(GDVN) - Hành vi bắt
cô giáo quỳ trước mặt mình của “trí thức” này theo tôi nghĩ nó xuất
phát từ tâm lý muốn trả thù và đây là trả thù giáo dục!
Trường tiểu học Bình Chánh nơi một giáo viên bị phụ huynh bắt quỳ gối xin lỗi. Ảnh: Báo Người Lao động Online |
Hàng ngày, ta nghe đâu đó chuyện trò đánh thầy, nhưng vì bao dung và độ lượng, ta bỏ qua bởi các em còn trẻ con, còn trẻ người non dạ.
Nhiệm vụ của giáo dục là làm cho các em và những đứa trẻ khác không có hành động xấu tương tự khi còn đang ở tuổi học trò.
Hôm nay, nghe chuyện phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối trước mặt mình và đồng nghiệp thì lòng bao dung của mình đã chuyển thành những trạng thái khác, căm thù, đau xót, sợ hãi…
Mình lại mong rằng phụ huynh đó là người vô học hay là một bệnh nhân tâm thần như thanh niên đột nhập máy bay ở Vinh.
Nhưng không phải vậy, phụ huynh đó là người “có học”, “có hiểu biết về pháp luật”, “có địa vị xã hội” thì nỗi đau càng tê tái cho đồng nghiệp, bản thân và xã hội.
Hành vi bắt cô giáo quỳ trước mặt mình của “trí thức” này theo tôi nghĩ đó hành vi xuất phát từ tâm lý muốn trả thù và đây là trả thù giáo dục!
Phải chăng vị phụ huynh này đã trải qua “cuộc đời học sinh” đầy cay đắng!
Thời đi học đã chất chứa đầy bất công áp bức nhưng chưa được giải tỏa?
Những kiến thức, bằng cấp, địa vị đã phải trả giá đắt vì bất công và cường quyền?
Phải chăng hàng ngày vị phụ huynh này đã phải nghe con trẻ kể những chuyện “không phải của trẻ con”…, sáng con học trong sách giáo khoa chiều học thêm chính khóa?
Những bất công và áp bức được dồn nén để có dịp bùng nổ, và để trả thù những bất công đó là hành động cụ thể vào một con người cụ thể và cô giáo không may là nạn nhân của vị “trí thức này”.
Cô giáo không may lại là tấm bia đỡ đạn cho ngành giáo dục!
Nếu vậy xin bạn đọc đừng lên án cô giáo cụ thể đó mà phải lên án cái “giáo dục” đã làm ra những bất công, dồn nén nén lên xã hội!
Nếu đó là sự trả thù giáo dục của một “trí thức” thì chúng ta cũng đừng mong không còn những “trí thức” khác sẽ trả thù bằng hành vi khác.
Chúng ta đang chuẩn bị hành trình cải cách giáo dục, mong đừng biến học sinh thành “chuột bạch”, mong các nhà giáo dục hãy lắng nghe các ý kiến phản biện mà tránh được vết xe đổ của VNEN… để mai này không còn cảnh “trí thức” bắt cô giáo quỳ nữa.
Sơn Quang Huyến
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire