27/03/2018

Người Việt hiếu học, cần cù, sáng tạo… sao vẫn nghèo?



Người Việt cần cù, hiếu học mà sao vẫn cứ phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời?  
Đảng lãnh đạo tài tình đến thế cơ à?

Trương Khắc Trà


(GDVN) - Chúng ta chưa cần cù, chưa sáng tạo và khôn vặt nhiều hơn thông minh. Chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn vấn đề để không bị ngủ quên trên sự ảo tưởng.


Lịch sử đã chứng minh nếu dân tộc ta không có những khí chất đặc biệt chắc chắn khó tồn tại đến ngày nay, điều này không ai có thể phủ nhận được.

Cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm qua cho phép chúng ta tự hào ngồi lại để tổng kết, rút ra những gì đặc sắc nhất mà đất nước, con người Việt Nam đã tôi luyện thành.

Vì vậy, xưa nay chúng ta tự mặc định rằng người Việt thông minh, cần cù, sáng tạo.
Bước vào thời kỳ hội nhập, toàn cầu chơi chung sân, có tự tương tác, va vấp, so sánh, đối chiếu với nhiều nước trên thế giới thông qua những chỉ số mới vỡ vạc ra rằng ta còn kém bạn về nhiều mặt.

Hoàn cảnh này buộc chúng ta phải nhìn nhận lại giá trị của chính mình không bị lạc trôi trong “thế giới phẳng”.

Nếu nói người Do Thái thông minh, sáng tạo thế giới này không ai phản đối, vì họ sở hữu nhiều giá trị cái nhờ thông minh, sáng tạo mà có.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, song một khi mình có những đặc tính mà cả thế giới không có hoặc hiếm có lúc đó mới đáng tự hào.

Nếu nói người Việt thông minh, hiếu học, cần cù, sáng tạo cũng không ai chối cãi được, nhưng nói vậy phải chăng có nghĩa là người Nhật, người Mỹ, người Anh, người Đức, người Nam Phi… không thông minh, hiếu học, cần cù, sáng tạo bằng hay sao? 

Chắc chắn, cần cù, thông minh, sáng tạo là đặc tính sẵn có của hơn 200 quốc gia, hàng ngan dân tộc tồn tại trên địa cầu cho đến nay, nên cái hiển nhiên ấy không phải chỉ mình ta mới có còn bạn thì không.

Nói về đặc tính cần cù của người Việt, Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng: “Sở dĩ lâu nay các học giả Việt Nam và cả nhiều người nước ngoài nghĩ rằng người Việt cần cù là do bị đặc điểm của nghề trồng lúa nước đánh lừa”[1].

Đặc tính của nền văn minh lúa nước là tính thời vụ, manh mún nên mới có câu “tháng giêng là tháng ăn chơi/ tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè…”, nghề nông thủ công buộc phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, xong vụ lại bước vào thời kỳ “nông nhàn” ăn chơi, nghỉ ngơi…

Vậy thì người Việt cần cù ở đâu?

Đặc tính “nông nhàn” này đến bây giờ vẫn còn rõ rệt, hãy nhìn đường phố Việt Nam thì sẽ rõ, nhan nhản quán nhậu, cà phê, karaoke… bất kể đầu tuần hay cuối tuần đều đông khách.

Việt Nam là nước tiêu thụ bia rượu hàng đầu thế giới, mỗi ngày 24 tiếng, dành thời gian để “uống” và “say”, ăn chơi xong mới bước vào làm việc.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 2013, năng suất lao động của Việt Nam được xếp vào nhóm thấp nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần, Thái Lan 2,5 lần, là 1 trong 3 nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN, xấp xỉ Lào và chỉ cao hơn chút ít so với Myanmar, Campuchia [2].

Những con số cho thấy sự cần cù mà nhiều người tự nhận cho là đặc tính tốt của người Việt chỉ là ảo tưởng, không thể nào có một quốc gia mà trong đó người dân lao động cần cù nhưng năng suất lao động thấp đến báo động.

Cũng có thể, chúng ta cần cù thật nhưng làm chẳng có hiệu quả, vậy nên sự cần cù ấy không có ý nghĩa gì.

Lao động và lao động có hiệu quả là con đường duy nhất đi đến văn minh thịnh vượng, như Bác Hồ nói “lao động là vinh quang”, mọi cái sự phức tạp, xuống cấp đều do “nhàn cư vi bất thiện”.

Tội phạm gia tăng trẻ hóa, bất ổn xã hội ngày càng trầm trọng cũng do lười lao động mà ra.

Vấn nạn thực phẩm bẩn, tham ô, lãng phí, con người rình rập dối lừa nhau… suy cho cùng đều xuất phát từ nguyên nhân lười lao động, muốn giàu nhanh nên bất chấp tất cả.

Cái sự học, bản chất của nó là yêu mến sự thông thái (philosophia) nên không thể nhìn vào hàng trăm trường đại học, hàng triệu cử nhân, hàng chục ngàn Tiến sĩ… để cho rằng dân tộc đó thực sự hiếu học.

Các nước bị ảnh hưởng bởi văn hóa Nho học đều có đặc tính trọng danh, sĩ diện, chính Khổng Tử dạy; học để trở thành quân tử, không làm tiểu nhân, học để tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Cốt cũng là để vinh thân, mở mày mở mặt với làng xóm cho “cả họ được nhờ”, chứ không thấy bóng dáng của yêu mến tri thức ở đâu cả.

Học là học sách thánh hiền đã viết ra, “ôn cố tri tân” chứ không học để sáng tạo ra cái mới.

Ảnh hưởng bởi điều đó, ngày nay người ta đua nhau đi học chỉ vì muốn “ngồi mát ăn bát vàng” để đổi đời, lên lương, bổ nhiệm… âu cũng là nguyện vọng cơm áo gạo tiền nhưng đó nhất quyết không mang tinh thần mến mộ tri thức mà là học vì nhiệm vụ, vì áp lực.

Hậu quả là chúng ta đang rơi vào cuộc khủng hoảng chất lượng giáo dục đại học, loay hoay đổi mới nhưng vẫn chưa tìm được con đường nào cái quan.

Nhiều năm nay, nhìn vào một vài chuyên gia người Việt và gốc Việt rồi những tấm huy chương để cho rằng cái sự học của chúng ta thế là ghê gớm.

Bình quân mỗi năm, một người Việt Nam chỉ đọc 0,8 quyển sách, đó là con số mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra nhân Ngày hội Sách và Văn hóa đọc 2013.

Ở Malaysia, cách đây 10 năm, mỗi người dân đọc trung bình 2 cuốn sách/năm; vào năm 2012, con số này đã tăng lên từ 10 đến 20 đầu sách/năm, trẻ em Nhật đọc trung bình 13 cuốn sách/năm [3].

Thống kê mới đây cho biết, người Việt Nam hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%.

Tỷ lệ người thỉnh thoảng mới đọc sách chiếm 44%, người đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%. Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8 - 10% dân số [4].

Chính vì vậy, chúng ta chỉ giỏi bắt chước chứ chưa phải thông minh sáng tạo, trẻ con luôn được dạy phải khôn để không bị thiệt thòi, người lớn tích lũy mưu mẹo và cho đó là kinh nghiệm quý giá. 

Rồi vận dụng mưu mẹo đổ cái khó, cái dở cho người khác. Suy cho cùng, cũng là thứ bản năng sinh tồn vốn có nhưng đó là cái khôn vặt vãnh chứ không cái thông minh (intelligent).

Có câu chuyện về tư duy kinh doanh của người Do Thái rằng: Tại một ngã tư nọ ban đầu vắng quán xá, cửa hàng, nhận thấy người qua lại đông đúc ông A liền mở ngay một trạm xăng dầu.

Khi có trạm xăng dầu người đi đường dừng chân nhiều hơn, nhìn thấy cơ hội nên anh B mở ra một quán cà phê, ngày càng có nhiều người dừng lại ngã tư này.

Thấy vậy, chị C cũng quyết định mở một cửa hàng đồ ăn nhanh. Ngã tư ngày càng sầm uất, anh D đầu tư một trung tâm mua sắm lớn… Tất cả đều ăn nên làm ra, không ai “giẫm” chân ai.

Cũng là làm kinh tế nhưng ở nước ta lại có câu chuyện khác, khi tiêu được mùa người nông dân vội vàng chặt điều để đồng loạt trồng tiêu, đến thời tiêu xuống giá lại đồng loạt phá chuyển qua trồng bơ, đến lúc bơ mất giá cũng là khi người nông dân hụt hơi.

Chúng ta đang mắc phải căn bệnh đồng phục, đồng loạt, sợ sáng tạo, sợ phải đi một mình trên con đường lạ.

Đó là những câu chuyện về “chuỗi sáng tạo” hay còn gọi là “domino sáng tạo”, cung cách làm ăn kiểu “ôm chăn chạy theo người” kết quả níu chân kéo cẳng nhau cùng sụp xuống hố.

Báo điện tử VietNamNet dẫn lời Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales, Australia, trong thời gian 1998 - 2008, Việt Nam chỉ công bố được 5070 bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế, bằng 2% của Úc (238.076), 10% so với Singapore (51.762), 22% so với Thái Lan, và 34% so với Malaysia (1.431).

Trong thời gian 2000 - 2007, các nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng kí được 19 bằng sáng chế, tức mỗi năm trung bình chỉ 2 bằng sáng chế. Có năm chẳng có bằng nào.

Trong cùng thời gian đó, Thái Lan đăng kí được 310 bằng sáng chế, Singapore 3.644, cao hơn Việt Nam đến 192 lần![5].

Chúng ta chưa cần cù, chưa sáng tạo và khôn vặt nhiều hơn thông minh, hơn lúc nào hết cần nhìn nhận thẳng thắn vấn đề để không bị ngủ quên trên trên sự ảo tưởng.


Tài liệu tham khảo:







Trương Khắc Trà



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire