02/04/2018

Kinh doanh quyền lực dưới thể chế Độc tài Cộng sản trị *


Thiện Tùng

   

Nói xa chẳng qua nói gần, ở Việt Nam ta đã và đang bị áp đặt thể chế Độc tài Đảng Cộng sản trị, dùng quyền lực làm phương tiện để thực hiện mọi tham vọng về vật chất. Quyền lực trở thành thị trường và cũng là chiến trường cho các đối thủ tranh giành ngôi thứ. Không ai khác, chỉ trong nội bộ đảng với nhau thôi, họ sẵn sàng dẫm đạp lên nhau, giành được ghế càng cao càng có lợi.

Để đảm bảo độc quyền lãnh đạo, không cần nhiều, Đảng CSVN (Đảng) chỉ cần ghi vào Hiến pháp 1 điều (điều 4) có nội dung: “Đảng lãnh đạo Nhà nước và Xã hội một cách trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối” là đủ.



Bằng mọi cách chui cho kỳ được vào Đảng  


Khi đã trở thành đảng viên, trước sau gì cũng sẽ được Đảng cơ cấu  ra ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp theo thể thức “Đảng chọn, Dân bầu”, cầm chắc là đắc cử, sẽ được ngồi vào một ghế quan nhứt định nào đó trong hệ thống chính quyền để tham gia lãnh đạo Nhà nước và Xã hội.

Tham vọng vốn là bản chất con người, sợ thuộc hạ thoái hóa (giảm tính người), trước lúc “đi xa”,  Hồ Chí Minh căn dặn với thế hệ kế tiếp: “Muốn xây dựng thành công Chủ nghĩa Xã hội (CNXH) phải có con người mới Xã hôi Chủ nghĩa (XHCN)”. Thế rồi, Người lại chỉ dạy thêm: Con người mới XHCN phải đảm bảo những chuẩn chất: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Như chúng ta đã biết, sau 20 năm (1955-1975) xây dựng CNXH ở miền Bắc, và sau 35 năm (1955-1986) xây dựng CNXH trên cả nước không thành, năm 1986, Đảng chủ trương “đổi mới” kinh tế - tức là đổi  từ nền kinh tế XHCN trở lại “ kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”. 

Khi chủ trương làm kinh tế thị trường, Đảng cầm quyền bật đèn cho phép đảng viên của mình làm kinh tế tư nhân và khuyến khích họ phải biết làm giàu.


Cơ hội bon chen, chụp giựt


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người công sản thứ thiệt, rên than:“Đến hết thế kỷ nầy không biết có CNXH hoàn thiện hay chưa!”. Đảng trưởng rên than như vậy, có nghĩa là CNXH chỉ là ảo ảnh, xa mờ. Không có CNXH thì mắc mớ gì phải bám những thứ: cần, kiệm, liêm chính. Thế rồi, cán bộ đảng viên thi nhau hoán đổi “chí công vô tư” thành “chí tư vô công”, ra sức bòn rút của công cho vào túi riêng, tha hồ xây cơ lập nghiệp. 

Có điều, đảng viên có quyền nhưng dốt về kinh tế sao có thể làm giàu được, chỉ còn cách cấu kết Tiền và Quyền: Tiền nhờ Quyền giúp đỡ, che chắn cho việc làm gian lận phi pháp; đáp lại, Quyền nhờ Tiền đút lót xây dựng cơ đồ. Họ liên kết, dắt tay nhau dẫm lên xác đồng loại làm giàu phi pháp, phi nhân.

 Giờ đây, danh vọng, bạc tiền đã và đang thật sự trở thành nếp sống văn hóa đối với xã hội Việt Nam. Trong lễ hội, giao tiếp, tiệc tùng…, nếu không quyền, không tiền “đi chỗ khác chơi”, đây không phải chỗ các người. 

Thế là kẻ có quyền và có tiền “lên ngôi”. Họ ranh ma lắm: ăn, cúng, kiếng trên dưới đầy đủ, nhanh chóng hình thành những băng nhóm maphia phân vùng cắt cứ. Theo tư duy nhiệm kỳ, khi tại vị, họ tranh thủ chụp giựt, giàu nhanh như thổi bong bóng, đảm bảo các khoảng cần chi:

Chi cho xây dựng cơ ngơi hiện đại,

Chi cho đi lại cao sang,

Chi cho ăn uống như ông/bà hoàng,

Chi cho những nàng/chàng bồ nhí,

Chi cho cô cậu tí đi học nước ngoài,

Chi cho ngài trị bịnh ngoại quốc,

Chi cho xây cất từ đường,

Chi sắm sẵn hàng rương, nhà mộ,

Chi hối lộ lúc lâm nguy,

Tính lại suy đi biết bao là đủ ?!

Đôi lời nhắn nhủ:

Hãy tận thu cho đủ để có mà chi.


Họ “tham chiến” chẳng phải vì lương mà vì bỗng lộc


Lương là chuyện nhỏ, cao lắm vài chục triệu đồng tháng, cho bồ nhí nó cũng nguých ngang, bỗng lộc mới là điều quan trọng. Bỗng lộc thì ôi thôi vô vàn, người viết xin kê vào đây bài thơ có tựa đề “Sống, chết như ông” của mình viết cách nay cũng hơi lâu lâu để minh họa:

Làm việc như ông sướng bật tiên:

Việc gì cũng có trợ lý riêng,

Xe đưa, xe rước trưa, chiều, sớm,

Trần thế khác gì chốn non tiên .



Tiếp khách kiểu ông sướng quá tay:

Bao nhiêu phí tổn cứ chi xài,

Kê chung phiếu đỏ, đưa ông ký

Công qủy phải nào của riêng ai .



Nằm viện như ông sướng bật cha:

Nhân viên nuôi bịnh chia thành ca,

Ông sai, ông khiển như đày tớ,

Lựng bựng coi chừng ông thải ra.



Đám táng của ông lớn quá trời:

Ngày đêm phúng điếu chẳng giờ ngơi,

Tiễn đưa ông đến nơ an nghỉ,

Xe nối đuôi dài đếm hụt hơi.



Chưa hết, chết Quốc tang hay Địa phương tang, chôn ở Văn Điển hay Mai Dịch, mã lớn mã nhỏ, chôn trước chôn sau, tượng đài lăng tẩm, trường và đường không đủ cho các ông/bà chia nhau đặt tên để lưu danh muôn thở.



Khi chưa cầm quyền, Đảng CSVN hô hào đào tận gốc tróc tận rể Trí, Phú, Địa, Hào. Khi cầm quyền, Đảng từng bước liên minh liên kết với 3 đối thủ sau, quyết hạ “nóc ao” đối thủ Trí. Nhìn vào thực trạng, có lẽ quá buồn phiền về sự dấn thân vô nghĩa của mình, TS Hà Sĩ Phu bất bình, cho ra đời mấy câu thơ lục bát cay như ớt hiểm:



Bốn anh Trí, Phú, địa, Hào,

Chỉ riêng anh Trí lao đao đến giờ,

Đảng ta “thương” Trí ngu ngơ,

Cho Công, Nông, Trí chung cờ liên minh.

Trông lên liềm – búa hai hình,

Trí ta vẫn chẳng thấy mình ở đâu!

Quay sang tìm Phú, Địa, Hào,

Thấy ba bụng phệ… đã vào Đảng ta.

 
Các quan tắm biển. Ảnh minh họa
 
Có người cho sự phê phán của TS Hà Sĩ Phu như thế là quá đáng. Người viết cho rằng, ông Phu phê phán như thế là vừa phải, có độ lượng. Vì rằng: thực tế cho thấy, quan chức trung, cao cấp của Đảng đều giàu có (Phú); lúc sống cũng như khi chết chiếm đất vô tội vạ (Địa); hành xử đối với dân mạng lệnh cường quyền (Hào), chẳng khác mấy thời phong kiến, thực dân xa xưa.



Chê thì mình hơi khá, làm chưa chắc được nếu vẫn giữ thể chế chính trị độc tài.



02/04/2018

       T.T

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire