Tùy bút
Thiện
Tùng (Đào văn Tùng)
Sau 30/4/1975, người ta đặt tiêu chuẩn “Yêu nước là yêu Chủ nghĩa Xã hội” (CNXH),
tôi chỉ đáp ứng được một trong hai yêu cầu ấy nên vội chạy.
Đối với CNXH, tôi đã chạm trán với nó ít nhất cũng hiệp đầu chớ
không phải chạy khi vừa thấy mặt nó - tức là không phải chạy mặt.
Tôi chạy nó (CNXH) vì sự quái dị, tính quái ác và phản dân chủ của
nó.
“Yêu nước là yêu CNXH” - một sự gán ghép chết
người. Không phải vậy sao? - Nếu không yêu CNXH vô hình trung là không yêu nước
chớ gì? Nhưng, nếu yêu thêm CNXH thì đất nước, dân tộc nầy tránh sao khỏi tang
hoang cùng khổ?! Thôi thì thà tôi đành mang danh không yêu nước để khỏi phải
góp phần gây tang tóc, đau thương cho đất nước và dân tộc.
Nhờ có tiếp cận, tôi sẽ kể đúng nhưng không thể đủ về sự “diễu võ vươn oai” của nó ở Nam
Việt Nam.
Muốn biết tôi là ai để chửi rủa… hay tranh luận, hãy xem lai
lịch của tôi ghi rõ ở cuối bài viết nầy.
Chạy thoát khỏi cảnh âm u - Ảnh minh họa |
1- Thống nhất đất nước, chuyển giai đoạn cách mạng
Ai sống ở Việt Nam (VN) thời 1940-1975 đều nghe nói đến cuộc Cách
mạng “Dân tộc Dân chủ” (DTDC) do Hồ Chí Minh phát động chống xâm lược Pháp và
can thiệp Mỹ. Cuộc Cách mạng DTDC hàm chứa 2 nội dung: Dân tộc là loại ngoại
xâm, Dân chủ là xây dựng Nhà nước “Dân chủ Pháp quyền” của dân, do dân, vì dân.
12 giờ 30/4/1975, coi như đã hoàn thành vế 1 (DT). Lẽ ra phải tiếp tục thực
hiện vế 2 (DC) để hoàn thành trọn vẹn cuộc Cách mạng DTDC như đã thệ ước với
nhân dân; nhưng sau 30/4/1975, các vị lãnh đạo Đảng Lao Động VN và Chính phủ
Việt nam Dân chủ Cộng hòa “bỏ bót” đổ xô vào Nam VN để thị sát và bàn việc
thống nhứt đất nước.
Ai cũng ngỡ rằng, việc thống nhất đất nước sẽ thực hiện dân chủ
trên tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc, không ngờ Đảng Lao Động VN áp đặt
thống nhứt theo nội dung nhứt thống:
- Cho mình là người thắng cuộc, cấp bách tiến hành “Cải tạo ngụy
quân, ngụy quyền” với tên gọi X.1: Gọi tất cả sĩ quan, công chức thuộc Việt Nam
Cộng hòa, khoảng nửa triệu người, còn ở lại VN ra trình diện rồi đưa vào các
trại cải tạo - cải tạo thời gian ngắn hay dài tùy theo cấp chức. Việc làm nầy
gây ngỡ ngàng không những đối với những người “thua cuộc”, vì về cơ bản, nó
trái với chính sách “Hòa giải Hòa hợp Dân tộc” do Mặt trận Dân tộc Giải phóng
miền Nam công bố vào những tháng cuối cuộc chiến. Phải nói, nhờ chính sách Hòa
giải Hòa hợp Dân tộc mà Tổng thống Dương Văn Minh và nhiều vị có thiện ý hòa
bình trong chính quyền và Quân đội phía VNCH làm cơ sở chiêu hòa đối với thuộc
hạ của mình, tháo được ngòi nổ, kết thúc cuộc chiến êm đẹp, trọn vẹn, cả 2 bên
tham chiến đều thở phào nhẹ nhõm, chấm dứt cảnh huynh đệ tương tàn.
Chủ trương cải tạo ngụy quân, ngụy quyền khiến người ta cảm thấy
như có sự kiêu binh, ỷ thế cậy quyền, bội ước, tạo căng thẳng, chuốc oán không
cần thiết.
Tuyên bố đã hoàn thành cuộc Cách mạng DTDC, chuyển sang Cách mạng
“Xã hội Chủ nghĩa” (XHCN) trên toàn cõi VN - không đả động gì đến vế 2 (DC).
- Lẽ ra, phải tổ chức rình rang việc hiệp thương thống nhứt đất
nước, đàng nầy, người ta âm thầm phủ định không thương tiếc những tổ chức cách
mạng vang danh một thời ở miền Nam như: Chính phủ “Cộng hòa miền Nam” do
kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát lãnh đạo; “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam” do
luật sư Nguyễn Hữu Thọ lãnh đạo; “Mặt trận Liên minh các Dân tộc vì hoà bình”
do luật sư Trịnh Đình Thảo lãnh đạo. Đồng thời phủ định lá cờ nửa đỏ nửa xanh,
có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa, một biểu tượng cho các tổ chức kháng chiến ở
miền Nam. Những nhân sĩ, trí thức trong 3 tổ chức vừa kể coi như “hết hạn sử
dụng”, tạm thời giao cho họ những chức vụ hư danh, chờ sắp xếp nghỉ hưu. Họ bị
cướp công, bị khinh thường, bị bạc đãi, lâm vào cảnh như những con nai vàng ngơ
ngác trên hoang mạc.
Trước thực trạng, một số cán bộ miền Nam lén rỉ tai nhau: “Nếu nói
Trung Quốc là Đại Hán thì miền Bắc VN là Tiểu Hán”.
- Sáp nhập gần nửa triệu đảng viên Đảng Nhân dân Cách mạng miền
Nam vào Đảng Lao động VN.
- Để độc đảng, độc tôn…, Đảng CSVN “thuyết phục” 2 chiến
hữu là Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội “tự nguyện” giải tán, được xem như
cái chết tự chọn.
- Đổi tên Đảng, từ Đảng Lao động VN thành Đảng Cộng sản VN.
- Sáp nhập Đoàn Thanh niên Cách mạng miền Nam vào Đoàn Thanh niên
Cộng sản HCM.
- Sáp nhập Quân Giải phóng miền Nam vào Quân đội Nhân dân VN.
- Sáp nhập Ban và lực lượng an ninh miền Nam vào Công an Nhân dân
VN.
- Ồ ạt đưa cán bộ miền Bắc vào “chi viện” cho các tỉnh miền Nam
xem như những cố vấn.
- Cho sĩ quan quân đội gốc miền Nam ra quân, thay vào đó là những
sĩ quan miền Bắc. “Tăng viện” công an, cảnh sát miền Bắc cho các thành phố lớn
ở miền Nam.
- Đổi tên nước, từ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành Cộng hòa
Xã hội Chủ nghĩa VN.
- Đảng CSVN tự cơ cấu nhân sự rồi cổ võ nhân dân bầu ra Quốc hội
nước Cộng hòa XHCN VN - coi như cơ quan lập pháp rồi từ đó cử ra hành pháp và
tư pháp cấp trung ương. Tiếp theo, cũng do Đảng CSVN cơ cấu nhân sự, tổ chức
cho dân bầu ra các hội đồng nhân dân, rồi cũng từ các hội đồng ấy cử ra các ủy
ban nhân dân các cấp ở địa phương và cơ sở. Thế là Đảng CSVN đã hình
thành bộ máy chính quyền chuyên chính vô sản từ Trung ương cho
đến cơ sở, đó là cánh tay nối dài của Đảng CSVN.
- Song song với bộ máy chính quyền chuyên chính vô sản, Đảng CSVN
còn tổ chức riêng cho mình bộ máy gồm: Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức, Ban Kiểm
tra, Ban Khoa giáo, Ban Dân vận, Ban Nội chính, Ban Kinh tế Tài chính v.v...
Đồng thời, Đảng CSVN cũng hình thành cho riêng mình hệ thống trường Đảng và hệ
thống báo chí Đảng từ trung ương cho tới các địa phương. Những ban bệ và những
phương tiện nầy, ngoài giám sát bộ máy chính quyền, phải đảm bảo toàn xã hội
đồng thuận với Đảng về ý chí và hành động.
- Hình thành và hoàn thiện từng bước các tổ chức quần chúng của
Đảng do Nhà nước trả lương như: Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Phụ nữ, Thanh
niên…, được xem như những bộ tư lịnh binh chủng.
- Quân đội và công an khi thành lập đã xác định trách nhiệm “Trung
với nước, hiếu với dân”, nay Đảng CSVN bảo đổi lại “Trung với Đảng, hiếu
với dân”.
- Lễ tục hàng năm, hễ Tết đến, chữ “Mừng Xuân” xuất hiện ở
khắp nơi, giờ đây, Đảng CSVN chỉ đạo trên toàn cõi VN phải thêm 2 từ nữa “Mừng
Đảng, Mừng xuân”.
Nếu chưa quen hãy tập cho quen: gọi “Đảng ta” cho gọn, gọi Đảng
CSVN chi cho dài dòng.
Đưa nội dung “Đảng CSVN là Đảng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và
Xã hội… vào Điều 4 Hiến pháp 1980.
- Đảng CSVN đưa ra cơ chế chính trị bao trùm (cơ chế mẹ) “Đảng
lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Dân làm chủ”.
Đảng CSVN đề ra tiêu chuẩn “Yêu nước là yêu CNXH” - Một sự
gán ghép chết người. Không phải vậy sao? - Nếu ai không yêu CNXH là người ấy
không yêu nước chớ còn gì nữa?! Nếu không yêu nước vô hình trung là phản nước, là
kẻ thù!..
Thế là Đảng CSVN, chỉ trong thời gian ngắn, đã tạo cho mình thế
đứng thượng phong, độc tôn, toàn trị. Với cánh tay nối dài: có bộ máy chính
quyền chuyên chính vô sản; có các ban bệ của Đảng được tổ chức song trùng với
ban bệ của chính quyền; Có mặt trận và các đoàn thể quần chúng; có quân đội và
công an hùng mạnh, một lòng một dạ trung với Đảng; có hàng triệu đoàn viên cộng
sản là những “ấu chúa”, làm lực lượng hậu bị cho Đảng v.v… Rõ ràng, Đảng CSVN
đã bày binh bố trận không còn kẽ hở?! Có lẽ, Đảng CSVN căn cứ vào thế trận vững
như bàn thạch, tự sướng, tung ra câu “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn
năm”.
2 - Cải tạo Xã hội Chủ nghĩa
“Để đuổi kịp miền Bắc”, năm 1976, Đảng CSVN chủ trương cả miền Nam
tiến hành cải tạo XHCN, chuyển nền kinh tế thị trường ở miền Nam sang kinh tế
XHCN. Đảng CSVN không dùng 2 từ tước đoạt mà dùng cụm từ “Công hữu hóa và
tập thể hóa về tư liệu sản xuất” - Giải thích: Tất cả những gì
thuộc đối tượng để người lao động tác động vào tạo ra của cải vật chất… được
xem là tư liệu sản xuất (TLSX), chẳng hạn như nhà máy, hầm mỏ, ruộng đất…
và những cơ sở dịch vụ khác.
Cuộc cải tạo XHCN diễn ra theo trình tự:
Đánh tư sản mại bản: bao gồm những nhà tư sản kinh doanh có dính líu với nước ngoài
và những nhà tư sản dính hoặc dựa chế độ cũ (Việt Nam Cộng hòa).
Sau bước điều tra lập danh sách, mở chiến dịch mang tên X.2, bất
thần, đồng loạt đột nhập các mục tiêu, kiểm kê, tịch thu cả nhà lẫn tài sản của
họ, gây hoang mang, hỗn loạn. Tài sản tịch thu “đổ tháo” rất khó kiểm tra. Vàng
mà cho phép được ghi kim loại màu vàng, nên vàng thật cũng có thể đổi thành
vàng giả - miễn màu vàng là được.
Đoàn tham gia chiến dịch X.2 ở Sài gòn, khi nghỉ trưa, một người
nói: “Kỳ nầy đánh đổ tư sản thật rồi”. Một cán bộ kỳ cựu đỡ lời “Không, đánh
đổi tư sản!”.
Cải tạo công và thương nghiệp: Các cơ sở công, thương nghiệp, dịch vụ… hoặc hiến cho Nhà nước
hoặc vào làm ăn tập thể hoặc ngưng hoạt động.
Không bao lâu, bằng cách nầy hay cách nọ, nếu không thuộc về quốc
doanh hay tập thể thì đều phải đóng cửa. Chỉ thời gian ngắn, quốc doanh và tập
thể chiếm toàn bộ thị phần. Tư nhân nếu còn chỉ hoạt động chui, bắt được là tới
số.
Người Việt gốc Hoa ở Sài gòn, nhìn thực tế thấy sao đó, nói: “Sợ
Cộng sản không ăn, chớ họ chịu ăn thì không có gì phải sợ”. Thế
là tư nhân hành nghề dịch vụ nhỏ lai rai “lọt lưới”.
Cải tạo nông nghiệp: Khi va vào như vướng phải khối bầy nhầy, mới thấm thía câu “nhứt
hậu hôn, nhì điền thổ”.
Cùng một thời điểm, triển khai chủ trương cải tạo nông nghiệp trên
toàn cõi Nam VN (từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau). Nhưng Trung ương chọn tỉnh
Tiền Giang làm trước 1 bước. Tỉnh Tiền Giang chọn xã Tân Hội - xã Anh hùng
trong chiến tranh, làm hợp tác xã (HTX) thí điểm của tỉnh. Cách tiến hành theo
mẫu miền Bắc.
Nông dân ở xã Tân Hội nầy, hầu như ai cũng có công ít nhiều với
cách mạng. Khi đụng vào ruộng đất của họ, họ chẳng sợ gì ai, phản ứng không
chừa cặn.
Ngoài cố vấn từ miền Bắc kè bên, cán bộ tỉnh, huyện đều là võ
tướng, văn tướng quầng như trâu đạp lúa mà chẳng ăn thua. Sau “hội chẩn”, Tỉnh
ủy Tiền Giang quyết định dời thí điểm đến ấp Phú Quới, xã Yên Luông, huyện Gò
Công - Vùng trọng điểm Bình định của Việt Nam Cộng hòa trước đây, giao cho tôi
trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Có lẽ Tỉnh ủy nghĩ rằng, dân vùng địch hậu họ sợ,
sẽ ngoan ngoãn vâng theo. Chẳng biết có phải do họ sợ không, vận động họ đưa
đất vào HTX nông nghiệp làm ăn tập thể không mấy khó, nhưng với lý nầy, cớ nọ,
họ lao động chiếu lệ, sau một mùa vụ cũng đổ vỡ.
Gò Công ngưng làm HTX nông nghiệp, tiến hành làm đại trà Tổ
Đoàn kết Sản xuất Nông nghiệp, ổn định được đời sống nông dân,
đủ sản phẩm nông nghiệp giao nộp cho Nhà nước theo qui định. Thấy huyện Gò Công
vùng đất nhiểm mặn mà “ăn nên làm ra”, ông Võ văn Kiệt, Bí thư Đảng bộ Thành
phố Hồ Chí Minh đến Gò Công đến tham quan, ông hỏi tôi: “Đoàn kết sản xuất là
làm thế nào?”. Tôi trả lời: “Thì cũng bắt chước các anh làm Vần Đổi
Công thời kháng Pháp”. Ông Kiệt vỗ vai tôi nói: “Thì ra…”.
Có lẽ để nung các địa phương khác, tỉnh Tiền Giang làm HTX nông
nghiệp chẳng ra hồn gì, thế mà Trung ương chỉ đạo tỉnh Tiền Giang mở Đại hội
công bố hoàn thành về cơ bản hợp tác hóa nông nghiệp. Khách mời gồm
những đoàn đại biểu các tỉnh, thành thuộc khu vực phía Nam, có báo giới, văn
giới và 6 Ủy viên Trung ương Đảng CSVN đến tụ hội. Làm chẳng ra đâu, nhưng tổng
kết nghe cũng khá, từng hồi từng chập pháo tay nổ giòn. Do “sinh non”, những
“đứa con” nào ra trước chết trước…, không lâu sau, chúng chết phủi tay.
Có thể nói, trong chiến tranh nông dân nhiệt tình đi theo Đảng bao
nhiêu thì giờ đây họ nhiệt tình chống lại chủ trương Hợp tác hóa nông
nghiệp của Đảng bấy nhiêu - từng nơi, từng lúc, họ phản ứng gần như tử
thủ, thí mạng cùi giữ đất như người điên loạn.
Có lẽ thấy không ổn, Đảng CSVN xuống thang, chủ trương khoán sản
phẩm trong nông nghiệp, có tên là “khoán 100” - có nghĩa là trả 100% đất lại
cho xã viên, rồi căn cứ chất lượng đất, giao khoán sản phẩm trên đầu mẫu (ha) -
có lẽ vừa để xả căng, vừa khắc phục nạn thiếu lương thực trầm trọng.
Ấy thế, lúc bấy giờ, ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban
Tổ chức Trung ương Đảng, còn nói trên diễn đàn: “Khoán sản phẩm
trong nông nghiệp là bước thụt lùi cần thiết”. Khi nghe ông Thọ nói thế,
tôi liên tưởng đến vở “Tiếng trống Mê Linh”, lúc tướng Tàu thách thi bắn tên,
các nữ tướng hăng hái vào cuộc thi. Trưng Trắc nhắc khéo các nữ tướng: “Con
hổ trước khi vồ mồi nó thu hình lại”. Vậy có phải ý ông Thọ nói lùi
để tiến bạo hơn chớ không phải lùi luôn? Nếu vậy, ông Thọ ngầm nhắc nhở mọi
người kiên định lập trường XHCN chớ gì?
Nói khoán sản phẩm chớ khoán cái nỗi gì, sản xuất nông nghiệp bao
giờ cũng phụ thuộc ngoại cảnh như thời tiết, sâu rầy chẳng hạn, kiểm tra sản
lượng được giao chi cho mất công, nếu họ làm không đạt sản lượng theo giao kèo,
bằng lý nầy cớ nọ, họ đổ lỗi khách quan thì rầy rà hay phạt vạ gì họ được?, chỉ
còn cách thu mua sản phẩm nông nghiệp, nhất là 2 mặt hàng lúa và heo. Lúa thì
qui định để lại cho mỗi khẩu nông nghiệp 15 giạ, heo thì bán hết cho Nhà nước
(cấm giết mổ). Giá lúa và heo do Nhà nước qui định - mua như ăn cướp, bán lại
như cho. Để đối phó với sự bất công ấy, nông dân khai gian sản lượng, tìm cách
bán chui (lậu) nông sản. Để ngăn chặn việc mua lùi bán lậu nông sản, Nhà nước
chủ trương mở nhiều trạm kiểm soát trên các tuyến đường. Nông sản không lưu
thông được, tạo mất cân đối về lương thực, thực phẩm giữa các vùng, nhất là
giữa thành thị và nông thôn, gây rối loạn. Về lương thực, thực phẩm ở nông thôn
cung lớn hơn cầu, ở thành thị cầu lớn hơn cung. Công nghiệp và nông nghiệp
không còn là thị trường của nhau. Công Nông liên minh vốn có lâu đời giờ đây bị
rạn nứt, giữa họ với nhau không còn khăng khít.
Tôi xin đưa vào đây chuyện thật như đùa, xem coi nên cười hay mếu:
Khi làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (chức Thủ tướng sau nầy), ông
Đỗ Mười, công du Tây Nam Bộ về, trên xe có chở 1 bao gạo, trạm xét, lôi bao gạo
xuống xe. Lái xe nói: “Gạo
người ta cho ông Đỗ Mười đang ngồi đàng trước”. Người ở trạm cười
nói: “Đỗ Mười Một chúng tôi cũng tịch thu”.
3 - Bí lối, xé rào
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 5, những vị
trí chóp bu hầu như đều là người miền miền Bắc, độc đoán, giáo điều, bảo thủ…
Người miền Nam có vào TW Đảng cũng trở về làm tư lịnh địa phương làm lái
lúa, lái lính, lái lợn. Mọi chủ trương chính sách do cơ quan đầu não ban
ra, các địa phương có phận sự thi hành.
Gánh miền Nam nghiêng về dân tộc, mặn kinh tế thị trường; gánh
miền Bắc nghiêng về giai cấp, mặn kinh tế XHCN theo cơ chế tập trung bao cấp.
Gánh miền Bắc ngầm xem gánh miền Nam mất lập trường giai cấp,
theo chủ nghĩa xét lại - xét lại chủ nghĩa Mác Lê Mao.
Gánh miền Nam ngầm xem gánh miền Bắc phong kiến, bảo thủ, giáo điều…
Trước thực trạng, ngoài khan hiếm hàng tiêu dùng, nạn thiếu lương
thực phải nhập bo bo để cầm hơi, một số vị lãnh đạo địa phương miền Nam xé
rào. Chẳng hạn:
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) chủ trương
phân tán dân thành phố đến những vùng có nhiều lúa gạo làm mướn sinh sống. Đồng
thời ông xúi bà Ba Thi dùng công xa đi các tỉnh đồng bằng Nam Bộ mua chui gạo
với giá thỏa thuận về bán lại (không lãi) cho dân TP Hồ Chí Minh. Ông Sáu Kiệt
kể việc này cho tôi nghe: “Tao bảo cô Thi dùng công xa đi mua gạo chui, làm
được ít chuyến cô ấy than: Làm kiểu này chắc có ngày em đi tù quá anh Sáu! Tao
nói: Nếu cô ở tù tôi đem cơm. Thế là cô ấy vui vẻ đi tiếp và làm được việc, gỡ
được nạn đói cho thành phố đông dân nhất nước này”.
Ở tỉnh Long An, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính (9 Cần) chủ
trương bù giá vào lương rồi thực hiệnthuận mua vừa bán,
từng bước xóa bỏ cơ chế tập trung bao cấp. Việc làm này ngoài gây hưng phấn đối
với mọi người, còn tăng nguồn thu đáng kể cho địa phương tỉnh Long An.
Ở các tỉnh khác, dần dần xóa bỏ việc cấm chợ ngăn sông,
xếp dần các trạm kiểm soát trên các trục giao thông. Nhờ vậy, hàng hóa công
nông dần dần đến được với người tiêu dùng theo cơ chế thuận mua vừa
bán.
Biết được việc xé rào này, TW phái những đoàn kiểm tra, thanh tra
vào cuộc. Biết rõ cớ sự, TW kết luận: “Đây là những việc làm sai trái, nhưng
đã lỡ làm, giải quyết được những khó khăn trước mắt, tạm thời không truy cứu,
nhưng xem đây là thí điểm”.
Được nước, các địa phương bắt chước làm theo, diện mỗi ngày một
rộng ra không đợi Trung ương cho phép. Đã chịu bung thì chẳng khác vỡ đê, không
lực nào có thể cản nổi. Hơn nữa, cản là trái với quy luật, đi ngược lại lòng
dân - đố dám. Hàng hóa lưu thông dễ dàng, được bán theo giá thỏa thuận, công
nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ phát triển, không mấy chốc hình thành cơ chế thị
trường trên phạm vi ngày một rộng.
Một kiểu lạm phát cố tình, đúng hơn là kiểu ăn gian lộ
liễu: Trung ương chỉ đạo cả nước thực hiện giá - lương - tiền bằng
cách đổi tiền (lần 2), đổi theo tỷ lệ 1 mới đổi 10 cũ, rồi cũng liền sau đó
Trung ương chủ trương tăng giá hàng hóa lên 10 lần - thế là bằng không (0), giá
trị đồng bạc mới như đồng bạc cũ trước khi đổi. Việc làm này gây rối loạn thị
trường, lòng dân oán thán. Đã thế mà không nhận sai, còn toáng lên: Bọn
gian thương đang đầu cơ phá giá thị trường…
Có dịp ra Hà Nội, Ông Chín Tố Hữu, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
rủ tôi và anh Ba Dần tối lại nhà ông chơi. Tôi và anh Dần tới. Trong những
chuyện bao đồng qua lại với nhau, ông Tố Hữu than:
- “Giá
cả vọt lên quá…!”
Tôi hỏi lại ngay:
- “Giá
lên hay tiền xuống? - Xe chạy, người ngồi trên xe nhìn xuống đường thấy đường
chạy ngược chiều xe rồi nói đường chạy là thầy chạy! Thử dừng xe lại xem. Vậy
giá lên hay tiền xuống? Tiền in phát ra đầy đàng, hàng vắng bóng. Bắt mạch
không đúng trị ẩu là chết người. Chính ông và ông Trần Phương bày ra vụ giá
-lương - tiền, còn than cái nỗi gì!?”
Ông Tố Hữu không rầy tôi nhưng ông không vui. Tôi thấy mình nói
thẳng như thế là bất kính, phạm thượng, xin cáo lui.
Trước rối loạn về kinh tế, một ai đó nói: “Đổi mới hay là chết”!
Dầu cố nhưng không thể che giấu những bất đồng quan điểm ở cấp
cao: phái cấp tiến đa phần ở miền Nam muốn làm cái gì đó khác hơn cái hiện tại
để đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng về mọi mặt. Phái bảo thủ, đa phần ở
miền Bắc, cố vị, bám lấy học thuyết Mác Lê Mao, tranh giành quyền lực. Cả 2
phái bằng mặt chớ không bằng lòng, những cuộc tranh luận gay gắt thường diễn ra
bằng khẩu chiến, bút chiến, hoặc “cấm vận” - cho ngồi chơi xơi nước như 5 ông
họ Trần: Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Trần Văn Trà, Trần Xuân Bách, Trần Độ
chẳng hạn.
Gánh miền Nam nghi ngờ có ai đó đứng đằng sau nhà văn Nguyễn Mạnh
Tuấn. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm 1984 - 1985, Tuấn cho ra đời 3 tiểu
thuyết: Đứng trước biển, Những khoảng cách còn lại, Cù
Lao Tràm. Ba tiểu thuyết này được phương tiện truyền thông Nhà nước loan
truyền rộng rãi. Cả 3 tiểu thuyết này đều có nội dung đề cao miền Bắc, đả kích
thậm tệ miền Nam. Đặc biệt hơn cả, tiểu thuyết Cù Lao Tràm cho
đăng tải trên báo Nhân dân của Trung ương Đảng Cộng sản, và
nghe đâu người ta định chuyển thể nó thành phim, thành kịch. Tiểu thuyết Cù
Lao Tràm dài 697 trang sách, đâu đâu suốt tập truyện đều có chôm chỉa,
châm chích cán bộ miền Nam, nhất là phủ định công lao của họ trong thời điểm
kết thúc cuộc chiến. Phần cuối truyện, tác giả câu khách bằng một đoạn: “Thế
là tôi đã hoàn thành việc đưa đến tay bạn đọc câu chuyện có thật 99% ở một cù
lao miền Tây Nam bộ, còn 1% hư cấu theo yêu cầu của những người trong cuộc”.
Thử hỏi sự thật chiếm đến 99% thì sao gọi là tiểu thuyết được? Mà
gọi thể ký nào đó mới đúng? Đọc qua tiểu thuyết này, đối chiếu với thực tế thì
ngược lại - 99% là hư cấu, 1% là sự thật. Chính từ đó mới gây xôn xao trong dư
luận xã hội, khiến cho đông đảo cán bộ miền Nam không còn nhịn được nữa. Có
người ức quá nói: “Bộ thằng Tuấn này muốn Bắc kỳ hóa Ban Chấp hành TW khóa 6
hay sao?!”
Cuối năm 1985, trước thềm Đại hội Đảng CSVN lần thứ 6, tỉnh Hậu
Giang đăng cai mở Hội thảo tác phẩm Cù Lao Tràm. Đến dự có gần 300
nhà văn, nhà chính trị - trong đó có tôi. Suốt 2 ngày, gần như tất cả các tham
luận đều lên án tác phẩm này, đến mức có một ít người muốn ủng hộ nó nhưng
không dám lên diễn đàn. Đài phát thanh, truyền hình tỉnh Hậu Giang phát đi phát
lại cuộc hội thảo này. Cuộc hội thảo này gây chấn động cả nước, khiến lãnh đạo
Trung ương Đảng CSVN phải vào Sài Gòn tổ chức cuộc họp cấp cao với các tỉnh
miền Nam để “thanh minh, thanh nga”, và nói sẽ lệnh cho thu hồi tác phẩm
Cù Lao Tràm này. Ông Lê Phước Thọ (6 Hậu), Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang
nói: Không thể và không cần thu hồi nó, chúng tôi sẽ cho đăng và phát
hành rộng rãi những tham luận trong cuộc Hội thảo về nó. Thế rồi liên tiếp
suốt mấy tháng trời, báo Hậu Giang cho đăng tải các tham luận
của nhiều cá nhân đã phát trong cuộc Hội thảo về tiểu thuyết Cù Lao
Tràm của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn. Sau đó, ông Lê Phước Thọ rời tỉnh
Hậu Giang ra Hà Nội nhậm chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng.
4 - Đổi mới
Không nói đổi mới cái gì, thứ gì, khiến người ta hiểu đổi mới toàn
diện mạng nội dung cải tổ. Ứng nghĩa với cải tổ là Pérestroika. Theo thuật ngữ
của người Hy Lạp, Pérestroika là xây dựng lại cái đã xây dựng không còn
phù hợp, kể cả con người.
Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương không đổi mới toàn diện (cải tổ)
mà chỉ đổi mới về kinh tế - từ kinh tế XHCN tập trung bao cấp sang kinh tế thị
trường.
Người ta lấy làm lạ là từ nền kinh tế thị trường vốn có ở Nam Việt
Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam chê nó, cải tạo nó thành nền kinh tế XHCN dẫn đến
thất bại, giờ đây trở lại kinh tế thị trường rồi gọi là đổi mới, thật là kỳ lạ
- Đổi cũ mới đúng chớ?
Người ta cũng ngạc nhiên: Đã là kinh tế thị trường còn định hướng
XHCN - đã là đĩ mà nói còn trinh! Kinh tế thị trường định hướng XHCN là một chủ
trương không có đích đến, bởi vì mặt này chế ngự mặt kia? Nói nôm na: kinh tế
thị trường là chia, kinh tế XHCN là cộng, chúng trái ngược nhau - đi đàng Tây
mà nói sẽ tới đàng Đông, hoang đường hết chỗ nói?! Đi đến CNXH ư? - Còn lâu. Đi
đến Tư bản hiện đại ư? - Không bao giờ. Có chăng đến Tư bản hoang dã. Thứ nửa
nạc nửa mỡ này rất khó xơi!
Nguyên lý: Tồn tại quyết định ý thức hay nói cách
khác Hạ tầng quyết định thượng tầng. Hạ tầng là kinh tế thị trường
thì thượng tầng không thể là CNCS được - phải là CNTB mới đồng bộ. Chủ nghĩa
Cộng sản không thể đứng vững trên cái nền (thị trường) không phải của nó - Tồn
tại nào phải ý thức ấy? Đổi mới kinh tế mà không đổi mới chính trị là không
đồng nhất, trái với nguyên lý, sẽ rối loạn.
Phải chăng Đảng Cộng sản Việt Nam kéo thòng cái đuôi định
hướng XHCN để đỡ sĩ diện, duy trì quyền lực và kéo dài sự sống của
kinh tế quốc doanh nhằm vụ lợi băng nhóm? - nếu lỗ lấy công quỹ (tiền thuế của
dân) bù, lời thì chia chác nhau như tập đoàn Vinashin hay Tập đoàn Dầu khí
chẳng hạn?
Thử đặt vấn đề: Đảng Cộng sản Việt Nam có dám xóa kinh tế thị
trường để trở lại con đường XHCN (tập trung bao cấp) cho đồng bộ hay không? -
Ai cũng có thể trả lời rằng không. Bởi vì: đó là Con đường đau khổ mà
nhân dân Việt Nam nói chung đã hứng chịu nhiều năm và Đảng Cộng sản Việt Nam
cũng hú vía vì nó?
Vậy Đảng Cộng sản Việt Nam phải làm thế nào để hạ tầng và thượng
tầng đồng bộ? Theo thiển nghĩ của tôi có 2 cách: Một, cải tổ
chính trị, thực hiện dân chủ, đa nguyên chính trị, thiết lập Nhà nước Dân chủ
Pháp quyền: của dân, vì dân, do dân thay cho Nhà nước Đảng trị: của Đảng, do
Đảng vì Đảng hiện nay. Hai, những người lãnh đạo tiếp tục lợi
dụng chức quyền vun vén cho đầy túi tham, sớm trở thành những nhà tư sản đỏ.
Khi thấy không còn vét gì được nữa, hô đằng sau quay là xong
chuyện. Khi ấy con họ đi học nước ngoài thành tài về, có sẵn vốn mà cha mẹ
chúng dày công tích góp được, cùng nhau đổi màu thành những nhà tư
sản có vốn tư bản kết xù tha hồ mà chạy đua với thiên hạ, mặc cho những Đảng viên ngu
trung, những người dân ngu muội ngã ngửa, coi như việc đã
rồi, đành vậy!
Thiển nghĩ này của tôi, chắc cũng còn ai đó cho là suy luận mò,
chẳng lẽ lãnh đạo mà chơi trò hèn hạ thế? Tôi sẽ nói thêm rằng, suy nghĩ của
tôi là có cơ sở bởi vì: Suốt 30 năm, hàng mấy triệu người chết và bị thương cho
cuộc cách mạng Dân tộc Dân chủ, vừa hoàn thành vế Dân tộc thì người ta không
thực hiện vế Dân chủ, dám xây ngang cướp công, cướp quyền, xưng hùng xưng bá
một thời thì việc này có gì mà không dám? - Hãy đợi đấy! Đoạn văn dần lân sau
đây ngẫm cũng thú vị:
Chế độ cộng sản,
Kinh tế tư bản,
Hàng hóa nhập
cảng,
Cán bộ tư sản,
Nhân viên
chán nản,
Nhân dân di tản.
Bao giờ ông Võ Văn Kiệt cũng xem tôi là thằng em có tật gợi suy.
Khi ông làm Thủ tướng, tôi nói vui với ông ấy: Nếu người nào đó hỏi tôi “Những
ai chống Cộng bạo nhất?”. Tôi sẽ trả lời: “Những người chủ
trương làm kinh tế thị trường”. Ông Kiệt vò đầu tôi cười nói: “Khéo gợi
suy”. Cũng dễ hiểu thôi, vì tôi là quan mà không có quyền, đàng sau câu nói
thường đặt dấu chấm hỏi (?) mang tính chất tham khảo.
Khi công cuộc đổi mới vào đà phát triển, cuộc
sống người dân từng bước ổn định, nâng cao, Đảng Cộng sản Việt Nam tự tâng
công: Nhờ Đảng sáng suốt đổi mới…
Nếu nói Đảng Cộng sản Việt Nam sáng suốt chủ trương đổi mới - tức
là cởi trói làm cho nền kinh tế phát triển, nhân dân thoát
khỏi đói khổ… thì chúng ta thử đặt lại vấn đề: Trước đó ai chủ trương trói và
trói bằng cách nào? Xin thưa rằng cũng chính Đảng Cộng sản Việt Nam trói và
trói bằng cách cải tạo XHCN, gây khốn khổ cho nhân dân, kéo lùi sự phát triển
đất nước? Trước sự phản ứng gay gắt của nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam buộc
phải (không tự giác) đổi mới - tức là trở lại con đường cũ kinh tế thị trường.
Nếu nói cởi trói (đổi mới) là sáng suốt thì trói là mù quáng? Đảng trói, Đảng
mở đó là Đảng sửa sai. Để cho vui cửa vui nhà, nhân dân xem hành động đó của
Đảng là lấy công chuộc tội - huề. Nghiêm khắc hơn, không dừng ở đó, phải truy
cứu trách nhiệm của Đảng: Do Đảng sai lầm trong chủ trương cải tạo XHCN (trói)
làm cho nhân dân đói khổ, kéo lùi sự phát triển đất nước suốt 10 năm (1976 -
1986) - công ít, tội nhiều.
Được Đảng Cộng sản Việt Nam tha mạng cởi trói,
dân cố tự bươi để có mổ và góp phần thuế má chớ Đảng có giúp gì đáng nói cho họ
đâu?
Việc xây dựng đất nước đàng hoàng hơn là do tiền thuế của nhân dân
góp vào và 50.7 tỷ USD vay của quốc tế đến nay chưa trả được. Đáng nói tiền
thuế dân góp và khoảng nợ 50.7 tỷ USD ấy Đảng quản lý hời hợt để lọt vào túi
riêng, đó cũng là cái lỗi của Đảng? Đảng giành cho mình quyền lãnh đạo trực
tiếp, toàn diện, tuyệt đối thì Đảng cũng phải chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn
diện, tuyệt đối? Đảng phải chữa ngay cố tật:
“Thất mùa đổ
tại thiên tai,
Được mùa do bởi
thiên tài Đảng ta”.
5 - Nhân quyền, dân quyền, dân chủ, tự do...
Nhân quyền, dân quyền, dân chủ, tự do là những đôi từ, xét về mặt
ngữ nghĩa, chúng rộng hẹp khác nhau. Giải thích cho rạch ròi về chúng, đó là
công việc của những nhà ngôn ngữ, nhà sử, nhà giáo… Người viết bài nầy thiên về
góc độ chính trị, chỉ đá động đến chúng khi thấy cần.
Tổ chức chính trị gồm đảng nầy, phái nọ…, hình thành trong mỗi
cộng đồng dân tộc ở mỗi quốc gia. Chúng chỉ là những bộ phận của dân tộc.
Thấy gì những khác nhau giữa các Đảng ở Mỹ và Đảng CSVN?
Ở Mỹ, Đảng Dân chủ, Đảng Cộng hòa… đó là những danh xưng như những
cái mác (made) để phân biệt khi ra tranh và bầu cử. Đảng nhất định bầu chọn đại
biểu của mình đưa ra tranh cử với đại biểu đảng bạn. Cử tri bỏ phiếu bầu trực
tiếp. Người nào đắc cử làm Tổng thống. Tổng thống được quyền tổ chức lại chính
phủ để thực thi những gì mình đã hứa với cử tri khi ra tranh cử. Tổng thống chỉ
được tại vị không quá 8 năm của 2 nhiệm kỳ. Khi đắc cử làm Tổng thống phải vượt
ra khỏi khuôn khổ cục bộ của đảng mình, nhân danh đại diện dân tộc mà lo việc
nước, việc dân. Do dân chủ thật sự “từ dưới lên, từ dân mà ra rồi trở về với
nhân dân”, nên việc chuyển giao quyền lực êm thắm.
Ở Việt Nam ta hiện nay chỉ có 1 Đảng CSVN, theo chủ thuyết cộng
sản. Đảng cầm quyền không phải do dân cử mà do Đảng CSVN đấu tranh giành và chiếm
quyền. Do vậy, Đảng CSVN quyết không chia sớt quyền cho bất cứ ai (độc quyền).
Đảng CSVN cầm quyền không niên hạn - cầm quyền vĩnh viễn nếu không bị thế lực
nào đó lật đổ. Cầm đầu đảng cũng không có niên hạn, nếu cần thay thì Đại hội
hoặc Hội nghị Trung ương Đảng quyết. Độc đảng, độc quyền, đảng trị bắt nguồn từ
Đảng tự tạo quyền cho mình chớ không phải do dân giao như ở Mỹ. Từ đó, Đảng
CSVN nắm trọn quyền sinh sát, ban phát quyền cho bên dưới theo hảo tâm. Do dân
chủ hình thức, ban phát “từ trên xuống” theo kiểu độc tài đảng trị, mang
sắc thái phong kiến, nên việc chuyển giao quyền lực thường “nẹt lửa”.
Quyền do giành và chiếm được, Đảng CSVN luôn ám ảnh có ai hoặc tổ
chức nào đó đang rình rập giựt lại quyền - nằm mơ cũng thấy kẻ thù. Họ mang tư
tưởng cục bộ, cá nhân, luôn tranh giành quyền lực với nhau, thích tâng bốc, đố
kỵ phản biện, đặt lợi ích cá nhân trên lợi ích Đảng, đặt lợi ích Đảng trên lợi
ích dân tộc. Họ sẵn sàng hợp tác với bất kỳ thế lực nào, không phân biệt trong
ngoài nước, miễn sao đảng họ, cá nhân họ được thủ vai toàn trị.
Nhân quyền do tạo hóa ban, dân quyền do dân ban, dân chủ ở VN do
Đảng CSVN ban.
Đảng CSVN không thích nói đến nhân quyền hay dân quyền, họ chỉ nói
đến 2 từ Dân chủ. Chủ mà không có quyền thì coi như trớt lớt? Không phải người
viết cố tình chơi chữ đâu, thực tế nước VN ta đã và đang như vậy.
Đấu tranh đòi nhân quyền không thể nhân nhượng, nếu nhượng sẽ mất
quyền làm người, sẽ rơi vào hàng động vật hạ đẳng.
Thà chết sướng hơn nếu độc lập mà không được tự do, đó chẳng khác
con vật bị nhốt trong chuồng, tha hồ mà tự do ăn uống, ỉa đái… trong phạm vi
cái chuồng đó?
Đất nước độc lập thống nhất đã 35 năm (1975 - 2010), sao mà nơi
nầy nơi nọ, người ta cứ đòi dân chủ mãi? - Như đã nói, 30/4/1975 mới hoàn thành
vế Dân tộc của cuộc cách mạng Dân tộc Dân chủ, tức là mới loại được ngoại xâm.
Lẽ ra phải thực hiện tiếp vế Dân chủ, có nghĩa là thiết lập Nhà nước Dân
chủ, Pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Đàng nầy, Đảng CSVN nhận lớp
bước Dân chủ, thành lập bộ máy chính quyền chuyên chính vô sản -
một Nhà nước Đảng quyền: “Của Đảng, do Đảng, vì Đảng” cai trị trên toàn
cõi Việt Nam. Vậy là Đảng CSVN còn nợ nhân dân VN món nợ dân chủ - một vế của
cuộc cách mạng Dân tộc Dân chủ đầy máu, mồ hôi và nước mắt của cả dân tộc suốt
35 năm (1940 - 1975).
Đòi dân chủ tự do như thế có quá đáng không? Hãy xét xem: Các nước
phát triển Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức… họ có dân chủ đâu, còn ở VN
ta nào là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, “Cộng hòa Xã hội
Chủ nghĩa Việt Nam, độc lập tự do hạnh phúc”. Đó là chưa nói Hiến pháp
1946, 1959, 1980, 1992 đều đầy ắp: Tự do chính kiến, tự do tư tưởng, tự do báo
chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do thân thể,
tự do hành nghề, tự do biểu tình theo luật định… như thế còn chưa đủ sao (?!).
Xin thưa rằng, về hình thức, như thế đã quá đủ. Nhưng xét về nội
dung thì rỗng. Bởi vì, dân chủ ở VN ta là dân chủ XHCN, tức là dân chủ đặt dưới
sự lãnh đạo của Đảng CSVN, nằm trong cơ chế bao trùm:”Đảng lãnh đạo, Nhà
nước quản lý, Dân làm chủ”. Đảng CSVN đã đưa quyền của mình vào Điều 4 Hiến
pháp: “Đảng CSVN là đảng duy nhất, lãnh đạo Nhà nước và Xã hội một cách trực
tiếp, toàn diện và tuyệt đối”.
Riêng về việc nầy, Đảng CSVN đã nói và làm một cách triệt để: Ngay
từ đầu, Đảng nhanh chóng thành lập Nhà nước Đảng quyền theo thể thức “Đảng
chọn Dân bầu” - Đảng chọn (cơ cấu nhân sự) gần như toàn bộ là đảng viên của
mình ra ứng cử Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, làm động tác giả, đưa sang
Mặt trận đánh bóng một chập mới đưa ra dân bầu. Khi bầu, buộc cử tri phải bầu
theo nguyên tắc “bầu đúng, bầu đủ” - đúng là đúng người có đức có tài,
đủ là đủ số lượng theo quy định. Ôi trời, số người đưa ra thì hạn hẹp, toàn là
“bầu eo bí sượng”, đức hèn, tài mọn, cấp bằng học vị của họ phần lớn là bằng
thật học giả, đa phần là bằng chính trị…. Phận làm dân, thôi thì bầu đại cho
qua chuyện! Thế là kẻ cơ hội thất đức, bất tài có cơ hội chui vào bộ máy công
quyền tha hồ mà tác oai tác quái. Họ có làm bậy, cư tri cũng không có quyền bãi
miễn họ, vì Đảng chọn và đưa họ vào ghế quan chớ đâu phải cử tri. Họ như quan
Thừa sai thời Pháp thuộc được cử đến cai trị đám dân đen. Tiền đồ của họ thế
nào đều do Đảng cấp trên họ định, họ chỉ ngán cấp trên của ho thôi, họ xem cử
tri như những thảo dân thấp kém. Nếu dân chịu không xiết kêu than về họ thì
Đảng đổ: Cũng do mấy người bầu ra đó chớ ai?!
Về việc bầu bán nầy, nếu dân chủ thật sự thì cử tri có quyền tất
cả các khâu: đề cử, ứng cử, bầu cử và bãi miễn.
Trước thực trạng dân chủ ở nước ta như vậy, xin cho phép người
viết thủ vai trọng tài để nhìn xuống nói rằng: Cương
lĩnh của Đảng CSVN và Hiến pháp nước CHXHCN VN đã khẳng định dân chủ ở nước VN
ta là dân chủ XHCN - Dân chủ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, Đảng cho gì
nhận nấy theo kiểu xin - cho. Không xin, chưa cho mà làm ẩu liệu hồn. Hãy nhìn
vào bảng to trước trụ sở Công an 44 Yết Kiêu Hà nội thấy câu “Công an chỉ
biết còn Đảng, còn mình”. Thế là Công an đã tự nhận mình không còn là Công
an Nhân dân, mà là Công an của Đảng. Công an đang kiên quyết bảo vệ chuyên
chính vô sản. Có lẽ từ đó, trong dân gian xuất hiện câu “Công an vì Đảng
quên Dân, vì thân phục vụ”. Ngước lên nói rằng:
người ta đang đòi nợ máu, nước mắt, mồ hôi… đã đổ trong công cuộc cách mạng Dân
tộc Dân chủ suốt 35 năm (1940 - 1975). Đảng CSVN nhận lớp Dân chủ, có nghĩa là
Đảng CSVN còn thiếu nhân dân món nợ ấy. Xin hãy nhìn vào những nghĩa trang và
những người thương binh tật nguyền ngoài xã hội để tính giá trị món nợ ấy:
Biết bao người
đi rồi đi mãi,
Biết bao người
tật nguyền đang sống với chuỗi ngày dầu dãi nắng sương,
Không ít người
đang bị cầm giam trong bốn bức tường, bởi can tội đòi dân chủ. - Nợ thì phải trả,
không xù được đâu?
Thử đặt vấn đề: Ai đưa ra cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản
lý, Dân làm chủ”? Ai cũng có thể trả lời, đó là Đảng CSVN. Ấy thế, sao mọi
bê bối trong xã hội, Đảng CSVN đều đổ cho cơ chế? Cơ chế ấy đã và đang gây khốn
khổ cho nhiều người, tại sao Đảng CSVN chưa chịu từ bỏ nó? Cũng dễ giải thích
thôi, vì nó gây khổ cho nhiều người chớ phải đâu cho mọi
người.
Có lẽ nhìn vào sự vận hành của cơ chế và thể chế chính trị của
Đảng CSVN, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu khắc họa:
Đảng chỉ tay
Quốc hội giơ
tay
Mặt trận vỗ
tay
Chính phủ
khoanh tay
Quốc doanh ngửa
tay
Tội phạm ngoặc
tay
Công an còng
tay
Trí thức phẩy
tay
Quan chức đầy
tay
Dân trắng
tay.
Ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước VN, cán bộ cao cấp của
Đảng CSVN khẳng định: “Bỏ Điều 4 Hiến pháp là tự sát”. Ông Triết nói thế
có nghĩa: Đảng CSVN muốn tồn tại chỉ còn mỗi cách là “phải tiếp tục chuyên
chế?”. Nếu vậy thì Đảng CSVN cố duy trì quyền lực để tồn tại trong nỗi bất hạnh
của người dân?!
6 - Những biểu hiện tiêu cực trong thể chế độc
tài Đảng trị
Mọi trì trệ người ta đều đổ do cơ chế. Vậy cơ chế hiện nay là gì?
từ đâu ra? nếu bất lợi sao còn giữ mãi nó?…
Cơ chế là một thiết chế do giai cấp đang thống trị đặt ra nhằm giữ
thế thượng phong cho giai cấp ấy. Như mọi người ít nhất một lần nghe đến, cơ
chế chính trị bao trùm ở VN hiện nay là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản
lý, Dân làm chủ. Nó ra đời cùng thời với thể chế chính trị độc tôn,
toàn trị của Đảng CSVN. Người ta cố giữ nó với bất cứ giá nào là vì lợi
thế, lợi ích của Đảng, của phe nhóm người ta, đó là điều dễ hiểu. Còn có chấp
nhận nó hay không đó là việc của cộng đồng dân tộc.
Để giữ thế độc tôn, toàn trị, từ lập pháp, hành pháp, tư pháp, các
bộ ở Trung ương đến lãnh đạo các địa phương đều do Đảng CSVN cơ cấu đảng viên
của mình ra ứng cử, theo thể thức “Đảng chọn Dân bầu”. Từ đó, họ có làm
bậy dân cũng không có quyền bãi miễn. Cán bộ chủ chốt ở các cấp, các ngành… đều
là đảng viên. Họ ngồi vào ghế quan do Đảng, họ được thăng quan tiến chức do
Đảng… Họ chỉ sợ Đảng cấp trên của họ. Đối với cấp dưới và dân, họ như những ông
vua con, tha hồ mà tác oai tác quái. Đảng là trừu tượng, như một cơ thể; đảng
viên là cụ thể, như những tế bào. Đảng bảo vệ đảng viên là bảo vệ tế bào của
bản thân mình, đó là điều dễ hiểu. Đảng giết đảng viên khác nào tự sát. Rõ mối
liên hệ chung riêng ấy, đảng viên mới dám làm những điểu mà người ngoài đảng
không hề dám. Người ta đánh giá Đảng qua đảng viên, đảng viên tốt thì Đảng mới
tốt và ngược lại.
Nói con số tròn, dân số Việt Nam hiện nay gần 90 triệu, trong đó
có khoảng non 4 triệu đảng viên. Những vụ tham nhũng, tiêu cực được phát hiện,
vụ nào cũng có ít nhất bốn phần năm (4/5) can phạm là đảng viên - một tỷ lệ hư
hỏng trong Đảng đang cầm quyền đã báo động đỏ. Tế bào (đảng viên) hư nhiều như
vậy, cơ thể (Đảng) nếu không vào nhà thương nhờ danh y dùng thuốc đặc trị, tử
vong là cầm chắc?
Tại sao lúc đầu dùng cụm từ chống tiêu cực, nhưng ít
lâu sau thay nó bằng cụm từ chống tham nhũng? Có lẽ Trung ương
Đảng thấy vi khuẩn đã thâm nhập vào não bộ. Tham thì có thể bất cứ
ai, còn nhũng phải người có quyền. Chống tham nhũng là chống người có quyền mà
tham. Người không quyền mà bảo chống người có quyền ai mà dám! Thật khôi hài: “Lãnh
đạo mà ở dơ rồi bảo người bị lãnh đạo tắm, vị bụng người ta tắm cho rồi đạp
người ta…” Hơn nữa, những người làm bậy ấy do Đảng cơ cấu họ
vào ghế quan, họ là tế bào của Đảng, tốt hơn hết để Đảng tự xử cho tròn trách
nhiệm với dân. Nếu không tự xử được, hãy dẹp qua một bên, đừng chàng ràng ở đó
chướng mắt, khiến cho người đời thêm tâm và khẩu đều không phục.
Tôi về nông thôn dự giỗ, một lão nông vốn quen biết hồi còn chiến
tranh, ông xề lại gần tôi nói: “Hồi đó tao đánh giá tụi bây tốt là sai…”
Tôi đáp lại: “Hồi đó ông đánh giá chúng tôi tốt là đúng, giờ đây ông xem
chúng tôi vẫn tốt như xưa là sai”. Ông vỗ vai tôi mấy cái, nói:
“Sám hối như thế còn có thể chơi được”.
Trong tiệc cưới ở nhà hàng, hai người khách ngồi gần nhau, một
người chỉ người mới vào cửa nói:”Thằng đó tuy đảng viên nhưng nó tốt” -
Vậy là sao?
Trong chiến tranh, vào Đảng là vào đội tiên phong chiến đấu, ngày
nay vào Đảng như vào dân Tây. Được thẻ Đảng là được ghế quan. Thẻ Đảng có giá
trị hơn bằng đại học, có bằng đại học đôi khi thất nghiệp, có thẻ Đảng thì chắc
ăn như bắp. Do vậy, kẻ thất đức, bất tài bằng mọi cách luồn lách để được vào
Đảng, được Đảng cơ cấu làm quan. Hễ quan thì có quyền, hễ có quyền thì có lợi:
Ngoài việc ăn trên ngồi trước, ít nhất cũng có lương khá; có phương tiện công đi
lại; được ưu đãi trong trị bịnh; con cái được ưu tiên trong học hành và làm
việc; có chế độ tiếp khách; chữ ký bán rất có giá trị; làm quấy nếu bị phát
hiện có Đảng binh, xử lý nội bộ; lộ liễu quá không thể che được phải ra tòa thì
được tòa xử theo chỉ thị của Đảng; kẹt lắm phải vào tù thì ở tù cha
và sẽ được tha vào kỳ ân xá gần nhất v.v… Càng về sau,
cán bộ đảng viên chất lượng càng kém, dễ tha hóa biến chất. Từ thực tế đó, dân
gian mai mỉa:
“Đảng là mẹ,
Bác là cha
Từ khi Bác mất,
Đảng ta tái chồng
Sanh ra một
lũ con đông
Thạch Sanh
thì ít, Lý Thông thì nhiều”.[1]
Ở Việt Nam, từ cán bộ dùng ám chỉ cho các hạng quan chức nói
chung, cửa quan là cửa quyền. Cũng ở VN, xưa nay đều rêu rao “Cán bộ là đày
tớ nhân dân”, nhưng thực chất thì hoàn toàn ngược lại “Dân là đày tớ cho
cán bộ”. Vì vậy mới có chuyện mua quan bán chức lan tràn, cán bộ là đích
đến của mọi tham vọng. Việc mua quan bán chức nhìn vào chóng mặt. Quan chức mà
không biết làm gì (chủ trương) và chẳng biết làm thế nào (thực hiện). Họ giỏi
nói phét, tham nhũng, nhậu, tán gái…Cả nước nói chung, đặc biệt ở Sài Gòn và Hà
Nội nói riêng, phần đông cán bộ cao cấp đều có mướn “Osin”, gọi hoa mỹ là
“người giúp việc”, nói trắng ra là người “đày tớ” không hơn không kém. Vậy, nói
một cách chính xác: Người giúp việc là đày tớ thật, còn người thuê người giúp
việc (cán bộ) là đày tớ giả.
Nếu cán bộ thực sự là đày tớ nhân dân thì ít ai chịu làm bán bộ.
Làm cán bộ ở VN thời nay sướng chưa từng thấy. Tôi mô tả cái sướng của họ bằng
bài thơ “Sống, chết như Ông”:
Làm việc như
Ông (Bà) sướng bậc tiên:
Việc gì cũng
có trợ lý riêng
Xe đưa, xe rước
trưa, chiều, sớm
Trần thế khác
gì chốn non tiên?
Tiếp khách kiểu
Ông sướng quá tay:
Bao nhiêu phí
tổn cứ chi xài
Kê chung phiếu
đỏ đưa Ông ký
Công quỹ phải
nào của riêng ai?
Nằm viện như
Ông sướng bậc cha:
Nhân viên
nuôi bịnh chia thành ca
Ông sai Ông
khiển như đày tớ
Lựng bựng coi
chừng Ông thải ra.
Đám táng của
Ông lớn quá trời:
Ngày đêm
phúng điếu chẳng giờ ngơi
Tiễn đưa Ông
đến nơi an nghỉ
Xe nối đuôi
dài đếm hụt hơi.
Đâu chỉ thế, còn chôn trước chôn sau, mả lớn mả nhỏ theo tôn ty
trật tự phong kiến. Trường, đường không đủ cho các ngài ngài chia nhau đặt tên
để “lưu danh” cho muôn đời sau!
Người ta biến ê kíp thành cánh hẩu (nhóm lợi ích). Hễ hẩu thì hảo
(gôm vào), hễ bất hẩu thì bất hảo (thải ra). Tội phạm cộng với quyền lực thành
băng nhóm ma-phi-a: Mầy ăn, tao ăn, nó ăn = chúng ta cùng ăn. Phải rạch ròi:
Cái nào ăn thì ăn, cái nào cúng thì cúng, cái nào kiếng thì kiếng. Phải giữ kín
cho nhau, thực thi luật giang hồ “Mi không đánh ta, ta không đánh mi”, ngăn
ngừa lây lan “bịt khẩu” là thượng sách. Bọn cơ hội, tham
nhũng thường dùng thủ thuật “Tạo rồi biến cái nhược của người thành cái lợi
thế cho mình”…
Đã là Đảng thì tất phải có Đảng trưởng (đầu Đảng). Đảng trưởng là
nhân vật tối thượng, có nhiều lợi quyền nhất. Trong một quốc gia, nếu độc đảng
toàn trị, Đảng trưởng như một ông vua, đảng viên là quần thần, còn lại là đám
thảo dân. Đảng CSVN hiện nay là đứa con lai tạp chủng, giống cha nhiều hơn
giống mẹ, cha là ông Phong (phong kiến), mẹ là bà Tư (pư bản), đang hưởng di
sản cha mẹ mà không thừa nhận cha mẹ. Đứa con lai nầy rất xảo trá, khó nhận
dạng - nó nhưng không phải là nó: phong kiến thì chỉ có 1 vua, còn nó thì nhiều
vua (vua tập thể), vua ở từng cấp từ cao đến thấp - vua của vua. Nói một đàng
làm một nẻo, theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”. Làm kinh tế thị trường còn
định hướng XHCN. Nó núp dưới dạng thể chế Dân chủ cho hợp thời, đưa ra luật pháp
có đủ “đầu đuôi thủ vĩ “, nhưng hành xử thực chất là “Quân xử thần tử, thần bất
tử bất trung”.
Đã là Đảng thì sớm muộn gì cũng sẽ chia phái. Phái nầy đấu đá với
phái kia để tranh quyền đạt lợi. Nếu có liên minh các phái với nhau, đó cũng là
sự liên minh ma quỷ: khi hạ gục đối phương rồi thì quay lại thanh toán với
trong phái để giành quyền làm Đảng trưởng. Trong thể chế Độc tài Toàn trị, giới
cầm quyền như một đàn Khỉ, con khỉ đực nào mạnh nhứt thời nó nhăn d… tất cả
những con khỉ đực khác để độc chiếm…, giống như vua chúa ngày xưa, thiến tất cả
đàn ông phục vụ nội cung. Cuộc đấu đá tranh giành ngôi thứ dưới thể chế Độc tài
không bao giờ kết thúc, xã hộ luôn bất an, không loại trừ nội chiến .
Muốn chấm dứt việc đấu đá tranh giành quyền lực nầy chỉ có con đường
duy nhất là thực hiện Dân chủ Đa nguyên, thiết lập Nhà nước Dân chủ Pháp quyền,
bằng cách: để cho dân chọn người đứng ra quản lý xã hội, phúc quyết Hiến pháp
và các luật cơ bản…
Bọn tham nhũng chống chế ghê gớm đối với bất cứ ai chống lại
chúng. Cũng dễ hiểu, nếu để bị bóc vỏ thì mất hết, nếu không mất mạng thì mất
quyền, mất cả những gì mà họ dày công vung vén, và mất uy tín đối với xã hội.
Chúng rất sợ báo chí phanh phui việc làm sai trái của chúng, nếu để đổ bể ra
chết chùm hoặc ít nhất cũng “đội quần” trước công chúng. Làm động tác giả chi
cho hao hơi tốn sức, không cần sắm ra Ban nầy, Bộ nọ chi cho hao tài tốn của,
chỉ cần ông TổngTrọng, Chủ Sang, Thủ Dũng… bật đèn cho truyền thông đại chúng
đưa ra công khai những việc tiêu cực, tham nhũng trong xã hội thì sẽ hạn chế
đến mức thấp nhứt những tệ nạn nầy. Tham nhũng cũng được đôn lên, cũng được hạ
cánh an toàn thì dại gì mà không hốt của khi có điều kiện?
Ai cũng thấy, cũng nói tham nhũng trở thành quốc nạn. Vì lý do nầy
nọ, không diệt được chúng từ trong trứng nước, giờ đây nó sinh con đẻ cháu đầy
đàng, cày cắm khắp mỗi cấp, mỗi ngành, mọi nơi, phần lớn họ là đảng viên (tế
bào) nên được Đảng (cơ thể) bảo vệ. Chỉ còn mỗi cách, Đảng chấp nhận đau đớn
làm cuộc “đại phẫu thuật” mới may ra sống sót với hình hài dị dạng.
Việt Nam đang trong thực trạng tiền và quyền cấu
kết với nhau: Tiền nhờ Quyền giúp đỡ, che chắn trong làm ăn; Quyền nhờ Tiền xây
cơ lập nghiệp, biến đổi thành phần từ Vô sản thành thành Tư sản. Họ đã và đang
cấu kết với nhau, xem tiền là tất cả:
Tiền là Tiên
là Phật,
là sức bật tuổi trẻ
là sức khỏe ông già
là cái đà danh vọng
là cái lộng che thân
là cán cân công lý
là tình đồng chí
hết ý cuộc đời…
Dưới cái cơ chế của tiền và quyền quấn quít với nhau, các quan
chức cơ cấu con cháu họ vào, bất cần nó có đức tài hay không. Họ cơ cấu theo
huyết thống (theo dòng máu), cha truyền con nối “Con vua thì được làm vua,
con sải ở chùa thì quét lá đa”, họ cố lờ đi vế sau: “Đến khi binh lửa
can qua, con vua thất thế phải ra quét chùa”.
Quan chức thích kết thông gia với nhau: Con anh dâu tôi, con tôi
rể anh, chúng ta có trách nhiệm lo cho chúng có cuộc sống đàng hoàng, có vị thế
xã hội xứng đáng. Người ta thường nói “nhứt thân, nhì thế”. Họ quen thân
nhau và đều có thế, chơi trò: “Anh nhận con tôi, tôi nhận con anh; anh chiếu
cố con tôi, tôi chiếu cố con anh; anh đuổi con tôi, tôi đuổi con anh”.
“Chủ nghĩa lý lịch theo kiểu cha truyền con nối, ngoài cản trở
việc kén chọn nhân tài, nó còn là nguồn gốc của nạn tham nhũng, tiêu cực xã
hội. Thử lấy người đương nhiệm làm trung tâm để xét xem: Có khi nào họ mạnh tay
đánh vào sai trái của hậu duệ? Có khi nào họ mạnh dạn truy cứu lỗi lầm của
người tiền nhiệm? - Tiền nhiệm, đương nhiệm và hậu duệ cùng dòng tộc với nhau
họ nở nào? Đã thế thì họ yên tâm “quậy”, quậy cũng được “đôn”,
cũng được “hạ cánh an toàn” thì dại gì. Vậy, “Chủ nghĩa lý lịch” không
những là tội đồ, mà còn là tôi đầu - nơi khởi nguồn tội lỗi.
Có người hỏi tôi:
“Vì sao con em cán bộ học dở, không có cấp bằng học vị, kém tài
đức mà được trọng dụng, còn không ít con em dân thường có cấp bằng học vị, có
đức độ mà Nhà nước không trọng dụng?”
Tôi trả lời:
“Vô duyên, sao không tìm Đảng và Nhà nước hỏi mà hỏi tôi?! Còn về
đức độ thế nào thì tôi không rõ, nhìn vào danh sách ứng cử, người nào cũng có
cấp bằng học vị, một số không ít, nếu không bằng thật học giả, thì
cũng bằng chính trị. Nhưng mà anh ơi, thời bấy giờ, kẻ có thân thế
thì:
Bằng có người
lo
Chức to có
người bầu
Đi đâu có xe
chở
Nói dở có người
nghe
Đe có người sợ
Làm dở có người
khen
Hèn có người
giấu
Nhậu có người
bao
Đau có người
bóp
Họp có người
ghi
Chi có người
bù
Tù có người
chạy…”.
Trong buổi trà đàm, một người bạn hỏi tôi:
- “Theo anh
có độc quyền yêu nước không?”.
Một câu hỏi hóc búa thật, đắn đo một hồi rồi một chữ cũng thi, hai
chữ cũng thi, tôi nói: - Suy cho cùng chẳng có đâu, yêu nước phải vì dân, xả
thân không vụ lợi. Thời nay chẳng mấy ai chịu làm như
thế, giành quyền yêu nước thì có thật: Họ nhân danh gì có thể nhân
danh, lợi dụng gì có thể lợi dụng theo kiểu ăn mày dĩ vãng.
Đến mức, hết năm nầy sang năm nọ, người ta đem Hồ Chí Minh ra “thế chấp” thì
không còn gì để nói. Họ cho mình là người yêu nước hơn cả, và là con cháu Cụ
Hồ, thử đụng đến họ khắc biết, sẽ bị chụp cho cái mũ “thế lực thù địch”, tù mụt
gông.
Người ngồi cạnh xía vô: giao thông, giáo dục, y tế ngày
một tệ, theo anh đến bao giờ mới có thể cải thiện?
- Khi nào trên 3 cùng với dưới.
- Nghĩa là sao?
- Hiện tại cấp trên dùng phương tiện riêng đi lại, đi đến đâu có
cảnh sát mở đường. Phần lớn con các vị cấp cao cho đi học ở nước ngoài. Trong
nước các vị có nhà thương riêng, nếu bịnh nặng ra nước ngoài trị. Vậy thì ngày
nào lãnh đạo cấp trên chưa: cùng đi, cùng học, cùng trị bịnh chung
với dưới thì ngày đó giao thông, giáo dục, y tế còn trì trệ.
Kê khai tài sản, kiểm tra thu nhập trong cán bộ là một chủ trương
lớn của Đảng CSVN, nhưng thực tế nó không mang lại kết quả mà đem lại hậu quả
là thêm mất lòng tin trong nhân dân. Thử hỏi, kê khai mà không công khai thì
người ngoại cuộc biết đâu mà có ý kiến?! Nếu để người trong diện phải kê khai
giám sát lẫn nhau thì chặng lẽ lươn chê lịch [2] thôi thì “Mi không đánh ta, ta không đánh mi” thì huề
cả làng? Chủ trương ấy chắc có lẽ cốt để giải nhiệt, làm thiệt chết chùm làm
sao? Nhìn chung, cán bộ lãnh đạo quận, huyện, tỉnh, thành và Trung ương nói
chung, những ngành kinh tế hải quan, công an, tài chính, thuế vụ, xổ số… nói
riêng, hầu như tuyệt đại đa số họ đã là đại gia. Tài sản ngầm của họ cỡ nào khó
mà biết được, chớ nhà cửa, cơ ngơi làm ăn của họ sờ sờ ra đó còn giấu được ai.
Muốn biết cơ ngơi, cơ sở làm ăn của họ cụ thể thế nào vào mạng Internet gõ “clbnokia.wordpress.com” (Câu lạc bộ Nó Kìa) thì rõ họ là những ai.
Có người thắc mắc: Họ tham nhũng giàu quá rồi sao mà vẫn tiếp tục
tham nhũng? Tôi nói: Họ giàu như thế không quá đâu, thử ước tính các khoản cần
chi của họ:
Chi cho xây dựng
cơ ngơi hiện đại
Chi cho đi lại
cao sang
Chi cho ăn uống
như ông Hoàng
Chi boa cho
những cô nàng bồ nhí
Chi cho cô cậu
Tí đi học nước ngoài
Chi cho Ngài
trị bịnh ngoại quốc
Chi cho xây cất
từ đường
Chi cho sắm sẵn
hàng rương, nhà mộ
Chi cho hối lộ
lúc lâm nguy…
Tính lại suy
đi biết bao là đủ?
Đôi lời nhắn
nhủ:
Hãy tận thu
cho đủ để có mà chi.
Hiện nay, người tốt, người xấu rất khó phân biệt. Hiện tượng và bản
chất những kẻ xấu không đồng nhất vói nhau, họ lớn tiếng hô hào chống tham
nhũng, nhưng họ lại là chúa chổm tham nhũng không chừng. Hãy xem họ làm, đừng
tin họ nói. Nhìn chung có vẻ phức tạp như vậy, nhưng chung quy chỉ có 3 nhóm
người:
- Nhóm thấy đúng bảo vệ, thấy sai đấu tranh, họ chỉ sợ
lẽ phải chớ không sợ bạo lực cường quyền. Đó là những chính nhân quân tử, đáng
nể trọng.
- Nhóm thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không
đấu tranh, họ sợ bạo lực cường quyền hơn sợ lẽ phải. Đó là những người cơ
hội xu thời, nhu nhược, theo đốm ăn tàn [3]…, đáng chê trách.
- Nhóm bất chấp phải trái, ỷ thế cậy quyền…, họ không
sợ lẽ phải, chỉ biết dựa và dùng bạo lực cường quyền để mưu danh đoạt lợi… Đó
là những kẻ không nhân cách (không có tính người) hoặc cho điểm an ủi là “tiểu
nhân” đáng khinh bỉ .
7 - Đất đai đang là điểm nóng gây nhiều tranh
cãi
Người ta trụ được nhờ có đất. Mất đất là mất chỗ trụ để ở và mưu
sinh khi còn sống, mất chỗ cất mớ xương tàn khi chết.
Đảng CSVN đưa ra luật đất đai với nội dung “Công hữu toàn bộ
đất”, tạo ra sự bất an thường trực đối với bất cứ người dân ở nông thôn
cũng như thành thị.
An sao được, đất ở, đất canh tác từ lâu thuộc sở hữu của mỗi hộ,
giờ đây luật đất đai tước đi quyền sở hữu tư nhân, chỉ cho họ quyền sử dụng có
thời hạn và phải nộp thuế.
Người ta tự dự thảo luật đất đai rồi đưa ra Quốc hội cũng của
người ta thông qua thành luật. Đã là luật được Quốc hội thông qua, có ăn gan
trời hay uống hàng xâu mật gấu cũng không dám thỏ thẻ, mặc cho số phận đẩy đưa!
.
Cái gì đến đã đến, khi nắm quyền đất trong tay, dưới sự lãnh đạo
của Đảng CSVN, chính quyền các cấp thấy chỗ nào đất tốt, tiện lợi khoanh những
vùng quy hoạch, chẳng cần tham khảo ý kiến người dân tại chỗ. Biết rằng, muốn
phát triển đất nước phải xây dựng, muốn xây dựng phải có đất, nhưng xây dựng ở
đâu, với quy mô nào, giải quyết việc sinh sống của người tại chỗ ra sao… nên
đưa ra bàn bạc với dân sở tại, ít nhất cũng làm cho họ mát dạ trước khi nhìn sản
vật, mồ mả người thân… vốn có từ lâu bị ủi phá tan hoang.
Quy hoạch làm ngay thì áp tới đền bù, giải tỏa. Nhà nước đã là chủ
đất, đền bù chỉ tính giá trị sản vật hiện có trên mặt đất. Nhà nước nói giá nào
người bị giải tỏa phải chấp nhận giá đó và lập tức di đi, nếu không thì bị
cưỡng chế.
Để những hộ bị giải tỏa trắng có nơi cất nhà ở, Nhà nước lại quy
hoạch ở một nơi nào đó, cũng bằng cách giải tỏa đền bù để lấy đất lập ra khu
tái định cư cho số bị giải tỏa trước. Từ gây bất ổn ở nơi nầy dẫn đến gây bất ổn
ở nơi khác, làm mất an cư của người dân.
Để khỏi đền bù nhiều khi giải tỏa, áng chừng những việc sẽ làm,
Nhà nước phóng tay lập những dự án rồi chọn vùng quy hoạch treo. Những hộ lọt
trong khu vực treo nầy không được sang nhượng đất, không được xây dựng mới,
không được trồng cây lâu năm, không được chôn người chết…, chỉ được “tản cư”
càng sớm càng tốt xương cốt người thân đã chôn ở đây ra khỏi khu vực. Người
sống hãy ở đó chờ, nếu có mọc râu thì cạo, nếu chết tự do tìm chỗ trước mắt
chưa quy hoạch mà chôn hay đem đi đốt tùy ý.
Quy hoạch xây dựng những công trình công cộng mới, Nhà nước có
định giá thấp đôi chút, dân có thể chấp nhận, coi như góp chút phần nhỏ của
mình cho công ích. Còn quy hoạch để rồi cho tư nhân xây dựng gì đó, lẽ ra để
cho tư nhân ấy thương lượng giá trực tiếp với người bị giải tỏa, đàng nầy, Nhà
nước cử người đứng ra làm cò, định giá đền bù thì thấp, cho tư nhân
thuê lại thì cao, vôi ra số tiền không nhỏ tha hồ mà nhậu. Cần đất cho công
trình 1, quy hoạch giải tỏa bằng 2 chẳng hạn, số đất vôi ra thành đắt địa rồi
chia nhau xơi. Đủ cách, xúm nhau ăn trên đầu trên cổ ông nội
cha người ta, dân không buồn mới là lạ?
Thương thay cho dân nghèo thành thị bị giải tỏa trắng, họ vốn sống
bằng nghề mua bán, lao động dịch vụ, nhà như ổ chuột, bồi thường sản vật trên
mặt đất có là bao. Đến vùng tái định cư, không hành nghề cũ được, thất nghiệp,
với số tiền ít ỏi vừa được đền bù, mua đất cất cái nhà tạm bợ đủ che nắng che
mưa. Họ phải sống sao đây, chẳng lẽ đợi tối rủ nhau ngữa mặt lên trời hứng sương
mà sống!?
Từ những bất hợp lý, bất công như đã nói, người dân khiếu nại, tố
cáo, biểu tình về nhà đất ngày một tăng là lẽ đương nhiên. Tiên Lãng, Văn
Giang, Vụ Bản, Thủ Thiêm, Cái Răng v.v… là những vụ người dân đấu tranh giữ đất
gay gắt và quyết liệt nhứt. Nếu ở Tiên Lãng người dân chống cưỡng chế
bằng bạo lực với vũ khí thô sơ tự tạo, thì ở Cái Răng người
dân chống cưỡng chế bằng bất lực: gia đình có 3 người, 1 nam uống
thuốc độc đang sống dở chết dở, 2 nữ tự tuột áo quần trần truồng không còn mảnh
vải che thân, đứng dang tay ngăn chặn lực lượng cưỡng chế giữa thanh thiên bạch
nhựt, trước bàn dân thiên hạ, thử hỏi còn cảnh đau xót nào hơn?! Họ bị đàn áp
chỉ vì “cái tội giữ đất cha ông để lại cho nhu cầu mưu sinh”.
Lột tả vụ cưỡng chế tàn bạo nầy, Bà Lê Hiền Đức đặt câu hỏi không cần lời đáp
rất sắc “cưỡng chế hay cưỡng dâm?”.
Đã là kinh tế thị trường thì “đèn nhà ai nấy sáng”, tức là mọi
người tự lo cuộc sống cho mình. Cớ sao Đảng CSVN chủ trương làm kinh tế thị
trường mà không công nhận quyền sở hữu tư nhân, nhất là sở hữu về đất đai, thử
hỏi người dân tự sống bằng cách nào?!
Người dân, đặc biệt là nông dân, không thể sống thiếu đất. Họ dám
thay phiên nhau đổ máu để bảo vệ đất nước để làm gì chẳng lẽ Đảng CSVN không
biết?!
__________
LAI LỊCH NGƯỜI “CHẠY”
Tôi đã kể khá nhiều sự đời, có lẽ đã đến lúc người đọc muốn biết
gã viết bài CHẠY nầy là ai, ở đâu, đang làm gì…?
Thưa rằng: Tôi Đào Văn Tùng, bút danh Thiện Tùng, sinh năm 1939 ở
huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre; đang ngụ tại ___ TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; Điện
thoại: ___ (viet-studies xin phép tác giả không đăng những thông
tin này)
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, huyện Thạnh Phú của tỉnh Bến
Tre gần như Pháp không thể chiếm đóng, là nơi nghỉ, nhận và luyện quân của Vệ
Quốc Đoàn. Mỗi năm, Pháp mở vài cuộc ruồng bố vào đây. Chúng đi đến đâu giết
sạch, đốt sạch, phá sạch. Khiến cho người dân ở đây rạch ròi: địch và ta, Việt
Minh và Việt Gian.
Lúc bấy giờ tôi còn nhỏ, học trường làng, thầy giáo Phạm Hữu Hỷ
rót vào tai chúng tôi những án văn lay động lòng người. Chẳng hạn:
“…Đã đứng dậy
bao lần thất bại
Trong căm hờn
trong uất hận vô biên
Ngày lại ngày
như suối chảy triền miên
Chuông đã
đánh, âm thanh vang khởi nghĩa
Nguồn u uất
vùng lên trong nghĩa địa
Trong nấm mồ
Tổ quốc rêu xanh
Trong bao
nhiêu xương máu của dân lành
Trong nước mắt
mồ hôi nhân loại…”.
Đâu chỉ thế, hàng ngay chúng tôi còn ngân nga những bài hát gợi
cảm gợi suy. Chẳng hạn:
“Làm sao khắp
chúng dân được tự do?
Làm sao khắp
muôn dân đầy cơm áo?
Làm sao khắp
thiên hạ hưởng hòa bình?
Bao nhiêu năm
đói rách và lầm than!
Bao nhiêu lần
cạn nước mắt, đẫm máu xương!
Đứng lên đều,
tung gông cùm giam đời sống!
Cùng nhau ra
sức đấu tranh, cùng nhau quyết xây đời mới.
Nào nề tan
nát thân mình, nào nề cực khổ gian lao
Ôi, muôn dân
khóc than
Ôi, muôn dân
nát lòng
Ôi, muôn dân
căm hờn vì đời bất công
Vùng lên đem
hết máu xương, vùng lên quyết tranh cưộc sống
Tự do hạnh
phúc kia rồi
Hòa bình no ấm
đang chờ đón ta” .
Phải nói, xin cám ơn những ai đó hướng cho tuổi trẻ chúng tôi sớm
vào con đường yêu nước, thương dân, ngưỡng mộ các bậc tiền nhân yêu nươc thương
nòi. Giáo dục yêu nước thương dân cho chúng tôi như thế đã đủ độ, chỉ có điều
tuổi tác còn quá nhỏ, chúng tôi phải nán đợi chờ.
Pháp vẫn không chiếm đóng huyện Thạnh Phú, chúng chỉ cho máy bay
thường xuyên dội bom vào những chỗ đông người. Khi 12 tuổi, tôi thoát ly gia
đình, rày đây mai đó, theo làm tạp vụ cho cán bộ Việt Minh làm cuộc “Cách
mạng Dân tộc Dân chủ”. Phần lớn cán bộ tôi theo phục vụ là những người có
học, họ mang theo bên mình tài liệu chính trị, còn tôi thì mang theo sách giáo
khoa. Khi rảnh họ kềm cặp cho tôi học văn hóa, ấn định mỗi năm lên 1 lớp . Đến
mùa thi, các anh móc với cơ sở đưa tôi ra Thành thi cử đàng hoàng - Bao năm
liền, tôi chẳng những thi đậu mà còn đậu hạng ưu, có 2 năm được cấp học bổng.
Năm 1954, sau khi ký kết Hiệp định Genève, người ta lớn tuổi, có
nhiều công cán được đi tập kết ra Bắc, còn tôi ở lại với số cán bộ nằm vùng.
Công việc hàng ngày của tôi, nếu không chạy thư thì “hái rau bắt ốc”, cơm nước
để cán bộ rảnh lo việc lớn.
Cuối năm 1955, Mỹ thay Pháp, Ngô Đình Diệm thay Bảo Đại thông qua
cái gọi là “trưng cầu dân ý” truất phế Bảo Đại.
Bắt đầu từ 1956, Ngô Đình Diệm vừa củng cố bộ máy cai trị, vừa đôn
quân, bắt lính chuẩn bị Bắc tiến.
Đầu năm 1957, tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh Lao (Đoàn Thanh niên
Lao động), ngoài chuyện chạy vặt, cán bộ còn phân công cho tôi vận động nhân
dân biểu tình đòi hiệp thương thông nhứt đất nước theo tinh thần Hiệp định
Genève 1954.
Anh em ông Ngô Đình Diệm làm cuộc chiến tranh đơn phương chống các
phe phái đối lập như Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên và đưa ra luật 10/59 truy sát
những người kháng chiến cũ. Diệm bắt giết và cầm tù nhiều cán bộ cách mạng.
Cuối năm 1959, tôi xin và được chấp nhận cho vào Đảng Lao động
Việt Nam (ĐLĐVN) để đủ tư cách bổ khuyết vào một trong những chỗ đảng viên bị
giết hoặc bị bắt.
Không còn nhịn được nữa, miền Nam VN làm cuộc Đồng khởi. Năm 1960,
tôi tham gia phong trào Đồng khởi ở tỉnh Bến Tre. Cuộc chiến tranh ở Nam VN từ
đơn phương thành song phương.
Đầu năm 1961, chị Nguyễn thị Định (Ba Định), Bí thư Tỉnh ủy Bến
Tre, rút tôi và Hòa thượng Thích Thiện Hào cùng chị về khu Trung Nam Bộ (Khu 8
cũ). Trên đường đi, Hòa thượng Thích Thiện Hào nói vui với tôi:
- Để đừng lộn Tùng nầy với Tùng khác, ta đặt cho mi tên Thiện Tùng
có chịu hay không?
- Nghe sặc mùi Phật!” - tôi đáp.
- Vậy chớ có ý nghĩa lắm - thiện mới tùng - Ông Hào lý giải.
Đó là chuyện vui qua đường, nhưng khi tham gia viết báo, viết văn,
tôi hoài cổ, nhớ Hòa thượng Thích Thiện Hào, lấy bút danh Thiện Tùng. Từ đó
dường như tôi mắc lời thề “quyết không tùng ác”.
Từ năm 1961 - 1975, tôi công tác ở Ban Tuyên Huấn (BTH) khu Trung
Nam Bộ (Khu 8 cũ) với những chức việc:
- Trưởng Văn phòng (1961 - 1962).
- Trưởng đơn vị Điện đài Minh ngữ (1963 - 1964).
- Trở lại làm Trưởng Văn phòng (1965).
- Khi Sư 9 Mỹ vào Mỹ Tho, tôi được BTH Khu phân công phụ trách Đội
Tuyên truyền Xung phong (Đội T2XP) đến hoạt động ở tỉnh Mỹ Tho (1966 - 1968).
- Ngày 8/3/1968, tôi bị trọng thương, trị thương hết năm 1968.
- Năm 1969 - 1970, tôi được BTH Khu phân công làm cán bộ công tác
phong trào ở địa bàn tỉnh Mỹ Tho.
- Năm 1971, khi Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH) mở rộng chiến tranh
sang Campuchia, tôi được BTH Khu phân công theo Trung đoàn 3 mở chiến dịch Nam
Cao Lãnh nhằm khống chế không cho quân Mỹ và VNCH dùng Lộ 30 và Sông Tiền sang
Campuchia.
- Cuối năm 1971 đến tháng 6/1972, tôi được điều sang tham gia
chiến dịch Bắc Mỹ An nhằm mở đường tiếp vận Hậu cần cho các tỉnh Gò Công, Mỹ
Tho, Bến Tre và đưa quân trở lại chiến trường trọng điểm Mỹ Tho.
- Sau khi kết thúc chiến dịch Bắc Mỹ An, tháng 7/1972, tôi được
BTH Khu phân công theo đỡ đầu cho Trung đoàn 24 xuống tỉnh Gò Công - vùng trọng
điểm bình định của Mỹ và VNCH, nhằm tạo thế lực mới nơi đây trước khi ký kết
hiệp định Paris.
- Tháng 5/1973, BTH Khu rút tôi về phân công phụ trách trường
Tuyên Huấn Khu ở Vùng 4 Kiến Tường (ở Đồng Tháp Mười).
- Cuối năm 1974, tôi nhận lịnh đi học trường Nguyễn Ái Quốc. Khi
đến địa phận tỉnh Tây Ninh, tôi bị sốt rét phải vào trạm xá điều trị, trễ
chuyến không đi được.
- Trưa 30/4/1975, tôi chủ trương và cùng 3 anh em khác chuyển hàng
tiếp quản do Trung ương Cục cấp cho Khu Trung Nam Bộ đến bắc Bến Sỏi, thuê
chiếc xe chở khoảng 4 tấn hàng được cấp nầy theo sau bộ đội ra thị xã Tây Ninh,
đi Sài Gòn rồi về đến Mỹ Tho vào lúc l8 giờ 30/4/1975.
- Cuối năm 1975, khi giải thể Khu, nhập Tỉnh, tôi được biệt phái
đến Gò Công làm Trưởng BTH. Đầu năm 1980, tôi được điều động về làm Phó trưởng
BTH tỉnh Tiền Giang, phụ trách 2 phòng Tuyên truyền và Báo cáo viên.
Ngoài được đi học lấy bằng đỏ trường Nguyễn Ái Quốc, tôi còn được
tỉnh nâng lương 4 lần trong 6 năm (1980 - 1986). Nếu không có việc gì riêng,
các cuộc họp cấp cao của tỉnh, các anh chị đều gọi tôi dự. Phải nói, tôi là một
trong những người được tỉnh trọng dụng và ưu ái.
Năm 1986, khi 47 tuổi, tôi đi giám định y khoa rồi lấy cớ thương
tật từ nhiệm. Ông Lê văn Phẩm, Bí thư Tỉnh ủy, ông Phan Lương Trực, Tỉnh đội
trưởng tỉnh Tiền Giang gọi tôi đến khuyên: Ráng làm thêm nhiệm kỳ 5 năm nữa.
Tôi nói: Bộ Thương binh và Xã hội cho phép tỷ lệ thương tật 61% trở lên
có quyền nghỉ theo ý muốn, tôi tỷ lệ thương tật 71%, tôi được quyền nghỉ, cho
là lịch sự, không cho tôi cũng nghỉ. Tôi nhất quyết như thế, hai anh
không vui, nhưng đành vậy. Thú thật, nếu làm việc gì đó không phải làm Tuyên
Huấn thì tôi có thể ráng thêm, làm Tuyên Huấn thời giờ phải ăn theo nó theo,
chẳng khác thằng chuyên môn lừa đảo chính trị.
Có lần tôi bị phân công làm diễn giả, thuyết về Nam Kỳ Khởi Nghĩa
cho hơn 300 cử tọa gồm những trưởng phó đầu ngành tỉnh, huyện. Phần lớn đầu họ
đã bạc, tuổi đời, tuổi Đảng của họ ít ai thấp hơn tôi. Thế mà tôi nói, họ cố
cặm cụi ghi. Giờ giải lao, các anh chị tụ tập quanh tôi chuyện trò vui vẻ. Tôi
ứng khẩu: “Có khi nào các anh chị thấy mình như tín đồ ngoan đạo
không?”. Anh Bảy Điện, Giám đốc Sở Bưu điện trừng mắt hỏi vặn
tôi: “Chú mầy nói thế là ý gì?”. Tôi cười đáp: “Tôi sinh
năm 1939, Nam Kỳ Khởi nghĩa năm 1940, tôi có biết Ất Giáp gì về khởi nghĩa ấy
đâu, chẳng qua dựa vào sách mà nói. Thế mà, tôi nói các anh chị cặm cụi ghi, đúng
là “múa rìu qua mắt thợ” thật xấu hổ?!”. Anh
Điện ký nhẹ vào đầu tôi rồi xúm nhau cười.
Trước khi rời nhiệm sở, tôi gọi anh Đoàn văn Bảy, Trưởng Văn phòng
BTH tỉnh Tiền Giang giao tài liệu, súng ngắn rồi tự bỏ nhiệm sở. Có lẽ thương
tình, các anh lãnh đạo tỉnh chỉ đạo cơ quan Xã hội và Thương binh lập sổ hưu
cho tôi sau đó.
Năm 1991, tôi trả thẻ Đảng, viết kèm theo mấy dòng: “Năm 1959
tôi xin vào Đảng Lao động VN làm cuộc Cách mạng Dân tộc Dân chủ. Tôi không hề xin
vào Đảng Cộng sản Việt Nam - đó là lý do tôi trả thẻ Đảng”. Thẻ
Đảng và mấy dòng thư tôi cho vào bao gởi gián tiếp cho Phường Ủy.
Mấy tháng sau khi tôi trả thẻ Đảng, Phường mở Đại hội Đảng bộ
Phường, có anh Huỳnh Văn Niềm, Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Tiền Giang dự. Phường 2 lần
cử người mời tôi dự nhưng tôi từ chối. Sau Đại hội Đảng bộ Phường, chị Trần thị
Thắng, Bí thư Thành ủy Mỹ Tho gặp trực tiếp tôi, chị nói: “Ông Ba Niềm bảo
tôi nói với anh nhận lại thẻ Đảng…”. Tôi trả lời: “Cám ơn các anh
chịquan tâm đến tôi, nhưng tôi đã quyết không thể thay đổi”. Khoảng nửa
tháng sau, Ban Tổ chức Thành ủy ra quyết định xóa Đảng tịch tôi. Mấy ngày sau,
tỉnh cấp cho tôi 2 sổ khám chữa bịnh: một của Ban Bảo vệ Sức khỏe tỉnh Tiền
Giang, một của Bịnh viện Thống nhứt thuộc Trung ương đóng tại Sài Gòn. Đến nay
(2010), khi cần tôi đến 2 nơi ấy khám chữa bịnh.
Tôi kể về tôi đã quá nhiều, nói nhiều như thế không phải để khoe
khoang gì về mình, mà để nói rằng: vì đại nghĩa tôi dấn thân không màng gian
lao nguy hiểm. Tôi yêu nước chớ không yêu CNXH. Không yêu “ly dị” là chuyện
bình thường. Tôi mặn mấy câu thơ của Phùng Quán:
“Yêu ai cứ bảo
là yêu
Ghét ai cứ bảo
là ghét
Dầu ai cầm
dao dọa giết
Cũng không
nói ghét thành yêu
Dầu ai ngon
ngọt nuôn chiều
Cũng không
nói yêu thành ghét.
Tiền Giang,
10/10/2010
Viết từ TP Mỹ Tho,
Tiền Giang
08/05/2014
Thiện Tùng (Đào văn Tùng)
__________
[1] Chuyện
truyền thuyết: Thạch Sanh và Lý Thông là hai anh em kết nghĩa. Thạch Sanh tử tế,
Lý Thông gian manh.
[2] Con
Lươn và con Lịch cả 2 đều là loại da trơn và đều có nhớt.
[3] Ám chỉ
loài động vật không khả năng săn mồi, chỉ mò theo đốm lửa khi thợ săn nướng thịt
để ăn những thứ người ta chê bỏ lại.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire