07/02/2018

Liêm sỉ ở đâu mà “ăn” đến cả tiền ủng hộ lũ lụt của dân?


 (Dân trí) - Ngày 5/2/2018, trên Dân Trí, phóng viên Nguyễn Thuỳ có bài viết: Dân nhận tiền ủng hộ lũ lụt phải... trích phần trăm “chè nước”! Thú thật, mới đọc đến tiêu đề bài viết thôi cũng đã cảm thấy bức xúc, chứ chưa nói đến theo dõi thêm diễn biến của vụ việc này. 

 




Theo phản ánh tại bài báo, những hộ dân bị ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới vào cuối năm 2017 đến nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước, lãnh đạo xã đã công khai “xin lại” 15% để chè nước, đi lại.
Một người dân xã Hoằng Phong (Thanh Hoá) cho biết: “Khi tôi nhận tiền hỗ trợ thì cán bộ chi trả tiền tự động thu lại 15% tổng số tiền gia đình được hưởng. Nhà tôi được nhận khoảng 17 triệu thì bị thu lại hơn 2 triệu đồng, tôi có hỏi lý do thu thì họ nói để hỗ trợ việc cán bộ đi lo giấy tờ, chè nước…”.
Chao ôi là chua chát! Hơn chục triệu đồng,tưởng là to, mà so với thiệt hại hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng của dân có đáng là bao? Chừng đó tiền chỉ có thể động viên về mặt tinh thần, hỗ trợ dân trong lúc cùng cực để ổn định là cuộc sống, chứ khó lòng vực người dân đứng dậy sau thất bát như ban đầu.
218 hộ ở xã Hoằng Phong bị ảnh hưởng, thậm chí, có những hộ bị mất trắng. Đồng nghĩa với công sức cả năm lao lực đổ sông đổ bể, chưa kể gánh nặng nợ nần, lãi vay tính bằng ngày bằng tháng. Thế mà có cái luật nào nào cho phép lãnh đạo “xin” theo kiểu: hộ nào được hỗ trợ trên 1 triệu đồng thì “bị xin” 15%, hộ nào dưới 1 triệu thì “xin” 10%?
Có câu “1 miếng khi đói bằng 1 gói khi no”. Đã chẳng làm gì giúp đỡ được người dân lại còn ăn bớt trên từng miếng cơm cuối cùng của họ! Trơ trẽn đến thế là cùng! Nếu ngay cả cái việc phân phát tiền hỗ trợ của Nhà nước cho dân mà còn đòi “thu phí” thì nên chăng “dẹp” luôn cả lương và phụ cấp cho cán bộ xã đi, vốn cũng là tiền ngân sách từ thuế, phí của nhân dân đóng vào?!
Buồn thay vụ việc này lại xảy ra ở Thanh Hoá – địa phương trong thời gian gần đây bỗng dưng “nổi tiếng”. Vừa mới mấy tháng trước xảy ra chuyện “ăn chặn” từng gói mì tôm cứu trợ ở Thiệu Dương (TP Thanh Hoá), thì nay lại đến tiền ủng hộ lũ lụt.
Mà những chuyện như thế này, liệu có chỉ xảy ra đơn lẻ ở những địa phương này hay không, hay lại còn xảy ra phổ biến ở những nơi khác nữa?! Lại nhớ câu thở dài của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan 4 năm về trước: “Đến tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng cùng với một số cán bộ còn biển thủ đến gần 3 tỷ, vừa rồi mới khởi tố. Cái liều vacxin tiêm cho một cháu, nhưng lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội… Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”.
Những chuyện vô sỉ, bất nhân, vô đạo đức như thế, cứ nói đi nói lại mãi mà vẫn cứ diễn ra, không biết sĩ diện của những cán bộ ấy để đâu hết!
Đang lúc Đảng, Nhà nước đang có chủ trương tinh giản biên chế, thu gọn bộ máy công chức cồng kềnh. Thiết nghĩ, những cán bộ “chè nước” như vậy thì giữ lại làm gì?
Nói như ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thanh Hóa: “Ngứa lưng đi gãi bụng là không được”, cho nên, cán bộ kể cả cấp thấp nhất là cấp xã, cấp thôn đi chăng nữa, nếu không đáp ứng được khả năng, nhất là đạo đức, thì phải thay thế, loại bỏ, chứ không thể là “tinh giản” chung chung!


Bích Diệp


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire