SAO CÓ TIẾNG SÓNG Ở TRONG LÒNG”
Tương Lai
Lê bước chân nặng nề ra khỏi phòng anh nằm, trong tôi trĩu nặng nỗi buồn vĩnh biệt mà nhói lên câu thơ chia ly của Thâm Tâm chìm sâu trong ký ức suốt hai phần ba thế kỷ.
Ngôi nhà Hạ Đình
Nguyên ở cạnh sông Sài Gòn. Tôi biết rằng đây là lần đến vĩnh biệt anh. Vào chiều
chủ nhật 1.7.2018 khi cùng Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu đến với anh trong ngôi
nhà ấy, anh chìa tay cho tôi, nắm rất chặt. Để xua bớt đi cảm giác nặng nề, tôi
đọc chệch câu thơ của Vương Duy thời thịnh Đường mà ngòi bút họ Hạ đã dẫn ra
trong bài viết phê phán thói cuồng chữ một cách ngô nghê của Tư S… “tây xuất Dương quan hữu [vô] cố nhân.
Một ánh mắt vui
thoáng qua trên gương mặt võ vàng của anh. Chắc anh hiểu tôi định nói gì với
anh vào cái thời khắc nghiệt ngã này. Đưa tay lên gỡ cái ống dẫn oxy, hình như
Hạ Đình Nguyên muốn nói gì đó nhưng chỉ nhếch môi rồi thôi, sức anh đã kiệt.
Đau đớn, chúng tôi cố nói thay anh vào những phút dường như anh đang tỉnh táo
nhất. Ngọn đèn lóe sáng lên trước khi tắt, Huỳnh Kim Báu giải thích.
Báu đứng dậy bước ra
khỏi phòng, tôi nấn ná thêm mươi giây rồi cũng phải bước theo. Bước chân thẫn
thờ trong nỗi niềm bâng khuâng day dứt “sao
có tiếng sóng ở trong lòng”! Mà nào đâu có thấy sông, thấy bờ, thấy nước
thì lấy đâu ra tiếng sóng! Càng không đòi hỏi điều không thể mà chàng sinh viên
cao học Triết của Đại học Văn khoa Sài Gòn thuở nao từng “triết luận”: “không ai thấy trọn một dòng sông”. Đúng
vậy, chẳng ai biết được rồi cuộc đời sẽ diễn tiến và kết thúc ra sao và con tạo
sẽ xoay vần theo cách nào. Cách nào thì cách, nhưng quyết không thể “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” được, bởi
đó sẽ là “sự
thức tỉnh cuối cùng” vì rằng, điều quan trọng không phải là chết như
thế nào mà là đã sống như thế nào.
Và tôi nhớ lại hình ảnh
của anh: “Ngồi cô đơn trong góc vườn nhà, cạnh
dòng sông, … nhìn mặt trời chiều đỏ ối như một khối lửa khổng lồ chụp xuống cuối
sông, cây cảnh phía dưới bắt đầu mờ dần… Không gian trở nên nặng nề tương phản
với khối lửa đè ở bên trên. Bỗng dưng xuất hiện trong tôi cái tựa đề “Một thời để yêu, một thời để chết”, tác
phẩm của Erich Maria Remarque…”. Hình ảnh ấy, tâm trạng ấy của Nguyên đã ám ảnh tâm trí tôi
suốt thời gian qua khi tôi tranh luận với anh về những ý tưởng trong “Một thời để yêu, một thời để chết” từ “cảm thán đôi điều” của anh với Tuyên bố
ngày 2.9.2017 của tôi “dứt bỏ mọi liên hệ
với đảng do Nguyễn Phú Trọng thao túng”.
Tôi
đã viết một bài ngắn chân tình trao đổi với anh những điều tôi đồng ý và những
điều chưa đồng ý mà anh đã viết với một chiều sâu ý tưởng cho dù rất đáng trân
trọng của một tầm vóc tư duy giàu chất triết lý : “Ai có tấm lòng thì tất phải đắng lòng,
dễ gì phôi pha một thời núi xương sông máu. U hoài thì phải có, nhưng sự và lý
cứ quấn chặt khó phân. Hẳn là vị Giáo sư muốn gợi lại ánh nắng nồng nàn của một
mùa thu năm xưa để làm điểm tựa cho sức sống mới hôm nay? Nhưng Mùa thu ấy đã
quá xa, lá vàng bao lớp, đầu bạc bao lần, và bạc ngàn nghĩa trang đầu xanh tuổi
trẻ. Một chàng hát rong như một kẻ tiên tri, vô tình nhả ra những lời dường như
phất phơ mà phù hợp: “Còn gì nữa đâu! Sương mù đã lâu!” (TCS). Chiếc thuyền nan
đã cũ, dù đã từng vượt qua những đoạn thác ghềnh, thì cũng không thể ra được biển
cả, nó không chở nổi tư duy của thời đại, huống là nó đã bị người “thao túng”!
Niềm tin thì thật là quý, nhưng nhà văn Erich Maria Remarque từng nêu ý kiến:
“Không nên bao giờ cứu vớt
những giấc mộng”.
Có lẽ vì “chiếc thuyền nan đã cũ” ấy
mà Hạ Đình Nguyên đưa ra những ý tưởng thật chân thành nhưng khốn nỗi, tôi chưa
được thuyết phục bởi ý tưởng chân thành ấy của anh: “Tôi ngưỡng mộ những người có tư tưởng đấu
tranh triệt để cho cái đúng và sai. Nhưng tôi không đặt trọn niềm tin về hiệu
quả của nó. Cái triệt để thuần lý nhấp nháy sáng như một vì sao xa trên bầu trời
tối đen, liệu có vạch được lối cho bước chân đi? Sự thành công và thành nhân
đang quyện vào nhau rất khó mà tự rạch ròi ”. Những lời tâm huyết như máu trào ra đầu ngọn bút của một tấm lòng ưu
tư về vận nước trong cái thế bế tắc. Tôi
hiểu ý anh muốn nhắc nhở tôi phải dứt khoát rũ bỏ quá khứ như anh đã “Thắp hương cho quá khứ” như tên một bài
viết bốn năm trước anh gửi cho tôi trong “cảm
thán đôi điều”.
Ngôn từ, ý tưởng và lập
luận của ngòi bút họ Hạ luôn có dáng dấp của những mệnh đề suy tư thấm đẫm chất
triết luận của câu chuyện “dễ
gì phôi pha một thời núi xương sông máu”.
Ấy thế mà, trong bài “Cuộc thảo luận lãng
mạn” anh lại viết : “Tôi nhớ hình ảnh những con chim én đang chao lượn trên bãi cỏ trước những
căn phòng cấm cố đìu hiu của nhà tù Côn Đảo thuở xưa. Cuộc thảo luận hôm nay lờ
mờ như tái hiện trong khung cảnh ấy”. Để rồi, hạ một câu chì chiết rất chua
chát: “Cũ lắm rồi, những chàng trai và cô
gái của nửa thế kỷ trước”!
Liệu có phải ở đây,
lúc này Hạ Đình Nguyên bị ám ảnh bởi cách nhìn về một hiện tượng lịch sử của
Jean Paul Sartre trong lời tưởng niệm Albert Camus: “Trong thế kỷ này, chống lại lịch sử, anh tiêu biểu cho con người hôm
nay - thừa kế truyền thống sâu rộng của các nhà văn đạo đức- tác thành tác phẩm,
có lẽ độc đáo nhất trong văn học Pháp."
Suy đoán mang tính chủ
quan này khiến tôi cảm thông với nỗi niềm ưu tư của Hạ Đình Nguyên, một người từng
nghiền ngẫm về luận đề “ý thức tự do và ý thức trách nhiệm” trong triết
thuyết hiện sinh của Sartre, tác gia tiêu biểu được người Pháp xem là “lương tâm thời đại” vì đã có ảnh hưởng lớn
đến đời sống tinh thần của giới thanh niên trí thức Pháp trong thế kỷ XX. Phải
gợi đến điều này vì tôi được biết có người đã nói đến Sartre khi đánh giá về tầm
vóc Hạ Đình Nguyên! Mỗi người đều có cách nhìn nhận và phẩm bình tùy theo cách
nhìn.
Với Hạ Đình Nguyên, bằng
sự lặng lẽ, khiêm nhường của một ngòi bút cẩn trọng và không kém phần uyên bác,
có lẽ anh sẽ nói rằng mình chỉ là người học trò của một triết gia được vinh
danh là một “trí thức toàn diện (intellectuel total)” theo cái nhìn
của Pierre Bourdieu, nhà xã hội học lớn của Pháp. Chắc Hạ Đình Nguyên có đọc
câu chuyện vể Sartre đi biểu tình : Khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp định bắt giam
J. P. Sartre vì "tội" xuống đường ủng hộ thanh niên biểu tình [mà hôm
nay đây ông Tổng Trọng ở xứ ta gọi là “toàn bọn bất hảo cả”] chống chiến tranh
Algérie, Tổng thống Pháp Charles De Gaulle đã nói với ngài bộ trưởng võ biền
ngu xuẩn ấy rằng: "Không ai bỏ tù Voltaire"!
Thế nhưng với anh, “Thành công là của số đông, thành nhân là chuyện của ít người. Mọi tiếng
nói góp phần cho cuộc đấu tranh chống xâm lược và độc tài đều cần thiết. Một hợp
âm mới tạo được một bài ca hay. Tiếng trầm, tiếng bỗng, tiếng lưng chừng đều có
vai trò và chỗ đứng của nó. Tôi nhớ một câu ca của một thời, là "Chờ
đợi nhau qua cầu đổ nát". Nó thấm thía và thâm trầm. Nhưng có người không thích
chờ đợi, cho là tiêu cực, muốn một mình cứ nhãy qua. Thế cũng tốt, hoặc là rất
tốt. Lịch sử đang tiến dần từng bước, là điều mà nhiều con người có thể tham dự.
Mơ chi, chờ đón chi, và tiên tri làm chi cho một cơn sóng thần mà mình chưa biết”.
Tôi mạo muội mà trả lời anh rằng, cái “cơn
sóng thần mà mình chưa biết” ấy thì lịch sử đã từng cho thấy. Chẳng những
thế, chính anh đã khẳng định đấy thôi : “lịch sử đang đi tới theo một cách
khác, nó đang chuyển dịch, như dòng sông có
bao giờ chảy thẳng đâu? Mỗi khúc quanh của
lịch sử đều có giá trị riêng của nó. Sự thay đổi là tất yếu, vì đó là yêu cầu
của dân tộc, vì sự tồn vong và phát triển.
[bài “Các Mác và Các Bác”].
Và rồi cũng chính anh đã rất tường
minh khi nhìn nhận về tiến trình lịch sử để nói rõ : “Lịch sử loài người là lịch sử đi tìm kiếm tự do, trên con đường đi tìm
kiếm, nó tự bổ sung và điều chỉnh. Lịch sử mỗi đời người cũng là lịch sử đi tìm
tự do, ở hình thái thấp nhất - hữu hình, ở hình thái cao nhất - trừu tượng.
Hình thái thấp nhất là thoát sự kìm chế của kẻ khác, hình thái cao nhất là
thoát khỏi sự kìm chế của bản năng”. Không chỉ nêu lên những mệnh đề có ý
nghĩa đúc kết, bằng sự kiện vừa xảy ra, ngòi bút của văn phong mang tính triết
luận trong “Quỹ đất và bảy phát súng của
Đặng Ngọc Viết” anh đã nói về một hành động bất ngờ của một sự kiện bùng nổ
có tính quy luật :
“Có lẽ trái tim của Viết đã đến độ đầy lên…Và anh đã hành động
theo cách triệt để, tận cùng…Sẽ có bao nhiêu Viết trong
nhân dân, khi mà mệnh lệnh “đất đai là của toàn dân” còn tiếp tục được ban ra
theo cách “kiên định”? Một con người bình thường, bỗng dưng trở nên chuyên nghiệp,
tỉnh táo và dứt khoát…”!
Bằng một phân tích rất mạch lạc, anh đã chỉ ra : “ Bảy phát súng nổ, tuy diễn ra ngắn ngủi
nhưng có vọng âm xa, sâu lắng, làm cho lương tâm con người trở nên ray rứt. Đặng
Ngọc Viết đã tự mình giải quyết dứt điểm, trọn vẹn suốt cả quy trình…, quỹ đất đã trở thành quỷ đất. Chúng sống bằng đất, ăn đất,
thở đất, phương phi bằng đất, trơn láng bằng đất, hãnh tiến, tự tin, hây hây uy
quyền, uy nghi cũng bằng đất…” .
Câu hỏi của Hạ Đình Nguyên đặt ra, vì
thế, rất quyết liệt và mang ý nghĩa cảnh báo.
Khi đặt ra câu hỏi “sẽ
có bao nhiêu Viết trong nhân dân” ngòi bút của người tù chính trị Côn Đảo nửa thế kỷ trước
mà anh tự phán rằng “cũ lắm rồi” ấy
đã trả lời cho câu tự vấn đầy mâu thuẫn của anh về “cơn sóng thần mà mình
chưa biết”. Chưa biết, thì như
anh đã tự giải thích, vì “nó
đang chuyển dịch, như dòng sông có bao giờ chảy thẳng
đâu? Và rồi cũng chính anh đã phân
tích rất rành rẽ : “Mỗi khúc quanh của lịch
sử đều có giá trị riêng của nó”. Để
rồi cũng chính anh đã rút ra kết luận chắc như đinh đóng cột : “Sự thay đổi là
tất yếu, vì đó là yêu cầu của dân tộc, vì sự tồn vong và phát triển”.
Vậy thì vì lẽ gì mà Hạ Đình Nguyên lại
tự phủ định chính cái mệnh đề có giá trị như một đúc kết về tính quy luật lịch
sử khi anh khuyên nhủ: “Mơ chi, chờ đón chi, và tiên tri làm chi cho một cơn
sóng thần mà mình chưa biết”. Câu này
đồng dạng với điều anh đã từng khẳng định : “cương quyết không đi theo ai, để đến cái nơi
mà mình không hề biết”! [“Một câu chuyện nhỏ-Đi theo mà không biết nơi đến”]. Có lẽ ở đây không phải khởi nguồn từ kiểu định lại giá trị
theo một cách khác như anh viết : “thế hệ trẻ hiện nay đang trị giá khác về các giá trị của thời đại
theo cách của họ!Không,ở đây là sự hoài nghi. Cũng
có thể là một cảm thức về sự “phi lý”
chăng?
Tôi biết rằng Hạ Đình
Nguyên từng nghiền ngẫm về chủ nghĩa hiện
sinh được định vị như hành trình đi
tìm bản thể của con người. Trong cảm nhận rất chủ quan và riêng tư của
mình, tôi nghiệm thấy bóng dáng của chủ
nghĩa hiện sinh bàng bạc và lẫn quất trong hình tượng, trong ngôn từ, trong
cảm thức của cây bút họ Hạ. Ở
đó, phi lý như một cốt lõi của thân
phận và dấn thân theo nghĩa chỉ có hành động và qua hành động con người mới
thật sự tự do, mới tạo được bản chất của mình. Một nét khá độc đáo
của Hạ Đình Nguyên, như ai đó đã viết, là
người am hiểu về Phật giáo khá sâu sắc, anh không
những đọc Thiền mà còn hành Thiền qua công việc, qua sinh hoạt
bình thường hằng ngày, và qua cả những bài viết xã luận của anh về vấn đề thời
sự. Vì vậy, trong lập luận của mình, tuy rất vững vàng, khúc chiết nhưng lại nhẹ
nhàng như gió thoảng mây bay theo phong thái của một người tu hành thoát tục.
Đó là nói về phong cách viết.
Nhưng cho dù chỉ là phong cách viết
thì cũng đừng quên quan điểm của Jean Paul Sartre về chuyện này: “ bất cứ anh đến
với chữ nghĩa bằng phương tiện nào, dù anh có những tư tưởng như thế nào, văn
chương cũng vẫn dồn anh ra mặt trận. Viết tức là một cách nào đó muốn có tự do,
và nếu anh đã bắt đầu viết, thì dầu muốn dầu không, anh phải dấn thân”.
Và
Sartre khẳng định một cách dứt khoát : “một nhà văn chỉ thực sự dấn thân khi hắn
ý thức được một cách sáng suốt nhất và toàn diện nhất về sự nhập cuộc, tức là
hắn có thể chuyển hắn cũng như chuyển người khác từ trạng thái dấn thân bộc
phát sang dấn thân suy nghĩ. Nhà văn là kẻ trung gian tuyệt vời và sự dấn thân
của hắn là hoá giải. Chẳng ai bắt anh chọn nghề văn. Vậy sự tự do đã có ngay từ
đầu: anh là nhà văn, là bởi vì anh tự do quyết định cầm bút. Nhưng ngay sau đó,
thì có cái này: anh trở thành kẻ mà những người khác coi là nhà văn, thế có
nghiã là anh phải đáp ứng một số yêu cầu và dù muốn dù không, anh có một phận
sự xã hội. Và như vậy, bất cứ anh muốn chơi nước cờ nào, thì anh cũng phải đi
từ bình diện mà độc giả nhìn anh".
Chính ở đây, Sartre minh định thật rạch
ròi khái niệm “dấn thân” và “cung cách dấn thân” của người cầm bút :
“Nhà văn trình bày cho xã hội thấy hình ảnh của nó, hắn cảnh
báo cho biết nó phải chịu trách nhiệm hoặc phải sửa đổi. Nếu thay đổi, nó sẽ mất
đi cái ổn định xây dựng trên sự ngu dốt; nếu đong đưa giữa hổ thẹn và xy-ních,
nó trở thành ngoan cố. Như thế nhà văn trao cho xã hội một thứ conscience malheureuse (ý thức bất hạnh hay tự vấn đớn đau) và do đó hắn
không ngừng phải đối đầu với những lực lượng bảo thủ, đang cố giữ cân bằng xã hội
mà hắn tìm cách chao đảo”. Vậy thì khi đã dấn
thân bằng ngòi bút của mình, nếu “cương quyết không đi theo ai, để đến cái nơi mà mình không hề biết”
thì phải tự xác định cho mình cái nơi mà mình muốn đến để bằng ý chí và sức mạnh
của khối óc và trái tim của mình để đi tới đó. Bởi lẽ, cái đáng sợ không phải
là cái chết mà cái đáng sợ chính lànhững
gì đã chết trong trái tim và khối óc của con người, khi người ấy vẫn còn sống,
vẫn đang sống! Cho nên,không phải là phi lý khi Camus tuyên bố “thứ được coi
là lý do để sống cũng là lý do tuyệt vời để chết”.
Cũng
chính vì vậy, theo nhận thức của tôi, với Jean Paul Sartre, chủ nghĩa hiện sinh được nhìn nhận như một
chủ nghĩa nhân bản. Và rồi nhân bản đã nằm trong bản chất triết lý nhân
sinh của Albert Camus hướng về thân phận con người, khởi nguồn từ “phi lý”, dẫn đến “nỗi loạn” và đạt tới “tự do”.
Tất thảy thấm đẫm trong ngôn từ, hình ảnh, nhân vật trong các tác phẩm của Camus,
người được nhìn nhận như là nhà văn nhân
bản và sáng suốt nhất của Pháp trong thế kỷ XX. Hiểu như thế nên
tôi rất băn khoăn cách giải thích của Hạ Đình Nguyên về một ý tưởng xuất thần
vào lúc anh ngồi cô đơn bên bờ sông cạnh nhà : “Một thời để yêu là những cách
chết và sự buồn thảm, ngoài những khoảnh khắc thăng hoa của những ‘cơn lên đồng’
nhưng đáng trân trọng”. Khái
niệm “lên đồng” và thuật ngữ “cơn lên đồng tập thể” hình như được ưa
chuộng trong những cây bút muốn phủ định một thực tế lịch sử nào đó. Chuyện ấy
thuộc quyền tự do biểu đạt của người cầm bút về cuộc sống và những cảm nhận của
họ. Mỗi người đều có cách chịu trách nhiệm về những điều mình nói và viết mà những
luận điểm của Sartre tôi dẫn ra ở trên có thể là những gợi ý tham khảo cần thiết.
Và Sartre, dù là một “intellectuel total”, trí thức toàn diện, thì cũng đã
là của quá khứ, thuộc phạm trù lịch sử.
Thế nhưng, lịch sử là cái đã xảy ra, nó tồn tại ngoài những mong
muốn chủ quan của con người. Không ai có thể phủ định lịch sử vì rằng, nếu một
thế hệ ngoảnh mặt lại với lịch sử sẽ là một thế hê không có quá khứ và cũng chẳng
có tương lai. Vì, nói như Voltaire “Lịch sử là gì? Đó là tiếng vọng của quá khứ trong tương lai và
là ánh phản chiếu của tương lai trên quá khứ”. Chẳng thế mà Marcel Proust, tác giả của
“Đi tìm thời gian đã mất”, được đánh
giá là nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ XX. Tạp
chí Time đã đưa cuốn Đi tìm thời gian đã mất vào
vị trí thứ 8 trong danh sách những cuốn
sách vĩ đại nhất mọi thời đại. Năm 1995, tuần báo Pháp L'Evenement du Jeudi
cùng Đài phát thanh và Trung tâm văn hóa Pompidou ở Paris đã tổ chức một cuộc
thăm dò ý kiến để chọn 10 cuốn sách văn học Pháp hay nhất cho thế hệ năm 2000.
Kết quả là cuốn Đi tìm thời gian đã mất được xếp vào vị trí thứ
nhất.
Gợi đến việc “đi tìm thời gian đã mất” là để nói rằng, việc rọi chiếu một ánh
sáng mới vào quá khứ để có một nhìn nhận đúng đắn và nghiêm túc luôn được xem
là minh chứng của một xã hội văn minh, một ứng xử văn hóa. Việc phủ định sạch
trơn mới đích thực là sự bốc đồng trong một cơn co giật bệnh hoạn, và cũng chỉ
là một biểu hiện nhất thời của sự nông nổi thiếu hiểu biết. Tính cụ thể-lịch sử
là một đòi hỏi rất khắt khe cho việc nhìn nhận và đánh giá một thời đoạn, một sự
kiện, một trào lưu cho đến một nhân vật lịch sử. Thì chẳng phải Hạ Đình Nguyên
đã xác định rất minh bạch đó sao: “ Lịch
sử không biết lên tiếng cãi vã, lịch sử dường như nằm im đấy, nhưng vẫn tồn tại
bền bỉ”.[Đi về đâu hỡi em]. Chình vì thế tôi nghĩ rằng “gợi lại ánh nắng nồng nàn của một mùa thu
năm xưa để làm điểm tựa cho sức sống mới” [Cảm thán đôi điều chuyện…] như
anh đã viết cho tôi là điều hết sức cần thiết cho dù “mùa thu ấy đã quá xa, lá vàng bao lớp, đầu bạc bao lần”. Bởi lẽ, “không có một nền văn minh hiện tại nào thực
sự có thể hiểu được nếu không hiểu biết những hành trình đã đi qua, những giá
trị cũ và những kinh nghiệm đã sống. Một nền văn minh bao giờ cũng là một quá
khứ, một quá khứ sống động nào đó. Do đó, lịch sử một nền văn minh là sự tìm
tòi trong những tọa độ cũ, những tọa độ mà ngày nay vẫn còn giá trị”.
[Fernand Braudel. “Tìm hiểu các nền văn
minh”].
Cho nên việc gì mà “không nên bao giờ cứu vớt những giấc mộng”
nhỉ? Một khát vọng sống luôn gắn liền với những ước mơ. Thuật ngữ “những giấc mộng” hàm chứa trong nó những
ước mơ ấy. Ước mơ có thể là viễn
vông, trong trường hợp đó thì nên gạt bỏ, nhưng nếu ước mơ đó là một lực đẩy thì phải biết cách làm cho nó
mãnh liệt hơn vì như ai đó đã nghĩ rất đúng: Đừng để tuột mất
ước mơ hay khát vọng của bạn. Vì nếu điều đó xảy ra, bạn có thể vẫn tồn tại nhưng
bạn đã ngừng sống mất rồi. Đấy là cách hiểu của tôi về khát vọng
sống được Hạ Đình Nguyên gọi là những giấc
mộng, trong đó luôn ấp ủ và nung nấu đòi
hỏi tự do gắn liền với trách nhiệm. Mà vì thế, tôi quay trở lại với triết
lý hiện sinh của Sartre cũng theo cách hiểu của tôi để hiểu rõ thêm về người mà
tôi quý mến mà ai đó đã có nhã ý gắn tên tuổi và sự nghiệp của bạn tôi với Jean
Paul Sartre. Tôi hiểu rằng, Sartre đặt con người trước tự do và trách nhiệm của
mình. Với Sartre, tự
do luôn luôn đi đôi với trách nhiệm, trách nhiệm là điều kiện của tự do.
Từ hai điều kiện tiên quyết: tự do và trách nhiệm này, nẩy sinh khái niệm thứ ba là nhà văn dấn thân. Dấn thân theo nghĩa nhà văn phảisống với thời đại của mình, phải có trách nhiệm đối với xã hội, đối
với con người. Phải đau nỗi đau của
con người và phải chỉ ra những gì phải thay đổi trong thế giới con người. Và Hạ Đình Nguyên đã dấn thân. Ngòi bút của anh lại xông xáo
quyết liệt cho đến lúc tay anh không còn nhấc lên được nữa.
Anh viết : “Mọi tiếng nói góp phần cho cuộc đấu tranh chống
xâm lược và độc tài đều cần thiết. Một hợp âm mới tạo được một bài ca hay. Tiếng
trầm, tiếng bỗng, tiếng lưng chừng đều có vai trò và chỗ đứng của nó” [Cảm
thán đôi điều chuyện…]. và rồi, dường như anh không kìm nổi sự phẫn nộ trào lên
đầu ngọn bút vốn rất mượt mà : “Lịch sử không muốn đùa dai với một vở kịch có quá nhiều kịch
tính và nhiều hình thái huê dạng diễn mãi trên sân khấu đất nước, đang làm nhão
sức sống của cả dân tộc. [Một cụm từ hay...]. Rồi 21 phát đại bác rất khét mùi lừa mị …
Trọng lại mang về 15 văn kiện vừa ô nhục, vừa phi pháp. Formosa như cái đinh
đóng vào tên phản chúa Juda.
Cái
hồn ở Ba Đình biến mất, thay vào đó là cái tên làng Hoành ở xã Đồng Tâm, làm
cho cả nước đồng tâm hướng về với cả tấm lòng thân thương và kính mến. Đồng Tâm
không phải là nơi kết thúc, dĩ nhiên rồi, mà là nơi khởi đầu ý chí với ý nghĩa
đơn giản mà chân lý. Đó là quyền sống thiêng liêng của người dân. Nó căn bản và
bất di bất dịch… máu có loang ra thì nó thấm đẫm vào lịch sử, không thể nào che
giấu hay rửa sạch để biện minh cho những kẻ cầm đầu. Máu ấy sẽ thông dòng với mỗi
người dân Việt. Lịch sử không dừng lại hôm nay…Nhưng lịch sử vẫn đang chuyển dịch
từng giây từng phút theo cách của nó.[Mất
cả niềm tin].
Thế rồi, Hạ Đình Nguyên dẫn ra rất đắt
lời của Karl Marx có tính cập nhật rất quyết liệt:
“Chế độ này là vở hài kịch to lớn của thế giới mà tất cả những anh hùng của nó
đều đã bị khai tử. Lịch sử tiến bước và sẽ không bỏ sót một ai. Nó sẽ đi qua những
sân khấu mà chung cuộc sẽ vất bỏ những chế độ lạc hậu vào nghĩa trang. Sân khấu
cuối cùng mà lịch sử vừa mới bước qua là cả một vở bi hài kịch khủng khiếp” .[Các Mác và Viêt Nam hôm nay].
Anh Nguyên ơi,
Những suy tư về lịch sử của anh thấm đẫm
ý nghĩa dấn thân một cách đầy trách nhiệm.
Với anh, dấn thân theo nghĩa chỉ có hành động và qua hành động con người mới thật sự tự do, mới tạo được
bản chất của mình.Khát
vọng tự do của người tù chính trị Côn Đảo trong
anh gắn liền với hành động. Một ngẫu
nhiên có dáng dấp định mệnh chăng khi anh đảm đương trách nhiệm trong cương vị Chủ tịch Ủy ban hành động đấu tranh
sinh viên Sài Gòn?
Trong suy tưởng đậm tính tâm linh ấy,
tôi đau xót vĩnh biệt anh, người bạn tôi yêu mến và kính trọng.
Sài Gòn ngày 6.7.2018
*Những ý tưởng và trích dẫn về Jean
Paul Sartre và Albert Camus trong bài có tham khảo thêm của Thụy Khuê.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire