Thục-Quyên
- 30/04 lần thứ 43 sau khi chiến tranh súng đạn chấm dứt trên lãnh thổ Việt Nam, cũng chỉ là một ngày như mọi ngày, đầy ắp những vấn đề nan giải sống chết cho Việt Nam: dân trí? môi sinh? lòng tự trọng quyết không để mất lãnh thổ vào tay ngoại bang? thái bình? thịnh vượng?
43 năm nay,
nếu có chút thông minh thì người Việt có lẽ đã không còn cái trò hề
vênh-váo-thắng hay ủy-mị-than-khóc-thua, để mà dồn hết sức lực tìm cách xây
dựng lại ngay trên những đổ nát, yếu kém của mình, và bảo vệ những gì cha ông
để lại?
Nỗi bất hạnh lớn nhất của dân tộc Việt Nam không phải là đảng Cộng Sản Việt Nam
với hơn 4 triệu rưỡi đảng viên mà là thái độ xuôi xị trong mọi lãnh vực, đầu
hàng những cái ác, của hơn 90 triệu người còn lại. Cái thói nhanh chóng đổ hết
tội lên đầu đảng Cộng-sản để biện hộ cho sự ù lì, vị kỷ của mình, cái thói ngồi
nguyền rủa bóng tối mà không chịu nhìn thấy bổn phận của mình là phải cố gắng
thắp lên một ngọn nến, chính cái thói đó là liều thuốc độc đang dần mòn giết
chết dòng giống Việt Nam.
Không ai phải
hiên ngang như những người mẹ trẻ Như Quỳnh, Thúy Nga, hay như những người
tranh đấu khác đang trong vòng tù tội, nhưng nếu mỗi người chỉ hiểu quyền con
người của chính mình và sẵn sàng bảo vệ nó, thì cả Như Quỳnh, Thúy Nga và những
người khác không đang "bị làm anh hùng", gánh chịu một mình sự trù
dập của chế độ độc tài.
Tháng 4 năm 2012 tôi đứng trên đất Nam Hàn, trước hàng rào kẽm gai chia cách Nam và Bắc Hàn tại khu phi quân sự DMZ. Vì vô ý lùi lại và đụng phải một người đàn ông đứng sau lưng, tôi lên tiếng xin lỗi. Ông ta vui vẻ trả lời không sao bằng tiếng Anh và hỏi thăm tôi từ đâu đến. Giữa người giáo sư Đại Hàn sinh sống tại thủ đô Seoul và tôi, một người tỵ nạn Việt Nam sống tại Đức gần 40 năm, câu chuyện lập tức xoay quanh Cộng sản /Tự do, dân chủ/độc tài, sự thống nhất một quốc gia sau một thời gian chia cắt, số phận của người bỏ nước đi tỵ nạn, và sự sụp đổ không tốn một giọt máu của bức tường Berlin.
Tôi ngạc
nhiên nghe ông giáo sư Đại-Hàn điềm đạm cắt nghĩa, một sự thống nhất nhanh
chóng như của Đức không phải là giải pháp tốt cho quốc gia của ông. Ông nói,
chúng tôi khâm phục sự thống nhất không cần bạo động của Đức nhưng chúng tôi
không giầu và mạnh như Đức, nên chúng tôi sửa soạn cho một sự thống nhất từ từ,
thống nhất dân trí trong khi đất nước vẫn còn bị chia cắt, và khi rào cản cuối
cùng sụp đổ thì hy vọng không có sự khác biệt qúa lớn về các giá trị đạo đức,
nếp sống..v.v... Tôi càng ngạc nhiên nghe ông ta kể, năm nào Nam Hàn cũng năn
nỉ xin viện trợ thực phẩm cho Bắc Hàn. Xây dựng dân trí trước hết là phải lo
cho người dân no bụng, ông ta nói, và họ là anh em của chúng tôi.
Bây giờ,
tháng tư 2018, nhìn hình ảnh tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in cười rạng rỡ bắt
tay lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, tôi hiểu rằng ông Moon Jae-in đã chỉ thực hiện
phần việc của ông bên cạnh những nỗ lực suốt bao lâu nay của người dân Nam Hàn.
Lẽ dĩ nhiên cần thời gian mới có thể biết dự kiến chính thức chấm dứt xung đột
vào cuối năm nay và khôi phục hòa bình cho Đại Hàn có thành tựu hay
không, nhưng quan trọng là Nam-Bắc Hàn đang có những hành động thực tiễn. Tổng
thống Moon Jae-in là con trai lớn của một gia đình Bắc Hàn đến Nam Hàn tỵ nạn.
Ông đã từng bị từ chối không được làm thẩm phán vì tội khi còn là sinh viên đã
tổ chức biểu tình chống Hiến pháp Yushin của Park Chung Hee, bị bắt và ngồi tù.
Sau đó ông đã lựa chọn trở thành một luật sư nhân quyền.
Hôm qua, ngày 29/04/2018 có 4 người Việt gặp nhau tại Berlin để làm quen và bàn chuyện quê hương, không xa mấy chỗ xảy ra vụ bắt cóc đang gây nhiều rắc rối giữa Cộng hoà Liên Bang Đức và Việt Nam. Câu chuyện tuy có nhắc đến tình trạng đang tăng căng thẳng vì theo tin các báo Slovakia, có giả thuyết là người bị bắt cóc (Trịnh xuân Thanh) đã được đưa từ Pressburg về Việt Nam trên chuyến chuyên cơ của một phái đoàn cao cấp công an Việt Nam, nhưng phần quan trọng trong buổi trao đổi của chúng tôi là bàn bạc tìm những cách để đóng góp vào vấn đề nâng cao dân trí tại Việt Nam.
Kết qủa buổi
nói chuyện không phải là những hoạch địch chương trình vĩ đại mà chỉ là quyết
định của mỗi người không cho phép mình trốn tránh trách nhiệm (dù chỉ là 1 phần
trên 95 triệu nếu dân số Việt Nam ngày nay là 95 triệu). Kẻ phải bớt thì giờ
dưỡng già, làm vườn, người thì bớt thì giờ xem truyền hình, chơi với cháu....
để làm một vài việc nhỏ nhưng cụ thể, theo khả năng của mình.
Nếu lộng ngôn
một chút để so sánh với cuộc gặp gỡ của hai ông Nam và Bắc Hàn thì dự kiến và
quyết định của chúng tôi có thành công hay không cũng chưa thể biết, nhưng một
sự kỳ diệu đã xảy ra: cả bốn người, hai người gốc Việt Nam Cộng Hòa và hai
người gốc Xã hội Chủ nghĩa (trong đó một người hoạt động nhân quyền và một
người tuy hết sức chống độc tài nhưng vẫn mang thẻ đảng viên cộng sản từ hơn 40
năm) có thể ngồi chung với nhau, có thể có những lo lắng suy tư giống hệt nhau,
làm sao để bảo vệ dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ?
Có thể nào những khác biệt về ý thức hệ, ngay cả dĩ vãng chém giết nhau, chỉ còn là những vết sẹo xấu xí nếu con người Việt Nam chấm dứt mọi cuồng tín để tỉnh thức nhận ra, khi phải đối đầu với ngoại xâm thì bản chất chúng ta vẫn là anh em?
Đừng chỉ nhận ra khi đã qúa trễ.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire