Thiện Tùng
(Chữ nghiêng là trích)
Nguyễn Phú Trọng: Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy |
Gần đây
trên hệ thống truyền thông ngợi ca không tiếc lời đối với tổng bí thư Đảng CSVN
(Đảng) Nguyễn Phú Trọng, nào là: “Người đốt lò vĩ đại”, “Người trí thức Bắc Hà tiết tháo”, “Một con
người tả xông hữu đột, giản dị, khiêm tốn, mẫu mực, chân tình, xứng đáng là tấm
gương của Đảng”..v.v. và..v.v…
Trong bối
cảnh, đảng viên Đảng CSVN tham quyền cố vị, tham nhũng, thoái hóa [1] không
còn là cá biệt, đến đổi người dân phải thốt ra câu nói: “thằng đó tuy đảng viên nhưng nó tốt” thì,
việc “cỗ động viên” đề cao Đảng trưởng “đốt lò” diệt trừ bọn sâu dân mọt nước
là việc nên làm, xem như khích tướng xung trận. Nhưng, việc gì cũng vậy, coi chừng
“già néo” dễ bị đứt dây. Hơn nữa, là đảng trưởng,Tổng Bí thư Trọng giáo dục, trừng
trị đảng viên của mình là trách nhiệm của ông ấy, cỗ võ quá đáng coi chừng bị
ông Trọng liệt vào tội “thoa mỡ bò”, “xúi dại”, cho vài tát tai thì đừng có
trách.
Là tướng
lĩnh, khi có giặc thì phải thủ vai tiên phuông. Lãnh đạo cấp cao của Đảng cũng
đã xác định
“tham những là giặc nội
xâm”.
Hiện thời, những vụ việc tham nhũng được phát giác gần như hầu
hết là đảng viên. Là đảng trưởng, hơn ai hết, ông Trọng phải là người tiên
phuông xông ra xử lý đám giặc nội xâm nầy, đó là trách nhiệm của ông trước Đảng, trước
Dân, nếu không xem đó là hành động đoái công chuộc tội thì cũng xem là có thiện
chí
sửa sai.
Lấy việc
tham nhũng trong Đảng gán trách nhiệm cho những đảng viên không tham nhũng liệu
có quá đáng không? – Không hề. Bởi vì, đứng góc độ người dân, tham nhũng lan
tràn trong Đảng như thế, không chỉ riêng Tổng Bí thư Trọng mà tất cả đảng viên
đương nhiệm và nghỉ hưu đều có tội/lỗi với dân, nếu không can phạm thì cũng đồng
phạm. Có nghĩa là: Khi còn là đảng viên của đảng cầm quyền thì bất cứ ai,
không phân biệt “lơ hay la” [2], tại vị hay đã nghỉ hưu, ít
nhiều đều có tội/lỗi với dân vì là đồng bọn, nhưng trách nhiệm nặng nhất vẫn là
Tổng Bí thư Đảng - xét theo tập tục “mũi dại lái chịu
đòn”.
Đảng
viên tham nhũng, thoái hóa diễn ra qua bao đời Tổng Bí thư, đổ hết trách nhiệm
cho ông Trọng liệu có hẹp cho ông ấy không? Chắc không ai hồ đồ như thế đâu.
Nhưng tổ tiên ta từng nói: “Nắm thằng dài tóc chớ
không ai nắm thằng trọc đầu”- trọc đầu đã chuồn hết, phải nắm
lấy người đương nhiệm. Tổ tiên ta lại nói “Tiên
trị kỳ gia, hậu trị kỳ quốc” – trị gia đình không xong thì
làm sao có khả năng trị nước?
Là đảng trưởng của đảng cầm quyền với hơn 4 triệu
đảng viên, ngày nào ông Trọng chưa trị tốt trong nội bộ đảng thì ngày ấy không
ai dám tin ông có khả năng cai quản được hơn 90 triệu dân Việt Nam. Vì vậy, việc
trước mắt, ông Trọng phải có trách nhiệm
kêu gọi những đảng viên được xem là còn trong sạch của mình, bằng cách nào đó,
cùng ông xử lý những đống rác rưởi đang hôi thúi nầy, miễn sao đừng để ảnh hưởng
đến “môi trường” là được.
Đâu phải
nạn tham nhũng trong Đàng mới diễn ra, nó đã diễn ra suốt thời gian dài mấy chục
năm. Cả thời gian ấy, ông Trọng từng thủ vai quan to và luôn có mặt “trên từng
cây số”: Hết làm Bí thư Thành ủy Hà
Nội kiêm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Làm Chủ tịch Quốc hội;
Làm Tổng Bí thư Đảng CSVN suốt 7 năm qua chớ ít gì. Vậy là đảng viên tham
nhũng, thoái hóa diễn ra khi ông đã có sẵn trong tay quyền cao, chức lớn chớ
đâu phải chỉ là một cán bô quèn?
Gần đây, có lẽ nhận ra trách nhiệm quá lớn của
mình trước Đảng, trước Dân, ông Trọng chủ trương “đốt lò” quyết thiêu cho bằng hết “đàn chuột” chuyên dựa vào
“bình” để bung ra “ăn không chừa thứ gì
của dân” (lời bà Doan).
Nhưng,
như đã nói, trong Đảng cầm quyền hiện nay “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông lại nhiều”
[3] , tương quan như thế có phần khó khăn nghiêng về phía ông Trọng.
Hơn nữa, nếu theo quy định và giao ước, ông Trọng sẽ sắp hết "thời gian sử dụng"
phải hồi hưu. Người khác lên, liệu họ có giữ cái "lò lửa" của ông nữa không?
Muốn tiếp tục tại vị, giữ lò thui chuột, ông Trọng nên bắt chước Trung Quốc nhứt
thể hóa 2 chức danh Tổng Bí thư Đảng và Chủ tịch nước. Để rồi sau đó, ông làm theo Tập Cận Bình: Ép Quốc Hội chuẩn thuận và đưa vào Hiến Pháp “Chủ tịch nước chấp chính không có niên hạn”.
Đã lâu rồi, tham nhũng, cửa quyền trong Đảng
ngày một lan tràn, ra sức đẩy mà nó
không lùi, cố chặn mà nó không đứng, nó cứ rấn tới mãi. Chính vì vậy, uy tín của
đảng cầm quyền đối với dân ngày một xuống cấp. Uy tín là khái niệm trừu tượng
làm sao có thể cân, đong, đo, đếm được?
Qua
nghe ngóng trong dân, người viết xin kể lại để cảnh báo với Đảng nói chung, ông
Trọng nói riêng: Trong chiến tranh, hai câu có giá trị cỗ vũ trên dưới một lòng,
đoàn kết chống xâm lăng: “Không dân Đảng tính
làm sao, không Đảng dân biết ngả nào mà đi”. “Đảng với Dân như cá với nước”. Ngày nay, nói ra 2 câu nầy
nghe có vẻ gượng gạo, sáo ngữ, không thuyết phục được mấy ai.
“Không
dân đảng tính làm sao, không đảng dân biết ngả nào mà đi”. Họ lý giải: Không dân đảng mất
chỗ dựa, không có đối tượng để lãnh đạo, chẳng khác làm tướng mà không có quân
trong tay, giống như Hạng Võ bên Tàu lúc sa cơ thất thế một mình một ngựa. Còn
Dân không có Đảng, Dân sẽ thoát khỏi
nạn bị đè đầu cỡi cổ.
“Đảng với
dân như cá với nước”. Họ phân
tích: Nước không có cá = nước sạch.
Còn cá không nước = cá chết khô.
21/03/2018
T.T
Chú
thích:
[1] Thường ngưới ta viết gắn liền 4 từ “thoái hóa biến chất. Dựa
vào thực tế, người viết chỉ nói “thóa hóa”, còn chất họ có đâu mà biến.
[2] Theo tiếng Tây, “lơ” là giống đực, “la” là giống cáí.
[3] Theo truyền thuyết, Thạch Sanh và Lý Thông là hai anh em kết
nghĩa. Thạch Sanh tử tế, Lý Thông gian manh .
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire