Phân tích chiến lược hay dự báo tương lai, nếu muốn đi đúng hướng, thì lịch sử có thể có nhiều gợi ý, bởi lịch sử là người thầy của tất cả.
Sử gia William and Ariel Durant từng viết chúng ta phải chấp nhận rằng lịch sử có nhiều khoảng tối và vì vậy đôi khi phải chấp nhận nguyên lý tương đối trong lý giải các vấn đề và phỏng đoán về các khả năng. Nhưng nếu ánh sáng soi rọi lịch sử bị khuất lấp bởi một nguyên nhân chủ quan nào đó mà nguyên nhân đó có thể khắc phục được, chúng ta không có ý do để ngại ngần.
Điều gì đã xảy ra ở Gạc Ma?
Một buổi sáng trên biển ngày 14/3/1988. Một ngày không bình thường mặc dù tháng 3 không phải là mùa biển động. 64 chiến sỹ hải quân Việt Nam khởi phát trên những con tàu mà không thể biết rằng đó là chuyến đi cuối cùng của họ.
Theo lời kể của Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, Tham mưu phó Quân chủng Hải quân giai đoạn đó, quân Việt Nam lên đảo một ngày trước vào ban đêm, hầu như không trang bị vũ khí ngoài 2 khẩu AK-47.
Sáng sớm hôm sau, quân Trung Quốc đã đổ bộ và thảm sát tất cả các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ ở Gạc Ma.
Trước khi ngã xuống, các chiến sỹ Việt Nam đã hành động rất anh dũng. Thiếu úy Trần Văn Phương trước khi bị bắn đã hô: "Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân".
Tiếp đến quân Trung Quốc sử dụng đạn pháo, rocket, trọng liên bắn chìm 2 tàu vận tải của Việt Nam HQ 604 và HQ 605 khiến nhiều chiến sĩ khác hy sinh. Tàu HQ 505 cũng bị pháo Trung Quốc bắn cháy nhưng kịp mở hết tốc lực ủi trườn lên bãi để giữ vững chủ quyền cho Cô Lin (cách Gạc Ma 3,5 hải lý).
Sau khi chiếm được Gạc Ma, Trung Quốc có ý định dùng vũ lực chiếm tiếp Len Đao nhưng lúc đó Việt Nam đã có hành động mạnh mẽ khiến Trung Quốc chùn bước.
Trái với tuyên truyền của phía bên kia, sự kiện Gạc Ma có ít nhất ba sự thật quan trọng là:
Sự thật 1: Gạc Ma là của Việt Nam và hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Sự thật 2: Trên Gạc Ma sáng ngày 14/3/1988, các chiến sĩ Việt Nam đã không nổ súng trước, hầu hết là thủy binh tay không; HQ-604, HQ-605 và HQ-505 đều là các tàu vận tải. Việt Nam chỉ nổ súng sau để tự vệ.
Sự thật 3: Nhiều người nhầm lẫn gọi sự kiện Gạc Ma là trận “hải chiến”. Đó không phải là một cuộc hải chiến mà là một cuộc thảm sát và xâm lược có chủ đích của Trung Quốc. Đạn pháo của Trung Quốc còn ngăn tàu chữ thập đỏ để cứu những người bị thương.
Tái dựng bối cảnh
Các tài liệu và trần thuật của người trong cuộc cho thấy Việt Nam không bất ngờ trước ý định của Trung Quốc. Chứng cứ đơn giản là, từ tháng 1 đến tháng 2, Trung Quốc đã có nhiều hành động khiêu khích quân sự và liên tiếp chiếm đóng 4 bãi đá thuộc Trường Sa, gồm Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven và Tư Nghĩa. Cái bất ngờ là mức độ tàn bạo của quân Trung Quốc đối với các chiến sỹ ta.
Tàu HQ 604. Ảnh tư liệu |
Năm 1988, quân Liên Xô đang trú tại quân cảng chiến lược Cam Ranh. Nhưng khi Trung Quốc đánh và chiếm đóng trái phép Gạc Ma, lực lượng hải quân Liên Xô tại đây đã không hề có phản ứng. Gặp vô vàn khó khăn ở Afghanistan cũng như trong tình hình nội trị, Liên Xô không còn giữ được uy thế của những năm về trước.
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử của Nga như GS.V.I.Dashichev (khi đó là Chủ tịch Ủy ban cố vấn khoa học của Bộ Ngoại giao LX), GS.TS.Vladimir Kolotov, nhà VN học (Trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg), chuyên gia Grigory Lokshin, thừa nhận lúc đó Liên Xô phải dành ưu tiên cho những lợi ích, quyền lợi riêng, trong mối liên hệ phức tạp với Mỹ, phương Tây và với Trung Quốc.
Tại khu vực, sự chú ý đang dồn về giải pháp cho vấn đề Campuchia. Từ một góc nhìn khác, các nước lớn đang lợi dụng vấn đề này để cải thiện quan hệ với nhau.
Vì nhiều lý do, Mỹ không có phản ứng gì đáng kể trước việc Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ một quốc gia khác bằng vũ lực và điều này cũng có thể giải thích được nếu bánh xe lịch sử tiếp tục quay lại về năm 1974 khi hạm đội 7 làm ngơ trước việc Trung Quốc chiếm nốt Tây Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng hòa.
ASEAN vẫn lạnh nhạt với Việt Nam lúc đó. Đáng kể chỉ có Malaxia, Philipin là lên tiếng nhưng theo hướng khẳng định lại chủ quyền đối với các điểm mà hai nước này đang chiếm đóng.
Việt Nam cũng đang ở đỉnh của muôn vàn khó khăn, kinh tế khủng hoảng trầm trọng. Quyết định “Đổi mới” đã được đưa ra nhưng triển khai trên thực tế trong những năm tháng đầu tiên thật không dễ dàng.
Vào thời điểm năm 1988, chủ nghĩa đa phương chưa phát triển như ngày nay, tinh thần khu vực mở và kết nối cộng đồng mới chỉ là những ý tưởng. Tập hợp lực lượng không còn theo khuôn khổ ý thức hệ. Hiện tượng “phá rào” Đông-Tây không còn hiếm. Quan hệ Mỹ-Trung, Mỹ-Xô cải thiện. Ba năm sau, năm 1991, Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nhiều nước vừa và nhỏ trước đó bị kẹt trong tập hợp lực lượng hai khối trở về với nguyên lý “tự lực cánh sinh”, theo đuổi chính sách “độc lập, tự chủ”, “cân bằng” hoặc “phòng bị nước đôi”.
Một bối cảnh cho thấy sự chi phối của tính toán lợi ích quốc gia vị kỷ.
Có thể thấy Trung Quốc đã tính toán thời điểm thích hợp để hành động. Đây cũng không phải là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng tính toán thời điểm như vậy.
Năm 1956 lợi dụng khoảng trống bố phòng lúc Pháp-Việt đang bàn giao theo hiệp định Geneve 1954, Trung Quốc đã chiếm Đông Hoàng Sa.
Năm 1974, Trung Quốc chiếm Tây Hoàng Sa, tận dụng nhu cầu cải thiện quan hệ với Trung Quốc của Chính quyền Mỹ Nixon.
Thời điểm là yếu tố quyết định cho chiến thuật “Tiên hạ thủ vi cường”.
Thạch Hà
Video: Nhóm phóng viên thường trú của VietnamNet tại miền Trung
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire