Thư công dân gửi các đại biểu Quốc hội
Kính gửi các đại biểu Quốc hội
Kỳ họp thứ V Quốc hội khóa XIV sắp thông qua “Luật Đơn vị hành chính - kinh
tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc” (dưới đây gọi tắt là Luật Đặc
khu, viết tắt: LĐK).
Đây là điều chúng tôi hết sức bất ngờ và lo lắng. Trong thư này chỉ xin nêu khái quát ba điểm chính yếu.
1. Luật Đặc khu liên quan đến
độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia
Mô hình đặc khu hiện nay thể hiện trong
LĐK có nghĩa khác hẳn trước đây (như đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo), nó khiến
chúng tôi nghĩ đến hình thức đất “nhượng địa” hồi vào thời kỳ các nước Âu – Mỹ đi tìm đất thực dân:
nước thua trận hoặc không thể chống lại được buộc phải gán một phần lãnh thổ
cho một nước đế quốc trong một thời hạn hoặc vô thời hạn. Hiện tượng này tạo ra tình trạng một quốc gia mà hai, ba
chế độ. Những quốc gia này về sau độc lập nhưng cũng phải chật vật mới thu hồi
lại được những vùng đất của mình. Sự thôn tính bằng sức mạnh quân sự tạm gọi là
“sức mạnh cứng”. Hiện nay Trung Quốc là một cường quốc
đang lên, lại dưới một thể chế độc tài toàn trị, rất thèm khát mở rộng lãnh thổ, do vậy không loại trừ họ
sử dụng “sức mạnh cứng” của chủ nghĩa thực dân cũ.
Cũng từ khi kinh tế hàng hóa phát triển, có một hình thức đất thực dân khác
được hình thành do di dân. Điển hình nhất là người Hoa từ
Trung Quốc đại lục di dân sang các nước láng giềng làm ăn, tạo lập những khu phố
người Hoa, chiếm lĩnh và khống chế nền kinh tế khu vực, đặc biệt về công thương
nghiệp. Nước ta thời trước 1945 và ở miền Nam trước 1975 cũng là một trong những
nạn nhân của chủ nghĩa thực dân kinh tế như thế. Giới trí thức thời trước đã không ngừng cảnh tỉnh vấn đề
này. Nhà báo Đào Trinh Nhất viết hẳn một cuốn sách – cuốn Thế lực Khách trú
và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (1924), phân tích một cách sâu sắc nỗi nguy hại
của thương nhân người Hoa đối với hoạt động kinh tế vùng Nam Kỳ lục tỉnh. Nữ sỹ
Vân Đài viết ký sự Bốn năm
trên đảo Các Bà (thời đó, Cát Bà còn có
tên gọi là Các Bà), cảnh báo việc người Hoa độc chiếm các nguồn lợi hải
sản ở đảo Cát Bà và vùng Vịnh Hạ Long rồi lại bán thương phẩm sang Việt Nam, còn người Việt chịu bó tay vì không có vốn và kỹ thuật,… Sự thôn tính thuộc địa theo cách này tạm gọi là “sức mạnh mềm”.
Với những điều ghi trong LĐK, với những gì chúng ta thấy cách nhà nước và thương nhân Trung Quốc hành xử với chúng ta trong mấy chục năm qua,
đủ biết Trung Quốc sẽ giành được phần lớn đất đai và các lợi thế của đặc khu chứ
không ai khác. Và do vậy Việt Nam sẽ phải đối mặt với cả hai sức mạnh “cứng” lẫn
“mềm” nói trên của Trung Quốc.
Trong khi đó, Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là ba vị trí chiến lược trấn giữ ba cửa ngõ của ba vùng - Đông Bắc, Tây Nam và Trung Bộ - của nước ta.
Trong khi đó, chúng ta ở tình trạng không có khả năng đề kháng: thể chế bất
hợp lý, công chức yếu kém về chuyên môn, thoái hóa về đạo đức, lao động thiếu
việc làm sẵn sàng chấp nhận cả những công việc không lương thiện.
Người Hoa vốn thạo thương trường, quy luật “cường tân áp chủ” – khách mạnh lấn
át chủ) sẽ được phát huy trong đặc khu, và từ sức mạnh kinh tế họ sẽ thao túng
giới cầm quyền của đặc khu. Có nhiều người dự đoán chính quyền đặc khu có thể
trở thành con tin trong tay họ.
Giả sử khu vực đặc khu rất
phát triển, nhưng chỉ do những ưu đãi vượt trội thì cũng không thể kết nối được với khu vực còn lại của
đất nước. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… sẽ ra sao nếu “lạc hậu một cách thảm
hại” so với các đặc khu?
Về chính trị, xã hội, đặc khu
có luật lệ riêng, chưa kể
chủ tịch đặc khu có quyền đặc cách nhiều vấn đề, như vậy, chẳng bao lâu đặc khu
như là những quốc gia riêng biệt. Và nguy hiểm hơn, các “quốc gia” này lại nằm
trong lãnh thổ Việt Nam, dễ dàng để Trung Quốc khống chế và
gây hấn.
2. Cách làm dự án mang tính áp đặt, chưa có cơ sở khoa học nào
“Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân
Phong, Phú Quốc” là gì, Luật hay Dự án? Nếu đây là một dự
án kinh tế thì đó là vấn đề chính sách, còn tất cả luật lệ vẫn phải là luật lệ
chung của quốc gia. Theo một số luật gia, vấn đề 3 đặc khu hiện nay không phải
là đối tượng của pháp luật mà là đối tượng của chính sách. Vì nói đến luật là nói đến những
quy tắc xử sự chung cho mọi người, mọi cơ quan tổ chức, chỉ phân biệt lĩnh vực,
đối tượng chứ không phân biệt vùng miền. Chỉ có chính sách mới có thể phân biệt
vùng miền.
Theo sự hiểu của cá nhân tôi
thì đây là một dự án kinh tế. Và như vậy biến nó thành LĐK là sai hoặc không rõ ràng về
khái niệm. Nếu coi đây là một dự án thì dự án này có vấn đề bất cập về quy
trình.
Ở nước ta, một dự án thường bắt đầu từ ý tưởng của người lãnh đạo. Ý tưởng đó lẽ ra phải được giao cho những nhóm nghiên cứu, đánh
giá, sau đó là thảo luận với sự tham gia của những nhà khoa học và những người liên quan, đặc biệt sự phản
biện độc lập của các nhà khoa học, cuối cùng mới trình Quốc hội (nếu loại dự án phải trình Quốc hội).
Tuy nhiên bước ý tưởng lại trở thành ý chí, thành nghị quyết của cấp cao nhất, dẫn tới
hệ lụy “không thể không làm”. Có khi bàn cãi sôi nổi nhưng rút cục, khi đã là “ý chí của Đảng”, “chủ trương lớn của Đảng”
thì việc bàn cũng chỉ để bàn mà thôi. Chưa kể những người bàn lùi dễ bị quy kết còn những
kẻ dốt nát, dối trá và cơ hội lại có điều kiện tán dương, vẽ vời này nọ để được lòng cấp trên. Từ Bauxite đến Vinashin, Vinalines, Formosa,… đều như vậy. Và
thực tế đều đổ vỡ thảm hại: Vinashin, Vinalines đổ vỡ hoàn toàn, nhân dân è cổ
gánh chịu nợ nần; Formosa chưa đi vào sản xuất đã gây ra thảm họa môi trường khủng khiếp, còn
Bauxite như quả bom bẩn khổng lồ treo lơ lửng
trên đầu hàng triệu cư dân của khu vực, chưa kể là mấy năm qua đi vào sản xuất
chỉ có lỗ (theo báo chí đưa tin, trung bình mỗi ngày lỗ
1 tỷ đồng VN). Dự án Đặc khu, như bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho
biết, rằng “Bộ chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải
bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật”, như vậy, vẫn rơi đúng vào vết
xe cũ.
Việc “không trái Hiến pháp” chỉ
là một điều kiện được làm chứ không phải nên làm. Trong kinh tế
việc đầu tiên phải tính đến là hiệu quả. Hiện nay chưa ai tính được hiệu quả (và cả hậu quả) của từng đặc
khu sau 10 năm, 20 năm ra sao.
Mặt khác, Vân Đồn, Phú Quốc là
những huyện đảo lớn, hết sức giàu có về tài nguyên rừng và biển, lẽ ra nên phát
triển kinh tế theo hướng du
lịch, nghỉ dưỡng, bến cảng, nuôi trồng và đánh bắt hải sản, chứ không phải theo
hướng phát triển các ngành công nghiệp trong đó có nhiều ngành gây ô nhiễm.
Tóm lại, với những dự án làm
ăn lớn như vậy lẽ ra phải tính được hiệu quả (và hậu quả) trước rồi mới ra chính sách, luật lệ.
Những người trong cuộc hiện nay cũng còn hết sức tù mù
về vấn đề này mà lại đi ra quyết định thành lập đặc khu và ra luật lệ riêng cho
đặc khu, đó là điều cực kỳ nguy hiểm. Tại sao không lấy bài học từ Bauxite,
Vinashin, Vinalines, Formosa,… trong khi quy mô của dự án đặc khu lớn gấp bội.
3. Nghi vấn có sự “đi đêm”của
những người soạn thảo LĐK cùng nhiều bất
hợp lý khác
Ông Bộ trưởng Bộ KH - ĐT Nguyễn Chí Dũng nói “Dự thảo không
có một chữ nào về Trung Quốc” nhưng Điều 55 mục 4 đã dành một ưu tiên cho Trung Quốc dưới một cụm
từ trá hình: “Công dân của nước láng giềng
có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh sử dụng giấy thông hành hợp lệ nhập cảnh vào đặc khu Vân Đồn với mục đích
du lịch được miễn thị thực…”. Ngoài chỗ này biết đâu sẽ còn những chỗ khác được cài cắm một cách tinh vi hơn mà chỉ khi thực thi mới nhận ra được.
LĐK cũng có nhiều điều khoản
chứa hiểm họa về chính trị, kinh tế, môi trường và văn hóa cho Việt Nam. Ví dụ:
Điều 5, khoản 3: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này với các luật
có liên quan về cùng một nội dung thì áp dụng quy định của Luật này…”. Như vậy phải ưu tiên cho LĐK chứ không phải luật chung của quốc gia.
Điều 45 quy định nhiều khoản miễn thuế, miễn phí tiền thuê đất và mặt nước từ 3 – 30 năm mà quyền quyết định thuộc về chủ tịch đặc khu. Liệu các
nhà đầu tư từ những nước có truyền thống liêm khiết (như Nhật Bản) có cạnh
tranh nổi với những thủ đoạn “đi đêm” quen thuộc của người Tàu?
Điều 52, khoản 1: “Người nước ngoài nhập cảnh với mục đích vào đặc
khu được miễn thị thực với thời gian tạm trú tại đặc khu không
quá 60 ngày”. Như vậy người nước ngoài được vào đặc khu rất tự do.
Phần Phụ lục quy định rất nhiều ngành nghề được sản xuất, kinh
doanh, trong đó có mấy loại nghề dưới đây chứa đầy hiểm họa cho an ninh – quốc
phòng và môi trường:
- Khai thác và làm giàu quặng kim loại có sử dụng hóa chất độc hại; sản
xuất hoá chất, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; xử lý, tái chế chất thải;
nhiệt điện than, sản xuất cốc, khí hóa than. Và đặc biệt có cả điện hạt nhân
là cái mà Quốc hội đã từng bác bỏ (Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận).
- Kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ
trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên
dùng cho quân sự, công an…
- Mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; xuất khẩu di vật, cổ vật không
thuộc sở hữu nhà nước
- Kinh doanh casino. Đây là một dịch vụ nguy hiểm, vì đi liền với nó là các
băng nhóm xã hội đen, các dịch vụ kinh
doanh con người của thế giới ngầm. Nguy hiểm hơn, cả người Việt Nam cũng được
phép vào casino (Điều 54, khoản 2).
Kết luận, trước các tham vọng của Trung Quốc,
với một dự án kinh tế và luật lệ đặc khu thiếu cơ sở khoa học, với sự mở rộng
quá nhiều ngành nghề và quá nhiều sự ưu đãi, ba đặc khu –
cũng là tiền đồn quan trọng của quốc gia - sẽ trở thành nơi chứa đầy nguy cơ. Về an ninh, nó có thể trở
thành căn cứ quân sự trá hình của Trung Quốc. Về kinh
tế, nó là bãi rác cho Trung Quốc đưa vào những ngành nghề độc hại, gây ô nhiễm
môi trường, thậm chí phá hủy môi trường một khu vực rộng lớn, như đã từng xảy
ra tại Vũng Áng, hủy hoại cả một vùng bờ biển đẹp và giàu của đất nước.
Vì những lẽ trên tôi khẩn thiết
yêu cầu các vị đại biểu Quốc hội hủy bỏ dự luật về đặc khu. Nếu coi đây là một
dự án kinh tế thì nên làm lại từ đầu theo một quy trình khoa học, hoàn toàn
khác những gì trước đây đã làm.
Đào Tiến Thi
P.409, CT7, Chung cư Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire