Xuân Dương
Như đã đề cập, Quyền lực và Năng lực - gọi tắt là
Quyền năng - cho thấy tầm ảnh hưởng của người/tổ chức nắm quyền lãnh đạo đến
thể chế kinh tế, chính trị, vị thế quốc gia,…
Quyền năng của lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu
ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh tổng hợp của đất nước, hình ảnh của đất nước,
dân tộc trước toàn thế giới, nó cũng có thể tạo nên hiệu ứng tiêu cực nếu quyền
năng nằm trong tay người cực đoan, không đủ nhân cách.
Ngược lại chính bản thân con người, từ người bình thường đến lãnh đạo, từ cấp phường xã đến đến Bí thư, Chủ tịch, Tổng thống, Thủ tướng cũng đều tạo ra và bị tác động bởi không ít loại “lực” trong đó có Hấp lực và Ma lực.
Học sinh trung học đều được học về “Lực hấp dẫn”, đó
là lực hút giữa các vật thể.
Lực hấp dẫn có độ lớn tỷ lệ thuận với khối lượng của
hai vật và tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa chúng.
“Hấp lực” chỉ xuất hiện trong xã hội loài người chứ
không phải trong tự nhiên.
Hấp lực được hiểu là sức lôi cuốn cộng đồng, là năng
lực nổi trội của cá nhân (tổ chức) đến mức làm mê hoặc người khác, khiến người
khác tin tưởng, ủng hộ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin không phải ngây thơ khi
cởi trần tắm trong hồ băng, lái máy bay hay cưỡi tàu ngầm, những hành động ấy
tạo hình ảnh một tổng thống mạnh mẽ theo cách mà cả người phương Đông lẫn người
phương Tây tôn thờ:
“Điều
quý giá nhất là một khối óc minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện”.
Làm lãnh đạo, dù nhân phẩm cao đẹp đến mấy mà quặt
quẹo, nay ốm mai đau thì cũng không thể thu hút được niềm tin nơi công chúng.
Người có lòng tự trọng sẽ xin từ chức khi biết không đủ
sức khỏe đảm nhận công việc.
Tiếc rằng khá nhiều trường hợp khi mất chức, khi đối
mặt với bản án, người ta tìm đến bệnh viện như là cứu cánh mặc dù trước đó họ
thực sự “sung mãn” hơn cả người lao động chân tay!
Viện lý do sức khỏe là đánh mất chút sĩ diện cuối
cùng, không phải là không còn hấp lực với dân chúng.
Cựu lãnh tụ đảng và nhà nước Cuba - Phidel Castro -
vào tháng 9/1960 đã diễn thuyết liền 4 giờ 29 phút tại diễn đàn Liên Hiệp
Quốc.
Điều đáng nói không phải là thời gian dài của buổi
diễn thuyết mà ở chỗ ông Phidel không cần phải có tờ giấy chuẩn bị sẵn.
Đọc diễn văn khác với phát biểu ý kiến, nếu một người
phát biểu ý kiến mang tính chỉ đạo tại bất kỳ hội nghị nào cũng dành tới quá
nửa thời gian nhìn vào tờ giấy đặt trên bục thì hoặc là sợ nói sai hoặc là khả
năng hùng biện … hơi thiếu.
Khiếm khuyết này luôn là điểm trừ cho hấp lực của
người phát biểu với người nghe trực tiếp và những người ngồi trước màn hình ti
vi.
Thành viên Chính phủ trước Quốc hội hứa nhiều điều,
kết thúc nhiệm kỳ bằng phát biểu: “Xin
nhận trách nhiệm trước Quốc hội về những gì chưa làm được, trách nhiệm của tôi
là truyền đạt lại cho bộ trưởng kế tiếp”
thì không chỉ bản thân người đó mà cả Chính phủ cũng mất điểm trước người dân.
“Hấp lực” của một lãnh đạo không chỉ liên quan đến tài
năng, uy tín mà còn liên qua rất nhiều đến một khái niệm mà giới ngoại giao gọi
là “Ngôn ngữ hình thể”.
Có một nhận xét thế này, không ít vị đứng đầu cơ quan
chưa quan tâm đến “ngôn ngữ hình thể” của mình nơi công cộng.
Một người có vị trí cao nơi công quyền, trước ống kính
máy quay, trên diễn đàn hoặc là so vai rụt cổ, hoặc là mặt nghếch lên trời, nói
năng thì chưa chuẩn giọng luôn tạo hình ảnh không đẹp.
Đành rằng “trời sinh ra thế” nhưng không có nghĩa là
không thể chỉnh sửa, nếu không sửa được tật của bản thân thì làm sao sửa được
tật của xã hội?
Thế nên diễn thuyết trước đám đông mà nói ngọng, hấp
lực của họ với người nghe chỉ là thu hút lời đàm tiếu!
Đối với một bộ phận không biết có còn là “nhỏ” quan
chức, hấp lực không đến từ trí tuệ hay sự gương mẫu trong đạo đức, lối sống.
Hấp lực mà họ tạo ra có nét tương đồng với lực hấp
dẫn:
“Độ
lớn của hấp lực tỷ lệ thuận với quyền lực và tỷ lệ nghịch với bình phương tài
sản”.
Chẳng cứ phải ở đỉnh cao quyền lực, chỉ cần là người
đứng đầu một cơ quan, một địa phương, một lời nói buông ra là khối người tán
thưởng.
Trên sân khấu, trước diễn đàn, chẳng thiếu người tìm
cách chen lại thật gần để có bức ảnh treo ở phòng khách nhà mình.
Chẳng may “ngã ngựa”, họ giống như chiếc nam châm điện
bị tắt điện, hấp lực biến mất và những ai trót treo ảnh họ ở giữa nhà lập tức
cất vội.
Sau khi “nhập kho”, chữ ký của Chu Vĩnh Khang trên lời
đề tặng khẩu hiệu cho trường Đại học Dầu Khí Bắc Kinh bị xóa bỏ.
Báo Global Times (Hoàn Cầu thời báo) đưa tin, những
tấm ảnh chụp cảnh Chu đến thăm trường nhân dịp 60 năm thành lập cũng bị gỡ khỏi
trang tin của trường.
Nói đến bộ phận quan chức thuộc nhóm “không nhỏ”, có
sự khác nhau rất rõ so với thế giới.
Ở các nước phát triển, có quyền không có nghĩa là giàu
như ông chủ doanh nghiệp, khi đương chức họ không dành thời gian kiếm tiền.
Làm Tổng thống Hoa Kỳ hai nhiệm kỳ như các ông Obama,
Clinton khi nghỉ hưu vẫn đi diễn thuyết, viết sách tăng thêm thu nhập.
Còn một bộ phận quan chức Việt ngay khi đang làm việc
vẫn “buôn chổi đót”, “chạy xe ôm”, nhưng khi nghỉ hưu là lặn mất tăm, chẳng
thấy viết thêm được chữ nào (cũng có thể ngày trước đều do thư ký viết hộ).
Chẳng thấy họ tiếp tục truyền thống chăm chỉ “làm đến
thối móng tay”, cũng chẳng thấy họ buôn chổi hay nuôi lợn, sửa xe máy - như ông
cựu Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa -
mặc dù lương hưu không rủng rỉnh đến mức … chê tiền?
Nghe đồn một người ve áo bốn sao hai gạch (đại
tá) mà có biệt thự tọa lạc trong khuôn viên rộng cả nghìn mét vuông “đất kim
cương”.
Thế đất lưng tựa núi, mặt nhìn ra biển mà giới phong
thủy gọi là “tựa sơn, đạp thủy”.
Lại nghe nói trị giá mỗi mét vuông ngót nghét trăm
triệu đồng.
Nếu quả thế thì mấy “khúc củi” vừa bị cho vào “lò”,
cấp bậc còn “khủng” hơn cả hai gạch bốn sao, không biết họ có bao nhiêu?
Vậy thì quyền lực hay nhân cách tạo nên hấp lực của
cán bộ?
Câu trả lời là cả hai, mượn tạm quyền của dân rồi ỉm
đi, xem là của riêng mình, loại này chỉ tạo ra hấp lực với “ruồi muỗi”.
Nhân cách cao thượng, nói năng đàng hoàng, dẫu không
“đẹp trai” như hai ông cựu Bộ trưởng “nghề nông” và “nghề buôn”, dẫu các ông ấy
đã vui thú điền viên người ta vẫn kính trọng, vẫn không hết lời ca ngợi.
Hấp lực cũng như Lực hấp dẫn, là tương tác giữa ít
nhất hai đối tượng, đặc điểm của xã hội Việt Nam hiện đại là “quan” tìm đến
“doanh” và “doanh” tìm đến “quan”.
Giống như chế độ đa thê, “quan” là một “bộ phận không
nhỏ” còn “doanh” thì hầu hết.
Hệ quả của cuộc hôn nhân “quan - doanh” này cho ra đời
một loại tế bào mới “nửa quan, nửa doanh” giống như loài Nhân sư - nửa người,
nửa sư tử - trong thần thoại Ai Cập.
“Tế bào quan doanh” ấy không phát triển theo cách
thông thường - tức là sinh ra người - nó giống như tế bào ung thư, không biết
đang có nguy cơ hay đã di căn khắp xã hội.
Bên cạnh câu nói nổi tiếng của ông Thiếu tướng Nguyễn
Xuân Tỷ: “Làm cán bộ mấy năm
mà trong nhà có vài ba trăm tỷ đồng, thậm chí cả ngàn tỷ đồng thì lấy ở đâu ra
nếu không tham nhũng...” thì cũng có
người không ngại rút ra kết luận: “Từ “quan cỏ” đến “quan nhớn”, trong túi ít
thì vài ba tỷ, nhiều thì… không biết”.
“Không biết” là vì nhiều quá không đếm xuể chứ không
phải “vài đồng bọ” không bõ công đếm.
Lấy cái tít của Vietbao.vn “Biệt phủ của các lãnh đạo”
hỏi Google, nhận được hơn 11 triệu kết quả, xin liệt kê vài bài trong số đó:
“Vì sao quan chức lại có dinh thự, "biệt
phủ" xa hoa đến vậy?” (Vov.vn 16/6/2017);
“Điểm mặt những biệt phủ quan chức gây xôn xao dư luận
năm 2017” (Vtc.vn 01/01/2018);
“Có những nỗi đau mang tên “biệt phủ” ” (Congluan.vn
29/3/2018);…
Đến đây rõ ràng là biệt phủ càng
lớn thì “bình phương tài sản càng lớn” và do đó “Độ lớn hấp lực” của quan tiệm
cận đến “mo”.
Một khi hấp lực của quan mà “về mo” thì liệu có nên
tìm cái “lỗ nẻ”?
Hỏi thế vào thời điểm này có lẽ chỉ có người cùng đẳng
cấp với Bờm.
Thời nay, người như Trịnh Xuân Thanh, “Vũ nhôm” sắm
sẵn cái “thẻ xanh” chứ dại gì mà tìm “lỗ nẻ”, vợ con, gia sản đã ém sẵn ở nước
ngoài từ lúc còn khoác vai, nắm tay các “đồng chí chưa bị lộ”, nếu chẳng may
thành “củi” thì khóc, thì xin ra nước ngoài chăm sóc vợ con!
Không biết sắp tới khi xử “Vũ nhôm”, “Út trọc”, trước
tòa có ai sụt sùi xin tòa cho về chăm sóc người cao tuổi?
Để tránh đưa ra suy diễn một chiều về hấp lực của cán
bộ, xin trích ý kiến truyền thông:
“Tại sao CSGT (cảnh sát giao thông - chú thích) “dầm mưa, dãi
nắng” vẫn bị ghét?”. (Infonet.vn, 18/6/2015);
“Kỳ lạ: Ghét người giàu, không ưa cán bộ”.
(Nongnghiep.vn, 7/6/2017);
“Dân ghét các ông chủ tịch cậy thế, cậy quyền”.
(Vietnamnet.vn, 1/9/2017);
“Sao cứ nghĩ xấu cán bộ?” (Thanhnien.vn, 6/10/2017)…
Có một loại giống như Hấp lực, cũng có sức thu hút
người khác nhưng không phải phải bởi tài năng, đức độ mà từ sự lấp lánh kim
tiền, từ vị thế có thể có thể hái ra tiền hay tạo chỗ đứng trong xã hội, loại
lực ấy gọi là “Ma lực”.
Ngày xưa, Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài “Thói đời”
viết: “Thớt có tanh tao ruồi muỗi đậu; Gang không mật mỡ kiến bò chi”.
Ngày nay chẳng cứ quyền to, bé như “Vũ nhôm” nhưng lại
“nhiều màu”, thế là có “ma lực” khủng thu hút “ruồi muỗi”, có điều “ruồi muỗi”
ở đây không chỉ xăm trổ đầy mình mà lắm lúc còn cả cổ cồn ca-vát, ve áo có
không chỉ có sao vạch mà là nhành lá.
“Ma lực đồng tiền” mạnh đến mức hai doanh nhân trẻ là Phan Sào Nam (sinh
năm 1979) và Dương “phò mã” (sinh năm 1975) đủ sức biến hai vị tướng công an
ngang tuổi vào cỡ “lục thập nhi nhĩ thuận” thành “sâu nằm vùng” trong chính cơ
quan chống tội phạm Bộ Công an.
Không phải chỉ người có chức, ma lực đồng tiền đã
khiến không ít người dân “trồng rau hai luống”, lấy than tre làm thuốc chống ung thư,
trộn lõi pin vào phế liệu cà phê để bán kiếm tiền.
Nhưng vì sao một bộ phận không nhỏ cán bộ lại dễ bị
“Ma lực đồng tiền” cám dỗ đến vậy?
Trả lời câu hỏi này cần quay lại một chút thời xa xưa,
khi ấy lớp trẻ luôn được nhắc nhở phải “phấn đấu...”.
Một vận động viên chạy khi chạm đích là dừng lại, thậm
chí nằm vật ra vì đã bung hết sức để cán đích, đến đích rồi thì không cần cố
thêm gì nữa.
Nếu mục đích của “phấn đấu” chỉ là để vào một chỗ nào
đó, một vị trí chính trị nào đó thì sau khi vào rồi người ta chẳng còn động lực
nào khác, đó chính là nguyên nhân “phai nhạt lý tưởng, tự diễn
biến, tự chuyển hóa” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng cảnh báo.
Nếu “vào đảng để phấn đấu” thì việc vào đảng là tự
nguyện, là đơn giản, là không cần những thủ tục rườm rà nhưng sau đó là cả
chặng đường dài phấn đấu xây dựng một quốc gia “dân giàu, nước mạnh, xã hội
công bằng, dân chủ, văn minh”.
Việc xem xét kết nạp đảng viên ngày nay khá nghiêm
ngặt nhưng vì sao lại để lọt khá nhiều người thoái hóa, biến chất trong bộ máy,
kể cả ở cấp trung ương?
Phải chăng cần xem xét lại chiến lược phát triển đội
ngũ, cần người phấn đấu cho mục đích xây dựng một nhà nước “của dân, do
dân và vì dân” chứ không phải người “phấn đấu vào đảng”?
Những người phấn đấu không nhằm mục đích đó đương
nhiên sẽ nhằm mục đích khác, đó là tiền tài, danh vọng và một bản năng nguyên
thủy - duy trì huyết thống.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà
Nội) chẳng ngại ngần vạch rõ:
“Một
bộ phận không nhỏ cán bộ, lãnh đạo ở các địa phương biểu hiện chỉ quan tâm đến
phái nữ vì muốn có thêm vợ bé hay bồ nhí để quản lý khối tài sản khổng lồ do
tham nhũng mà có”.
Bà Khánh cho rằng chuyện này chỉ xảy ra ở “địa
phương”, thực ra chỗ khác chắc gì không có và mục đích cũng chẳng phải chỉ là
để “quản lý khối tài sản khủng”!
“Vợ bé hoặc bồ nhí” do ma lực của “khối tài
sản khổng lồ” thu hút chắc chắn không phải là người “trông xa thì tưởng
Thúy Kiều, nhìn gần mới biết người yêu Chí Phèo”.
Đó phải là “chân dài”, “gái nóng” (hot girl) như câu
chuyện “nâng đỡ không trong sáng gái nóng” ở tỉnh Thanh khiến ông “Phó tỉnh” bị
mất chức.
Đến nay người ta vẫn chưa hết băn khoăn, rằng chỉ mình
ông Phó Chủ tịch tỉnh “nâng đỡ” hay vẫn còn “đồng chí chưa bị lộ”.
Ngày xưa người ta bảo “gái ngoan tìm chồng”, ngày nay
“gái ngoan” bảo “cần gì chồng”, làm bồ quan vài năm có nhà lầu, ôtô, đời vừa
“sung” vừa “sướng”, “không tiền cạp đất mà ăn à”?
Thực ra, nếu người ta đến với nhau mà “không mất gì
của bọ” thì phê phán cũng nên tùy trường hợp.
Có điều, nếu làm quan mà “mang tiền cho gái” thì phải
nghiêm túc xem xét nguồn gốc khối tài sản đó và đương nhiên cả sự thiệt hại về
uy tín của cơ quan mà người đó lãnh đạo.
Còn một thứ ma lực khác, không nói đến chắc là khiếm
khuyết lớn, đó là các loại danh vị “ưu tú” “nhân dân” khen tặng các nghệ sĩ,
nhà giáo, thày thuốc, và hai loại học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư dành riêng cho
người dạy học.
Nếu không phải là ma lực, nếu chỉ là sự đánh giá công
lao của xã hội với nghệ sĩ, nhà giáo, thày thuốc thì vì sao người ta lại bất
chấp nhân phẩm để rồi bị gạt ra vì không đủ tiêu chuẩn?
Vì sao người ta lại phải cãi nhau, thậm chí cạch mặt
nhau chỉ vì một lá phiếu bầu?
Hấp lực và Ma lực viết tiếp chắc còn nhiều điều thú
vị, nhưng làm mất thời gian bạn đọc thế là quá đủ, xin phép quý vị tạm dừng.
Xuân
Dương
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire