25/07/2018

Sau Hà Giang, công bố hàng loạt sai phạm ở điểm thi Sơn La


(PL)- Kết quả thẩm định cho thấy có năm cán bộ tham gia chỉnh sửa, thay đổi kết quả điểm thi THPT tại tỉnh Sơn La.


Trưa 23-7, sau năm ngày làm việc liên tục, tổ công tác của Bộ GD&ĐT cùng Bộ Công an đã công bố thông tin về kết quả thẩm định điểm thi THPT tại tỉnh Sơn La, khẳng định nhiều bài thi có dấu hiệu bị chỉnh sửa, tẩy xóa.
Ông Mai Văn Trinh thông tin với báo chí về kết quả chấm thẩm định điểm thi tại Sơn La. Ảnh: T.PHAN

 
Sáu sai phạm nghiêm trọng


Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), bằng các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ, tổ công tác phát hiện sáu sai phạm quy chế thi tại hội đồng thi Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La.

Thứ nhất, hội đồng thi sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi, chưa biết đem đi đâu và ai cho phép.

Thứ hai, tổ chức quản lý khu vực chấm thi trắc nghiệm lỏng lẻo, không đúng quy định; phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không có niêm phong; khóa phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không đúng quy định; các thùng đựng phiếu trả lời trắc nghiệm niêm phong không đúng quy định.

Thứ ba, quy trình nghiệp vụ chấm thi trắc nghiệm không đúng quy định.

Thứ tư, máy tính dùng chấm thi không được niêm phong. Thời điểm kiểm tra, máy tính này được sử dụng bình thường tại phòng làm việc của chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La.

Thứ năm, một số phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh có dấu hiệu bị sửa chữa.

Thứ sáu, việc bàn giao bài thi giữa các điểm thi với hội đồng thi, bảo quản bài thi trắc nghiệm tại hội đồng thi, bàn giao bài thi giữa ban thư ký với ban làm phách không đảm bảo quy định.

Đối với môn ngữ văn, hội đồng chấm thẩm định đã chấm lại 110 bài nghi vấn có dấu hiệu điểm cao bất thường. Kết quả có 12 bài có điểm thấp hơn so với chấm lần đầu từ 1 điểm trở lên, trong đó có một bài điểm thấp hơn 4,5 điểm so với chấm lần đầu.

Đối với các môn thi trắc nghiệm, cơ quan chức năng của Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La đã chủ trì phối hợp với tổ công tác, bước đầu thấy có dấu hiệu vi phạm quy chế thi, nhất là ở khâu chấm thi. Cụ thể là có dấu hiệu sửa bài thi trắc nghiệm của một số thí sinh (sửa phiếu trả lời trắc nghiệm); ảnh bài thi trắc nghiệm đã bị tẩy xóa và ảnh bài thi trắc nghiệm xuất ra dữ liệu gửi về Bộ GD&ĐT để chấm bài là hoàn toàn giống nhau.


Ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, một trong năm cán bộ có liên quan đến những sai phạm chấm thi.

PGĐ Sở GD&ĐT có liên quan


Qua xác minh ban đầu, cơ quan chức năng xác định có năm cán bộ liên quan đến những sai phạm nói trên. Đó là ông Trần Xuân Yến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, ủy viên Ban chỉ đạo thi, Phó Chủ tịch Hội đồng thi, Phó Trưởng ban thường trực ban chấm thi, tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm.

Ngoài ra còn có bà Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, thư ký Ban chỉ đạo, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm); bà Cầm Thị Bun Sọn (Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm); ông Đặng Hữu Thủy (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, ủy viên tổ chấm trắc nghiệm) và ông Lò Văn Huynh (Phó Trưởng phòng Khảo thí, ủy viên Ban chỉ đạo, ủy viên Hội đồng thi, Trưởng ban Thư ký).

Chia sẻ sau cuộc họp, ông Mai Văn Trinh cho hay bản thân ông rất buồn. “Sự việc ở Sơn La là bất thường, xấu xí nhưng tổng kỳ thi ở các địa phương là tốt. Tôi đã năm đêm mất ngủ, hai đêm chập chờn. Chúng ta không dung túng sai phạm nhưng phải tìm ra sai phạm ở đâu, rút ra bài học kinh nghiệm, cải tiến về mặt kỹ thuật. Về đề xuất lắp camera trong phòng thi, chúng tôi sẽ cân nhắc để đưa vào quy chế cứng. Với năm cán bộ tham gia làm sai phạm, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm. Chúng tôi sẽ làm đến cùng để trả lại công bằng cho thí sinh” - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng khẳng định.

Cũng theo ông Trinh, từ những sai phạm tại hội đồng thi Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La và một số địa phương khác cho thấy mặc dù quy trình tổ chức thi chặt chẽ, việc triển khai thực hiện tại các địa phương với những con người cụ thể là rất quan trọng, có tính chất quyết định đến tính nghiêm túc, độ tin cậy của kỳ thi. Bộ GD&ĐT cùng các địa phương sẽ tiếp tục rà soát một cách nghiêm túc, trung thực để kịp thời xử lý các sai phạm (nếu có) và rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn các kỳ thi tiếp theo.


Con cháu lãnh đạo có được nâng điểm?


Trả lời câu hỏi trên, ông Mai Văn Trinh cho hay khi xác minh sai phạm, tổ công tác không đặt rõ không gian là thí sinh nghĩa vụ hay con cháu của lãnh đạo.

“Chúng tôi không quan tâm việc này để làm việc khách quan. Chúng ta nên thông tin chính xác để không làm tổn thương các thí sinh và các đồng chí lãnh đạo. Chúng tôi xử lý các thí sinh là như nhau, việc xử lý sẽ theo quy chế thi” - ông Trinh tiếp tục khẳng định.

Theo ông, con số 110 bài ngữ văn rút ra chấm thẩm định là nhóm điểm cao có dấu hiệu bất thường, không biết thí sinh đó là con ai hay có thuộc tốp cao cả nước hay không.

Ông Trinh cũng cho rằng thời gian rà soát điểm thi ở Sơn La dài hơn Hà Giang, chứng tỏ việc không hề đơn giản, do vậy không nên so sánh mức độ giữa hai địa phương.

Một vấn đề khác được báo chí rất quan tâm là trách nhiệm của lực lượng thanh tra khi để xảy ra những sai phạm trên. Ông Tống Duy Hiến, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, cho biết Bộ đã điều hai cộng tác viên từ ĐH Xây dựng lên thanh tra chấm thi ở Sơn La. Nhiệm vụ của họ là thanh tra toàn bộ quy trình chấm thi, bao gồm cả chấm tự luận và trắc nghiệm; công tác chỉ đạo của trưởng ban chấm thi; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các thành viên ban chấm thi. Còn trực tiếp thanh tra ở tổ chấm thi trắc nghiệm là cán bộ thanh tra của Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, tổ công tác của Bộ GD&ĐT đã yêu cầu cả ba thanh tra chấm thi giải trình về quá trình thực hiện nhiệm vụ, hiện chưa phát hiện dấu hiệu sai phạm hay làm chưa hết trách nhiệm của các cán bộ này.


Vẫn xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH tạm thời
Với môn ngữ văn, hội đồng chấm thẩm định quyết định sử dụng kết quả chấm của 110 bài thi để thay thế cho kết quả chấm công bố ngày 11-7. Kết quả mới này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp năm 2018.
Với các bài thi trắc nghiệm, tạm thời vẫn công nhận kết quả thi môn trắc nghiệm của thí sinh được công bố ngày 11-7. Kết quả này tạm thời vẫn được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH. Cơ quan chức năng tiếp tục điều tra để xác định dấu hiệu sai phạm sửa bài thi trắc nghiệm của một số thí sinh. Khi có kết quả điều tra, việc xử lý điểm thi của thí sinh liên quan sẽ thực hiện theo quy chế. Điểm thi mới đó sẽ là điểm chính thức của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Bắt tạm giam bị can thứ hai ở điểm thi Hà Giang
Cùng ngày 23-7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam ba tháng đối với ông Nguyễn Thanh Hoài, trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục - Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 356 BLHS. Trước đó, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, ông Nguyễn Thanh Hoài được phân công là phó trưởng ban chấm thi, trưởng ban thư ký hội đồng thi.
Như vậy, sau ông Vũ Trọng Lương, phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục - Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, ông Hoài là bị can thứ hai được xác định có trách nhiệm trực tiếp trong việc can thiệp, chỉnh sửa bài thi THPT tại tỉnh Hà Giang.
Bộ GD&ĐT hỗ trợ các trường kiểm tra và… đuổi học
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho hay các trường ĐH, CĐ, trung cấp có quyền đề xuất và thực hiện tuyển sinh nếu cần thiết, trên tinh thần tự chủ. Nếu các trường đề nghị kiểm tra đầu vào các thí sinh có dấu hiệu điểm bất thường, Bộ GD&ĐT sẵn sàng hỗ trợ. Quá trình kiểm tra mà phát hiện sai phạm, thí sinh trúng tuyển rồi vẫn sẽ bị đuổi học.


HÀ PHƯỢNG - TUYẾN PHAN

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire