24/05/2018

Nghiệt ngã


Bút ký

Thiện Tùng


Đào văn Tùng: Cách đây 71 năm (1947-2018) Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ra đời tác phẩm “Sửa đổi Lề lối làm việc”. Trong tác phẩm nầy, Cụ Hồ kê ra  những khuyết tật cán bộ đang mắc phải: tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, hữu danh vô thực, kéo bè kéo cánh, chủ nghĩa cá nhân...



Và cách đây nửa tháng, Hội nghi Trung ương Đảng CSVN lần thứ 7/khóa 12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu những khuyết tật của đội ngũ cán bộ chiến lược: chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội, ... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi.  



Vậy là 70 năm qua việc đào luyện cán bộ dậm chân tại chỗ. Không biết dưới chủ nghĩa Cộng sản đào tạo cán bộ kiểu gì mà học càng nhiều càng hư đốn. Bài bút ký nầy ghi lại hành vi một cán bộ được đào luyện từ những “lò” Bắc Việt Nam, Trung Quốc, Liên Xô.





Đây là mùa Hè thứ 12 từ khi Lệ Sa khoác áo học trò.
Hè năm nay – 1975, Sa ngỡ ngàng trước bao điều mới lạ: Những người ăn mặc giản dị nhứt lại có quyền hành nhứt. Phần lớn các chú, các anh với bộ bà ba đen, khăn rằn, nón tai bèo, đôi dép râu. Ngoài màu đỏ của hoa phượng (điệp) như thường niên, hè năm nay thêm màu đỏ của băng, cờ. Nhìn toàn cảnh dường như màu đỏ ngự trị.

Với chiếc xe đạp, tiện thể Sa về quê để vừa ôn thi tốt nghiệp Trung học vừa thăm mẹ và ông bà ngoại. Không như những lần trước đó, lần nầy, suốt cả đoạn đường dài gần 20 cây số, Sa dán mắt dọc theo lề phải, hai chân cứ ấn đầu trên đôi bàn đạp, đầu nghĩ miên man bao chuyện chẳng đâu vào đâu, ấy thế mà cũng chỉ hơn tiếng đồng hồ, vòng bánh xe của Sa ngốn cả đoạn đường dài đầy cát bụi ấy.

Ngã rẽ vào nhà, dưới gốc cây me, chiếc xe ô-tô màu trắng sữa đậu chắn gần hết lối vào, Sa cố lách khéo để khỏi va chạm. Xe của ai, họ vào đây để làm gì ? Sa tự hỏi nhưng không tự đáp được. 

Biết nhà có khách, Sa dựng xe dưới gốc mận bên hông nhà, lòn cửa sau rón rén bước vào trong. Nhà khiêm tốn, nhìn thấu trước sau, dầu chưa muốn Sa cũng phải chường mặt, khom người chào khách cho phải lẽ. Ông ngoại Sa lẹ miệng: “Đây là Chú Võ – bạn chiến đấu của Ba cháu, người thân xưa và nay của gia đình ta”. Nhìn sang Võ, ông nói cảnh khó, khổ của gia đình với giọng trầm buồn: Ba nó hy sinh, mầy đi tập kết, nó còn trong bụng mẹ. Con Sương – mẹ nó, buồn khổ khóc hết nước mắt. Có lẽ vì vậy, sinh nó ra như con mèo con, èo uột rất khó nuôi, nhỏng nhẻo hết chỗ nói. Dựa vào thảm cảnh mẹ con nó lúc bấy giờ, cả nhà đồng ý gắn cho nó cái tên Lệ Sa. Những năm gần đây nó phát tướng, trổ mã, chớ hồi nhỏ khai sinh thấp hơn hai tuổi đề được đi học mà nhà trường đâu có biết. Vì tương lai nó, cả nhà “tần sở” lo cho nó ăn học, hè này xong Trung học. Đậu hay rớt cũng nghỉ, hết xiết rồi”!.

Nảy giờ Sa đứng chết bộ, trân mình nghe ông ngoại khui chuyện gia đình, nhất là về đời tư của Sa với người đàn ông lạ. May mà ông này thuộc hàng chú bác chớ với một nam thanh thì Sa còn quê hơn nhiều. Đợi khi ông ngoại dứt câu, Sa chào khách rồi ra sau phụ lo cơm nước với mẹ, để ông bà ngoại tiếp chuyện với chú Võ.

Ngồi nhổ lông vịt đàng sau, Sa nghe ông Võ nói như phán: “Phải cho nó học xong Đại học chớ”… Tiếc rằng ông ấy dừng lại ở chủ trương chớ không hề đá động đến biện pháp. Từ việc học hành của Sa, ông Võ bắt hoàn qua việc học hành của mình: hết học ở Miền Bắc, đến du học ở Trung Quốc, ở Liên Xô, đỗ bằng nầy, đậu bằng kia nghe phát ngộp. Nhìn mẹ, Sa cười mỉa, nhận xét gọn về ông Võ: “Tràng giang đại hải”, “Vạn sự thông”, “Phát thả”. Bà Sương nói phân hai: Lần nầy nữa là lần thứ ba mà xem mòi ổng nói chỉ nhòn (lưng) biết bao chuyện cùng trời cuối đất, có những chỗ tao nghe như vịt nghe sấm. Tất nhiên thôi, đi nhiều biết nhiều, nói nhiều chớ đâu ru rú như mình, kiểu gà què ăn quẩn cối xay biết gì mà nói, mà cãi”. 
*

Nhờ chăm chỉ học, ôn bài kỹ, Sa thi thừa điểm đậu kỳ thi tốt nghiệp trung học. Thấy trong bảng ghi danh thi vào Đại học không có tên Lệ Sa, một số thầy cô đốc thúc, Sa lắc đầu rươm rướm nước mắt, lặng lẽ quay đi. Đôi lúc le lói trong đầu Sa hy vọng vào sự trợ giúp kịp thời của chú Võ, nhưng ngày qua ngày, hy vọng nhỏ nhoi ấy theo gió thoảng mây bay.

Tháng 5, đúng là tháng “nắng lửa mưa dầu”, Sa cùng mẹ cặm cụi dọn đất chuẩn bị sạ lúa Hè–Thu. Tiếng gọi từ trong nhà vọng ra: “Vào đây cái đã”. Chẳng biết gọi ai, thôi thì hai mẹ con cùng vào.

Chiếc xe ô-tô trắng sữa quen thuộc đến tự bao giờ không rõ, vẫn như bao lần, nó ẩn nắng dưới tàng cây me. Bà Sương khẳng định với Sa: “Xe chú Võ đấy! Chắc ông ngoại gọi vào vì có ông ấy đến chơi”.

Mẹ trước con sau, trờ vào cửa đã thấy ông Võ ăn mặc bảnh bao, ngồi uống nước trà ở ghế giữa. Sau bước thủ lễ qua lại, bà Sương vội vào trong, Sa chưa kịp đi, ông Võ giữ lại bằng câu nói đùa: “ Bộ Lệ Sa học Canh nông sao mà thi tốt nghiệp rồi về lao ngay vào ruộng vậy”?. 

 Rõ ràng, một câu hỏi không cần lời đáp, nó như mũi kim chọt vào vết thương vừa kéo da non của Sa. Bình tĩnh, Sa thản nhiên đáp :

– Không làm ruộng cháu biết phải làm gì ? … chẳng lẽ…, hay đợi tối ngữa mặt lên trời hứng sương mà sống ?

Có lẽ cảm nhận được “hương vị” câu trả lời của Sa, Võ đặt vấn đề :

– Làm thư ký riêng cho chú chịu không ?

– Cháu mới “ra lò” biết “ất giáp” gì về chuyện ấy, thêm phiền chú.

– Chú không sợ phiền mà cháu sợ cái nỗi gì ? Ai biết từ trong bụng mẹ biết ra ? Vừa học vừa làm…. Ờ, mà nè, Võ đổi giọng quả quyết: Ruộng đất rồi đây phải nhập chung vào làm ăn hợp tác –  Xây dựng chủ nghĩa xã hội, không thể để riêng tư thế nầy nữa đâu.

– Biết sao giờ, đến đâu hay đến đó – Sa nói buông xuôi.

– Đợi nước đến trôn làm sao nhảy kịp?

– Nhà đến bốn miệng ăn, nếu cháu làm thư ký riêng cho chú, lương cháu sao nuôi nổi !…

– Cháu làm việc thì mẹ cháu và ông bà ngoại hưởng chế độ ăn theo chớ lo gì? Thôi thì chú móm ý như vậy, tùy cháu và gia đình định liệu.

Với giọng nói ran rản, những gì ông Võ nói với Sa cả gia đình đều nghe. Việc Sa nên hay không làm thư ký riêng cho ông Võ trở thành đề tài cho gia đình trao đổi suốt mấy hôm liền. Cuối cùng Sa đến Ủy ban Kế hoạch báo thuận ý làm thư ký riêng cho ông Võ.

Y như Thánh nói, mới hôm nào ông Võ nói Nông nghiệp sẽ làm ăn hợp tác thì nay đã có chủ trương hợp tác hóa Nông nghiệp trên toàn cõi. Chạy trời sao khỏi nắng, gia đình Sa cũng phải riu ríu đưa đất vào làm ăn hợp tác. Cái khó của gia đình Sa là ông bà ngoại không còn sức lao động, chỉ có mẹ Sa vào tuổi 42 thủ vai trụ cột. “Một con bươi ba con mổ”, phải bươi cật lực. Ngày 8 tiếng đồng hồ, bà Sương ra đồng làm lấy công điểm, tối về chăm sóc mẹ cha ương yếu vất vả trăm bề.


**

Từ khi nhận Sa làm thư ký riêng, ông Võ không tới lui gia đình Sa như trước. Dĩ nhiên ông cũng trương ra lý này, cớ nọ để gia đình không phiền trách ông. Giỏi thật, ông ngon ngọt sao đó, Sa chấp nhận làm cháu nuôi với ông.

Có lẽ nhờ biết “đối nhân xử thế”, từ miền Bắc mới về còn chưn ướt chưn ráo, lãnh đạo Tỉnh Tiền Giang ấn ông ngồi vào ghế quan hàng nhị phẩm. Từ chức tước, uy quyền đến lương bổng đều do trên ban cho, thế nên bao giờ ông Võ cũng có động thái “thượng đội, hạ đạp, hai cùi chỏ thúc”. Khi chưa làm được chế độ ăn theo cho gia đình Sa, ba cái thứ lẻ tẻ như gạo, dầu hôi, nước mắm,… Sa cần đến đâu ông ký giấy giới thiệu đến đó. Chữ ký của ông “rồng bay phượng múa”, có khi không cần đóng dấu vẫn có hiệu lực thi hành. Nhờ ông, gia đình Sa vượt qua khốn khó. Từ đó họ xem ông như “thiên thần hộ mệnh”.

Bà Sương đau nặng phải đưa vào bệnh viện cứu cấp, khổ nổi không tiền, không thân, Sa vội đến phòng làm việc ông Võ hỏi mượn tiền và nhờ ông giới thiệu để được điều trị miễn phí. Ông Võ nghiêng đầu nhìn Sa cười rồi nói bóng gió :

– “Bánh sáp” cứ đi mà “bánh qui” chưa thấy lại ?!…

– Chú thông cảm, ngoài cái thân, hiện cháu không có gì cầm cố !

– Thì “có chi dùng nấy”.

Sa sửng sốt, đứng như trời trồng, miệng lẩm bẩm lập lại câu “có chi dùng nấy” từ miệng ông Võ vừa thốt ra. Ghê gớm thật, chỉ có 4 từ mà bộc lộ cả tâm địa của một con người mà từ lâu cả gia đình cô xem như thần tượng!

Vì thương mẹ, Sa cố kềm bực tức, đứng lặng người, nước mắt chảy dài trên đôi má. Hoàn cảnh hiện tại của Sa chỉ có một con đường “túng thế phải tùng quyền”, Sa bạo gan hứa liều: Được rồi … ông (lần đầu Sa gọi Võ bằng ông thay từ chú) giúp tôi cứu sống mẹ tôi, sau đó gì sẽ tính”. 

Sa cố giữ cho tay mình đừng run khi nhận tiền và giấy giới thiệu từ tay ông Võ. Sa thừa biết ông Võ đưa tiền để thu tình. Nắm tiền và giấy giới thiệu, Sa mường tượng như nắm mạng sống của mẹ và như đang bóp chết trái tim mình, lòng cô cảm thấy nhói đau. Đến nước nầy Sa mới thấm thía câu cảnh báo của Sơn “Người ta nuôi con gì lớn lên cũng thịt”. Chính câu nói bạo mồm, bạo miệng ấy của Sơn làm phật lòng ông Võ, dầu Sơn tài giỏi đến đâu, ông Võ cũng sẵn sàng loại Sơn ra khỏi biên chế, đưa anh vào quân đội, sang chiến trường Tây Nam đã hơn một năm, hiện sống chết chưa rõ.


***

Bao đêm nằm cạnh mẹ, Sa nhàm chán khi phải nhìn những giọt nước định mệnh từ chai rơi qua ống dẫn; buộc phải nghe tiếng cọt kẹt phát ra từ chiếc quạt trần cũ kỹ như nhái theo nhịp đập của tim mình; phải chứng kiến lũ thiêu thân lao vào những bóng đèn rồi ngã lăn ra chết.

Bà Sương xuất viện, Sa về lại cơ quan với vẻ mặt mệt mõi chán chường. Ông Võ cho Sa về phòng trọ nghỉ thêm vài hôm cho lợi sức.

Một đêm, đang thiu ngủ, nghe có tiếng bước chân quen thuộc, Sa nhận ra ngay đó là bước chân ông Võ. Ông Võ to người, lớn xương, đôi lông mày rô, râu quai nón, hai vai xuôi như bị xụi, đôi bàn chân to chè bè, hai ngón chân cái quẹo vào bên trong, bước đi nặng nề phát ra tiếng kêu xèm xẹp.

Sống độc thân, trước đây thường đêm ông Võ ưa la cà sang phòng trọ của Sa để thăm hỏi, chuyện trò, xem như lãnh đạo đến với nhân viên, chú đến với cháu nuôi. Sa linh cảm, chắc không như những lần trước, lần nầy ông đến để “đòi nợ”, Sa lúng túng, tim như muốn vọt ra ngoài. Đúng như Sa dự đoán, vừa đặt chân vào phòng, ông gọi Sa bằng em, nói năng không giữ kẽ, miệng sàm sở, tay rờ mó vào người Sa. Qua cử chỉ Sa thừa biết ông muốn gì. Sa phản ứng theo bản năng, nhưng càng phản ứng ông càng rấn tới. Biết phải làm gì khi mình đã nợ ông ấy ! Thôi thì đành dùng cái mình có cũng là cái ổng cần, trả phức cho xong món nợ. Thế là Sa đem cái quí nhất của đời con gái dâng cho ông Võ để cấn nợ.

Ngỡ một lần hiến thân cho qua, không ngờ sau đêm khủng khiếp ấy, Sa mang thai. Hoang mang tột độ, Sa đem chuyện mình mang thai báo với ông Võ. Sa muốn phá, còn ông Võ bảo giữ và nhanh chóng làm lễ cưới để hợp pháp hóa cái thai. Thấy Sa còn do dự, ông dọa: “Việc nầy nếu đổ bể ra, bất quá tôi bị kiểm điểm, xử lý nội bộ, còn cô tránh sao khỏi bị đuổi khỏi cơ quan – Hễ bị đuổi thì đừng hòng có cơ quan nào nhận”.

Bao đêm trằn trọc, Sa so hơn tính thiệt: Nếu nghe theo ông Võ thì chỉ mất cái đã mất, ngược lại sớm muộn gì mình cũng bị đuổi việc. Hơn nữa, ruộng đất đã vào hợp tác, để bị đuổi việc mình về đâu, sống bằng cách nào, số phận cả gia đình rồi sẽ ra sao !… Sa nghĩ : mình sai từ đầu, đã rơi vào bẫy của tên thợ săn già, có giãy giụa chỉ thêm thiệt thân. Thôi cứ chấp nhận ông chồng già thì mọi việc sẽ đâu vào đấy. Thế là Sa thuận theo ý ông Võ.

Đám cưới, đúng hơn là lễ tuyên hôn được tiến hành vội vã ở cơ quan. Sự vội vã ấy cũng dễ hiểu, vì họ đã “đặt cày trước trâu”. Phía ông Võ chỉ còn có 2 em trai, một đang học làm bác, một bất bình anh, không tới dự. Về phía Sa, đích thân cô về tận nhà thỉnh ông bà ngoại và mẹ, nhưng chẳng ai tới dự. Lễ tuyên hôn tiến hành trước sự hiện diện của anh chị em trong cơ quan và một ít bè bạn của riêng ông Võ. Có tiếng xầm xì chắc do chướng mắt : “trâu già mà gặm cỏ non”.

Dường như thiếu sự công bằng: lắm người có “bồ nhí” nhưng ít nghe ai dị nghị, còn có “vợ nhí” – lúc bấy giờ xung quanh đây chỉ có ông Võ, khiến người ta đặc biệt quan tâm, lắm lời ra tiếng vào, nó trở thành chuyện vui khi gặp nhau giữa những người thích đùa. Việc gì cũng có cái lý, cái lẽ riêng của nó: Bồ nhí thì lén lút, âm thầm giữa hai người, họ giữ kín như bưng, mấy ai tường tận. Đã không tường tận thì dầu có ăn gan trời hay uống mật gấu cũng không dám hở miệng. Còn vợ nhí như ông Võ chẳng hạn, chường mặt ra giữa thanh thiên bạch nhựt “đánh trống khua chiêng” trước bàn dân thiên hạ, chỉ ngại không đủ sức chớ sợ gì không đàm tiếu. Có câu “muốn ăn lăn vào bếp, muốn chết lết vào hòm”. Ông Võ thì đành rồi, chỉ thương cho Lệ Sa, cô nào đâu muốn thế nhưng trước nghịch cảnh, cũng phải lăn, phải lết vào, dầu tức tưởi đến mấy cũng không một tiếng kêu than.

Sa thành hôn với ông Võ, mẹ và ông bà ngoại cô đau buồn, chua sót. Mấy tháng sau khi bà ngoại qua đời, ông ngoại gọi Sa về rồi bảo cả hai mẹ con đến ngồi cạnh. Từng tiếng một, với giọng khàn khàn run run, ông nói: “Ông gọi cháu về  để nói cho cháu nghe một sự thật đau lòng, từ lâu gia đình không tiện nói với cháu. Nếu ông không nói cho cháu biết, chết rồi, chắc mẹ cháu nhẹm luôn”.

Ông bảo Sa đến gần hơn, Sa áp sát, nắm tay ông ngoại, niểng đầu cố nghe cho hết. Giọng ông khàn khàn nhưng nhờ nói chậm cũng dễ nghe:

<< Năm – 1954, thời đánh Tây ấy mà, thằng Nam (Ba cháu) và thằng Võ (đang là chồng cháu) là bạn chiến đấu với nhau, hai đứa cùng ở chung một đơn vị bộ đội. Thằng Võ  trung đội trưởng, thằng Nam trung đội phó. Hai đứa thường tới lui nhà nầy, cả hai đều yêu mẹ cháu. Rốt cuộc, mẹ cháu chỉ yêu thằng Nam. Thằng Võ đành phải đại diện đàng trai, ông bà ngoại đại diện đàng gái tổ chức lễ thành hôn cho hai đứa tại nhà nầy. Mấy tháng sau đó, trận đánh bọn Tây đầu đỏ ở đầu lộ An Lục Long, thằng Nam (Ba cháu) trọng thương. Trước khi chết (theo thằng Võ kể lại), thằng Nam thều thào với nó: Tôi không thể sống, vợ tôi đang mang thai. Khi tôi chết rồi, anh an ủi và làm những gì có thể giúp vợ con tôi. Sau khi chôn cất Ba cháu, đôi lần gì đó thằng Võ đến đây thăm rồi đi tập kết biền biệt luôn. Sau 30/4/1975, từ miền Bắc về, thằng Võ mò đến đây thăm. Qua đôi lần tiếp xúc, xem mòi nó và mẹ cháu thương yêu nhau. Một hôm ông bà vui miệng cáp đôi Võ với mẹ cháu. Hai đứa đã ưng thuận, chỉ còn chọn ngày làm lễ cưới. Thế rồi, từ khi nó nhận cháu làm thư ký riêng chung gì đó, không thấy nó bén mãn đến đây nữa, việc làm lễ cưới giữa nó và mẹ cháu cũng bỏ xuội luôn. Khi cháu báo tin kết hôn với nó, cả nhà như bị sét đánh. Đó là nỗi buồn của gia đình và lý do cả nhà không ai chịu đi dự lễ thành hôn của cháu với nó. “Khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt”, buồn lắm cháu ơi !. Chắc cháu đã thấy, từ khi cháu và nó kết hôn, không riêng thằng Võ mà ngay cả mẹ cháu và ông bà ngoại đều không muốn chạm mặt nhau, bất đắc dĩ phải chạm mặt, bên này cũng như bên kia hỏi nhau bằng những câu ngắn gọn và trỗng (không có chủ từ).“Tình mẹ duyên con”, mẹ cháu khổ sở không nói nên lời. Đó là tất cả những gì ông muốn nói với cháu. Cuối cùng ngoại có lời khuyên: “Gì thì gì, cháu phải quý trọng và xót thương mẹ Sương của cháu – một người mẹ bao giờ cũng tất cả vì con” >>.

Nghe qua cớ sự, như ai cướp đi phần hồn, Sa dúi đầu vào lòng mẹ khóc ấm ức,  chẳng nói chẳng rằng. Lau nước mắt, sửa tóc lại cho con, bà Sương nói trong ngẹn ngào: “Mẹ biết, do gia đình ta khó khăn, do cơn bịnh hiễm nghèo của mẹ, con phải ngữa tay nhờ nhỏi người ta, buộc con phải làm như vậy chớ con đâu muốn như vậy!. Thôi cứ xem đó là cái giá phải trả cho việc “đau chân há miệng”. Con nên nghĩ đến tương lai hạnh phúc cho bản thân mình. Việc đã lỡ đừng xé thêm to, bung thùa ra xấu hổ nhất vẫn là gia đình ta. Con không phải lo cho mẹ, mẹ sẵn sàng “mở cửa kho” cho vào thêm một nỗi buồn nữa có sau đâu, mẹ còn chịu đựng được mà”.

Tội nghiệp cho ông già, sức mõn hơi tàn, cũng cố thều thào đôi câu nữa với con cháu: “Trong vụ nầy, suy cho cùng, cả gia đình ta ít nhiều ai cũng có lỗi lầm. Đúng là cả tin nên mắc, cả nghe nên lầm. Hãy thận trọng hơn là bài học đừng bao giờ quên đối với chúng ta”.


****

Chuyện ông ngoại kể tạo nên cú xốc vật vã, nó ruông vào tim óc của Sa. Từ lâu Sa ngỡ rằng mình “liều thân” để cứu vớt gia đình, nào ngờ sự liều thân ấy đem đến cho gia đình bao phiền muộn, gây cho mẹ vết thương lòng tác tệ hơn cái chết. Nếu biết cớ sự như vầy, thà để cả gia đình chết chùm chớ Sa không thể “chìu lòn” ông Võ. Càng nghĩ, Sa càng thương mẹ bao nhiêu càng oán hận ông Võ bấy nhiêu. Dầu cho Phật trên niết bàn cũng không từ bi hỉ xả cho ông Võ: chỉ một phát “bắn xỏ lụi” của ông làm cả gia đình Sa bị thương, bà Sương là người trầm trọng nhất. Thử hỏi chỉ vì dục vọng thấp hèn, ông đã giáng một đòn trí mạng vào tâm não người phụ nữ mà 21 năm trước đây, cũng như mới hôm nào ông còn mơ mộng được cưới làm vợ. Ông nỡ làm ngược lại lời trăn trối của người bạn chiến đấu trước khi lìa đời chết gục trên tay ông. Vô nhân, vô sỉ, vô liêm đến thế là cùng ?!..

Qua đó, Sa tự thấy mình thời gian qua quá hèn yếu, trân mình chấp nhận số phận, mặc cho dòng đời đẩy đưa. Đến nước nầy, không thể mãi như thế, mình phải cứng cỏi hơn, phải vượt lên số phận, phải tiến hành một cuộc “giải phẩu” để xóa mặc cảm, vá lại vết rách gia đình.

Điều không muốn nói lại đến, ông ngoại Sa qua đời, bà Sương như người mất hồn, đôi lúc bà lảo đảo như không còn đứng vững trên đôi chân mình. Chôn cất ông ngoại xong, Sa ở lại qua đêm cho nhà bớt tẻ lạnh, chia sớt phần nào nỗi đau buồn, cô đơn của mẹ. Tối đến bà Sương xếp chỗ và giăng mùng cho Sa ngủ riêng. Đêm ấy không biết bà Sương có chợp mắt được chút nào không, riêng Sa thì thức trắng. Đúng là “thức khuya mới biết đêm dài” Sa bị rơi vào vòng lẩn quẩn: càng nhớ càng thức, càng thức càng nhớ – nhớ cả những chuyện đầu đời. Bao trăn trở, bao tiếng thở dài của mẹ, Sa nghe không sót. Đôi lần Sa muốn bậm gan sang ngủ chung với mẹ nhưng không dám. Hơn bao giờ hết, Sa thèm khát được trở lại cuộc sống như những ngày nào ăn chung mâm, ngủ chung mùng với mẹ. Dòng suy tư của Sa bị cắt đứt bởi tiếng hát ru từ nhà ai vọng lại: Ầu … ơ … ví vầu tình bậu muốn thôi, bậu gieo tiếng dữ để rồi bậu ra”…

Sa lập lại từng từ của câu hát, thấm ý gật đầu. Từ đó, Sa nảy ra ý định : bằng mọi cách phải hủy bỏ cho kỳ được cuộc hôn nhân quái đãng giữa cô và ông Võ. Sa quả quyết : nếu không làm được việc ấy đừng mong xóa được mặc cảm giữa mẹ con cô, tình mẹ con sẽ ngày thêm phai lợt.

Sa thấy cần đổi 3 từ trong câu hát ru ấy thành: “Ví vầu tình bậu muốn thôi, bậu gây chán nãn để rồi bậu ra”. Sở dĩ Sa loại 3 từ “gieo tiếng dữ”, vì gieo tiếng dữ mang nội dung bịa đặt, vu cáo … Bịa đặt, vu cáo chưa bao giờ và không bao giờ thuộc bản chất của Sa.

Người đời đã nhủ: “Đi với sãi mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Sa quyết định “mặc áo giấy” đi với ông Võ đoạn đường còn lại.

Lần nầy về lại cơ quan, Sa mang theo bao buồn bực, dầu có cố cũng không thể dấu kín trong lòng. Nhìn vẻ mặt hầm hầm của Sa, Võ buột miệng trêu:

 – “Thấy mặt hết muốn “nhậu”. Ai làm gì khiến cô chầm hầm như thợ thiến trâu vậy ?

– “Ai trồng khoai đất nầy” – Sa nhìn Võ ám chỉ.

– Tôi à ? … Chưa biết tội ?…

Sa trợn mắt nhìn ông Võ rồi “siết nguyên băng”: “Ông không biết hay không muốn biết ? Tôi hỏi ông, ai đã từng yêu và định cưới mẹ tội, ai là chồng bất đắc dĩ của tôi” ?

Bị “lật tẩy” bất ngờ, ông Võ lúng túng chưa biết phải ăn làm sao nói làm sao. Sa bồi thêm: Một nhà văn nào đó đã nói “Chúng ta ai cũng là tác giả của cuộc đời mình”, nói thế có nghĩa: Không ai hiểu ta hơn ta. Ta không hiểu ta là lừa dối thậm chí đối với bản thân mình, hoặc giả là kẻ điên. Ông đâu có điên, ông rất khôn, khôn quỉ nữa kìa.

Mặt ông Võ đỏ bừng, mũi vốn to càng to, bộ lông mày rô dựng đứng, đôi mắt đỏ ngầu như hườm nuốt chửng ai đó dám cả gan xúc phạm mình. Ông cắn răng dằn từng chữ:

– Ai độc mồm độc miệng dám nói tôi yêu mẹ cô ?

– Ông ngoại vợ ông – Lão mà chính ông cho là già mà không lẩm cẩm ấy. Trước khi chết ổng gọi tôi về và tuôn ra tất cả, có mẹ tôi – bà Sương ấy chứng kiến, không tin thì xuống đối chất với bà ấy.

Đớ lưỡi, như quả bóng bị xì, ông Võ thả lửng :

– Ờ … Mà … Thì …

– Nổi danh là người né hay, ngụy biện giỏi, sao trước việc nầy ông lại cà lăm ?

– Ai nói tôi ngụy biện giỏi ?

Sa thừa biết ông Võ hỏi như thế là cố ý đánh tráo nội dung đang tranh cãi nhằm né đòn. Đã lâu rồi, ông Võ mắc phải căn bịnh mãn tính : tranh luận với ai, về vấn đề gì, ông cũng thủ từ thắng đến huề. Bị Sa “sút thủng lưới” như thế vẫn chưa chịu thua, tìm đường chạy. Đối với Sa cực chẳng đã mới đem chuyện có dính líu đến mẹ mình mở đầu cho cuộc hành trình làm cho ông Võ chán nãn cô. Ông Võ chạy đàng nào cô đuổi theo đàng nấy. Nhìn thẳng vào ông Võ, Sa hài những cố tật của ông: Kiểm lại xem, ông nói cũng như viết đầy rẩy ngụy biện, dài dòng, thổi phồng, chẳng hạn như không gọi “thất nghiệp” mà gọi “người đến tuổi lao động chưa có việc làm”; ”Hàng ế” mà gọi “hàng tốn kho chưa lưu thông”; Cửa hàng “tạp hóa” thì gọi cửa hàng “bách hóa tổng hợp”; Thích dùng chữ “rất”, việc chỉ “hơi tốt” thì nói “rất tốt”.v.v…?.

Chẳng rõ đuối lý hay chán nản, ông Võ mặt giận bỏ đi.

Bữa nọ, đang ăn cơm, Sa nói như ra lịnh :

– Hãy dẹp cái tủ thuốc rượu và đốt bỏ những toa thuốc quái quỉ của ông đi. Tôi xấu hổ vì chúng quá rồi !…

– Để chúng mắc mớ gì cô mà bảo thế ?

– Quá đấy chớ: rượu tắc kè, thằn lằn, rắn mối gì đó cũng đem trương ra như triễn lãm trước bàn dân thiên hạ; lôi đâu về những toa thuốc rượu nói gốc của Tàu, của quan Ngự y thời Minh Mạng, Tự Đức gì đó. Hễ có ai tới nhà, ông luôn mồm quảng cáo về tính năng, tác dụng của chúng, nào bền bĩ, dẻo dai, “nhứt dạ lục giao sanh ngũ tử” v.v… Đúng là “cùi không sợ lở”, ông thì chay chớ tôi mắc cở đến chết đi được.

Ông Võ bực “lên dầu sống”:

– “Trời đánh cũng tránh bữa ăn”, gần đây tôi thấy lúc nào, nơi nào, việc gì cô cũng nói xấu tôi được.

– Không phải tôi nói xấu ông mà ông vốn xấu. Đó là tôi chỉ mới nói một phần nhỏ những gì ông vốn có.

Ông Võ giận quăng đũa bỏ đi. Yến Nhi bình thản ngồi ăn, xem việc cãi vã giữa cha mẹ là thú vui, xảy ra như cơm bữa.

Hết ngày nầy sang ngày nọ, hết keo nầy gầy keo khác, Sa vạch trần những khiếm khuyết của ông Võ, không theo phương pháp xây dựng mà theo lối chỉ trích nhằm làm cho ông Võ chán nản xa rời cô.

Chay lì như ông Võ, gặp phải kiểu phê bình của Sa cũng cáu tiết, bao lần “nổi thầu lậu” (phùng mang trợn mắt) dợm thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Thường Sa chọc tức ông Võ vào những buổi chiều, cốt để ông Võ giận suốt đêm. Ngặt nỗi, ông Võ không giận dai, tối nào cũng chui vào ngủ chung với mẹ con Sa – xem như không có chuyện gì xảy ra.

Thấy “bùa” nầy không hiệu nghiệm, Sa chuyển qua “phép” khác: cô bí mật nhịn ăn ép xác, cố làm cho mình gầy yếu, xấu đau xấu đớn rồi phao tin mình mắc bịnh nan y, kỵ “gần gũi” đàn ông. Ngỡ là thật, dầu không muốn ông Võ cũng phải chấp nhận hai người sống ly thân. Việc ly thân chỉ là thắng lợi bước đầu, ly dị mới là mục đích cuối cùng của Sa.

“Nai dạt móng chó cũng le lưỡi”, sức khỏe Sa không cho phép kéo dài việc ép xác, còn ông Võ đang cần cuộc sống có đàn bà, không thể kéo dài sự chờ đợi vô vọng. Có lẽ đó là chỗ họ gặp nhau.

Nghe phong phanh Sa mắc bịnh nan y, sống ly thân với ông Võ, bà Nga, một phụ nữ lỡ thời, thích chưng diện, quen sống dựa, có tuổi đời lớn hơn Sa một con giáp, thường la cà đến chỗ ông Võ. Mỗi lần gặp nhau họ giỡn trửng, liếc ngược, liếc xuôi. Môt hôm nhân lúc họ đang đùa cợt, Sa xuất hiện nói nửa đùa nửa thật để thăm dò :

– Hai người xứng đôi đấy, kết hôn với nhau đi, tôi làm gạch nối (làm mai).

– “Hỏng dám đâu” – bà Nga nói trong e thẹn.

– Sợ gì mà không dám, bịnh của tôi đố trời mà cứu. Hơn nữa tôi với ông Võ đã ly thân.

– Có đúng và có nên như vậy không anh Võ ? – Nga hỏi dò xét.

– Đúng. Còn nên hay không chỉ tùy ở Nga – Võ vừa nói vừa liếc Nga, cả hai cùng cười nhẹ nhõm.

Ngay tối hôm ấy, ông Võ đến hỏi thẳng Sa :

– Hồi chiều cô nói chơi hay thật vậy ?

– Thật đấy ! – Sa đáp gọn, vẻ nghiêm túc.

– Tôi với cô chỉ ly thân chớ đâu đã ly hôn ?

– Chuyện đó có gì khó, ông làm văn bản đi, tôi ký rồi ra tòa. Có điều con Yến Nhi ở với tôi.

Cả ba ai cũng nôn, việc ly hôn và kết hôn được thực hiện xong trong vòng non tháng.

Từ đó, ông Võ vui duyên mới, chẳng màng gì đến khốn khổ của mẹ con Sa. Có ý kiến nhận xét về ông Võ : “Gây khổ cho người rồi quày quã ra đi, không thèm ngoảnh mặt xem coi họ khóc thế nào quả là bậc thầy của những kẻ đê tiện”.

Do không biết dụng ý của Sa, gần như ai cũng cho rằng Sa bịnh hoạn, không thủ nổi vai người vợ, nhận cái thiệt về mình, đứng ra cưới vợ cho chồng. Với ông Võ thì người ta liệt ông vào hạng người ích kỷ, thiếu hẳn tính người, ví ông như con sói già đáng ghét, còn Sa như con nai tơ đáng thương.

Thế là: vừa tác giả, vừa đạo diễn, vừa diễn viên, đuối sức mòn hơi, cuối cùng Sa cũng đã chạm chân vào mức đến. Điều làm cho Sa vui là ly hôn được với ông Võ, điều khiến Sa buồn là vô tình cô làm cho không ít người ngộ nhận hiểu sai, đánh giá cao về mình.

Có câu: “Xấu che tốt khoe”, nhưng đừng quên rằng, con người xuất thân từ loài vượn hay khỉ gì đó nên có thuộc tính tò mò. Thế nên, thói thường người ta thích xem cái che hơn xem cái khoe – càng che càng kích thích tính tò mò ấy – Giấu đầu sớm muộn gì cũng lòi đuôi. Bao việc làm sai trái, bất nhân, thất đức của ông Võ dầu cố che nhưng thực tế có che được với mấy ai.

Trong cuộc đời làm quan, từ chức tước, uy quyền đến lương bổng của ông đều do trên ban phát. Do vậy, ông luôn nghĩ rằng việc thăng lương, tiến chức cho ông đều do cấp trên định đoạt. Đối với cấp dưới ông xem là thuộc hạ, luôn có động thái chẳng khác quan Thừa Sai thời Pháp thuộc cử đến để cai trị đám dân đen. Ông nào có biết: mình có tại vị được hay không quyết định vẫn là do uy tín cá nhân – khi uy tín cá nhân bị sụp đổ thì uy quyền do trên ban cũng sụp đổ theo. Khi uy tín cá nhân bị sụp đổ, lẽ ra ông Võ nên xuống thang, đàng nầy ông leo tiếp, sử dụng tối đa quyền uy do trên ban. Lắm lúc ông khạc ra lửa mà thuộc hạ vẫn trấm trơ.

Lại có câu: “Làm đĩ chín phương cũng phải để một phương lấy chồng”. Cục Thống kê là phương thứ mười (10) dành cho ông Võ. Trên cho ông cơ hội cuối cùng, thu lại ghế Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch rồi độn vào đít ông ghế Cục Trưởng Cục Thống kê.

Ông Võ sang Cục Thống kê, Sa hỏng chân, chẳng lẽ cứ mãi ngồi chơi xơi nước, Sa xin nghỉ việc rồi cùng với Yên Nhi về quê “vá lại vết rách gia đình” và khôi phục sức khỏe do hậu quả của việc ép xác.

Sau khi nghe Sa nói mục đích của việc ly hôn giữa cô và ông Võ, bà Sương ôm Sa vào lòng, nói: “Điều từ lâu mẹ muốn, nay con đã làm, ông bà ngoại và ba con chắc cũng đã vui lòng nơi chín suối”.

Từ lâu Sa như cây thiếu nước, thiếu phân, chỉ cần tưới nước, bón phân nó sẽ tươi tốt. Quả vậy, đời sống tinh thần, vật chất được cải thiện, sức khỏe Sa phục hồi nhanh, trả lại cho cô sắc đẹp thiên phú, một sắc đẹp cho dầu chuyên gia thẩm mỹ hay những hãng mỹ phẩm cũng khó tìm chỗ xen vào. Mấy người đàn ông trong xóm nhìn Sa vui miệng trầm trồ: “Gái một con trông mòn con mắt”.

Một hôm, Tuyết bạn gái cùng lớp, cùng trường với sa đến thăm, thấy cảnh gieo neo của mẹ con Sa, Tuyết gợi ý: “Sao mầy không khai báo để được công nhận con liệt sĩ, ít ra cũng dễ xin việc làm, cứ lặng thinh ai mà biết”. Sa lắc đầu nói giọng trầm buồn : “Tao không xứng đáng. Tao sợ người ta biết tao con liệt sĩ hơn sợ họ không công nhận”.

Cuối năm 1986, thời điểm bắt đầu công cuộc cải cách kinh tế – từ bao cấp sang thị trường, Tuyết đến rủ Sa về lại thành phố Mỹ Tho hùn vốn mở quán ăn uống  tại khu nhà Tuyết. Bà Sương chẳng những đồng ý cho Sa cùng Tuyết mở quán kinh doanh, còn nhận chăm sóc Yến Nhi.

Chỉ một tháng sau, quán “Tuyết Sa” khai trương. Bia BGI gặp thời, quán Tuyết Sa cũng được vận, khách ra vào không ngớt. Tuyết Sa mở rộng qui mô, thuê thêm người, nghiễm nhiên Tuyết và Sa trở thành hai cô chủ. Việc mua bán của hai người phất lên như diều gặp gió.

Tuyết và Sa cùng tuổi, họ thương nhau như thương thân, tin nhau như tin mình. Đã bước vào tuổi ba mươi mà vẫn xưng hô với nhau nếu không bằng tên thì mầy tao. Tối hai người ngủ chung mùng, nẹo nhau như rắn. Bữa nọ, gần sáng Tuyết ôm chặt Sa cất giọng : “Gió Đông ơi đừng thổi nữa, lòng ta đã lạnh lắm Gió Đông ơi…”. Sa vỗ vào mông Tuyết gắt :

– Hỏng để người ta ngủ, bộ lên cơn rồi sao ?

– Cơn cái con khỉ, tính ngân nga vài câu “Tình anh bán chiếu” cho đỡ lạnh – làm cụt hứng.

Như sực nhớ, Tuyết khiều Sa nói: Ờ mà Sa nè, tình thật mà nói, tao thích bản chất chớ không thích hình thức của mầy.

– Chưa hiểu, nói rõ hơn – Sa vặn hỏi.

– Nam giới thích nhìn mầy hơn nhìn tao, Đi chung, sống chung với mầy tao chỉ có lỗ.

– Nếu bắt gặp Yến Nhi gọi tao bằng mẹ thì họ sẽ đổi hướng nhìn thôi. Đừng ham, sắc đẹp đôi khi là cái họa.

Lật bật Yến Nhi đã đến tuổi đi học, Sa bàn với mẹ bán nhà và đất rồi phụ thêm tiền mua căn nhà trong hẽm gần quán Tuyết Sa. Người sống, người chết gom hết về đây cho tiện bề nhang khói và nuôi dưỡng. Hàng ngày Sa ra quán, bà Sương đưa rước Yến Nhi vô ra trường rồi lo việc nhà. Họ ăn chung mâm, ngủ chung mùng, người sống, người chết bên nhau- một sự sum hợp dù tạm bợ nhưng trọn vẹn. Đêm nào cũng vậy, khi ngủ Yến Nhi xen vào giữa, nó nói để nó làm “nhưn”. Nó nằm ngữa nguời, tay chân chia đều cho mỗi bên, miệng tíu tít như con chim non.


*****

Ngồi vào ghế Cục trưởng Cục Thống kê, vẫn chứng nào tật nấy, ông Võ cố bám lấy chức quyền trên ban để thao túng, tác oai tác quái. Quá sức chịu đựng, nhiều người trong cơ quan phải kêu lên: “Bộ hết người sao mà đưa thằng cha chẳng ra gì đến đây làm thủ trưởng”. Tiếng kêu bất bình ấy động đến “thiên đình”, làm cho những người ban chức quyền cho ông Võ lo lắng.

Người ta ban chức tước cũng có nghĩa là ban cả quyền uy. Chức tước và quyền uy đồng hành trong tồn tại hay tiêu vong. Ông Võ làm cho quyền uy bị sụp đổ (tiêu vong) thì chức tước của ông không còn lý do để tổn tại – Có giữ cũng chỉ là hư vị. Lần nầy trên ký quyết định cho ông nghỉ hưu là có nương tay. Thế mà ông còn thắc mắc đủ điều, đòi bớt một thêm hai. Về Phường sinh hoạt đảng chỉ một phiên, ông “đường mật” sao đó, lộn vào làm “cố vấn” cho một cơ quan cấp Tỉnh. Có người mỉa mai: “Cuộc đời ông Võ gẫm cũng sướng, hết làm cha rồi làm cố. Thế rồi dựa vào cấp bằng, học vị, ông vẽ “rồng, rắn” rồi “chấm  phết”. Chẳng bao lâu, ông lươn lẹo tiền bạc và sai phạm một số việc hệ trọng khác, phải ra tòa lãnh án tù 4 năm. Cay đắng hơn, ngày ông vào tù cũng là ngày bà Nga giáp mặt đơn phương tuyên bố: “Kể từ bây giờ, tôi không còn là vợ của ông”.

Từ ngày vào tù đến khi được đặc xá, ông Võ chấp hành án 2 năm 4 tháng. Thời gian ấy có đến 110 lần ông nhận quà thăm nuôi do giám thị giao, không cho biết người gởi. Đó là điều 12 năm qua (1990 – 2002) ông Võ (người nhận) muốn biết. Đó cũng là điều bà Sương và Lệ Sa (người gởi) cố giấu.

“Khỏi lỗ vỗ vế” là thói quen của ông Võ, vậy thì ông muốn biết ai gởi quà hẳn là không phải để đền ơn đáp nghĩa, có thể để thỏa mãn tính hiếu kỳ, để biết kẻ điên ấy là ai, còn kiếm chác được gì ở họ nữa không… Còn bà Sương và Sa gởi quà cho ông Võ xuất phát từ trái tim nhân hậu chớ không phải trái tim yêu. Họ “Thi ân bất cầu báo”. Sở dĩ họ cố giấu việc ấy vì sợ ông Võ hiểu lầm quà đó xuất phát từ trái tim yêu. -/-

Viết từ TP Mỹ Tho, 27/12/2015

Thiện Tùng  (Đào văn Tùng)


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire