08/05/2018

Giỗ HOÀNG CẦM

Còn mãi "Lá Diêu Bông"


thi sĩ Hoàng Cầm
Chuyện kể rằng từ đầu thế kỷ trước, một cậu bé học trò đã chót mang lòng yêu một cô gái hơn mình tám tuổi ! Ngày kia, cô gái ấy nói vu vơ với cậu bé "Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông, từ nay ta gọi là chồng". Không biết rằng chiếc lá có thật hay không ? Nhưng cậu bé học trò vẫn mải miết đi tìm ... Bốn năm sau, cô gái đi lấy chồng. Hai mươi lăm năm sau, năm 1959, trong một ngày đông rét mướt, cậu bé học trò ngày trước giờ là thi sĩ Hoàng Cầm cho ra đời bài thơ "Lá Diêu Bông" nức tiếng trên thi đàn Việt :


“Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng 

Chị thẩn thơ đi tìm 

Đồng chiều 

Cuống rạ 

Chị bảo 

Đứa nào tìm được Lá Diêu bông 

Từ nay ta gọi là chồng

Hai ngày em tìm thấy Lá 

Chị chau mày 

Đâu phải Lá Diêu bông

Mùa đông sau em tìm thấy Lá 

Chị lắc đầu 

Trông nắng vãn bên sông

Ngày cưới Chị 

Em tìm thấy Lá 

Chị cười xe chỉ ấm trôn kim

Chị ba con 

Em tìm thấy Lá 

Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn

Từ thuở ấy 

Em cầm chiếc Lá 

Đi đầu non cuối bể 

Gió quê vi vút gọi 

Diêu bông hời ...

... Ới Diêu bông ... !”

Khoảng đầu thập kỷ 80, bài thơ “Lá Diêu Bông” lại được nhắc nhớ lại ở hải ngoại khi nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, đến một thập niên sau đó, nhạc sĩ Trần Tiến cũng phổ nhạc bài thơ với tựa khác "Sao em nỡ vội lấy chồng” !

Ba lần, một lần với thi sĩ Hoàng Cầm và hai lần khác với nhạc sĩ Phạm Duy và Trần Tiến đã đưa dân tôi, những người yêu văn nghệ đến một khía cạnh lãng mạn rất khác biệt của tình yêu, với cung bậc cảm xúc lạ lẫm chưa từng có !

Sao mà không lãng mạn với hình ảnh đứa bé con biết yêu sớm, đã mãi miết cặm cụi đi tìm chiếc lá thần thoại để hy vọng chinh phục được trái tim của người chị mà mình trót yêu ! “Diêu bông hời ... ới Diêu bông...!”, tôi sẽ gọi đấy là chiếc lá thánh tình yêu !

Tôi đã từng những tưởng rằng, chỉ riêng trong chuyện yêu đương của các thi sĩ vốn “ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” như Hoàng Cầm thì mới có chiếc lá thánh “diêu bông” thần thoại, góp thêm hương vị vào khối di sản yêu đương của người đời.

Bé cái nhầm ! Chẳng phải là thi sĩ, không phải là nhạc sĩ, càng không phải là nghệ thuật, và cũng chẳng cần đến nguồn cảm hứng của yêu đương … thì non trăm triệu đồng bào tôi vẫn đang mải miết, cặm cụi cùng nhau đi tìm chiếc lá thánh “diêu bông” đấy thôi … một hành trình vĩ đại, vô tận đẩy đưa cả một dân tộc đi xuyên ngang hai thế kỷ !

Chiếc lá thánh “diêu bông” của dân tôi, khi tìm ra nó, thì dân tôi sẽ được thưởng công bằng một chốn thiên đường hay cõi niết bàn gì đó. Ở đấy, như truyền thuyết của vị tổ Marx mô tả, không còn người bóc lột người, không còn cần đến nhà nước, chính quyền, hay pháp luật, mọi người chỉ cần làm theo năng lực, nhưng hưởng theo nhu cầu, nói khác, mọi người đều trở thành những vị thần tiên sống vui chơi, nhàn nhã và bay là là như cánh chim trời giữa cõi đời ô trọc …

Như cậu bé học trò Hoàng Cầm ngày trước, một ngày mùa thu năm bốn lăm, dân tôi hăm hở mang về chiếc lá thánh “diêu bông”, nhưng chốn thiên đường đâu đó vẫn cửa đóng, then gài … Chín năm sau và lần nữa vào mùa xuân Ất Mão, dân tôi lại hân hoan khi ngỡ đã tìm được chiếc lá thánh “diêu bông” …

“... em tìm thấy Lá 

Chị lắc đầu 

Trông nắng vãn bên sông 

Ngày cưới Chị 

Em tìm thấy Lá 

Chị cười xe chỉ ấm trôn kim”

Phận yêu đương hẩm hiu vẫn còn đeo đẳng cậu bé học trò như chuyện người chị yêu đã sang ngang “theo chồng bỏ cuộc chơi”, chốn thiên đường của dân tôi vẫn mịt mùng, lẩn quẩn như cái lò gạch của Thị Nở thuở nào ...

Một ngày của thế kỷ mới, dân tôi xôn xao đến vỡ òa “sáng mắt sáng lòng” khi Moses, người dẫn đường mù lòa than vãn “Đến hết thế kỷ này không biết đã có thiên đường ở Việt Nam hay chưa ?”(1), tuy vậy, cuộc hành trình mông muội vĩ đại của dân tôi từ thế kỷ trước sang đến thế kỷ sau để tìm chiếc lá thánh “diêu bông” vẫn tiếp tục “kiên định” như những con cua đi ngang về ngửa vào mùa di trú mới bất tận …

“Chị ba con 

Em tìm thấy lá 

Xòe tay phủ mặt chị không nhìn”

Một cơ hội cuối cho cậu bé học trò tìm thấy chiếc lá diêu bông, nhưng sự hẩm hiu vẫn đeo bám dai dẵng mãi thân phận chàng thi sĩ khi “Xòe tay phủ mặt chị không nhìn” ! Cũng như thế, mê muội, đắm say với chốn thiên đường đã được “định hướng”, lại một chiếc lá diêu bông “kinh tế thị trường theo định hướng thiên đường” được dân tôi tìm thấy, lần này, một kẻ tôi tớ khác (2) “xòe tay phủ mặt” khẽ khàng thốt : “Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm” !?!

Moses, vị cha già dân tộc Do Thái đã đưa con dân mình đi trong hành trình vĩ đại vượt đại dương tìm được vùng đất hứa ! Dân tôi, cũng được một vị cha già dân tộc dẫn đưa mình đi trong hành trình mông muội vĩ đại xuyên ngang qua hai thế kỷ vẫn chưa tìm thấy được hình bóng thiên đường ở cuối chân trời tít tắp !

Như cậu bé học trò lỡ hẹn với tình yêu say đắm, người dân thế hệ tôi và con cháu mình cũng đành lỡ hẹn với thiên đường mù đầy ảo vọng ...

“Từ thuở ấy 

Em cầm chiếc Lá đi đầu non cuối bể 

Gió quê vi vút gọi Diêu bông hời ... 

... Ới Diêu bông...!”

Hoàng Cầm ông hỡi ơ hời, hồn đã phiêu du, mà thơ ông cứ vẫn còn bỡn mãi dân tôi chưa dứt !

-------------------------

 



-------------------------





Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire