Trong sự
kiện Gạc Ma 1988, câu chuyện về “vòng tròn bất tử” đã mãi ghi tạc vào lịch sử
dân tộc. Và cũng còn biết bao câu chuyện khác về những hi sinh, mất mát của
những người lính mà chúng ta không được phép lãng quên.
Đám cưới,
tình yêu và những cuộc chia tay
Đầu xuân năm
1988, thượng sĩ Lê Văn Đông (xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, Tỉnh Quảng Bình)
được nghỉ phép hai tuần đón Tết Nguyên Đán. Anh chiến sĩ, khi ấy 22 tuổi, tranh
thủ tổ chức đám cưới với người con gái cùng thôn đã chờ anh mấy năm quân ngũ.
Ngay trong
ngày cưới, chú rể nhận lệnh của đơn vị và đúng 24 giờ sau, Lê Văn Đông quay lại
đơn vị chuẩn bị làm nhiệm vụ.
Hơn một
tháng sau, chiều 13/3/1988, Việt Nam đưa ba tàu vận tải HQ 604, HQ 605, HQ 505
chở bộ đội ra đóng giữ Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin. Lực lượng chủ yếu trên ba tàu
này là các chiến sĩ thuộc Trung đoàn Công binh E83, đơn vị của anh Đông.
Anh Đông
(tàu 604) kể lại, các chiến sĩ trên tuổi đời hầu hết đều khoảng từ 20 – 23,
phần đa chưa lập gia đình, để rồi nhiều người trong số họ đã ngã xuống khi chưa
kịp có một mối tình nào mang theo.
Sau này,
trong các câu chuyện khi bị tù đày nơi xứ người, anh Đông không khỏi day dứt về
người vợ trẻ vừa cưới được một ngày của mình, khi vừa mang thai vài tháng đã
nhận tin chồng hy sinh - anh bị báo tử khi còn sống. Nhưng vợ anh Đông đã may
mắn hơn nhiều người vợ, người yêu lính khác trong sự kiện 14/3/1988, khi cuối
cùng vẫn được đón chồng trở về.
Trong số
những liệt sĩ Gạc Ma ngày ấy có một người con đất Khánh Hòa, liệt sĩ Võ
Đình Tuấn (xã Ninh Ích, Thị xã Ninh Hòa). Trong cuộc gặp gỡ với VietNamNet 4
năm trước, bố mẹ anh kể lại, ngày anh Tuấn nhập ngũ, anh đã có người yêu đang
học Trường Cao đẳng sư phạm Nha Trang. Khi nghe tin anh hy sinh, chị chết lặng
cả người.
Những
kỷ vật của
liệt
sĩ Lê Văn Xanh
|
Thời gian
sau đó, chị đã viết thư cho anh, những lá thư không người nhận, với một hy vọng
"biết đâu Tuấn sẽ trở về". 10 năm sau, chị mới lập gia đình.
Còn liệt sĩ
Lê Văn Xanh (P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), thời còn ở nhà, anh quen
một người con gái, mà theo người thân kể lại, giữa họ chắc chắn là tình yêu.
Tin anh hi
sinh tại đảo Gạc Ma báo về quê nhà, người con gái đau đớn khóc ròng nhiều ngày.
Dù rằng giữa họ chưa rõ đã có hứa hẹn gì hay chưa, nhưng bởi nỗi nhớ mong, chị
xin phép gia đình lập bàn thờ anh tại nhà riêng. Hàng năm, chị vẫn qua lại gia
đình nhang khói cho anh mỗi dịp lễ Tết và giỗ chạp cho tới tận khi chị quyết định
lấy chồng.
Đạn pháo
chưa phải là tất cả
Sáng 14/3,
khi lính Trung Quốc bắt đầu đổ bộ lên Gạc Ma và uy hiếp chiến sĩ trên đảo,
những người ngoài tàu, trong đó có anh Lê Văn Đông, được lệnh vẫn bình tĩnh,
kiên quyết làm tiếp nhiệm vụ bốc xếp vật liệu xuống các xuồng nhôm để chở vào
đảo.
Khi nghe
tiếng súng nổ ở đảo Gạc Ma, các chiến sĩ dồn sang một bên boong tàu nhìn bất
lực, trong tay không có vũ khí. Lúc này Trung Quốc cho các xuồng nhỏ chạy quanh
tàu Việt Nam gọi loa xua đuổi, đe dọa bắt tàu rời khỏi khu vực đảo.
Chỉ sau đó
ít lâu, tàu bị dập pháo mù mịt, rồi chìm dần. Nhiều chiến sĩ, hoặc bị bắn rơi,
hoặc chủ động nhảy xuống biển. Anh Đông cũng bị thương.
Tàu HQ 604 đã bị đạn pháo của Trung Quốc phá hủy, bắn chìm |
"Tàu to
và chìm quá nhanh. Tôi còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra. Khi nhảy xuống biển,
nhìn sang xung quanh thấy anh em thương vong, vẫy vùng, nhiều người không biết
bơi”, anh Đông
kể.
Tiểu đội
trưởng Nguyễn Văn Thống bị một mảnh thành tàu (hoặc pháo?) phạt ngang mặt, rồi
liên tiếp toàn thân trúng đạn, bị thương dập nát. Khi tàu chìm ngập xuống nước,
lật nghiêng, anh Thống cũng bị áp lực nước đẩy bắn ra ngoài qua cửa sổ cabin.
“Tàu chìm
ngập xuống nước rồi tôi mới bị bật lên, nổi lên trên chậm hơn anh em nên lính
Trung Quốc không để ý", anh Thống kể lại.
Vừa may một
mảnh gỗ to trôi gần, anh Thống gắng sức trèo lên đó trôi dập dềnh. Sau đó một
chiếc xuồng cao su trôi dạt đến gần, anh với sang nằm ngã gọn trong xuồng.
Đạn pháo hay
AK của Trung Quốc vẫn chưa phải đã hết. Các chiến sĩ còn phải đối diện với một
điều khủng khiếp khác: cá mập. Vùng biển Trường Sa được xác định có khá nhiều
cá mập. Anh em lính vẫn bảo nhau đi xuồng nhỏ phải cẩn thận. Những người bị
thương tuyệt đối không xuống bơi, ngửi thấy mùi máu chúng tấn công ngay.
Bản thân anh
Thống trong lúc dập dềnh đó cũng suýt bị làm mồi cho một con cá mập cố tấn công
anh ba lần, may nhờ chiếc xuồng cao su đã che đỡ cho anh.
Gần 3 năm
rưỡi trong nhà tù Trung Quốc
Trong cuộc
tấn công Gạc Ma 1988, Trung Quốc đã bắt đi tổng cộng 9 chiến sĩ Việt Nam.
Cựu binh
Trương Văn Hiền khi ấy hơn 20 tuổi, được đơn vị điều ra đảo Gạc Ma xây dựng,
canh giữ đảo. Anh nhớ lại, sáng 14/3/1988, khi một số anh em đang khảo sát đảo
thì lính Trung Quốc đổ bộ lên đảo, xả đạn vào nhóm công binh Việt Nam. Tàu HQ
604 bị bắn chìm buộc anh và một số anh em nhảy ra khỏi tàu.
Anh Hiền và
đồng đội trôi dạt trên biển, đến chiều thì bị tàu Trung Quốc phát hiện, bắt
giữ. Sau khi vớt những người lính Việt Nam lên tàu, quân Trung Quốc dùng khăn
bịt mắt rồi trói gông 2 người lại với nhau. Chín anh em bị quẳng vào nhà kho,
máu chảy lênh láng khắp sàn tàu.
Lễ tưởng
niệm
các liệt sĩ hy sinh
ở quần đảo Trường
Sa.
Ảnh: Quang Thắng
|
Từ Gạc Ma,
tàu Trung Quốc chở tù binh tới đảo Hải Nam. Ở đây, tù binh người Việt Nam bị
chuyển sang một tàu khác để chuyển về nhà giam quân đội ở bán đảo Lôi Châu,
Quảng Đông (Trung Quốc).
“Suốt mấy
ngày liền trên tàu Trung Quốc, mọi người không ăn uống gì. Vết thương cũng
không được băng bó”, cựu binh Nguyễn Văn Thống, một trong chín người bị
bắt, kể lại.
Ở nhà giam
Lôi Châu, người bị thương nặng được đưa vào trạm xá để “mổ sống” lấy mảnh đạn.
Những người còn lại bị cách ly từng phòng riêng để phía Trung Quốc hỏi cung,
nhưng chúng không khai thác được thông tin gì từ những người lính Việt Nam.
Thời gian
đầu bị bắt giam, mọi người phải lao động rất cực khổ. Sau một năm, khi tổ chức
chữ thập đỏ quốc tế can thiệp, lính Trung Quốc mới đối xử tốt hơn với tù binh
Việt Nam.
Một chiều
cuối tháng 8/1991, những người tù Việt Nam được trại gọi lên thiết đãi bữa “cơm
tươi” ngon hơn ngày thường nhưng không cho biết lý do, không biết nó báo hiệu
điều xấu hay tốt. Đêm đó không ai ngủ được.
Khoảng 4 giờ
sáng hôm sau, lính trại đánh thức mọi người dậy sớm rồi đưa lên xe rời khỏi
trại giam. Sau 3 ngày đêm, xe đến biên giới Việt Nam - Trung Quốc ở cửa khẩu
Hữu Nghị (Lạng Sơn). Khi thấy bên kia biên giới, đại diện Bộ Quốc phòng Việt
Nam đứng đón, 9 người tù mới tin rằng mình đã được trở về quê hương thân yêu.
Xuống xe,
mọi người chỉ biết ôm nhau khóc sau quãng thời biệt biền bị giam cầm không biết
ngày về. Tổng cộng, 9 chiến sĩ Gạc Ma bị Trung Quốc bắt giam hơn 3 năm 5 tháng.
Mỹ Hòa (tổng hợp)
Nguồn: Theo TVN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire