07/04/2018

Bắt tướng Vĩnh, ông Trọng muốn ‘đánh ngược lên’ cấp cao hơn?


Thiền Lâm



Vietnam – Cali Today news – Phải gần một tháng sau khi Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an – bị khởi tố và tống giam do liên đới trực tiếp đến “đường dây đánh bạc công nghệ cao” mà còn có thông tin cho biết máy chủ của đường dây này “nằm sát Bộ Công an”, “trên” mới chỉ đạo khởi tố và bắt tiếp một quan chức cao cấp khác của “bộ siêu quyền lực” này là Trung tướng Phan Văn Vĩnh – cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, từng một thời là cấp trên trực tiếp của Nguyễn Thanh Hóa.

Có một độ trễ đáng kể tính từ lúc xuất hiện một “tin đồn” xã hội nhưng lại rất đúng vào tháng Giêng năm 2018 về vụ Trung tướng Phan Văn Vĩnh và “đường dây đánh bạc công nghệ cao”, đến 3 tháng sau đó khi tướng Vĩnh chính thức bị khởi tố và tống giam.



Trong khoảng thời gian ba tháng trên và đặc biệt là trước tết nguyên đán 2018, nhiều tin tức cho biết tướng Vĩnh về thực chất đã bị quản thúc, thậm chí bị bắt giam.

Tuy nhiên đến gần đây mới diễn ra động tác “mời” và “triệu tập” của Công an Phú Thọ đối với tướng Vĩnh.

Vụ bắt Trung tướng Phan Văn Vĩnh xảy ra chỉ ít ngày sau khi Nguyễn Phú Trọng kết thúc tuần công cán đối ngoại ở Pháp và Cu Ba. Còn trong khi ông Trọng di công cán, mọi việc “ở nhà” lặng như tờ, không có bất kỳ tin tức nào về tình hình liên quan đến tướng Vĩnh.





Nếu ông Trọng kiên quyết “đánh ngược lên” để tái hiện vụ truy tố và nhốt tù Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quốc Huy (trong ảnh) trong chuyên án Z5.01 về Năm Cam cách đây một phần tư thế kỷ, sẽ còn những quan chức cao cấp khác của Bộ Công an phải ra tòa trong năm nay hoặc năm tới.



Với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 281 – Bộ luật Hình sự năm 1999, Trung tướng Phan Văn Vĩnh có thể đã được chia phần như Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa (riêng phần của tướng Hóa là 15% trên tổng số lợi nhuận mà Nguyễn Văn Dương – chủ đường dây đánh bạc và là con rể của cựu ủy viên bộ chính trị Phạm Quang Nghị – đã ký “hợp đồng” chia cho Hóa).

Số phận của tướng Vĩnh như thế nào còn tùy thuộc vào bàn cờ chính trị chung của chính trường Việt Nam.



Trong vụ “đường dây đánh bạc công nghệ cao”, đây là lần thứ hai, Công an Phú Thọ công bố lệnh khởi tố và bắt đối với quan chức công an. Biểu hiện này càng cho thấy ông Trọng không có ý muốn để vụ việc này được “xử lý nội bộ”, tức xử bí mật mà không công khai cho báo chí và dư luận.

Động tác công khai trên lại diễn ra trong bối cảnh ông Trọng đang lộ rõ ý đồ “cải tổ” và “thay máu” ngành công an.

Đầu tháng Tư năm 2018, một nghị quyết của Bộ Chính trị – cơ quan tối cao của đảng cầm quyền ở Việt Nam – được ban hành về “một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Theo đó, bộ máy này sẽ giảm triệt để tầng nấc trung gian trong lực lượng mà cao nhất là sẽ không còn cấp tổng cục nữa.

Nghị quyết trên dựa trên cơ sở đề án cùng tên (Đề án 106) của Đảng ủy Công an Trung ương. Như vậy, đây là quyết định cuối cùng của Tổng bí thư Trọng về bộ máy và rất có thể về cả một danh sách dài nhân sự chủ chốt của ngành công an, sẽ được triển khai ngay sau Hội nghị trung ương 7 – có thể diễn ra ngay trong tháng Tư năm 2018 thay vì vào tháng Năm như dự kiến.

Ngay trước mắt, việc xóa bỏ các tổng cục sẽ làm mất ghế của rất nhiều tướng thuộc các cơ quan sau: Tổng cục An ninh (Tổng cục I), Tổng cục Cảnh sát (Tổng cục II), Tổng cục Chính trị (Tổng cục III), Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật (Tổng cục IV), Tổng cục Tình báo (Tổng cục V), Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII).

Có thể trong quan điểm của ông Trọng, một kết quả xử lý nghiêm vụ “công an bảo kê đánh bạc” sẽ có tác dụng như một lý cớ đủ trọng lượng để làm công tác “luân chuyển cán bộ” và “kỷ luật đảng viên” đối với nhiều sĩ quan công an cao cấp khác nhằm mục đích “làm trong sạch bộ máy công an”.

Chỉ vài tháng trước, mục tiêu “làm trong sạch Bộ Chính trị” đã dẫn đến kết quả một ủy viên bộ chính trị và là nhân vật đã từng được một số dư luận ca tụng là “thần tượng chính trị” – ông Đinh La Thăng – đã phải nhận đến 31 năm tù giam cho hai án sơ thẩm.

Cũng bởi thế, số phận của Trung tướng Phan Văn Vĩnh nói riêng và cấp trên của tướng Vĩnh vẫn còn là ẩn số. Nếu ông Trọng kiên quyết “đánh ngược lên” để tái hiện vụ truy tố và nhốt tù Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quốc Huy trong chuyên án Z5.01 về Năm Cam cách đây một phần tư thế kỷ, sẽ còn những quan chức cao cấp khác của Bộ Công an phải ra tòa trong năm nay hoặc năm tới.

Sau Vũ “Nhôm, vụ bắt hai tướng Nguyễn Thanh Hóa và Phan Văn Vĩnh đang khiến ngành công an Việt Nam rúng động từ trên xuống dưới.

--------------------------------

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire