09/06/2018

Luật Đặc khu và chuyện ‘chia rẽ quan hệ giữa ta với Trung Quốc’


 
Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng


Ngày 6.6.2018, báo Pháp Luật đăng bài “Tranh luận đặc khu, có người cố tình đẩy yếu tố Trung Quốc!” thuật lại cuộc trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng với báo chí bên hành lang Quốc hội. Bài viết này xin nêu các suy nghĩ của tác giả, trao đổi lại cùng ông Bộ trưởng.

Những dòng in đậm dưới đây được trích từ bài báo đó.


“Về việc dư luận phản ứng với việc thành lập đặc khu, trong đó có yếu tố ảnh hưởng của Trung Quốc đối với đặc khu Vân Đồn, Bộ trưởng Dũng nói: Trong dự thảo Luật không có một chữ nào về Trung Quốc hết. ‘Họ cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc’”.


Bộ trưởng Dũng nói đúng: “Trong dự thảo Luật không có một chữ nào về Trung Quốc hết”. Nhưng thưa Bộ trưởng, ông sẽ giải thích sao về một đoạn trong Điều 55 của dự thảo: “công dân nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh...”? Nước láng giềng đó là nước nào? Mà công dân họ có quyền sang Việt Nam với những điều kiện thị thực dễ dãi hơn so với công dân các nước khác?

Và, Bộ trưởng Dũng đã không đúng vì những người phản biện không “cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc” như ông nói. Người phản biện chỉ nhìn những gì đã xảy ra trong vòng năm chục năm nay giữa Trung Quốc với Việt Nam, kết hợp với nhìn những gì đang xảy ra, mà dự trù những gì sẽ xảy tới. Quá khứ là bài học cho tương lai vì chứa trong nó những thông tin để dự đoán tương lai, do đó người phản biện LO SỢ cho chủ quyền Tổ quốc. Không ai có thể “chia rẽ quan hệ giữa ta với Trung Quốc” bằng các trận chiến Trung Quốc đánh sâu vào lãnh thổ ta và giết trên trăm ngàn người trong cuộc chiến biên giới 1979, các trận hải chiến Hoàng Sa 1974, Gạc-Ma 1988, bằng các lệnh cấm đánh cá mà Trung Quốc áp đặt trên ngư trường truyền thống của Việt Nam, bằng xác ngư dân Việt bị họ giết phải chở về đất liền trong khoang đá lạnh...


“Không một ai có thể vào đây tự ý làm việc gì khi đất nước ta đang có chủ quyền...”.


Thưa Bộ trưởng, Việt Nam có chủ quyền không trên những hòn đảo Trung Quốc vừa đánh chiếm còn tươi màu máu chiến sĩ Việt Nam? Vợ con những chiến sĩ đó còn sống, thậm chí cha mẹ họ vẫn còn. Việt Nam có chủ quyền không khi Trung Quốc quân sự hóa những hòn đảo họ mới chiếm của ta vài chục năm trước? Việt Nam có chủ quyền không khi Trung Quốc đưa phương tiện họ vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam?


Mọi người đang hình dung tiêu cực. Mọi người đang đẩy thành vấn đề sợ Trung Quốc”.


Thưa Bộ trưởng, dân chúng đang rất lo ngại Trung Quốc. Từ mấy chục năm nay, Việt Nam ngày càng yếu thế hơn so với Trung Quốc, cán cân tương quan lực lượng ngày càng nghiêng về Trung Quốc. Xem các bài viết phân tich tình hình châu Á, Biển Đông của các tờ báo về Kinh tế, Quốc phòng của thế giới của châu Á, càng xem càng đau lòng và lo sợ.

Tôi tin những người này thực lòng yêu đất nước của cha ông để lại. Yêu nên lo sợ nó bị xâm phạm hay chiếm mất.

Thực lòng, Bộ trưởng không sợ sao?


"Cái gì cũng sợ thì không làm được” - Bộ trưởng Dũng nói và dẫn phát ngôn của Đặng Tiểu Bình khi thành lập đặc khu Thâm Quyến tại Trung Quốc năm 1989 là “Thôi, hãy làm đi, không bàn nữa”.


Chữ sợ của ông Đặng Tiểu Bình là sợ thành công hay thất bại về mặt đầu tư kinh tế. Thất bại thì chỉ mất tiền bạc, thời gian, công sức.

Chữ sợ của dân Việt trong dự án thành lập đặc khu lớn hơn nhiều. Họ sợ người Trung Quốc sẽ tràn vào các đặc khu có vị trí rất nhạy cảm về quốc phòng, cái sợ này xuất phát từ thực tế rằng chưa thành lập đặc khu, người Trung Quốc cũng đã ào ạt sang Việt Nam tại các vị trí dọc bờ biển trong đó nhiều vị trí hiểm yếu. Nay có đặc khu thì e không khác gì vỡ đê, người Trung Quốc ào sang trong khi, ở Việt Nam, đơn cử như chính quyền Khánh Hòa lúng túng xử không xong vụ cái áo hình lưỡi bò!

Dân Việt sợ các đảo đã bị Trung Quốc quân sự hóa đang uy hiếp nước ta từ bờ Biển Đông, sợ kết hợp giữa Biển Đông với các đặc khu một khi Trung Quốc đã khống chế các đặc khu... Nhiều nỗi sợ lớn lắm. Nếu Việt Nam thất bại thì mất lãnh thổ, mất chủ quyền, có thể mất cả văn hóa, dân tộc. Cái giá dân tộc phải trả nếu dự án thất bại là quá lớn, nên cái SỢ của dân Việt lớn hơn cái sợ của ông Đặng Tiểu Bình năm xưa gấp vạn lần, không thể so sánh được!


“Trong thiết kế luật không hề có chủ đích đánh đổi quốc phòng an ninh lấy kinh tế. Nguyên tắc số một khi thiết kế luật này là phải đảm bảo quốc phòng an ninh”.


Đồng ý với tuyên bố này của ông Nguyễn Chí Dũng. Mục tiêu Phát triển kinh tế và mục tiêu Bảo vệ chủ quyền liên quan chặt chẽ với nhau. Dân giàu hơn thì nước mạnh hơn và chủ quyền vững chắc hơn, và ngược lại. Vị trí rất nhạy cảm và then chốt trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của ba đặc khu cho thấy dự luật không thể xem nhẹ khía cạnh bảo vệ chủ quyền. Tôi đồng ý rằng đây chỉ là dự án kinh tế, không phải dự án quốc phòng. Nhưng nếu xem Bảo vệ chủ quyền là một giá trị cốt lõi của dân tộc thì dự án kinh tế nào cũng phải xem xét có chịu nguy cơ chủ quyền bị đe dọa hay xâm phạm hay không. Nếu có nguy cơ, chúng ta phải tìm cách loại bỏ nguy cơ hoặc đưa dự án vào vùng hoàn toàn an toàn trước khi tiến hành dự án. Nếu vẫn còn nguy cơ này thì nên bỏ dự án. Đây chính là mối lo và cũng là đòi hỏi của dân chúng, của các phản biện tràn ngập trên các trang mạng, trên các bàn cà phê tôi biết trong thành phố.

Tôi nghĩ chính quyền cần đối thoại với dân chúng, cần thuyết phục dân hoặc làm theo ý dân nếu không thuyết phục được. Về lý thuyết, chính quyền là Của Dân và Vì Dân. An dân là điều kiện quan trọng nhất để phát triển, và cũng là nhiệm vụ người dân đặt ra cho chính quyền!


Lê Học Lãnh Vân

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire