Trần Văn
Thọ
(TBKTSG
Xuân AL) - Những xu hướng mới tác động đến kinh tế, chính trị thế giới
trong năm 2018 và nhiều năm tiếp theo là gì? Theo tôi xu hướng tác động
mạnh nhất sẽ là một nước Trung Quốc mới. Đối với Việt Nam, nằm sát kề bên
Trung Quốc, thì tác động đó càng mạnh hơn nữa. Từ 20 năm trước Trung Quốc
đã trở thành công xưởng của thế giới, và từ 9, 10 năm trước đã trở thành
nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tính theo tỷ giá hiện hành (tính theo sức
mua ngang giá PPP thì Trung Quốc đã vượt Mỹ từ năm 2014) nên không có gì
mới khi bàn về những mặt đó. Trung Quốc mới ở chỗ các công ty của họ đã trở
thành đa quốc gia, thâm nhập mạnh mẽ vào kinh tế, chính trị các nước, và
bắt nhịp với các chiến lược mới được phát biểu ở Đại hội toàn quốc lần thứ
19 (tháng 10-2017) của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Một
Trung Quốc mới đã xuất hiện
Nhật báo
Nikkei của Nhật Bản số ra ngày 6-1-2018 giới thiệu trên trang đầu kết quả
một nghiên cứu mới về kinh tế châu Á, theo đó, ngoại thương của Nhật và
ASEAN sẽ ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và hiệu quả lan tỏa
của kinh tế Trung Quốc đến kinh tế các nước châu Á sẽ lớn hơn là Mỹ. Tuy
nhiên nghiên cứu cũng cho thấy hiện tượng “Trung Quốc hóa” này có thể gặp
rủi ro về chính trị. Eurasia Group, một công ty tư vấn về rủi ro địa chính
học, có bản bộ tại New York, vào ngày 2-1-2018 đã công bố danh mục 10 rủi
ro lớn nhất năm 2018, trong đó ảnh hưởng của Trung Quốc nằm ở vị trí đầu
tiên. Các nghiên cứu và điều tra này cho thấy ảnh hưởng lớn nhưng kèm theo
rủi ro của yếu tố Trung Quốc trên kinh tế và chính trị thế giới, nhất là
châu Á.
Chiến lược đối phó hữu hiệu và lâu dài nhất là
củng cố nội lực. Doanh nghiệp Việt Nam, tư bản dân tộc phải được nuôi
dưỡng, được tạo điều kiện lớn mạnh.
Trong
lịch sử kinh tế thế giới, những cường quốc kinh tế nổi lên qua các thời đại
như Anh, Mỹ, Nhật cũng ảnh hưởng đến kinh tế thế giới nhưng trong những
trường hợp đó, ít có nhận định về rủi ro, ít có phân tích về tác động tiêu
cực đến kinh tế nước khác. Tại sao Trung Quốc thì khác? Khác vì tính chất
đặc thù của nước này. Trong báo cáo chính trị đọc tại Đại hội Đảng tháng
10-2017, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã tổng kết tư tưởng của chiến lược phát
triển trong giai đoạn tới là “xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung
Quốc trong thời đại mới”. Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc thì đã
được nói đến từ lâu nhưng ở đây khái niệm ấy được tăng thêm một nội hàm là
thời đại mới. Cũng theo ông Tập, cái mới ở đây là xây dựng Trung Quốc thành
một cường quốc xã hội chủ nghĩa theo hướng hiện đại và có ảnh hưởng lớn
trên vũ đài quốc tế. Cũng trong báo cáo chính trị ấy, ông Tập đã nhắc lại
nhiều lần giấc mơ Trung Quốc là sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa.
Tham vọng thành cường quốc, gây ảnh hưởng lớn trên thế giới để phục hưng
một thời đại huy hoàng của dân tộc dĩ nhiên sẽ có tác động lớn đến thế
giới; nhất là chiến lược đó lại mang màu sắc riêng, đặc tính riêng của
Trung Quốc chứ không theo những giá trị phổ quát như trường hợp những nước
lớn đã phát triển.
Công ty
đa quốc gia Trung Quốc: Những đặc trưng mới trên vũ đài quốc tế
Một công
cụ quan trọng để thực hiện chiến lược kinh tế đối ngoại theo phương châm
lớn nói trên là đẩy mạnh hoạt động đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp Trung
Quốc. Trong bốn năm năm qua, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã nhanh chóng
trở thành các công ty đa quốc gia quan trọng. Những công ty đa quốc gia này
mang màu sắc Trung Quốc ở những điểm nào và sẽ tác động đến những nước khác
như thế nào?
Trong
quá trình cải cách, phát triển, Trung Quốc là nước tiếp nhận nhiều nhất các
nguồn vốn và công nghệ từ nước ngoài qua hình thái đầu tư trực tiếp (FDI
vào). Nhưng từ khoảng năm 2010, doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng ra đầu tư
ở nước ngoài (FDI ra). Trước năm 2005 hầu như chưa có dự án nào đáng kể
nhưng vào năm 2010, FDI ra đã tăng lên 70 tỉ đô la Mỹ. Đáng chú ý là từ đó
tốc độ FDI ra tăng rất nhanh, năm 2016 đã tăng lên tới 183 tỉ, lần đầu tiên
vượt quá và vượt xa kim ngạch FDI vào (134 tỉ đô la Mỹ), đánh dấu một bước
ngoặt lớn trong kinh tế đối ngoại Trung Quốc. Trung Quốc trở thành nước FDI
ra lớn thứ hai trên thế giới vào năm 2016.
Cùng với
tư bản của Mỹ, Tây Âu và Nhật, doanh nghiệp Trung Quốc đã trở thành những
công ty đa quốc gia (MNC) quan trọng. Nhưng khác với những MNC từ các nước
tư bản tiên tiến, MNC của Trung Quốc có một số đặc trưng như sau:
Thứ
nhất, lịch sử hình thành các doanh nghiệp này rất ngắn, nhất là thời gian
hoạt động trong kinh tế thị trường chưa đủ dài để xác lập hệ thống quản trị
doanh nghiệp (corporate governance) và văn hóa kinh doanh. Trên thực tế,
trong 100 MNC lớn nhất của Trung Quốc thì có tới 81 là doanh nghiệp nhà
nước hoặc doanh nghiệp cổ phần nhưng nhà nước chi phối. Khi văn hóa kinh
doanh và hệ thống quản trị doanh nghiệp chưa được xác lập mà đầu tư ồ ạt ra
nước ngoài sẽ dễ gây xung đột với quyền lợi ở nước sở tại, dễ gây ảnh hưởng
xấu đến môi trường, đến các quan hệ về văn hóa, xã hội.
Thứ hai,
vì nhiều doanh nghiệp chưa tích lũy nguồn lực kinh doanh như công nghệ, tri
thức quản lý, cho đến nay hình thức FDI ra nước ngoài chính của họ là mua
bán và sáp nhập (M&A). Đây là hình thái thâm nhập, sở hữu kinh doanh
nhanh chóng nhất ở thị trường nước ngoài. Số dự án M&A năm 2016 tăng
gấp 2,5 lần so với năm trước.
Thứ ba,
gần đây, nhất là từ tháng 10-2017 (Đại hội lần thứ 19), Đảng Cộng sản Trung
Quốc đã đưa ra chủ trương tăng cường sự lãnh đạo, kiểm soát đối với mọi mặt
của kinh tế, xã hội, văn hóa, trong đó có hoạt động của doanh nghiệp. Theo
đó, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi điều lệ, ghi thêm sự chấp nhận để cho
Đảng Cộng sản can dự vào các quyết định kinh doanh. Do đó trong hoạt động
đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc, có thể có nhiều trường hợp không
chú trọng mục đích kinh tế mà để phục vụ cho các mục tiêu khác do Đảng hoặc
nhà nước Trung Quốc chủ trương.
Những nước lớn, mạnh và ở xa Trung Quốc như Mỹ,
Nhật mà phải cảnh giác và tăng cường cơ chế pháp lý để giữ an ninh quốc
gia, bảo vệ lợi ích đất nước, Việt Nam nhỏ, yếu lại nằm sát nách Trung
Quốc thì sự cảnh giác phải lớn hơn gấp bội.
Thứ tư,
hoạt động của doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài gắn kết mật thiết với
chính sách cho vay hoặc viện trợ của chính phủ. Trung Quốc đã trở thành
nước cung cấp ODA (viện trợ và cho vay lãi suất ưu đãi) lớn nhưng chưa gia
nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nên không phải thực hiện
quy định không được ràng buộc khi cho vay (untied loan). Do đó, ODA của
Trung Quốc hầu hết là ràng buộc (tied loan), nghĩa là họ buộc nước vay vốn
xây dựng hạ tầng chẳng hạn phải để cho doanh nghiệp Trung Quốc nhận thầu
xây dựng. Do đó hoạt động đấu thầu xây dựng của doanh nghiệp Trung Quốc
đang diễn ra rất sôi nổi. Kim ngạch ký kết xây dựng các công trình nước
ngoài của họ đã tăng từ 77 tỉ năm 2010 lên 160 tỉ đô la Mỹ năm 2016. Khuynh
hướng này là kết quả khởi đầu của chiến lược đối ngoại Một vành đai Một con
đường gồm Vành đai đường tơ lụa trên đất liền và Con đường tơ lụa trên
biển, nhằm nối kết Trung Quốc với hơn 60 nước châu Á và châu Âu.
Chiến
lược này đã được phát biểu vào năm 2013. Trong báo cáo chính trị đọc tại
Đại hội Đảng tháng 10-2017, Một vành đai Một con đường được nhắc đến 5 lần
và sau đó được ghi vào điều lệ của Đảng Cộng sản cho thấy quyết tâm thực
hiện của lãnh đạo Trung Quốc. Trọng tâm của chiến lược này là xây dựng hạ
tầng, nhất là đường sắt và cảng biển để nối kết Trung Quốc với các nước
nhưng chủ đích là tạo thị trường đầu tư cho doanh nghiệp, xuất khẩu sản
phẩm dư thừa như sắt thép, thiết bị, và cho các nước liên quan vay vốn. Để
cung cấp vốn, huy động vốn cho mục đích đó, Trung Quốc đã thiết lập Ngân
hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) năm 2013 và Quỹ Đường tơ lụa (Silk Road
Fund) năm 2014.
Sự trỗi
dậy của Trung Quốc với những nội hàm mới như phân tích ở trên đang gây ra
các va chạm và cảnh giác tại nhiều nước. Do vay mượn nhiều của Trung Quốc,
nhiều nước đã lâm vào tình trạng không trả nợ được. Có trường hợp phải xin
Trung Quốc xóa một phần nợ và để đổi lại phải ủng hộ Trung Quốc trong các
hội nghị về biển Đông hoặc chuyển nhượng cho Trung Quốc quyền sở hữu một số
cơ sở kinh tế. Ngay cả những nước tiên tiến hàng đầu như Mỹ, Nhật đã bắt
đầu đưa ra các biện pháp, ban hành các luật mới nhằm ngăn chặn ảnh hưởng
của Trung Quốc. Đặc biệt chiến lược đầu tư, M&A của doanh nghiệp Trung
Quốc đang thu hút sự quan tâm của các nước. Tại các nước tiên tiến, chiến
lược đó nhằm nắm bắt, sở hữu thành quả công nghệ, kỹ thuật cao đã tích lũy
tại các doanh nghiệp họ muốn mua và sáp nhập. Gần đây Quốc hội Mỹ đã soạn thảo
nhiều luật liên quan đầu tư từ nước ngoài và có quy định đặc biệt thẩm tra
kỹ các dự án đến từ Trung Quốc để tránh trường hợp bí quyết về công nghệ
hoặc thông tin về an ninh quốc gia được chuyển về Trung Quốc. Chẳng hạn,
năm 2007, Mỹ ban hành Luật Đầu tư nước ngoài và Bảo vệ an ninh quốc gia
(FINSA), theo đó tổng thống có thể phát lệnh ngưng dự án đầu tư xét thấy
nguy hại cho an ninh quốc gia. Khi xét thấy cần thẩm tra, tổng thống ủy
thác việc đó cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS). Theo công bố của CFIUS, từ
năm 2012-2014, CFIUS đã thẩm tra 368 dự án FDI của 34 nước đến Mỹ đầu tư,
trong đó riêng Trung Quốc đã chiếm tới 68 dự án, là nước có dự án nhiều
nhất phải qua thẩm tra của CFIUS. Tháng 9-2014, Mỹ bàn việc chỉnh sửa FINSA
để tăng quyền hạn của CFIUS nhằm đối phó với Trung Quốc. Tháng 6-2017, Quốc
hội Mỹ đưa ra dự thảo Luật Cải thiện việc thẩm tra rủi ro đối với các dự án
FDI, trong đó quy định sự cần thiết phải thẩm tra xuất xứ quốc gia của các
dự án. Rõ ràng dự thảo có mục đích nhắm vào Trung Quốc.
Tại Nhật,
năm 2017 cũng có quyết định sửa đổi Luật Tiếp nhận FDI trong đó tăng cường
thẩm tra các dự án khả nghi đề phòng công nghệ mũi nhọn bị di chuyển ra
nước ngoài. Ở đây có yếu tố Trung Quốc đằng sau quyết định ấy.
Ảnh: Mai Lương |
Việt Nam
sẽ phải làm gì?
Những
nước lớn, mạnh và ở xa Trung Quốc như Mỹ, Nhật mà phải cảnh giác và tăng
cường cơ chế pháp lý để giữ an ninh quốc gia, bảo vệ lợi ích đất nước, Việt
Nam nhỏ, yếu lại nằm sát nách Trung Quốc thì sự cảnh giác phải lớn hơn gấp
bội.
Từ khi
gia nhập WTO (2007), Việt Nam có khuynh hướng mở toang cửa cho nước ngoài
đến đầu tư. Thêm vào đó là chủ trương phân quyền đến các địa phương và các
địa phương lại cạnh tranh nhau trong việc thu hút FDI. Nhiều nơi năng lực
thẩm định dự án của quan chức có giới hạn, không kể các trường hợp thiếu
tinh thần trách nhiệm hoặc bị nước ngoài mua chuộc. Kết quả là nhiều dự án
FDI chất lượng thấp, có trường hợp ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Về quan
hệ với Trung Quốc, Việt Nam đang tùy thuộc khá mạnh vào nước này. Gần 30%
nhập khẩu của Việt Nam là từ Trung Quốc (năm 2016), trong đó rất nhiều mặt
hàng là công nghiệp phụ trợ có hàm lượng công nghệ cao. Về lĩnh vực xây
dựng không có thống kê cụ thể nhưng tổng hợp các thông tin có thể biết được
là tỷ lệ thắng thầu của Trung Quốc rất cao, có thể lên đến 80%. Về FDI, kim
ngạch vốn đăng ký lũy kế đến cuối năm 2017 cho thấy Trung Quốc xếp thứ 8.
Nhưng mấy năm gần đây FDI từ Trung Quốc tăng rất nhanh, riêng năm 2017,
Trung Quốc xếp thứ tư trong những nước đầu tư nhiều nhất tại nước ta. Một
điểm cần lưu ý là thống kê về xuất xứ của các dự án FDI không phản ảnh hết
thực chất sự hiện diện của một nước cụ thể. Chẳng hạn công ty con của doanh
nghiệp Trung Quốc tại Singapore chẳng hạn đầu tư ở Việt Nam thì được kể là
đầu tư từ Singapore chứ không phải từ Trung Quốc. Hoặc công ty con của
Trung Quốc tại Việt Nam mua bán, sáp nhập một công ty của Việt Nam thì sự
giao dịch đó được xem là nội bộ giữa hai công ty của Việt Nam. Những thiên
đường thuế như British Virgin hay Cayman chiếm tỷ lệ đáng kể trong kim
ngạch FDI tại Việt Nam, trong đó chắc chắn có nhiều dự án của doanh nghiệp
Trung Quốc.
Trong
thời đại hội nhập, quan hệ kinh tế giữa các nước ngày càng phức tạp. Thêm
vào đó, phải đối diện với một nước Trung Quốc mới, Việt Nam dễ bị thua
thiệt, thậm chí mất ổn định về kinh tế và từ đó an ninh về chính trị cũng
bị ảnh hưởng. Theo tôi cần nhanh chóng rà soát lại các chính sách kinh tế
đối ngoại như thu hút FDI, quy định đấu thầu, quy định chặt chẽ về cổ phần
hóa doanh nghiệp nhà nước... Nên nghiên cứu ban hành các luật mới hoặc bổ
sung bằng các điều lệ, các quyết định nhằm ngăn chặn các dự án FDI hay các
vụ đấu thầu có ảnh hưởng đến an ninh kinh tế hay chính trị. Luật lệ hay
quyết định thì áp dụng chung cho tất cả các nước có quan hệ nhưng khi soạn
thảo nội dung cần ý thức đến sự hiện diện của một nước Trung Quốc mới. Cần
nhấn mạnh một điểm nữa là chiến lược đối phó hữu hiệu và lâu dài nhất là
củng cố nội lực. Doanh nghiệp Việt Nam, tư bản dân tộc phải được nuôi
dưỡng, được tạo điều kiện lớn mạnh. Mở cửa, hội nhập phải thực hiện từng
bước, đồng tốc độ với sự lớn mạnh của doanh nghiệp trong nước. Lập đặc khu
kinh tế, cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất cả 100 năm, hay cổ phần hóa
doanh nghiệp nhà nước chỉ để thoái được vốn mà không quan tâm đến khả năng
chi phối của doanh nghiệp nước ngoài thì không phải là chính sách khôn
ngoan trong thời đại hiện nay.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire