14/12/2018

Chó - người bạn Trung thành, Cao thượng…


Thiện Tùng

Trang web Pear Video của Trung Quốc cho biết, ở Nội Mông (TQ), chú chó đã ngồi trước cỗng chờ đợi 80 ngày kể từ khi người chủ qua đời hôm 21/08/2018. Đối với Tùng tôi việc nầy không lạ, chỉ thêm sự việc cảm xúc đối với mình mà thôi. 

Chú Chó vẫn chờ đợi 80 ngày từ khi chủ chết - Ảnh Sina Weibo


Tên gọi loài chó nói chung không có gì thanh bai : chó, cẩu, khuyển, tuất, cún, cầy…

 Có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, xấu mặt đẹp nết còn hơn tốt người”. Tuy tên không mấy thanh bai, nhưng : “Người đối với người đôi khi còn vật đổi sao vời, chớ chó đối với người một mực chung thủy”-  đó là điều người viết nghe/thấy và tâm đắc.

Chó nhà / Chó săn / Chó cảnh



Chó có thể chia làm 3 loại: Chó nhà- nuôi để giữ nhà; Chó săn- nuôi để đi săn; Chó cảnh (kiểng). Chó nhà như một cận thần, luôn trung thành đối với chủ. Người viết kể 4 mẫu chuyệt về những con chó nhà mà mình từng nghe nghe/thấy:


1/  Bích La - trinh sát 4 chân

Khi tôi 10 tuổi, một ngày nào đó tôi không còn nhớ, Tây ruồng đốt nhà dân lửa cháy rực trời. Sau khi Tây rút mọi người về xúm nhau chữa lửa. Chữa xong cha tôi ôm về một con chó mới mở mắt. Ông nói: “Của người ta cho, mẹ nó là con chó săn, đẻ được 4 con, làm ổ trong kẹt bồ lúa. Khi nhà cháy, nó tha ra được con nầy  rồi xông vào lửa chẳng những không cứu được 3 con còn lại mà chết cháy chung với chúng”.

 Nói thế rồi ông giao cho tôi chăm sóc con chó con mới mở mắt nầy. Hàng ngày chỉ nước cơm chan với nước cá kho thay sửa mẹ, thế mà nó khỏe mạnh, lớn nhanh như thổi. Cha tôi đặt cho nó cái tên ngộ nghĩnh Bích La (nói lái là 3 lít).

Có lần cha tôi ngấm nghía rồi vạch lưỡi con Bích La ra xem, ông trầm trồ khen: “Con chó nầy tốt, mặt thỏ mõ dơi, có bớt đen ở lưỡi, nếu rắn độc cắn không chết, nuôi nó chỉ có lợi”. Cha tôi nói thế, nhưng tôi cho rằng ông nói như vậy để thúc mình chăm sóc cho con chó thôi. Không ngờ, cha tôi nói đúng, 2 lần nó bị rắn hổ cắn, không thuốc men mà nó không chết, chỉ vài bữa lành vết thương.

Không như chó cảnh theo sau chủ, bất cứ đêm hay ngày, mỗi khi cha tôi ra khỏi nhà con Bích La như một vệ sĩ, chạy tới lui quan sát đường và hộ tống cha tôi. Nó không biết nói nhưng biết nghe, phân biệt được ai thương hay ghét nó. Có chuyện lành, chuyện vui nó ngoắt đuôi, uốn éo cái mình. Có chuyện không lành nó cụp đôi, xừng lông, gầm gừ, mắt láo liên.

Thời  Đệ nhứt “VIệt Nam Cộng hòa”, cha tôi làm Giao liên mật cho cán bộ “nằm vùng”. Mỗi khi cán bộ về muốn qua lộ giao thông, cha tôi rờ đầu con Bích La và chỉ tay về hướng lộ là nó chạy lùng sục hai bên dường rồi về ngay. Hễ nó cụp đuôi, gầm gừ và xây đầu về hướng nào thì hướng đó không ổn, và hễ nó ngoắt đuôi, uốn éo là bình yên vô sự. Khi bắt đầu đi, nó chạy trước, cha tôi dẫn cán bộ đi sau, chỉ cần nhìn cử chỉ vệ sĩ Bích La  mà quyết định nên lui hay tới. Ba bốn năm trời, cha tôi sử dụng con Bích La  an toàn trong việc đưa rước cán bộ. Không chỉ cha con tôi mà hầu hết cán bộ qua lại vùng nầy đều thương mến con Bích La. Ngay trong bữa ăn không hề quên phần cho nó.

Trong những tháng ngày đầu Đồng Khởi, sau khi đi công tác về, đội Biệt động chúng tôi thường  bung ra đồng trống ngủ cho dễ quan sát, con Bích La chạy vòng rộng thám thính. Hễ phát hiện có động nó chạy về cắn áo quần gọi thức, nó xây đầu về hướng nào thì hướng đó có địch. Nếu đánh nó cùng ở, nếu rút nó chạy trước thám thính đường. Phải nói nhiều lần chúng tôi thoát hiểm nhờ con Bích La.

Lúc bấy giờ nhà tôi trở thành chốt Giao liên, do tuổi già sức yếu, cha tôi thử tập để sử dụng con Bích La đi chuyển thư. Một bữa nọ, anh Thiết, Bí thư Huyện; anh Minh, Bí thư Xã và tôi, đội trưởng Đội biệt động thị trấn. Trước sự chứng kiến của con Bích La, cả 3 ngồi cách xa nhau, tôi cầm bao thư màu trắng, anh Thiết bao thư màu vàng, anh Minh bao thư màu xanh rồi lần lượt đến giao cho cha tôi. Sau đó cha tôi giao từng cái bao thư cho Bích La rồi  khoát tay bảo nó trả lại cho từng người. Ban đầu nó hơi lộng cọng, làm đôi ba lần nó quen, trả lại chính xác cho từng người. Thế rồi, cha tôi dẫn nó đến từng  địa điểm (chổ ở) của từng chúng tôi. Từ đó mỗi khi có thư của người nào, cha tôi bỏ vào bao thư màu của người đó, giao cho Bích La ngậm miệng chạy giao thư và nghậm biên nhận đem về. Từ đó thư giao nhanh và chính xác ngoài sức tưởng tượng. Có điều, nếu không gặp chủ thư đích thực, thì nó đem về chớ không giao cho bất cứ ai.

Về sau, hoạt đông của cha tôi bị lộ, nhà cầm quyền cho truy lùng, cha tôi cùng con Bích La lánh xuống rừng già xã Thạnh Phong. Nhà cầm quyền mở cuộc càn lớn hàng ngàn quân mang tên Phượng Hoàng TG.1 (Tiền Giang 1) đánh vào vùng căn cứ Cách mạng chẳng những của huyện Thanh Phú mà của tỉnh Bến Tre. Cha tôi và con Bích La rút sâu hơn vào rừng. Sau cuộc càn, chú Tư tôi tìm đến thăm và tiếp tế. Chú tôi dẫn con Bích La về nhà mình, từ đó con Bích La liên lạc thư từ tới lui và nhận tiếp tế bằng cách, mỗi lần một ít lương thực, thực phẩm, thuốc men cột vào thân nó mang về cho cha tôi.

Cả tuần thấy con Bích La không tới, chú tôi vào rừng thăm. Cha tôi đau nặng, con Bích La tó chân ngồi cạnh. Cha tôi qua đời, Chú tôi chôn cha tôi tại chỗ rồi dẫn con Bích La về nhà cho ăn uống. Sáng ra thấy mất nó, Chú tôi tìm khắp nơi không thấy nó, vội vào rừng, thấy nó nằm cạnh mộ cha tôi. Chú tôi dụ nó về, từ đó nó chạy tới lui mộ cha tôi. Vắng mấy ngày không thấy nó, Chú tôi vào rừng thấy nó nằm chết thê thảm bên mộ cha tôi. Chú tôi chôn xác nó cạnh mộ cha tôi. Sau nầy khi lấy cốt, tôi lấy cả cốt con Bích La về chôn cạnh mộ phần cha mẹ tôi.


2/ Con Chó 514

514 là biệt số của tiểu đoàn chủ lực tỉnh Mỹ Tho xưa (nay Tiền Giang). Tiểu đoàn nầy có nuôi con Chó, dùng nó trong việc liên lạc, trinh sát. Nó có biệt danh “Chó 514”. Khi thấy nó xuất hiện nơi nào người ta biết 514 về đóng quân gần đâu đây. Sự hiện diện con chó 514 làm lộ “bí mật quân sự”.  Đóng quân ở đâu, Tiểu đoàn cấm không cho nó chạy lung tung.

Con Chó 514 khôn hết chỗ chê: Khi đóng quân, nó rảo hết xem đại đội nào đóng ở đâu rồi trở về túc trực  bên cạnh Ban chỉ huy tiểu đoàn. Cần gì đến các đại đội, BCH viết thư, đưa vào miệng nó ngậm chạy giao nhanh đến tận nơi. Ngay ngoài chiến trận, nó luôn bám công sự với BCH tiểu đoàn, cần liên lạc với các đại đội, BCH tiểu đoàn viết mấy chữ, nó nghậm thư băng qua lửa đạn giao tận nơi.

Bữa nọ, Tiểu đoàn 514 đóng quân ờ xã Mỹ Hạnh Đông (Cai Lậy), con Chó 514 lội qua Kinh Cũ để giao thư cho đại đội 1. Thấy con chó hì hụt lội sang kinh, gã chài vọt xuồng tới, dùng cây dầm chém vào cổ con chó nó nhào lộn và chết ngay. Gã đem con chó về rủ bè bạn làm thịt nhậu.

Biết được chuyện nầy, anh em ở tiểu đoàn 514  xách súng truy tìm gã chài nầy để trị tội “giết con Chó như giết một chiến sĩ”. Gã nầy tạm lánh ra thành, để lại bức thư: “Tôi tường chó hoang mới làm vậy. Nếu biết nó là chó của 514 đời nào tôi dám… xin các anh thứ lỗi, tha tội”. Đọc thư các anh bộ đội 514 chỉ bớt giận.


3/ Ông già Ba Tri  thuyết về chó

Vợ chồng ông Nguyễn văn Quảng và bà Lê thị Cường ở Xóm Tre, Phương 5, TP Mỹ Tho, trong chiến tranh  gia đình ông bà là nơi chấm chân, nơi trụ và là nơi xuất phát của những ai hoạt động cách mạng ở thành phố nầy. Ông bà đều là đảng viên “Đảng Nhân dân Cách mạng  Miền Nam”.

 
Xóm Tre - Ảnh minh họa


                      


Ông Quảng và bà Cường là người chân chất, thẳng ngay. Sinh con muốn nó như mình, gắn cho chúng tên Hiền và Lành.



Hiền là một “ngòi nổ” trong phong trào đấu tranh của sinh viên Học sinh Sài gòn- Chợ Lớn thời Đệ nhị “Việt Nam Cộng hòa”. Sau khi tốt nghiệp Đại học, Hiền bị cưỡng vào trường Đại học Võ bị Đà Lạt, ra trường mang hàm chuẫn úy.



Lành học hết trung học tham gia Du kích hoạt động ven Thành. Sau 30/04/1975, Lành được phong hàm thiếu úy, cử làm trường Công an khu vực thuộc Phường 8 TP Mỹ Tho.



Đúng là nghịch cảnh:  



- Vì gia đình có công với Cách mạng và có người em thiếu úy Công an khu vực, Hiền chỉ học tập cải tạo có 7 ngày và được cho vào làm ở phòng Công nghiệp TP Mỹ Tho.



- Vì có người anh chuẫn úy VNCH, Lành bị buộc thôi việc Công an, tự tìm việc khác. Buồn quá, Lành ra Vũng tàu tắm biển. Công an làm khó dễ sao đó, Lành bất bình tìm cách trốn sang Australia (Úc).



- Hiền bị buộc thôi việc vì có người em (Lành) trốn vượt biên. Khoảng hai năm sau, Hiền cũng tìm cách trốn sang Úc.



- Ông Quảng và bà Cường, người ta không khai trừ Đảng nhưng không mời sinh hoạt Đảng. Bà Cường buồn lâm bịnh qua đời.



Hiền và Lành trốn vượt biên, Công an Phường 5 gần như thường xuyên hỏi Ông Quảng : “Hiền và Lành đang ở đâu?”.

Bực quá, ông Quảng dùng sơn viết  chữ to trên tường: “Hiền và Lành đang ở Úc”.



Mãi đến năm 1989,  Hiền và Lành về  VN trước thăm cha, sau dự giỗ mẹ. Có Hiền và Lành về, lần nầy ông Quảng làm giỗ bà Cường khá  hơn thường lệ, có mời chòm xóm và lãnh đạo Phường 5. Giỗ đãi trưa, ai “chịu chơi” ở lại lai rai đến đêm càng tốt. Đêm đã khuya, với giọng lè nhè, trường Công an phường 5 đưa ra sáng kiến: 

- Ông Năm (thứ của ông Quảng) nuôi chi đến 3 con chó cho tốn cơm. Hay là trước khi Hiền và Lành lên đường, ta thịt 2 con nhậu một bữa cho thỏa chí tang bồng?.

- Gì chớ việc ấy không được đâu! Tôi thương chúng như con. – ông Năm Quảng nói.

- Ông không nghe người ta nói “vật dưỡng nhơn sao”?.

- Nhơn cũng phải dưỡng vật nữa chớ? – ông Quảng vặn lại.

Không khí trở nên nặng nề, để có sự cảm thông, ông Quảng giải bài với giọng trầm buồn: “Nuôi con gì cũng vậy, khi đã mến tay mến chân thì không nỡ nào thịt nó. Mấy con chó nhà nầy khôn và trung thành đúng mực, ngoài bắt chuột, chúng còn giữ nhà, giữ vườn…, hễ nghe tiếng động, chúng bung ra săn lùng, gầm gừ nhưng không hề cắn ai. Con nào cũng vậy, bảo ăn thì ăn, chưa bảo đứng đó liếm mép. Người ta thường nói “giành ăn như chó”, nhưng chó nhà nầy không hề giành ăn – phần con nào nấy ăn, không ăn con kia không hề rớ. Ngay cả ngủ, chỗ con nào nấy nằm không hề chen lấn. Con mẹ của chúng đã chết còn khôn gắp mấy: mỗi lấn tôi với bả bịnh, bà nằm giường trong, tôi nằm ở bộ ván nầy, nó luôn chạy tới chạy lui thăm chừng, thấy ai nhắm mắt nằm im, nó chồm lên liếm chân, mở mắt ra nó mới chịu xuống – có lẽ nó sợ người ấy chết. Cả 2 ngày, tôi với bả nằm liệt, lo cho mình không xong, có cho nó ăn gì dâu, thế mà nó không hề rời nhà. Những ngày tôi với bả bịnh, vẻ mặt nó buồn hiu, khóe mắt ghèn mới chồng lên ghèn cũ. Thương xót hơn, nó đẻ mới hơn mười bữa, bịnh bỏ ăn nằm thoi thóp. Tôi rờ đầu nó rang nhướng mắt ra, ứa lệ. Nó chết để lại 3 con vừa mở mắt. Tôi với bả gói xác nó đem chôn ở sau vườn. Nước cơm với đường thay sữa mẹ, tôi với bả cực khổ nuôi dạy chúng lớn khôn như ngày nay”.

Ngồi lặng giây lâu, chẳng ai nói gì, ông Quảng nói tiếp: “Theo tôi được biết ‘chó không ăn thịt chó, người ăn thịt chó chớ chó không ăn thịt người’. ‘ người đối với người đôi khi còn vật đổi sao dời, chớ chó đối với người một mực chung thủy’ dù chủ mạt lộ. Không như thời chiến, thời ‘đô thị hóa’ nầy, nhưng nơi hẻo lánh như ở đây ít ai lui tới. Tôi  sống như ông Từ ở chùa, khi rảnh nhờ có mấy con chó, giỡn chơi với chúng cũng khuây khỏa”.

Có lẽ chán không muốn nghe ông già Ba Tri (1) thuyết về Chó nữa, những người có mặt lần lượt cáo lui.


4/ Bài diễn văn về con Chó



Người hàng xóm làm chết con chó nhà bên cạnh, chủ đem việc đó kiện ra Tòa. Luật sư của chủ con chó chết là Georga Graham Vest, trong phiên tòa đã đọc bài diễn văn nổi tiếng đến mức phóng viên Wiliam Safire của báo The New York Times đã bình chọn là “Bài diễn văn hay nhứt thế giới trong một ngàn năm qua



Nôi dung bài diễn văn về con chó:

<< Thưa quý hội thẩm,

Người bạn tốt nhứt của con người có được trên thế giới nầy có thể một ngày nào đó trở thành kẻ thù và quay ra chống lại ta. Con cái nhà ta nuôi dưỡng với tình yêu thương hết mực rồi có thể là một lũ vô ơn. Những người gần gũi, thân thiết với ta nhứt, những người ta đã gởi gắm hạnh phúc và danh dự có thể trở thành kẻ phản bội, phụ bạc lòng tin cậy và sự trung thành của ta.



Tiền bạc mà con người có được sẽ mất đi, nó mất đi đúng lúc mà ta cần đến nó nhứt. Danh dự, tiếng tăm của con người cũng có thể tiêu tan bởi một hành động dại dột của ta trong một phút chốc. Những kẻ phủ phục, tôn kính ta khi ta thành đạt có thể là những kẻ đầu tiên ném đá vào ta khi ta sa cơ lỡ vận.



Trên thế gian ích kỷ nầy, con người chúng ta chỉ có được một người bạn hoàn toàn không vụ lợi, một người bạn không bao giờ bỏ rơi ta, không bao giờ tỏ ra vô ơn hay tráo trở với ta, đó là con Chó của ta.



Con Chó của ta luôn ở bên cạnh ta trong lúc ta phú quý hay bần hàn, khi khỏe mạnh hay lúc ốm đau. Nó ngủ trên nền đất lạnh dù gió rét buốt da, cắt thịt hay bão tuyết dập vùi, miễn sao được cận kề bên chủ. Nó hôn bàn tay ta khi chúng ta không còn chút thức ăn gì cho nó. Nó liếm vết thương của ta và những trầy xước mà ta hứng chịu khi va chạm với cuộc đời tàn bạo nầy. Nó canh giấc ngủ của ta như thể canh một ông Hoàng hay dù ta là một gã ăn mày. Dù khi ta khuynh gia bại sản hay thân bại danh liệt thì vẫn còn con Chó trung thành, với tình yêu nó dành cho ta như vầng Thái dương trên bầu trời.



Nếu chẳng may mà số phận gạt bỏ ta ra ngoài rìa xã hội, vô gia cư, không bạn bè thì con Chó trung thành của ta chỉ xin ta một ân huệ là cho nó được đồng hành, cho nó được làm kẻ bảo vệ ta trước hiểm nguy, giúp ta chống lại mọi kẻ thù. Và khi cuộc đời ta hạ màn, thần chết đến rước linh hồn ta đi, vúi xác ta trong lòng đất lạnh, khi tất cả thân bằng quyến thuộc đã phủi tay sau nắm đất cuối cùng và quay đi để sống tiếp cuộc đời của họ, thì khi ấy, vẫn còn bên nấm mộ ta con chó cao thượng của ta, nó nằm gục mõm giữa hai chân trước, đôi mắt ướt buồn vẫn mở to cảnh giác, trung thành và chân thực với ta ngay khi ta đã chết rồi >>.



                                George Graham Vest



Chó là vậy đó – Xin hãy bớt ăn thịt chó?



13/12/2018

   T.T



Chú thích
(1) Ông Già Ba Tri là khen chớ không phải chê. Ba Tri là một huyện của tình Bến Tre. Thời Pháp  thuộc, một ông lão từ huyện Ba Tri đội sớ đi bộ ra triều đình Huế kiện đám quan lại địa phương.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire