04/03/2018

Chuyên gia văn hóa: 'Còn phát ấn đền Trần là còn cổ xúy cho hành vi vô đạo đức'


 (VTC News) - Chuyên gia văn hóa cho rằng, còn những lễ hội để tranh cướp, mua bán ấn như ở đền Trần tức là chúng ta vẫn đang cổ xúy cho những hành vi vô đạo đức và đã đến lúc cần loại bỏ.

 

PGS.TS Lê Quý Đức - 
Nguyên Phó Viện trưởng 
Viện Văn hóa và Phát triển.
  (Ảnh: Nguoiduatin)

 


Bình luận về lễ hội khai ấn đền Trần ở Nam Định, PGS.TS Lê Quý Đức - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển cho rằng, việc phát ấn đã bị một số cá nhân lợi dụng để trục lợi, nếu vẫn còn những lễ hội để tranh cướp, mua bán ấn như ở đền Trần tức là chúng ta vẫn đang cổ xúy cho những hành vi vô đạo đức.


- Nhiều ý kiến cho rằng, càng ngày việc phát và xin ấn đền Trần càng bộc lộ những mặt trái như cổ xúy, tôn vinh hành vi mua quan bán tước, mua thần bán thánh. Ông nhận xét gì về ý kiến này?


Những năm gần đây, việc phát ấn ở đền Trần rõ ràng đang nghiêng về phương tiện thế tục, nghiêng về yếu tố thực dụng.

Tôi đã từng trả lời trên báo và khẳng định rằng, việc tranh cướp ấn ở đền Trần chính là hành vi vô liêm sỉ. Những người vào được trong khu vực đó phải là đại biểu, những người có chức năng nhiệm vụ nào đó, vậy mà lại đi tranh cướp với nhau.

Người làm quan chức đáng ra phải là những người có văn hóa nhất của xã hội, những người đánh lẽ ra phải có ý thức nhất vì được giáo dục lại đi tranh cướp với nhau thì chắc chắn là không có liêm sỉ.

Ai cũng hiểu, nhiều người cố gắng tranh cướp, mua bán, lấy được ấn đền Trần với hy vọng thăng quan tiến chức, nhận nhiều bổng lộc... Thế nhưng, nếu muốn được làm quan thì anh phải phấn đấu, phải rèn luyện về cả đạo đức và tài năng, về trình độ, phải được Đảng cử dân bầu. Làm quan mà tranh cướp, mua bán được thì không chỉ vô liêm sỉ mà đó còn là hành vi sai trái.


- Đầu năm 2017, nhà sử học Dương Trung Quốc đã từng lên tiếng ủng hộ đề xuất bỏ phát ấn đền Trần vì cho rằng một lễ hội đang ngày càng ít mang tính giáo dục, nhân văn lại bộc lộ nhiều mặt trái như vậy thì không nên tồn tại. Quan điểm của ông về đề xuất bỏ việc phát ấn đền Trần?


Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất bỏ việc phát ấn đền Trần. Việc phát ấn là do một số người bịa ra nhằm mục đích cá nhân. Ngày xưa, việc khai ấn chỉ đơn giản như cơ quan hành chính khai xuân làm việc ngày đầu năm mới.

Những ông ở địa phương ấy đã lợi dụng việc này để làm lợi cho mình nên mới để chuyện phát ấn tồn tại và làm hư cán bộ đi.

Tôi ủng hộ đề xuất bỏ phát ấn và mong rằng người dân họ tỉnh ra, ngộ ra vì đã làm những việc không đúng trong suốt những năm qua.


- Vấn đề này đã gây tranh cãi rất nhiều năm nay và chắc chắn những người làm quản lý và tổ chức lễ hội phải lường trước được mặt tiêu cực đang xảy ra. Phải chăng, lợi ích kinh tế từ việc tổ chức lễ hội thực sự cao hơn những giá trị văn hóa tốt đẹp, thưa ông?


Phải nói thẳng ra là nơi tổ chức lễ hội đã lợi dụng việc phát ấn để thu lợi. Thậm chí, nó còn là quan hệ, là cầu nối để địa phương ấy tiến tới những chỗ này, chỗ khác. Tôi biết qua dư luận, hàng năm, người ta còn đóng hàng kiện những cái ấn đó để đem lên Hà Nội làm quà biếu.

Từ một ông quan bé nhất của địa phương ấy cho đến ông quan lớn hơn, họ cố tình bóp méo ý nghĩa tâm linh để phục vụ lợi ích cho chính bản thân mình. Chính tôi cũng có năm được học trò của mình biếu cái ấn đấy, mà học trò của tôi cũng có quan chức một chút đấy.

Tôi nhận vì thái độ lịch sự thôi chứ tôi hiểu nó không có ý nghĩa gì về mặt tâm linh và văn hóa. Tôi không nghĩ mình nhận cái ấn đó mà được thăng quan hay tiến chức gì. Nhưng đằng sau cái ấn đấy, tôi đọc được ý nghĩ người ta cầu lợi, cầu danh.

Cảnh chen lấn, xô đẩy, dẫm đạp lên nhau để cướp ấn ở đền Trần. (Ảnh: Hà Nội Mới)




- Có ý kiến cho rằng, đã là nhu cầu tâm linh của người dân, nếu cấm bằng hình thức này thì nó sẽ biến tướng sang một hành vi khác. Theo ông, để việc phát ấn đền Trần không còn gây phản cảm thì những người làm quản lý và tổ chức lễ hội cần làm gì?


Tôi khẳng định rằng việc phát ấn ấy không phải là của nhân dân cả nước từ trước tới nay. Cái này nó hoàn toàn mới. Nếu tín ngưỡng văn hóa dân gian là của dân thì chỉ có họ mới có quyền theo hay không theo, bỏ hay không bỏ. Không một nhà nghiên cứu văn hóa nào, một nhà quản lý nào có thể bảo nhân dân là nên bỏ hay không.

Lễ hội thì có truyền thống từ đời Trần nhưng việc phát ấn chỉ mới xuất hiện. Đối với những người làm văn hóa, nếu thấy việc này không có lợi nên vận động nhân dân bỏ đi. Mình tuyên truyền giải thích cho nhân dân rõ thì người ta sẽ ủng hộ.


Nếu vẫn còn những lễ hội để tranh cướp, mua bán ấn như ở đền Trần tức là chúng ta vẫn đang cổ xúy cho những hành vi vô đạo đức. Bởi vậy, đã đến lúc cần loại bỏ nó đi. 
PGS.TS Nguyễn Quý Đức

- Lễ hội "mua quan bán tước" thì dập dìu kẻ tới còn lễ hội "thề không tham nhũng" lại vắng bóng quan to và ít người tham gia. Phải chăng, chính lễ hội cũng đang phản ánh rõ nét nhất những mặt còn tồn tại trong xã hội?




Có một ngôi đền tên là Đồng Cổ ở phường Bưởi (Cầu Giấy, Hà Nội) rất linh thiêng. Đến này được xây dựng từ thời nhà Lý với mục đích giáo dục nếu làm con bất hiếu, làm tôi bất trung thì thần linh sẽ vật chết. Tuy nhiên, ngôi đền này được ít người biết đến và dường như vắng bóng quan to.

Hay còn lễ hội Minh Thề ở Kiến Thụy (Hải Phòng) cũng mang ý nghĩa tương tự. May mắn là những năm gần đây được truyền thông quan tâm nên lễ hội này mới được nhiều người biết tới hơn.

Việc vắng vẻ quan chức, khách thập phương đến với những lễ hội này hoàn toàn dễ hiểu bởi trong xã hội này có mấy người thăng quan tiến chức mà không tham nhũng.

Nếu đã bỏ tiền ra mua ấn, tranh cướp bằng mọi giá để mong thăng quan tiến chức, nhận nhiều bổng lộc thì còn ai dám thề bản thân mình trong sạch. Bởi vậy, nhiều người thực sự sợ hãi khi phải thề trước thần linh.

Lễ hội đang phản ánh đúng bản chất của xã hội chúng ta. Đó là một xã hội còn nhiều kẻ chạy chức chạy quyền, tham ô vơ vét, đục khoét tài sản của nhà nước và nhân dân.

Nếu vẫn còn những lễ hội để tranh cướp, mua bán ấn như ở đền Trần, tức là chúng ta vẫn đang cổ xúy cho những hành vi vô đạo đức. Bởi vậy, đã đến lúc cần loại bỏ nó đi.


Xin cảm ơn ông!



GS.TS Trần Lâm Biền ủng hộ việc bỏ phát ấn đền Trần

Trả lời PV VTC News, GS.TS Trần Lâm Biền cho rằng, việc khai ấn đầu năm mới chỉ đơn giản có ý nghĩa là sử dụng cái ấn đó cho mọi công việc. Đền Trần khai ấn có nghĩa là công việc tín ngưỡng của năm ngoái của đền đóng lại để ăn Tết. Sau Tết, những người có chức sắc trong ngôi đền khai ấn để bắt đầu công việc của một năm mới.

Đối với chiếc ấn ở đền Trần, ông khẳng định chắc chắn không phải là ấn tín của triều đình, của các vua Trần. Đây chỉ là chiếc ấn của nhà đền để thực hiện nghi lễ của mình. Nó cũng giống ấn đóng bùa treo khắp nhà cần trấn yểm sự cố hoặc các bùa cầu may mang theo người.

Ban đầu, ấn đền Trần chỉ là một biểu tượng cầu an cho cộng đồng địa phương, cho các gia đình trong khu vực. Nhưng để tuyên truyền, người ta đã nâng cấp ý nghĩa của ấn và việc khai ấn lên thành việc của triều đình nhà Trần, của lãnh đạo nhà nước đương đại.

Do đó, một thông điệp ngầm về việc ấn đó mang lại quyền lực, sự may mắn về chức quyền cho người có được ấn trở thành điều hiển nhiên. Điều đó lại phù hợp với tâm lý xã hội chạy đua lên các thang bậc khác nhau của chức quyền vốn gắn với bổng lộc.

''Phát ấn để lấy tiền là một hình thức mê tín dị đoan hiện đại. Bởi vậy, tôi ủng hộ ý kiến tạm dừng việc phát ấn đền Trần", ông Biền bày tỏ quan điểm.


Kim Thược  (Thực hiện)



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire