(GDVN) - Một mặt Trung
Quốc hô hào phải tiếp tục cải cách, mặt khác lại tăng cường kiểm soát dư luận,
dập tắt bất kỳ tiếng nói cải cách nào.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc có thể sẽ không tiếp tục tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong những thập kỷ tới để đạt được mục tiêu "thu nhập cao".
Đây là một phần quan trọng trong tầm nhìn của ông về việc xây dựng Trung Quốc thành "quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại" năm 2035, "quốc gia xã hội chủ nghĩa phồn vinh và mạnh mẽ" vào năm 2050.
Hình minh họa, nguồn: SCMP |
Nghiên cứu được công bố trên Capital Economics hôm thứ Hai 14/5, hai nhà kinh tế Mark William và Julian Evans-Pritchard nhận định:
Tập Cận Bình đang hướng tới mục tiêu cao, nhưng lợi thế không đứng về phía ông ấy.
So với quỹ đạo tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, thì Trung Quốc đang phải đối mặt với những cơn gió ngược và những hạn chế về cấu trúc, bao gồm dân số già hóa nhanh chóng và ít đối tác thương mại thân thiện.
Điều này có nghĩa là Trung Quốc không thể nhanh chóng bắt kịp Hoa Kỳ về tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người.
Báo cáo đưa ra quan điểm khác với các tổ chức khác, bao gồm Quỹ Tiền tệ IMF, về tương lai của nền kinh tế 12 ngàn tỉ USD.
Sự kiểm soát tập trung của Bắc Kinh và sự can thiệp của nhà nước đã dẫn đến tình trạng phân bổ sai tài nguyên và sẽ làm suy yếu năng suất ngay cả khi Trung Quốc tránh được khủng hoảng tín dụng.
Dường như Chủ tịch Tập Cận Bình đã kết luận rằng, việc duy trì sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế lớn là rất quan trọng để kiểm soát chính trị trong nước.
Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Hiến pháp sửa đổi, loại bỏ giới hạn tối đa 2 nhiệm kỳ với chức vụ Chủ tịch nước, cho phép ông Tập Cận Bình tiếp tục tại vị sau 2023.
Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh mẽ và gần như không có gián đoạn trong 4 thập kỷ qua. Năm 2017 tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt 6,9%, chiếm 1/3 tăng trưởng toàn cầu.
Tăng trưởng của Trung Quốc năm ngoái đã vượt qua hầu hết các nước phát triển, như Hoa Kỳ với 2,3%, và khu vực đồng euro, nhưng thấp hơn một chút nếu so với 7,1% của Ấn Độ.
Nhưng con đường kinh tế thành công của Trung Quốc trong 4 thập kỷ qua không khác nhiều so với các nước láng giềng châu Á.
GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đạt 8.800 USD vào năm ngoái, đưa họ vào danh sách các nước có bẫy thu nhập trung bình.
Dân số ngày càng già đi sẽ trở thành sức kéo, chứ không phải động lực cho nền kinh tế Trung Quốc. [1]
Ngày 28/4 tại Bắc Kinh đã diễn ra hội thảo về khu tự do thương mại của các trường đại học Trung Quốc. Ông Trương Quân, Viện trưởng Viện Kinh tế học Đại học Phúc Đán nói thẳng:
"Thứ nhất là các bộ ngành trung ương không có động lực, thứ hai là nhiệt tình cải cách về tổng thể đang thoái trào."
Giáo sư Trương Quân cho rằng, do sự lớn mạnh của các tập đoàn lợi ích đã có, rất nhiều phương án cải cách của Trung Quốc đã không được thực hiện tốt.
Thậm chí mỗi quan chức chính quyền địa phương đều đang trở thành một lực cản của cải cách. Trong bối cảnh đó, việc tạo ra thay đổi là vô cùng khó.
Từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền, phương án cải cách toàn diện và sâu sắc đã được thúc đẩy từ thượng tầng, nhưng hiệu quả cải cách không đáng là bao.
Hai năm đầu sau Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có mà ông Tập Cận Bình phát động đã khiến người dân nước này tin rằng chính phủ Trung Quốc khóa mới sẽ thực sự cải cách.
Nhưng thực tế những bức xúc liên quan đến đời sống dân chúng vẫn không được giải quyết, giá nhà ở các đô thị vẫn cao ngất ngưởng, việc hưởng thụ dịch vụ y tế, giáo dục vẫn còn nhiều khó khăn, chưa kể đến vấn đề ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, khoảng cách giàu nghèo...
Trong đó ô nhiễm môi trường và phân phối lợi ích bất hợp lý đều là những vấn đề "lịch sử để lại" từ những năm 1980. Nhưng thập niên 1980, nhiệt tình cải cách của dân chúng Trung Quốc cao hơn bây giờ.
Thời đó Đặng Tiểu Bình đề ra 2 nguyên tắc cải cách, là giải phóng tư tưởng và thực sự cầu thị, thúc đẩy dân chúng mạnh dạn thử, làm sai thì sửa.
Chính điều này đã tạo ra sự nhiệt tình với cải cách, phát huy tối đa động lực, sức sáng tạo.
Nhưng hiện nay một mặt Trung Quốc hô hào phải tiếp tục cải cách, một mặt lại tăng cường quản lý dư luận. Chính sự quản lý này đã dập tắt những ý tưởng mới, và làm tổn hại đến sự nhiệt tình của người dân với cải cách, giáo sư Trương Quân nhận định.
Nguồn:
[1]http://www.scmp.com/news/china/economy/article/2145938/chinas-economic-growth-story-will-be-cut-short-under-xi-jinping
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire