05/05/2018

Ông Trọng sẽ ‘kiểm tra tài sản cán bộ’ ra sao?


Thiền Lâm
 
Nguyễn Phú Trọng họp với Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng và Ủy ban Kiểm tra trung ương. Ảnh: TTXVN


Vietnam – Cali Today news – Một tin tức rất xấu dành cho giới quan chức tham nhũng và các đối thủ chính trị của Tổng bí thư Trọng là ‘Hội nghị trung ương 7 sẽ tăng thẩm quyền cho Ủy ban Kiểm tra các cấp, nhất là cấp huyện trở lên, có thể đề nghị cơ quan chức năng cấm xuất cảnh, phong toả tài sản nếu đảng viên có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ điều tra, ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản’.


Chủ trương trên cũng đồng nghĩa với việc ông Trọng tái khởi động chiến dịch ‘kiểm tra tài sản quan chức’ – một chủ tương được Bộ Chính trị ban hành vào tháng Năm năm 2017 nhưng chưa được triển khai – trong thời gian tới.

Thế nhưng bất chấp ‘bài học kinh nghiệm’ mà ông Trọng và Ủy ban Kiểm tra trung ương của Trần Quốc Vượng đã ‘học tập’ từ Bắc Kinh, thực tế ở Việt Nam có thể khó khăn hơn Trung Quốc.

Cần lưu ý rằng, để có thể bắt đầu phát động chiến dịch kiểm tra tài sản quan chức vào năm 2016, Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đã phải mất ít nhất 3 năm để “đả hổ”, trong đó đáng chú ý là đã đả được 3 “con hổ” lớn là Bạc Hy Lai (Trùng Khánh, 2012), Chu Vĩnh Khang (công an, 2014) và Từ Tài Hậu (quân đội, 2016), và khiến gần tám chục quan chức tham nhũng khác phải tự sát.



Để thực hiện được chiến dịch “đả hổ” lẫn kiểm tra tài sản quan chức, bộ máy Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương của Trung Quốc phải nắm được tối thiểu 5-10% hồ sơ tài sản và “phốt” của số quan chức cần kiểm tra.

Còn Tổng bí thư Trọng đã nắm được gì?

Cho tới nay, ông Trọng mới chỉ đả được một ‘con hổ’ là cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng.

Nhưng trong phiên tòa thứ hai xét xử Đinh La Thăng, dù tòa đã tuyên ông Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng, nhưng một dấu hỏi rất lớn là trong khi Hội đồng xét xử đã không trưng ra được bất kỳ bằng chứng có tính thuyết phục nào về việc Đinh La Thăng tham nhũng, tòa dựa trên cơ sở nào để bắt ông Thăng phải trả lại 600 tỷ ‘tài sản bất minh’?

Minh họa trên cũng là điển hình cho tình trạng ‘ăn biết chùi mép’ trong rất nhiều quan chức tham nhũng ở Việt Nam. 

Ở Việt Nam, vào các năm 2015 và 2016 đảng chỉ phát hiện 5 trường hợp “kê khai tài sản không trung thực” trong số một triệu quan chức kê khai theo chỉ đạo của đảng. Cái tỷ lệ nhỏ đến mức không thể nhỏ hơn như thế đã trở thành đề tài phiếm đàm của vô số người không thích đảng và kể cả những người còn nằm trong bộ máy đảng.

Trong khi đó, hồ sơ tài sản “bề chìm” quan chức không chủ yếu đến từ các cơ quan tham mưu của đảng – vốn chỉ quen nắm hồ sơ “bề nổi” theo kê khai.

Chỉ có hai cơ quan có thể nắm được cơ bản hồ sơ tài sản quan chức: Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Hai cơ quan này có sẵn những cục, vụ nghiệp vụ để làm chuyện đó.

Cho đến nay, Tổng bí thư Trọng thậm chí còn có sẵn lợi thế hơn cả Tập Cận Bình: ông Trọng vừa là Bí thư quân ủy trung ương, vừa nằm trong Thường vụ đảng ủy công an trung ương.

Tuy nhiên, chức là một chuyện, còn lực lại là một chuyện khác. Chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Trọng “khiển” được Bộ Công an trong hoạt động điều tra và tổng hợp tài sản bất minh, nguồn tiền tham nhũng của giới quan chức, dù rằng mối quan hệ chỉ đạo của ông với Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng có vẻ “cơm lành canh ngọt” hơn.

Trong thực tế, không phải không có hồ sơ tài sản quan chức được tung ra ở Việt Nam. Thậm chí đã tung ra quá nhiều vào cái thời trang mạng Chân Dung Quyền Lực còn làm mưa làm gió vào cuối năm 2014, đầu năm 2015. Sau Chân Dung Quyền Lực, hàng loạt trang mạng nặc danh khác đã ra đời để “phục vụ Đại hội 12” cũng như “Hội nghị trung ương 5”. Tuy nhiên, sự thể oái oăm là hồ sơ tài sản quan chức chỉ lộ ra ở mặt trái đấu đá nội bộ trong đảng, còn trên bề mặt “chống tham nhũng” thì lại quá ít ỏi.

Có thể ông Trọng đang mơ màng đến “mô hình Tập Cận Bình”.  

Nhưng trùng với thời điểm bản quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của khoảng 1000 quan chức cao cấp được Bộ Chính trị Việt Nam ban hành vào ngày 23 tháng Năm năm 2017, một tờ báo chuyên về tin tức Trung Quốc là Tinh Hoa đã bình luận rằng công tác phòng chống tham nhũng do Tập Cận Bình – Vương Kỳ Sơn chỉ đạo thực hiện, dù đã đạt được rất nhiều thành tựu, nhưng đang gặp rất nhiều chướng ngại và thách thức khi tiến vào sâu, nổi cộm chính là vấn đề công khai tài sản cá nhân của các quan chức.

Vào tháng 2/2017, truyền thông Hồng Kông tiết lộ, Vương Kỳ Sơn đã công bố với một số cơ quan bộ ủy Trung ương Đảng Cộng sản trung Quốc rằng, các lãnh đạo cấp cao của đảng này trước mắt sẽ phải đối mặt với 3 đại sự, trong đó có vấn đề trình báo tài sản của quan chức. 3 đại sự đó là:

1.   Phần lớn các quan chức cấp cao trong các ban ngành, cơ quan đều từ chối công khai các thông tin về bản thân cũng như của gia đình, con cái của họ, như tài sản cá nhân, thu nhập, quyền tạm trú ở trong và ngoài nước, các quốc tịch đang sở hữu.

2.   Sự chống đối của bộ phận cựu Thường ủy Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị bị vạch trần lợi dụng thời gian đương quyền, bao che cho phối ngẫu, con cái, thân thuộc kiếm tiền, trục lợi trái pháp luật.

3.   Sự chống đối của bộ phận hiện giữ chức Thường ủy Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, bị vạch trần tiến cử ‘mầm bệnh’, lợi dụng chức vụ để giúp phối ngẫu, con cái, thân thuộc kiếm tiền phi pháp, chiếm đoạt lợi ích trái pháp luật.

Ở Việt Nam cũng rất có thể là như vậy. Nếu không đủ lực, chiến dịch kiểm tra tài sản 1000 quan chức của ông Trọng nhiều khả năng sẽ bị “đụng tường” – một bức tường lớn, rất cao và còn “khó nhằn” hơn cả sự chống đối quyết liệt đang diễn ra trong nội bộ đảng Trung Quốc.

Thực tế là cho đến nay tỷ lệ thu hồi tài sản qua các vụ án tham nhũng mới chỉ đạt được từ 8 – 10%, quá thấp so với mức mà ông Trọng cần có để duy trì chế độ đảng trị của ông.

Chỉ đến gần đây, ông Trọng mới đặc biệt chú ý đến hoạt động giám định tài sản.

Đây là một tin rất không vui đối với giới quan chức nhiều tiền lắm của, bởi ông Trọng rốt cuộc đã chú ý đến vấn đề chi tiết và chuyên môn.

Điều đó có nghĩa là muốn đạt được một số hiệu quả trong chiến dịch ‘kiểm tra tài sản quan chức’, ông Trọng sẽ phải huy động toàn bộ các cơ quan điều tra của Bộ Công an và bộ Quốc phòng, đồng thời cải tổ chính bộ máy Ủy ban Kiểm tra trung ương để tổ chức này bắt rễ xuống từng tỉnh thành, thậm chí xuống đến cấp quận huyện để điều tra nguồn gốc tài sản bất minh và nguồn tiền tham nhũng của giới quan chức.

https://www.baocalitoday.com/chinh-su-viet-nam/ong-trong-se-kiem-tra-tai-san-can-bo-ra-sao.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire