18/02/2018

Thách thức lớn của kinh tế Việt Nam năm 2018


Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: “Tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, phá sản cũng còn cao. Theo kết quả khảo sát cứ 10 doanh nghiệp hoạt động mới thì sau một năm hoạt động chỉ có 1-2 doanh nghiệp tiếp tục duy trì được. Tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại như vậy là khá thấp.



  (GDVN) - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định, ngoài các loại thuế phí doanh nghiệp đang phải phải chấp hành thì phí phi chính thức như phí "bôi trơn" cũng rất lớn.
Năm 2017 được coi là năm thành công của nền kinh tế Việt Nam với nhiều kỷ lục ở cả tăng trưởng GDP, xuất khẩu, thu ngân sách, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, khách du lịch đến Việt Nam… đều đạt kỷ lục trong nhiều năm qua.
Đáng chú ý, diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137; Ngân hàng Thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tình hình kinh tế Việt Nam tháng 1/2018 đặt nhiều kết quả tích cực do bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi.
Cụ thể chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1/2018 ước tính tăng cao ở mức 20,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 23,8%, đóng góp 17,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 15,4%, đóng góp 1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 10,5%, đóng góp 2,3 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp mới cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Trong tháng 1/2018, cả nước có 10.839 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 98,3 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.
Hoạt động xuất nhập khẩu cũng tăng mạnh. Kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2018 ước tính đạt 19 tỷ đô la Mỹ.
Dự báo của các chuyên gia khá lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu năm 2018, tạo điều kiện đề thúc đẩy gia tăng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, nếu Việt Nam tận dụng được cơ hội của các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.  
Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, những con số tăng ấn tượng, vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn thách thức lớn đòi hỏi cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa.
Các chuyên gia dự báo, với nỗ lực của Chính phủ và cả doanh nghiệp năm 2018 nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng ấn tượng. Ảnh: TTXVN

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá: “Năm 2018 kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Có thể chỉ ra thuận lợi, cũng như cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam đó là Chính phủ đang nỗ lực thực hiện thông điệp kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả.
Qua đó hy vọng sẽ có các bước cải cách thể chế, thực hiện công khai, minh bạch thông tin để người dân có thể tham gia và giám sát vào công cuộc phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường vai trò giám sát và xây dựng của báo chí”.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: “Năm 2018, Chính phủ sẽ đẩy mạnh, đẩy nhanh cải cách doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hóa, qua đó sẽ tăng thêm năng lực hoạt động, cạnh tranh của doanh nghiệp.
Dự báo lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục khởi sắc và tăng trưởng. Thực tế, ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu.
Tỷ lệ xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2017 đã gặt hái được nhiều thành công với kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục và năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Có thể nói nông nghiệp là lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, có ý nghĩa tăng thêm tỷ trọng trên thị trường quốc tế.
Điều này hoàn toàn khác với những dự án thuộc doanh nghiệp Nhà nước đã thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng như lĩnh vực sắt thép, phân bón, xơ sợi… của ngành công thương”.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định, năm 2018 kinh tế Việt Nam hoàn toàn có nền tảng tăng trưởng ấn tượng nếu doanh nghiệp giảm được các loại phí phi chính thức. Ảnh: Quang Huy

Nhiều cuộc cạnh tranh gay gắt ngay trên "sân nhà" 

Bên cạnh những cơ hội, thuận lợi thì kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức lớn.
“Thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam năm 2018 liên quan đến những vấn đề rất cơ bản của nền kinh tế.
Trước hết là các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, trong năm 2018 các mặt hàng nhập khẩu có thuế xuất xuống còn 0% -5%. Như vậy có nghĩa thị trường trong nước sẽ không còn là thị trường riêng của doanh nghiệp Việt. Đó sẽ là cuộc cạnh tranh rất gay gắt mà doanh nghiệp trong nước phải đối mặt.
Bên cạnh đó, giá điện sẽ tăng, giá vận tải, phí BOT cũng đang rất cao. Chi phí về vận tải, kho bãi các nước chỉ chiếm khoảng 12% GDP, trong khi đó tại nước ta chi phí này chiếm đến 27% GDP.
Như vậy, rõ ràng các doanh nghiệp nội đang phải trả cho các chi phí trên một khoản tiền khá lớn”, ông Doanh cho biết.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thuế nhập khẩu sẽ giảm xuống, khoản thu ngân sách từ thuế sẽ giảm theo rất nhiều.
Bộ Tài chính đã trình 5 dự luật, trong đó có tăng thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp... Trong đó, thuế thu nhập cá nhân được điều chỉnh từ 5 triệu đã đánh thuế và mức lũy tiến cũng tăng lên. Những vấn đề này cần tiếp tục thảo luận và cân nhắc áp dụng ở những thời điểm phù hợp, tránh gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhắc đến chi phí không chính thức mà các doanh nghiệp đang phải chịu: "Chi phí chính thức có thể tăng lên, nhưng bên cạnh đó phí không chính thức vẫn rất cao, trong đó có chi phí “bôi trơn” mà các doanh nghiệp đã đề cập, điều đó phản ánh thực tế “trên nóng dưới lạnh” vẫn đang diễn ra.
Chính phủ rất quyết tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính, giảm thuế, nhưng cấp dưới thực hiện chưa tới, chưa quyết liệt vì thế mà nhiều chi phí vẫn chưa giảm. Như thế thì doanh nghiệp nội cạnh tranh thế nào với sản phẩm nước ngoài?".
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định: “Số doanh nghiệp đăng ký mới tăng rất ấn thượng, khởi nghiệp doanh nghiệp đang có đà. Phát triển doanh nghiệp tiếp tục ổn định thể hiện môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện.
Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, phá sản cũng còn cao. Theo kết quả khảo sát cứ 10 doanh nghiệp hoạt động mới thì sau một năm hoạt động chỉ có 1-2 doanh nghiệp tiếp tục duy trì được. Tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại như vậy là khá thấp.
Vì vậy phải đặt ra vấn đề, công cuộc cải cách tới đây có giúp được doanh nghiệp hoạt động, trụ vững hay không? Nếu không sẽ rơi vào rủi ro lớn”.
Cũng theo vị chuyên gia này, nếu thuế tăng lên, doanh nghiệp trong nước sẽ khó cạnh tranh được ngay trên sân nhà, mà không cạnh tranh được sẽ mất thị phần trong nước.
Điều đó có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự sống còn của doanh nghiệp mới khởi nghiệp. Điều đó có ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng nền kinh tế và công ăn việc làm người dân như thế nào?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: “Đó là thách thức rất lớn mà các cơ quan chức năng cần phải có phân tích, đánh giá và có biện pháp thiết thực. Bên cạnh đó, rất mong Quốc hội sẽ lắng nghe để có giải pháp thích hợp”.


Vũ Phương



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire