Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, ông Nguyễn Vi Khải lý giải nguyên nhân dự thảo luật về Hội đã nhiều lần bị “đổ” là vì người xây dựng luật vẫn chưa thực sự tin vào người dân, chỉ tập trung vào phần quản lý nhà nước với hội, coi nhẹ nội dung thể hiện quyền tự do hiệp hội…Việc đó, về thực chất là chưa tin vào người dân
Góp ý cho dự thảo luật về Hội trong
cuộc hội thảo diễn ra vừa qua, ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện của
Quốc hội khoá 12 nhận xét, dự án luật bế tắc vì quan điểm không rõ ràng. Luật
Về hội được ban hành là để cụ thể hoá quy định của Hiến pháp về quyền lập hội
của công dân.
Tuy nhiên, theo ông Vượng thì lập
hội và hội là hai phạm trù khác nhau cần phải được làm rõ. Dự thảo luận hiện
vẫn thể hiện sự lẫn lộn hai phạm trù này nên các quy định được thiết kế dường
như lủng củng.
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội
của Quốc hội khoá 12, ông Lương Phan Cừ cho rằng, nếu không thay đổi tư duy
quản lý hội thì không thể thực hiện quyền lập hội của công dân theo quy định
của Hiến pháp được.
Ông Nguyễn Vi Khải, nguyên thành
viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng cho biết từ thời điểm chuẩn bị soạn thảo khởi
đầu những năm 90 đến nay là hơn 1/4 thế kỷ dự thảo Luật Về hội “nâng lên đặt
xuống”. Và đây là dự luật dừng ở tầm Hiến định dài nhất về thời gian. Suốt hơn
60 năm quyền lập hội của dân chỉ ở tầm dưới luật.
Hàng trăm hội thảo, hàng ngàn bài
viết suốt 20 năm qua có lẽ là kỷ lục về luận bàn trao đổi với một đạo luật.
Luật vẫn chưa thể thông vì không sát thực tế cuộc sống.
Ông Khải lý giải nguyên nhân dự
thảo luật đã nhiều lần bị “đổ” vì những quy định mang tính áp đặt quan điểm
nhằm quản lý nhà nước với hội. Cơ quan soạn thảo luật vẫn coi nhẹ nội dung phát
huy vai trò của cộng đồng xã hội, quyền tự do hiệp hội.
“Việc đó, về thực chất là chưa tin
vào người dân” – ông Khải nhận xét.
Từ quan điểm đó, dự thảo luật về
Hội được xây dựng vẫn vướng ở những thủ tục rườm rà, nặng nề, toát lên là cơ
chế “xin – cho”. Theo ông Khải, văn bản luật mà vẫn kéo theo cái đuôi rào chắn
là “theo quy định của pháp luật” thì vẫn là tụt hậu so với thực tế.
Thực tế, nhiều tổ chức xã hội, hoạt động thiện nguyện, phi lợi nhuận đã vận hành nhiều năm qua dù không được đăng ký, không được cấp phép hoạt động. |
Nói cách khác, theo ông Khải, dự
luật vẫn được soạn thảo với tư duy cũ, làm luật để “tăng cường quản lý” là chủ
yếu, trong khi đó mục tiêu đề ra phải là phát huy các quyền con người, giải
phóng sự ràng buộc thì nội dung này lại ít được chú trọng.
PGS.TS.Phạm Minh Tuấn (Học viện
Chính trị khu vực II) cũng phân tích, các quy định trong dự thảo luật chưa thực
sự tạo điều kiện thực hiện quyền lập hội của công dân. Cụ thể, thời gian quy
định cấp phép đăng ký lập hội còn kéo dài: 60 ngày để xem xét cấp giấy đăng ký
thành lập hội.
“Nhìn chung, những quy định này vẫn
còn mang tinh thần chỉ xem hội là đối tượng chịu sự quản lý nhà nước, chưa chú
trọng đến góc độ là một tổ chức xã hội hay nói rộng hơn là đối tác phát triển
của nhà nước” – ông Tuấn nhận định.
Ở khía cạnh khác, theo ông Tuấn,
hội theo quy định của dự thảo này là pháp nhân dân sự, nhưng tại Điều 40 lại có
nhiều đầu mối quản lý hội, cụ thể là: Chính phủ, Bộ Nội vụ, các Bộ chuyên
ngành; ủy ban nhân dân các cấp. Tuy nhiên, những quy định còn thể hiện tính
định hướng, chưa phân định được trách nhiệm quản lý của từng chủ thể.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn
Tuấn nói, khi ông còn đương nhiệm, dự án Luật về Hội cũng đã được trình nhưng
không được nên mới phải làm nghị định. Quan điểm của ông Tuấn, luật vẫn phải
duy trì những thủ tục, quy định để quản lý. Hội ở Trung ương thì phải qua Bộ
chủ quản để quản lý và bảo vệ, ở tỉnh thì cần Chủ tịch UBND quyết.
Lãnh đạo đương nhiệm của Bộ Nội vụ
- Thứ trưởng Trần Anh Tuấn thì cho rằng, ban hành luật về Hội là cần thiết
nhưng phải phù hợp với chế độ chính trị ở Việt Nam, bảo đảm quyền lập hội của
công dân nhưng cũng phải đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế.
Ông Tuấn cũng thông tin, trong khi
luật chưa được ban hành thì Chính phủ đang sửa đổi nghị định 45 quy định về tổ
chức, hoạt động và quản lý hội.
Góp ý kiến với tư cách một tổ chức
hỗ trợ phát triển từ nước ngoài, ông Phạm Quang Tú (Oxfam) cho rằng, đây là đạo
luật rất cần thiết, các cơ quan tổ chức quốc tế mong muốn Quốc hội đưa Luật về
Hội vào thảo luận trong chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh của Quốc hội
năm 2019
Luật nên tập trung vào thể chế
Quyền lập hội của công dân. Nguyên lý cơ bản nhất là công dân và các hội hoạt
động theo pháp luật. Sự tham gia của Nhà nước và vấn đề quản lý nhà nước nên
được nhìn ở góc độ trách nhiệm của nhà nước và các cơ chế chính sách hỗ trợ để
thực thi quyền của công dân về hội.
Luật cũng cần mở rộng phạm vi điều
chỉnh, bao phủ cả những hội đăng ký hoặc không đăng ký tư cách pháp nhân. Việc
thành lập Hội nên tiếp cận theo hướng “đăng ký thành lập” chứ không phải “phê
duyệt, phê chuẩn thành lập”. Nhà nước không nên can thiệp vào điều lệ và người
đứng đầu Hội, chỉ không cho phép thành lập khi điều lệ của Hội hoặc người đứng
đầu hội vi phạm pháp luật.
Quyền lập hội là một trong
các quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 và tiếp
tục được ghi nhận trong các bản Hiến pháp sau này. Để bảo đảm thực hiện quyền
lập hội của công dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 52 về hội,
ngày 22/4/1946 và Sắc lệnh số 102/SL/L004 công bố Luật quy định quyền lập hội,
ngày 20/5/1957. Tiếp theo đó, Chính phủ ban hành các nghị định về hội.
Trong những năm qua, các
hội, tổ chức xã hội, quần chúng đã có sự phát triển nhanh chóng với quy mô,
phạm vi, tính chất hoạt động rất phong phú, đa dạng. Thống kê của Bộ Nội vụ,
tính đến tháng 12/2014 cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động trong cả nước
và 52.082 hội hoạt động ở địa phương), trong đó có 8.792 hội có tính chất đặc
thù (28 hội hoạt động trong cả nước và 8.764 hội hoạt động ở địa phương).
P.Thảo
http://dantri.com.vn/chinh-tri/ly-do-nao-khien-luat-ve-hoi-nhieu-lan-do-20180403184502837.htm
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire