09/05/2018

Góp ý với anh Nguyễn Trung về Thượng đỉnh liên Triều


Lê Xuân Khoa
Lãnh đạo hai miền Nam – Bắc Hàn. Ảnh: NK News
Ngày 28/4/2018, anh Nguyễn Trung cho đăng trên Viet-studies bài “Khao khát của chữ tâm” do cảm hứng về cuộc gặp lịch sử thượng đỉnh liên Triều 27-04-2018. Đây là một “lời tiên tri” của anh dựa trên cơ sở của chữ “nếu”, được trình bày trong một bài viết ngắn mà chủ yếu là: “Nếu lãnh đạo 2 miền Triều Tiên cùng nhau đặt lợi ích của tổ quốc chung lên trên hết, đủ thông minh và nghị lực vượt lên chính họ, kiên trì lý tưởng hòa hợp dân tộc, để từng bước theo đuổi một lộ trình khả thi và có các giai đoạn khác nhau trên con đường đi tới thống nhất đất nước, thì ngay trong quá trình vận động có thể kéo dài nhiều năm này, song chắc chắn vẫn còn ngắn hơn rất nhiều con đường đã cắt đôi bán đảo này cho đến hôm nay…”


Anh Nguyễn Trung có nhắc đến “sự thống nhất nước Đức là một thí dụ vẫy gọi những nỗ lực” của hai miền Triều Tiên nhưng cũng nhận định rằng “con đường này còn vô cùng mờ nhạt, chắc chắn sẽ vô cùng phức tạp và gian khổ.” Anh Trung còn gọi đây là một “thực tế vô cùng mong manh” nhưng anh vẫn tin tưởng vững chắc ở hướng đi tất yếu của xứ sở Triều Tiên. Là một trí thức luôn luôn trăn trở về tình hình đất nước, anh kết luận cho cả Triều Tiên lẫn Việt Nam:

Thực tế vô cùng mong manh nói trên vẫn khẳng định đanh thép: Trong thế giới đã sang trang hôm nay mỗi quốc gia đứng trước đòi hỏi sống còn phải đứng lên tự quyết định vận mệnh của chính mình! Chính thực tế vô cùng mong manh này, tự nó vạch ra hướng đi và thôi thúc hai miền Triều Tiên phải hành động… Nghĩ về đất nước mình, tôi càng thấy chỉ có một lẽ phải như vậy.”

Khao khát của anh Nguyễn Trung cũng chính là khao khát của toàn thể nhân dân Triều Tiên, nhân dân Việt Nam và tất cả những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Ở đây, tôi muốn góp thêm ý kiến là ngoài niềm khao khát chung dựa vào chữ “nếu”, chúng ta cần tìm hiểu khả năng hiện thực của niềm khát khao đó, liệu có diễn ra được hay không. Trước hết, hãy xem xét những kinh nghiệm đáng bi quan trước đây trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.

Ngày 27.4.2018 không phải là lần đầu tiên mà lãnh đạo hai miền gặp nhau để thương thuyết về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân và hòa giải dân tộc.

– Ngày 20.01.1992, thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Chung Won-shick đã gặp Thủ tướng Đại Hàn Dân quốc Yon Hyong-muk và ký Tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Một liên Ủy hội Kiểm soát Hạt nhân được thành lập nhưng sau 13 lần hội họp đã không đạt được thỏa thuận nào và các cuộc họp phải chấm dứt năm 1993.

– Ngày 15.6.2000, cuộc họp Thượng đỉnh đầu tiên được diễn ra giữa Tổng thống Đại Hàn Kim Dae-jong và Chủ tịch CHDCNDTT Kim Jong-il. Bản Tuyên bố chung của hai vị nguyên thủ xác nhận ý nghĩa lớn lao của nhu cầu thống nhất đất nước trong hòa bình và hòa giải dân tộc qua phát triển kinh tế, trao đổi thăm viếng của những gia đình bị chia cách, trao đổi và hợp tác về văn hóa, thể thao, y tế, môi sinh và nhiều lãnh vực khác. Trong khi những cuộc tiếp xúc giữa hai miền tiến hành một cách chậm chạp, Bắc Triều Tiên cũng thương thuyết với Hoa Kỳ và ký một Khung Thỏa thuận (Agreed Framework) ngày 21.10.1994. Theo bản thỏa thuận này, Bắc Triều Tiên sẽ ngưng xây dựng và hoạt động các lò phản ứng hạt nhân để đổi lấy hai lò phản ứng chống phổ biến năng lượng hạt nhân. Hoa Kỳ đồng ý sẽ cung cấp nhiên liệu cho Bắc Triều Tiên trong khi chờ đợi xây dựng hai lò phản ứng này. Một tổ chức quốc tế có tên là Tổ chức Phát triển Năng lượng trên Bán đảo Triều Tiên được thành lập để thi hành thỏa thuận này.

– Ngày 2.10.2007, cuộc họp Thượng đỉnh lần 2 diễn ra trong ba ngày giữa Tổng thống Roh Moo-hyun (Nam) và Chủ tịch Kim Jong-il (Bắc). Theo quan sát viên Choe Sang-hun của báo New York Times, TT Roh đưa ra một sáng kiến mạnh bạo là nếu miền Bắc thực thi hòa giải dân tộc, hợp tác toàn diện, tiến đến thống nhất trong hòa bình, và từ bỏ chế tạo vũ khí hạt nhân thì miền Nam sẽ giúp miền Bắc vực dậy nền kinh tế đang kiệt quệ để có thể cùng phát triển vững mạnh.

Mặc dù đôi bên đã có những bản tuyên bố và lời lẽ hứa hẹn tốt đẹp, thực tế đã chứng tỏ rõ ràng là Bắc Triều Tiên không hề tôn trọng những điều đã thỏa thuận với Hàn quốc trong những bản Tuyên bố chung mang dấu ấn lịch sử. Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục chống hòa giải và thống nhất trong hòa bình, gia tăng vũ khí hạt nhân và thường xuyên đe dọa tấn công miền Nam. Lãnh đạo miền Bắc chỉ tỏ ra thiện chí thương thuyết với Hàn quốc và Hoa Kỳ khi gặp khó khăn về kimh tế, chính trị (như sự sụp đổ của khối Nga Sô-viết,) hay khi nhân dân bị đói kém trầm trọng.

Những hứa hẹn và thỏa thuận trong tiến trình thương thuyết chỉ là mưu chước kéo dài thời gian cho những toan tính hiểm độc, hoặc để đổi lấy những sự giúp đỡ tối cần thiết. Bình luận gia Max Boot của tờ Washington Post nhắc đến trường hợp cố Tổng thống Đại Hàn Kim Dae-jung với chính sách hòa giải Sunshine Policy đã đem lại cho ông giải thưởng Nobel Hòa Bình vì cuộc họp Thượng đỉnh với Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-il năm 2000. Trong khoảng từ năm 1998 đến 2008, Nam Hàn đã viện trợ cho miền Bắc 8 tỉ đô-la, với hi vọng sẽ tạo lập được một chế độ tử tế, nhân hậu hơn. Đó là một thất bại lớn. Sau này, tin tức được tiết lộ là Kim Dae-jong đã hối lộ cho Kim Jong-il 500 triệu đô-la để có được cuộc họp thượng đỉnh “lịch sử” năm 2000.

Tóm lại, Hàn quốc và Hoa Kỳ đều có thừa hiểu biết và kinh nghiệm về tâm địa dối trá, lật lọng của Bắc Triều Tiên, từ sau cuộc đình chiến năm 1953. Họ chỉ chú trọng phát triển sức mạnh quân sự, đặc biệt là khả năng chế tạo và thiết lập một kho vũ khí hạt nhân khiến Hoa Kỳ và thế giới phải nể sợ và Nam Hàn sẽ phải chịu khuất phục. Như Walter Russell Mead của tờ Wall Street Journal đã nhận xét, “Bình Nhưỡng có thể sẽ chấp nhận phi hạt nhân hóa như ‘một mục tiêu’ để đổi lấy việc Hoa Kỳ bãi bỏ ngay một số biện pháp trừng phạt và khởi sự thương thuyết về một hiệp ước hòa bình. Điểm then chốt là chương trình chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)”. Được biết những tên lửa này nếu mang đầu đạn hạt nhân sẽ có thể tấn công bất cứ nơi nào trên đất Mỹ. Như vậy, tại sao bỗng nhiên Bắc Triều Tiên lại đưa đề nghị họp thượng đỉnh với Mỹ và trước đó họp thượng đỉnh với Nam Hàn? Và tại sao cả Nam Hàn và Mỹ đều nhận lời mời không do dự?

Tình thế đã đổi khác

Sau những nỗ lực phi thường và liều lĩnh, Bắc Triều Tiên đã trở thành một lực lượng hạt nhân đáng nể sợ và có tiếng nói ảnh hưởng đối với các cường quốc hạt nhân. Dù biết mình còn kém Hoa Kỳ rất xa và sẽ bị tiêu diệt mau chóng nếu gây chiến với Hoa Kỳ, Bình Nhưỡng cũng tin chắc là Washington muốn giải quyết hòa bình vấn đề bán đảo Triều Tiên cả về quân sự lẫn chính trị. Trong khi đó, Kim Jong-un cũng biết rằng lãnh đạo Bắc Kinh muốn Bắc Triều Tiên phải lệ thuộc lâu dài vào Trung Quốc, do đó không thể để cho Bắc Triều Tiên trở thành một quốc gia phát triển, nhất là sở hữu một sức mạnh hạt nhân.

Lịch sử quan hệ giữa hai nước đã cho thấy từ thời cổ đại, các bộ tộc Triều Tiên thường nổi dậy chống “thiên triều” Trung Quốc. Tinh thần độc lập của dân tộc Triều Tiên thể hiện mạnh mẽ trong những cuộc chiến chống quân xâm lược Mông Cổ (nhà Nguyên) mà hoàng tử Việt Nam tị nạn Lý Long Tường (đời Trần) đã có công lớn giúp Triều Tiên chiến thắng quân Nguyên hai lần trong thế kỷ 13. Đến thế kỷ 17, Triều Tiên chống quân xâm lược Mãn Châu nhưng thất bại và phải chịu sự bảo hộ của nhà Thanh cho tới cuối thế kỷ 19 khi Nhật Bản đánh bại quân Thanh trong chiến tranh Trung-Nhật (1894-1895). Triều Tiên hoàn toàn bị Nhật đô hộ từ 1910 cho đến khi Nhật đầu hàng Đồng Minh năm 1945. Ngay sau đó, Triều Tiên bị Nga và Mỹ chia đôi ở vĩ tuyến 38.

Nhân dân Triều Tiên, dù dưới chế độ cộng sản ở miền Bắc hay chế độ cộng hòa ở miền Nam cũng đều nuôi dưỡng khát vọng độc lập và thống nhất trong hòa bình, thịnh vượng. Kim Jong-un thấy rất rõ, nhờ liên kết với Hoa Kỳ, Hàn quốc đã phát triển mau chóng về khoa học công nghệ và trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ở Á châu. Đó là lý do ngấm ngầm khiến Bắc Triều Tiên luôn nghi ngại “giấc mơ Trung Quốc” của Tập Cận Bình với chủ trương sáp nhập và Hán hóa các dân tộc láng giềng nhỏ như Triều Tiên và Việt Nam cũng như tham vọng bá quyền của Trung Quốc tại Á châu và thế giới. Quả thật trong nhiều năm qua, quan hệ thân thiết giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh ngày càng lạnh nhạt. Bắc Kinh bỏ phiếu tán thành quyết định của Hội đồng Bảo An LHQ trừng phạt Bắc Triều Tiên về vũ khí hạt nhân. Một tài liệu lưu trữ tại The Wilson Center, Washington, DC, cho thấy ngay từ năm 1973, Đại sứ quán Nga Xô đã tiết lộ là “Trung Quốc không muốn thấy một nước Triều Tiên thống nhất vì với tổng số 50 triệu dân (nay đã lên tới 80 triệu) Triều Tiên sẽ trở thành một yếu tố chính trị quan trọng và tinh thần độc lập sẽ mạnh mẽ hơn nữa … Lãnh đạo Trung Quốc sẽ chỉ ủng hộ Triều Tiên thống nhất nếu họ có đủ bảo đảm là một Triều Tiên thống nhất sẽ đi theo đường lối thân Trung Quốc.”

Dù sao, không thể đơn giản kết luận rằng những lý do trên đã dẫn đến việc Bắc Triều Tiên bỗng nhiên xoay trục về chính sách đối ngoại, biến kẻ thù thành bạn, muốn hợp tác với Mỹ và hòa giải với Nam Hàn. Thực tế là Kim Jong-un muốn gấp rút đem lại cho Bắc triều Tiên một vị thế thuận lợi và một tiếng nói thuyết phục hơn, không chỉ với Mỹ và Nam Hàn, mà cả trong những cuộc đàm phán sáu bên về vấn đề giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên mà họ đã tự ý rút khỏi năm 2009. Sáu nước tham gia gồm có: Trung Quốc (chủ nhà), Hoa Kỳ, Nga, Nhật, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc.

Sau khi đã thành công trong việc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa năm 2017, họ Kim thấy đã đến lúc có thể mở những cuộc thương thuyết ở cấp cao nhất với Mỹ và Nam Hàn đồng thời trở lại bàn đàm phán sáu bên để có thể thoát khỏi tình trạng kiệt quệ về kinh tế do quyết định cấm vận của LHQ. Kim Jong-un cũng đủ khôn ngoan không làm mất lòng Trung Quốc nên đã bí mật qua Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình trước khi có cuộc hội đàm với Moon Jae-in vào tháng Tư và cuộc thương thuyết với Donald Trump được chuẩn bị vào tháng Sáu.

Đường lối mới của Bắc Triều Tiên được tất cả các đối tác hoan nghênh, khích lệ và đặt hi vọng vào kết quả tích cực của những vòng đàm phán tương lai. Trung Quốc dù không mong muốn có hòa giải giữa hai miền Nam – Bắc Triều Tiên, cũng hiểu rằng, để tránh chiến tranh, miền Bắc cần phải chứng tỏ thiện chí với miền Nam để làm cầu nối cho cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Tập Cận Bình thông báo cho Donald Trump biết rằng, chuyến viếng thăm Bắc Kinh của Kim Jong-un “đã diễn ra rất tốt đẹp” và Chủ tịch Kim đang mong chờ cuộc hội kiến với Tổng thống Trump. Tập Cận Bình cho hay, ông ủng hộ những nỗ lực gỡ bỏ các mối căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và tuyên bố với Tân Hoa Xã rằng “Năm nay có nhiều thay đổi hứa hẹn trong tình hình Triều Tiên. Chúng tôi trân trọng những cố gắng cải thiện của chủ tịch Kim.”

Về phía Hoa Kỳ và Nam Hàn, hai nước đều không muốn chiến tranh Triều Tiên lại xảy ra một lần nữa, và đều muốn chấm dứt tình trạng căng thẳng và những hành động hiếu chiến của miền Bắc đã kéo dài 65 năm. Với tư cách một quốc gia thịnh vượng và tiến bộ, và vì lợi ích của dân tộc, Nam Hàn mong muốn thương thuyết và ký kết với CHDCNDTT một thỏa ước hòa bình vĩnh cửu thay thế cho hiệp định đình chiến (thực tế là một thỏa thuận ngưng bắn) ký kết giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên năm 1953.

Miền Nam cũng mong muốn thực hiện hòa giải dân tộc và sẵn sàng trợ giúp miền Bắc về kinh tế và phát triển về mọi mặt. Để đạt mục đích ấy, Bắc Triều Tiên phải chấm dứt những hành động chuẩn bị chiến tranh mà chủ yếu là giải trừ vũ khí hạt nhân. Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in thừa hiểu rằng, Kim Jong-un không muốn có một cuộc chiến tranh tự sát với Hoa Kỳ nhưng nhất quyết không chấp nhận điều kiện giải trừ vũ khí hạt nhân, vì đây là chỗ dựa duy nhất để Bắc Triều Tiên tạo được vị thế vững chắc trong những cuộc thương thuyết với Hàn quốc và Hoa Kỳ. Như vậy, mục đích thầm kín của Kim Jong-un không phải là làm cho Bắc Triều Tiên trở thành một cường quốc hạt nhân, mà làm sao được bảo đảm là sẽ không bị Mỹ lật đổ và tương lai có thể trở thành một nước giàu có và phát triển như Nam Hàn.

Trong hội nghị thượng đỉnh 27.4, Chủ tịch Kim đã thẳng thắn nhìn nhận tình trạng tụt hậu của Bắc Triều Tiên và khi Tổng thống Nam Hàn nhận lời mời sang thăm Bình Nhưỡng vào mùa Thu năm nay, ông Kim đã khuyên ông Moon nên đi bằng phi cơ vì hệ thống giao thông đường bộ ở Bắc Triều tiên quá tồi để đi bằng xe hơi. Có thể hai nhà lãnh đạo của hai miền Nam – Bắc đã tiến đến đồng ý về một lịch trình phi hạt nhân hóa với những bước cụ thể có kiểm soát để đổi lấy việc Hoa Kỳ và LHQ hủy bỏ một số biện pháp trừng phạt và khởi sự thương thuyết về một hiệp ước hòa bình. Vấn đề là giải pháp này có được Tổng Thống Trump chấp nhận hay không. Chỉ biết rằng ông Trump đã mau chóng chấp thuận đề nghị của ông Kim về một cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều và cho rằng, đây là cơ hội tốt để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và đem lại hòa bình cho cả hai miền Nam, Bắc.

Cuối tháng Tư, tân Ngoại trưởng Mike Pompeo đã bay sang Bình Nhưỡng gặp Kim Jong-un để chuẩn bị chi tiết cho cuộc họp Trump-Kim. Ông nói với hãng truyền hình ABC rằng: “Tôi đem theo một thông điệp minh bạch của TT Trump và Chủ tịch Kim đã hiểu rõ sứ mạng của tôi là phải đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa toàn diện, có kiểm chứng và không thể đảo ngược”. Chủ tịch Kim cho hay, “ông đã chuẩn bị sẵn sàng để đưa ra một bản đồ có thể giúp chúng tôi hoàn tất sứ mạng.”

Ngày 4/5, Bạch Ốc lại loan tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp đón Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại tòa Bạch Ốc vào ngày 22/5 và đôi bên sẽ thảo luận về thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới. Trong dịp này, chắc chắn ông Moon sẽ tìm mọi cách thuyết phục ông Trump chấp thuận giải pháp phi hạt nhân hóa Triều Tiên bằng một lịch trình được thực hiện dưới sự kiểm soát chặt chẽ của tất cả sáu bên đối tác, thay vì đòi hỏi Bắc Triều Tiên phải lập tức hủy bỏ toàn diện các phương tiện chế tạo vũ khí hạt nhân. Các bình luận gia quốc tế đang theo dõi sát tình hình hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều với những phân tích và dự đoán khác nhau, nhưng không ai muốn thấy cơn thịnh nộ của ông Trump nếu chẳng may cuộc hội nghị này thất bại. Nếu hội nghị thành công thì cả hai ông Donald Trump và Kim Jong-un đều xứng đáng lãnh giải Nobel hòa bình.

Thấy người lại ngẫm đến ta

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến hội nghị thượng đỉnh liên Triều, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam chúc mừng và đánh giá cao những nỗ lực của Hàn Quốc và Triều Tiên trong việc tổ chức thành công Hội đàm thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4, góp phần quan trọng vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới, trong đó có việc thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Việt Nam tin tưởng Triều Tiên và Hàn Quốc cùng các bên liên quan sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đối thoại, phát huy các kết quả tích cực đã đạt được thời gian qua, đặt nền móng lâu dài cho hòa bình, ổn định, phát triển tại bán đảo Triều Tiên và trong khu vực, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai miền Triều Tiên cũng như vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế“.

Cho đến nay, chưa thấy một lãnh đạo Việt Nam nào cho biết cảm tưởng về hội nghị thượng đỉnh liên Triều, nhất là đối với vấn đề hòa giải dân tộc đã được hai nhà lãnh đạo Nam Bắc Triều Tiên nhấn mạnh trong bản Tuyên bố chung: “Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ nối lại quan hệ huyết thống giữa người dân 2 nước nhằm đem lại tương lai cùng thịnh vượng và thống nhất bằng việc tạo dựng mối quan hệ liên Triều toàn diện và đột phá. Thúc đẩy quan hệ liên Triều nhằm đáp ứng khao khát của toàn dân tộc và sự cấp thiết của thời đại khiến cho mối quan hệ này không thể tiếp tục bị kìm hãm nữa . . .

“Hàn Quốc và Triều Tiên thống nhất khuyến khích hợp tác, trao đổi, thăm hỏi và liên lạc ở tất cả các cấp một cách tích cực hơn nhằm hồi sinh khát vọng hòa giải và đoàn kết dân tộc. Hai bên sẽ tiếp tục khuyến khích bầu không khí hòa bình và hợp tác bằng cách tổ chức hàng loạt các sự kiện chung trong những ngày lễ trọng đại đối với cả 2 nước như ngày 15/6 với sự tham gia của Chính phủ, Quốc hội, các đảng phái chính trị, tổ chức dân sự 2 nước.” Một sự kiện đột phá đáng ghi nhớ là em gái Chủ tịch Kim Jong-in và phái đoàn cao cấp Bắc Triều Tiên đã tham dự khai mạc Thế vận hội Olympic mùa Đông năm nay tại Nam Hàn, và hai đoàn lực sĩ hai miền Nam, Bắc đã cùng diễn hành dưới một lá cờ truyền thống chung.

Chính những nỗ lực “nhằm hồi sinh khát vọng hòa giải và đoàn kết dân tộc” của Triều Tiên đã khiến anh Nguyễn Trung liên tưởng đến trường hợp Việt Nam: “Trong thế giới đã sang trang hôm nay mỗi quốc gia đứng trước đòi hỏi sống còn phải đứng lên tự quyết định vận mệnh của chính mình! Chính thực tế vô cùng mong manh này tự nó vạch ra hướng đi và thôi thúc hai miền Triều Tiên phải hành động… Nghĩ về đất nước mình, tôi càng thấy chỉ có một lẽ phải như vậy.”

Tôi đồng ý với anh Nguyễn Trung nhưng muốn nhấn mạnh rằng, “đòi hỏi sống còn” của dân tộc Việt Nam quá cấp bách và cơ hội hồi sinh mong manh hơn nhiều so với Bắc Triều Tiên:

1. Từ nhiều năm qua, đặc biệt từ hội nghị Thành Đô 1990, Trung Quốc tiếp tục từng bước chiếm đoạt đất nước Việt Nam và Hán hóa chủng tộc Việt.

2. Lãnh đạo Việt Nam đặt sự tồn tại của Đảng công sản lên trên sự sống còn của đất nước, tuân thủ một chiều quan hệ 16 chữ và 4 tốt do Trung Quốc áp đặt. Quan hệ hợp tác với Mỹ chỉ là một xảo thuật để thuyết phục TQ giảm bớt tốc độ thôn tính Việt Nam.

3. Sự tranh giành quyền lực và trừng phạt lẫn nhau giữa các phe phái trong Đảng không vì lợi ích của đất nước mà chỉ vì muốn giành độc quyền tham nhũng và bóc lột nhân dân.

Trí thức và các tổ chức xã hội dân sự đã nhiều lần kiến nghị lãnh đạo cải thiện chính sách để tạo sự đoàn kết và hậu thuẫn của toàn dân trong sứ mạng bảo vệ độc lập, chủ quyền và phát triển đất nước, nhưng chỉ được chính quyền trả lời bằng thái độ lạnh nhạt, ngăn cấm hay đàn áp. Bệnh ngu dốt, độc tài và tham nhũng của lãnh đạo Việt Nam đã hết thuốc chữa, chỉ có thể thay thế chứ không thể sửa đổi. Đất nước chỉ có hi vọng hồi sinh nếu có sự xuất hiện của một đảng đối lập được lãnh đạo bởi những người thật sự yêu nước, không kể tuổi tác và giới tính, có tầm nhìn, có bản lãnh và lề lối làm việc dân chủ để lôi cuốn được sự ủng hộ của nhân dân và các đảng viên đã và đang “tự diễn biến, tự chuyển hóa.”

Được như vậy, khát vọng của anh Nguyễn Trung, dù “vô cùng mong manh,” cũng có nhiều khả năng trở thành hiện thực.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire