giảm có 1 năm tù. Còn Trịnh Xuân Thanh “đen” hơn: giữ nguyên chung thân!


Rốt cuộc, màn khóc lóc như mưa gió của hai cựu quan chức này đã chẳng làm cho Tổng bí thư Trọng mủi lòng. Cũng đã rõ là “lời sau cùng” tại phiên tòa xử “Thăng – Thanh” đã như một tín hiệu quá xấu: trong khi Đinh La Thăng tha thiết nguyện vọng “muốn được về nhà ăn cái tết cuối cùng với gia đình trước khi chấp hành án”, thì Trịnh Xuân Thanh còn đi xa hơn nhiều: “xin sang Đức để chăm sóc vợ con”, cho thấy tâm lý cả hai đều rơi vào tình trạng hoảng loạn. 

Giờ đây khi ngẫm lại, chắc chắn Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh đã không hề muốn bày tỏ nguyện vọng “về nhà ăn tết” và “sang Đức với con” trong lời cuối cùng trước tòa, bởi hai cựu quan chức này đã hiểu ra một “chân lý”: họ phải “hy sinh”!

“Thăng – Thanh” là phiên tòa đầu tiên của Tổng bí thư Trọng nhắm đến kể từ khi ông quyết định tiến sang giai đoạn 2 của chiến dịch được xem là “chống tham nhũng”, tính từ tháng 11/2017 và sau một cuộc gặp có thể đặc biệt quan trọng với Tập Cận Bình ở Hà Nội.

“Đường đi” của Tổng bí thư Trọng lại đang có nhiều nét khá tương đồng với giai đoạn khởi động của chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Một khởi sự mang tính then chốt và quyết định cho cả vận mệnh của chiến dịch này là trong hai năm 2012 và 2013, Tập đã mạnh tay “xử” Bạc Hy Lai – ủy viên bộ chính trị kiêm bí thư Trùng Khánh – không chỉ khởi tố bắt giam mà còn giáng mức án đến chung thân.

Đinh La Thăng đang có nhiều triển vọng trở thành Bạc Hy Lai Việt Nam. Còn Trịnh Xuân Thanh lại gắn liền với số phận của Đinh La Thăng. Một logic thật đơn giản mà cả Thăng lẫn Thanh, có thể do bị tạm giam mà không biết được thông tin và dư luận ở bên ngoài, là nếu ông Trọng không “trảm” Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, chiến dịch “chống tham nhũng” của ông ta sẽ lập tức có nguy cơ tự chết và Nguyễn Phú Trọng sẽ không còn cơ hội nào để trở thành Tập Cận Bình ở Việt Nam.

Đó chính là lý do khiến Nguyễn Phú Trọng rút ngắn đến mức có thể quy trình tố tụng hình sự đối với Đinh La Thăng: nhân vật được xem là “Bạc Hy Lai Việt Nam” này chỉ mất tròn một tháng từ lúc bắt cho đến lúc ra tòa, và từ lúc còn đang là Phó trưởng ban Kinh tế trung ương đến khi phải nhận một bản án tù nặng nề chỉ có một tháng rưỡi – một thời gian được rút ngắn hơn rất nhiều so với thời gian bảy tháng rưỡi kể từ tháng 4/2017 khi ông Thăng bị Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết luận kiểm tra về những hành vi sai phạm “rất nghiêm trọng” cho đến khi chính thức bị bắt.

Việc rút ngắn quy trình tố tụng hình sự như thế còn có tác dụng ngăn ngừa một ý đồ hoặc hành động “giải cứu Đinh La Thăng” từ bàn tay có thể của một “thái thượng hoàng” nào đó.

Vào năm 2012 và 2013 khi xử Bạc Hy Lai, Tập Cận Bình cũng đã thực hiện những biện pháp kiên quyết và rất độc đoán để chống lại sự can thiệp của một số cựu thần, đặc biệt của “phái Giang” (nhóm của cựu tông bí thư Giang Trạch Dân).

Còn khi xử Chu Vĩnh Khang – bộ trưởng công an vào thời đó, Tập Cận Bình có lẽ đã phải nhọc tâm và tốn nhiều công sức hơn. Viên tướng công an này – đã lên giường với 400 đàn bà – lại nắm quá nhiều hồ sơ về các vụ tham nhũng và ăn chơi trác táng của quá nhiều quan chức. Nghe nói chỉ riêng việc thiết lập các biện pháp bảo vệ để Chu Vĩnh Khang khỏi bị ám sát cũng đã trở thành một trọng tâm hàng đầu của ngành an ninh vào thời Tập.


Nếu Bạc Hy Lai và đặc biệt là Chu Vĩnh Khang có nhiều đầu dây mối nhợ dẫn đến nhiều quan chức khác ở Trung Quốc, trường hợp tương tự cũng có thễ diễn ra ở Việt Nam, liên quan đến Đinh La Thăng. Một khả năng về “ám sát Đinh La Thăng” là có thể xảy ra.

Việc Đinh La Thăng bị xử đến 13 năm tù giam chỉ với một tội danh “cố ý làm trái…” liên quan đến Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) phát đi một thông điệp cực kỳ quan trọng trên phương diện nội bộ đảng: ông Trọng đã dứt khoát làm theo “bài” của Tập Cận Bình, với “con hổ” đầu tiên là Đinh La Thăng.

Đinh La Thăng sẽ còn phải ra tòa ít nhất một lần nữa – vụ 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi vào Ngân hàng Đại Dương của Hà văn Thắm nhưng đã hoàn toàn biến mất. Trong vụ này, Đinh La Thăng có vẻ dính dáng khá sâu khi có ít nhất vài ba lần ra văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên gửi tiền vào Ngân hàng Đại Dương, và cũng có nhiều dư luận cho rằng Thăng đã chấm mút không nhỏ đối với số tiền 800 tỷ không cánh mà bay đó.

Nếu chứng cứ vụ “800 tỷ đồng” được cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trưng ra không yếu ớt như vụ “119 tỷ đồng” vừa xử, Đinh La Thăng sẽ phải nhận thêm tội danh danh “chiếm đoạt tài sản…” cùng mức án có thể còn nặng nề hơn mức 13 năm vừa phải nhận. Để sau vụ “800 tỷ đồng”, Đinh La Thăng có thể phải nhận tổng mức án lên đến 30 năm, nếu không nói là ngang bằng với mức án hiện tại của Trịnh Xuân Thanh – chung thân.

Giờ đây, ông Trọng đã thực sự “leo lên lưng cọp” và không còn có thể nhảy xuống để cọp quật ngược vồ lại mình. Cái thế “chịu chơi chơi tới cùng” của ông Trọng đang khiến những đối thủ – “nạn nhân” tiếp theo của ông, những người đã bị bắt và những kẻ chưa bị bắt – kinh hoàng.

Ở Trung Quốc, có một “tập quán” đã hình thành dưới thời Tập Cận Bình: một khi đã rơi vào tay Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương, không quan chức nào là không có tội, chỉ là nặng hay nhẹ mà thôi.

Năm 2018 “đẫm máu và nước mắt” đang bắt đầu như thế ở Việt Nam…
https://www.baocalitoday.com/chinh-su-viet-nam/y-thang-thanh-kinh-hoang-nhung-nan-nhan-tiep-theo-cua-ong-trong.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire