Phạm Đình Trọng
07-12-2011
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Nhìn về Quê Mẹ ruột đau chín chiều
Nhìn về Quê Mẹ ruột đau chín chiều
Ca dao
QUỐC HỘI – QUYỀN LỰC CỦA NHÂN DÂN
Với xã hội, quan chức Nhà nước được nhìn nhận ở vị trí quyền lực Nhà nước, ở hàm cấp trong hệ thống thang bậc công chức. Ông Phó Chủ tịnh phường. Ông Chủ tịch huyện. Bà Vụ phó. Ông Viện trưởng. Bà Bộ trưởng. Ông Thủ tướng. Ông Chủ tịch nước…Đó là những quan chức thực sự, những người được Nhân dân trao cho quyền lực điều hành bộ máy Nhà nước phục vụ Nhân dân. Quan chức thực sự phải thực sự là công bộc của Dân. Quan chức là làm. Làm để phụng sự Dân.
Đại biểu Quốc hội, dù là Chủ tịch Quốc hội đi nữa, với xã hội, cũng không phải là quan chức. Đại biểu Quốc hội chỉ có một chức danh cao cả, một quyền lực lớn lao là Đại Biểu Nhân Dân. Cùng là Đại Biểu Nhân Dân thì không có đại biểu lớn, đại biểu nhỏ, đại biểu cấp trên, đại biểu cấp dưới. Chức danh trong Quốc hội chỉ để xác định vị trí, phạm vi trách nhiệm trong việc tổ chức, điều hành hoạt động của Quốc hội, không phải là thang bậc quan chức công quyền.
Quan chức Nhà nước được Nhân Dân trao cho quyền lực Nhà nước thì Đại biểu Quốc hội mang ý chí của Dân tạo ra hành lang pháp luật cho quyền lực đó hoạt động. Người Dân được làm mọi việc pháp luật không cấm thì Quyền lực Nhà nước chỉ được làm những việc pháp luật cho phép. Đại biểu Quốc hội thay mặt Dân giám sát chặt chẽ mọi việc làm của quyền lực Nhà nước trong phạm vi cho phép đó.
Quan chức là làm thì Đại biểu Quốc hội là nghe, nói và phán quyết. Người Dân phải được thực sự chọn ra, cử ra tiếng nói của Dân. Từ Nhân dân, từ cuộc sống trở thành Đại biểu của Dân mới gắn bó với Dân, gắn bó với cuộc sống phong phú của đất nước, mới biết lắng nghe Dân, lắng nghe tiếng nói của cuộc sống và đến nghị trường mới dám nói tiếng nói của Dân, nói tiếng nói của cuộc sống, phán quyết theo ý chí của Dân và theo đòi hỏi của cuộc sống.
Hơn thế nữa, Đại biểu Quốc hội còn phải đại biểu cho sự tiến bộ, đại biểu cho sự phát triển xã hội, đại biểu cho xu thế thời đại. Đại biểu Quốc hội không thể nói tiếng nói mòn cũ, trì trệ, lạc lõng của cuộc sống, không thể nói tiếng nói nhỏ nhen, cục bộ của nhóm lợi ích, càng không thể nói tiếng nói của quyền uy Nhà nước ngược ý chí Nhân Dân, ngược xu thế thời đại.
Xã hội phát triển cao là xã hội có sự phân công phân minh, rạch ròi, mỗi người chỉ có một vị trí trong xã hội, chỉ làm một việc của xã hội và phải làm việc có tính chuyên nghiệp cao. Một Nhà nước hướng về Dân, xác định rõ mục đích phục vụ Dân, là công bộc của Dân thì Nhà nước đó phải được tổ chức phân minh, rạch ròi, độc lập giữa ba nhánh quyền lực: Quyền lực Nhân Dân, Quyền lực Nhà nước, Quyền lực Pháp luật. Đó là ba nhánh Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Không thể vừa là quan chức hành pháp lại vừa là người lập pháp, tự tạo ra hành lang pháp luật để thoải mái tung hoành, rồi lại vừa là người giám sát sự tung hoành đó. Một người sắm ba vai như vậy thì vai nào cũng hời hợt, không đến nơi đến chốn, không thể tròn vai, không thể chuyên nghiệp và điều tệ hại hơn là quyền lực không được giám sát, mặc sức lộng hành không có giới hạn và hoàn toàn vô trách nhiệm, người Dân không được bảo vệ trước sự lộng hành của quyền lực.
Quyền lực Nhà nước cai trị Dân và sự cai trị đó luôn luôn có xu thế lạm quyền. Quốc hội sinh ra là để giám sát và ngăn chặn sự lạm quyền đó. Vì thế Quốc hội phải thực sự của Dân. Người Dân phải được thực sự chọn ra, bầu ra Đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội phải từ Nhân Dân, từ cuộc sống nóng bỏng sinh động chứ không thể từ quan chức, từ bộ máy hành chính quan liêu xa Dân diệu vợi, lạnh lùng vô cảm với cuộc sống người Dân. Chỉ khi đó Quốc hội mới thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất của người Dân, người Dân mới được thực sự làm chủ đất nước thông qua Quốc hội. Chỉ khi đó Quốc hội mới mang vóc dáng Nhân Dân, khí phách Nhân Dân, mang hơi thở cuộc sống.
MỘT THỰC TRẠNG: QUỐC HỘI KHÔNG MANG VÓC DÁNG NHÂN DÂN
Từ yêu cầu, đòi hỏi, từ sứ mệnh, trọng trách của Đại biểu Quốc hội như vậy chúng ta mới thấy Quốc hội của ta không hề có vóc dáng Nhân Dân, không hề mang khí phách Nhân Dân. Nhìn những gương mặt Đại biểu Quốc hội chúng ta thấy rõ Quốc hội từ khóa II đến khóa XIII chỉ là cơ quan đảng, cơ quan Chính phủ mở rộng. Quốc hội sinh ra chỉ để tạo thêm cho đảng cộng sản, cho nhà nước cộng sản một cơ quan quyền lực cai trị Dân, áp đặt ý chí của đảng cầm quyền cho xã hội, hoàn toàn không phải là cơ quan quyền lực của Dân để ngăn chặn và giám sát sự lạm quyền của quyền lực Nhà nước!
Tính số tròn, dân số Việt Nam đến hôm nay là chín mươi triệu người, đảng viên cộng sản chỉ có ba triệu người, những người cộng sản chỉ chiếm hơn 3% dân số. Nhưng 500 Đại biểu Quốc hội khóa XIII của nhiệm kì 2011 – 2016 vừa bắt đầu, có tới 458 Đại biểu là đảng viên cộng sản. Hơn 3% dân số chiếm hơn 90 % ghế trong Quốc hội! Một sự bất công ngang nhiên ở ngay cơ quan lập pháp, nơi xác lập kỉ cương, công bằng xã hội! Một sự coi thường Dân đến đau lòng, đến xấu hổ! Chỉ một con số khách quan đã chứng minh Quốc hội đó là Quốc hội của một đảng chứ đâu phải của toàn Dân! Toàn bộ thành viên cơ quan thực quyền cao nhất của đảng Cộng sản là Bộ Chính trị và Ban Bí thư đều là Đại biểu Quốc hội. Ban chấp hành Trung ương đảng có 175 ủy viên chính thức thì 84 ủy viên Trung ương đảng, một nửa Ban chấp hành Trung ương đảng tràn vào Quốc hội, chiếm ghế trong Quốc hội! Số người là công chức trong bộ máy hành pháp chiếm ghế Đại biểu Quốc hội, chiếm chỗ trong cơ quan lập pháp còn đông hơn nữa! Thành phần Quốc hội như vậy mà ông Tổng Thư kí Hội đồng bầu cử Quốc hội khóa XIII vẫn mạnh miệng tuyên bố: Thành phần cơ cấu Đại biểu Quốc hội phản ánh tính đại biểu rộng rãi cho các thành phần Nhân Dân! Trời ơi, Hội đồng bầu cử Quốc hội mà nói như vậy thì họ còn biết gì đến nỗi đau, nỗi tủi của Dân khi ngước nhìn Quốc hội, nhìn cơ quan quyền lực của Dân đã bị đánh tráo thành cơ quan quyền lực của đảng!
Tính đại biểu rộng rãi cho các thành phần Nhân Dân chỉ là hình thức. Với tính hình thức đó, Quốc hội chỉ mang tính Mặt trận, là phiên bản của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, nơi gặp gỡ vui vẻ của những người được trở thành Đại biểu và tiêu tốn quá nhiều tiền thuế của Dân nhưng không nói tiếng nói trung thực của cuộc sống, không nói tiếng nói khẩn thiết của Dân!
Quốc hội không còn là cơ quan quyền lực của Nhân Dân để Nhân Dân làm chủ đất nước, Quốc hội chỉ để hợp pháp hóa ý chí của đảng cầm quyền áp đặt cho xã hội, vì thế con số ít ỏi, tỉ lệ nhỏ nhoi người Dân có mặt trong Quốc hội không còn có vai trò thực sự của Đại biểu Quốc hội nữa mà chỉ mang tính tượng trưng để Quốc hội có đủ thành phần xã hội. Từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy buồn.
NHỮNG ĐẠI BIỂU KHÔNG ĐẠI BIỂU CHO AI
Đại biểu Quốc hội mang bộ mặt quan chức bề trên không thể gần Dân, hiểu Dân, không thể là đại biểu của Dân. Chuyển vai, như một diễn viên chạy xô, lúc là quan chức nhà nước, lúc là Đại biểu của Dân nhưng không có lúc nào mang khuôn mặt Nhân Dân. Chuyển chỗ, lúc ở cơ quan quyền lực nhà nước, lúc ở cơ quan Quốc hội, không có lúc nào trở về cuộc sống của thân phận người Dân, không hiểu được cuộc sống thực lo toan của người Dân, không hiểu được cuộc sống thực sinh động của đất nước. Mang bộ mặt quan chức, mang tư duy quan chức đi tiếp xúc cử tri mà không lắng nghe Dân, chỉ ham ban phát những lời huấn thị, dạy bảo mòn cũ của bề trên với thần dân. Những chuyến đi về với Dân của những quan chức Đại biểu Quốc hội đó chỉ là một thủ tục chiếu lệ, một vai diễn nhạt nhòa. Đi mà không đến. Nhìn mà không thấy. Gặp gỡ, tiếp xúc mà ngàn trùng xa cách!
Không được cử ra, chọn ra người thực sự đại biểu cho mình, Người Dân chỉ còn là những robot cầm lá phiếu đi bầu cử dưới sự điều khiển của chiếc remot trong tay đảng cầm quyền, bỏ phiếu cho những người do đảng cử. Vài người Dân ít ỏi được đảng cử hoặc được đảng cho phép ra ứng cử không cần là tinh hoa của Dân, không cần nói tiếng nói của Dân, chỉ cần có mặt để có “tính đại biểu rộng rãi cho các thành phần Nhân Dân”!
Ngay sau ngày đất nước thống nhất, một cô công nhân quét rác ở Sài Gòn đã được đảng chọn cử làm Đại biểu Quốc hội. Thật là một hình ảnh lung linh về “tính đại biểu rộng rãi cho các thành phần Nhân Dân” trong Quốc hội! Thật là một minh chứng hùng hồn về chế độ xã hội chủ nghĩa dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư bản chủ nghĩa như lời véo von của bà Doan, Phó Chủ tịch nước! Còn những trí thức có tầm cao của trí tuệ và có sự lo toan của trách nhiệm công dân, nỗi lo toan đã vượt lên trên cái riêng để canh cánh với những vấn đề của Dân, của nước, những trí thức có kiến thức lập pháp, có tư duy độc lập, có sự đồng cảm với số phận đất nước, số phận Nhân Dân muốn mang nỗi trăn trở của cuộc sống, của Nhân Dân vào Quốc hội thì hãy nhìn tấm gương nhà khoa học Nguyễn Phúc Giác Hải và luật sư Lê Quốc Quân, những trí thức tự ứng cử Đại biểu Quốc hội liền bị đưa ra tổ dân phố cho những người lạ hoắc ở đâu đến tự nhận là cư dân trong tổ dân phố xưng xưng đấu tố, quyết liệt đặt điều bêu xấu mà người bị đấu tố không được nói lại! Để rồi người tự ứng cử ngoài dự kiến, ngoài đề cương kịch bản của đảng liền bị Hội đồng bầu cử thẳng tay loại khỏi danh sách ứng cử!
Với cách đề cử, ứng cử đó, người ngay thẳng, có tâm, có tầm, ra ứng cử đường hoàng đã bị loại bỏ, số ghế ít ỏi trong Quốc hội dành cho người Dân trở thành cái đích đến cho những cuộc chạy đua như người ta vẫn ào ào chạy chức, chạy quyền, chạy án, chạy trường, chạy điểm, chạy bằng cấp, chạy chức danh và chạy vào hội Nhà Văn Việt Nam! Những cuộc chạy đua để “Quốc hội phản ánh tính đại biểu rộng rãi cho các thành phần Nhân Dân”
Cuộc chạy để “Quốc hội phản ánh tính đại biểu rộng rãi cho các thành phần Nhân Dân” đã đưa hai chị em ruột, hai chủ doanh nghiệp đình đám, cổ phiếu lớn, của cải nhiều, tiền bạc sẵn đều trở thành Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Đại biểu chị, đại biểu em này có xứng đáng là Đại biểu của Dân không, xin hãy xem vai trò Đại biểu Quốc hội của họ.
Tại kì họp vừa qua trong phiên Quốc hội chất vấn Thủ tướng, khi các nghị sĩ đều hỏi Thủ tướng về những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, của an nguy đất nước thì Đại biểu em đứng lên sau khi cao giọng tán tụng Chính phủ đã thực hiện rất tốt chống lạm phát và duy trì tăng trưởng liền đặt câu hỏi cũng chỉ để đề cao người được hỏi: Xin hỏi Thủ tướng có định hướng gì và có lời khuyên cho gì doanh nghiệp chúng tôi nên đầu tư vào lĩnh vực nào? Một Đại biểu như vậy rõ ràng không đại biểu cho trí thức, không đại biểu cho công nhân, nông dân và cũng không thể đại biểu cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hẳn đều quá thất vọng với câu chất vấn Thủ tướng ở diễn đàn Quốc hội của đại biểu doanh nghiệp này. Không có doanh nghiệp nào phải trông chờ Thủ tướng định hướng, phải đợi Thủ tướng khuyên bảo mới biết phải đầu tư vào đâu! Là chủ một tập đoàn đầu tư, là chủ một khu công nghiệp lớn, phát đạt, ông chủ này từ lâu đã xác định rõ hướng làm ăn, đã thừa biết phải đầu tư vào đâu. Nhờ Thủ tướng định hướng, hỏi Thủ tướng chỗ đầu tư, câu hỏi không thật lòng lại vô cùng lạc lõng của ông chủ này chỉ để làm đẹp lòng Thủ tướng, lấy lòng Thủ tướng không đúng chỗ, không xứng với tư cách Đại biểu Quốc hội. Nhân Dân và các doanh nghiệp còn trông chờ gì vào vị Đại biểu mà tư cách công dân và tầm chính trị quá thấp này!
Còn Đại biểu chị thì từ cuộc đời riêng cho đến việc kinh doanh đầy đột biến bất thường và đều gắn bó, liên quan mật thiết, có quan hệ hôn nhân với một tội phạm đang bị công an truy nã. Thuở hàn vi, bà Đại biểu này đã dính líu đến vụ án chiếm đoạt bí mật nhà nước giúp cho nhà thầu nước ngoài trúng thầu một số công trình lớn của ngành điện lực. Vì có dính líu nên khi đã kết thúc điều tra vụ án rồi, bà vẫn bị cơ quan công an cấm xuất cảnh tới hai năm! Hết hạn cấm xuất cảnh, bà liền đi Mĩ mở hướng mới tìm vận hội. Năm năm thân gái xứ người, bà tìm được tấm chồng người Việt có quốc tịch Mĩ và cũng có tiền án đã phải vào nhà tù Mĩ nằm nhai bánh mì. Dẫn ông chồng người Mĩ gốc Việt có tiền án nhưng giầu có về Việt Nam bà bỗng trở thành chủ một tập đoàn kinh doanh. Bà chủ tập đoàn liền kí quyết định bổ nhiệm ông chồng quốc tịch Mĩ làm Tổng giám đốc một công ty nhà đất trong tập đoàn của bà để ông Tổng giám đốc có tiền án này có đất thi thố ngón nghề lừa đảo chiếm đoạt của đối tác làm ăn hơn hai trăm tỉ đồng rồi lặn một hơi về Mĩ và ông đang bị bộ Công an Việt Nam truy nã.
Để bảo toàn vốn liếng làm ăn đã kha khá và vốn liếng xã hội còn quá nhỏ bé, để tiếp tục nuôi tham vọng trên thương trường và cả tham vọng trên chính trường, bà vội vã ra tòa li hôn với ông chồng lừa đảo và ông thẩm phán nhanh chóng kí giấy cho bà li hôn đã bị tòa án thi hành kỉ luật! Dù bà đã li hôn với ông chồng có tiền án bà dẫn từ Mĩ về, dù ông chồng đó có giúp bà trở thành bà chủ doanh nghiệp nhưng bà đã rước về cho đất nước một kẻ tội phạm, kẻ đã cuỗm mất của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hơn hai trăm tỉ đồng. Vậy là bà đã góp phần làm nghèo đất nước, làm khốn đốn người Việt Nam đấy! Rõ ràng bà là một công dân không tròn trịa, có tiền sự, có tai tiếng, có dư luận không tốt, không tiêu biểu cho những phẩm chất cao quí của phụ nữ Việt Nam, cũng không tiêu biểu cho những doanh nhân Việt Nam làm giầu bằng tài năng và lòng tự hào dân tộc.
Bà về nước mới được ba năm. Thủ tục pháp lí, chỉ thủ tục pháp lí thôi, xác nhận bà chia tay ông chồng lừa đảo mới được ít ngày. Cũng phải nhìn nhận rằng cả về lương tâm và trách nhiệm bà không thể vô can trong tội phạm của chồng bà. Thế mà bà bỗng trở thành Đại biểu cho những người Dân Việt Nam lương thiện thì người Dân còn chút lòng tự trọng, còn gửi lòng tin vào Quốc hội phải có ý kiến và báo chí phải xăm soi hành tung bất thường của bà là thường tình và cần thiết nữa. Đối phó với sự thường tình đó, tiếng nói đầu tiên ở Quốc hội của bà Đại biểu tai tiếng này là đòi Quốc hội phải có luật bảo vệ quyền riêng tư. Bà đòi hỏi luật bảo vệ quyền riêng tư của công dân chính là bà đòi hỏi Quốc hội phải ra luật bảo vệ những tai tiếng của riêng bà! Một xã hội hoàn thiện sau khi đã xây dựng đầy đủ luật pháp cho mọi hoạt động xã hội thì cũng cần có luật bảo vệ cuộc sống riêng của con người. Nhưng đất nước ta đang còn thiếu quá nhiều luật để đưa cuộc sống bề bộn, ngổn ngang vào kỉ cương mà bà Đại biểu Quốc hội nhiều tai tiếng vội vã đòi Quốc hội ra luật bảo vệ quyền riêng tư thì bà chỉ đại biểu cho riêng bà mà thôi!
Cuộc chạy đua để “Quốc hội phản ánh tính đại biểu rộng rãi cho các thành phần Nhân Dân” đã đưa một ông bác sĩ không chuyên và háo danh trở thành Đại biểu Quốc hội.khóa XIII. Bác sĩ không chuyên vì ông còn mải mê bon chen theo đuổi những cái danh ngoài nghề chữa bệnh của ông. Cái danh mà ông vênh váo trưng ra nhiều nhất và cũng bộc lộ rõ nhất sự bất tài của ông là cái danh nhà văn. Văn chương là lĩnh vực của cảm xúc và tài năng. Đọc ông không thấy năng lượng cảm xúc, chưa có văn, hoàn toàn vắng bóng tài năng, ít người đủ kiên nhẫn để đọc hết một “tác phẩm’ của ông. Viết như ông, người biết chữ và còn năng lực tư duy bình thường, ai cũng viết được nhưng không ai viết vì họ tự biết mình, còn ông thì không biết mình. Không có học vị tiến sĩ ông cũng đấm ngực liền bốn đấm tự xưng liền bốn học vị: Tiến sĩ triết học đây! Tiến sĩ tâm lí học đây! Tiến sĩ xã hội học đây! Tiến sĩ y khoa đây! Xưng tới bốn học vị tiến sĩ vẫn chưa đủ oai, ông còn nhân danh nhà văn đòi Quốc hội phải có luật nhà văn làm cho nhiều Đại biểu Quốc hội phải ngơ ngác hỏi lại ông: Cần có luật nhà văn để làm gì nhỉ? Lúc đó ông mới ngẩn ra: Tôi cũng không biết luật nhà văn để làm gì nữa!
Ông không biết cần có luật nhà văn để làm gì nhưng Nhân Dân biết. Ông đòi Quốc hội phải xây dựng luật nhà văn để ông có tiếng nói, để ông lấy oai, để ông kể công với các nhà văn và với công lao đó, ông quả xứng đáng là hội viên hội Nhà Văn Việt Nam! Thật là một màn hài hước ở Quốc hội uy nghiêm và một nỗi đau của người Dân Việt Nam những năm tháng nhiều chuyện đau buồn này!
Cuộc chạy đua để “Quốc hội phản ánh tính đại biểu rộng rãi cho các thành phần Nhân Dân” đã đưa một nhân cách tầm thường, một kẻ trì trệ, lạc lõng với cuộc sống đất nước, lạc lõng với xu thế thời đại cũng trở thành Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Không đồng cảm với Nhân Dân, không đau nỗi đau của người Dân, của cuộc sống thiếu dân chủ, đi ngược xu thế thời đại, kẻ lạc lõng đã đứng giữa Quốc hội xưng xưng đặt điều vu khống những người Dân biểu tình bộc lộ ý chí bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Người biểu tình chỉ tập hợp ở công viên, không bước xuống đường cũng bị ông vu vạ là: xâm hại quyền tự do đi lại, quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân, xâm hại thu nhập chính đáng của những cửa hàng, xâm hại quyền được chăm sóc của công dân khi ốm đau, khi chuyển dạ sinh con, xâm hại hạnh phúc của công dân khi xe hoa không thể nhúc nhích vì tắc đường do biểu tình! Ông coi những cuộc biểu tình của người Dân khẳng định ý chí độc lập toàn vẹn lanh thổ là sự ô danh. Nhâng nháo xỉ nhục Nhân Dân: Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho sự ô danh, rồi nhân danh Đại biểu Quốc hội ông đòi: Tôi kính đề nghị loại bỏ luật lập hội và luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kì Quốc hội khóa XIII này!
Con người vượt lên trên thế giới động vật nhờ có tư duy. Có tư duy, con người có tư tưởng, có chính kiến, có thái độ chính trị và con người cũng có nhu cầu bộc lộ tư tưởng, chính kiến. Từng người bộc lộ tư tưởng, chính kiến bằng thái độ sống, bằng ngôn ngữ, bằng chữ viết, bằng báo chí, bằng tác phẩm nghệ thuật. Nhiều người cùng bộc lộ một tư tưởng, một chính kiến thì đó là biểu tình. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền biểu tình là những quyền cơ bản của con người, của công dân ở xã hội dân sự. Thời giặc giã đe dọa độc lập dân tộc, bảo vệ độc lập dân tộc là mệnh lệnh tối cao của Tổ quốc và của trái tim mỗi người Dân. Dồn sức cho cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc, người Dân sẵn sàng tự nguyện từ bỏ những quyền cơ bản của con người. Đất nước bình yên trở về cuộc sống dân sự thì những quyền phổ thông của con người phải được nhìn nhận, mọi công dân phải được khẳng định quyền con người của mình. Tất cả các bản Hiến pháp Việt Nam từ thời chiến tranh đến thời hòa bình đều ghi nhận quyền biểu tình của công dân Việt Nam. Hiến pháp 1992, điều 69 ghi: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật. Người Dân có quyền biểu tình theo qui định của pháp luật nhưng chưa có luật cho người Dân thực hiện quyền đó thì Quốc hội phải làm luật. Bác bỏ luật biểu tình là vi phạm Hiến pháp đó, thưa ông nghị Đại biểu cho Dân mà lại lớn tiếng xỉ nhục Dân.
Từ giữa thế kỉ 20, dân chủ đã trở thành xu thế, thành đòi hỏi bức thiết của xã hội loài người, dân chủ là một tiêu chí quyết định của xã hôi văn minh, phát triển. Biểu tình là một ngôn ngữ của dân chủ. Người Dân bộc lộ thái độ, chính kiến với chính quyền bằng biểu tình là điều bình thường ở mọi đất nước có dân chủ. Đã sang thế kỉ 21 rồi mà vẫn bác bỏ luật biểu tình và vẫn dùng bạo lực trấn áp những người Dân biểu tình ôn hòa là một sự man rợ lạc lõng giữa thời đại văn minh. Đại biểu Quốc hội vu khống, lên án người Dân biểu tinh và bác bỏ luật biểu tình là một kẻ hủ lậu lạc lõng giữa thời đại dân chủ, văn minh, không thể chấp nhận ở một Quốc hội dân chủ, văn minh.
TRẢ LẠI DÂN CƠ QUAN QUYỀN LỰC CỦA DÂN
Với thành phần Quốc hội hơn 90% là đảng viên của đảng cầm quyền, hơn 90% là quan chức chạy xô từ cơ quan hành pháp sang cơ quan lập pháp, với những Đại biểu Quốc hội như vừa điểm mặt ở trên, Quốc hội khóa XIII là một sự thụt lùi lớn so với những Quốc hội khóa trước. Quốc hội khóa XIII đã kéo dài thêm sự xa cách giữa Quốc hội với người Dân, kéo dài thêm cả sự xa cách giữa Quốc hội với thời đại. Quốc hội đó lại được giao trọng trách quá nặng nề, lớn lao: Sửa đổi Hiến pháp và xây dựng Luật biểu tình! Người Dân còn hi vọng gì, chờ đợi gì ở Hiến pháp sửa đổi, ở luật biểu tình, sản phẩm của Quốc hội đó!
Con người Hành pháp đã chiếm gần hết ghế ở cơ quan Lập pháp. Đến khi làm luật, Quộc hội lại giao luôn cho bên hành pháp soạn thảo luật. Ngành nào làm việc gì sẽ soạn luật về việc đó. Ngành Thông tin quản lí báo chí thì soạn luật báo chí. Ngành văn hóa quản lí xuất bản thì soạn luật xuất bản. Công an phải đối phó với biểu tình thì soạn luật biểu tình . . . Chỉ riêng điều này đã cho thấy một nghịch lí: Luật không phải để bảo đảm quyền của người Dân, không phải vì đòi hỏi của xã hội dân sự mà chỉ để tạo ra công cụ mềm cho cơ quan công quyền cai trị Dân. Vì thế hầu hết các luật đều giành phần dễ dãi, giành không gian rộng lớn, giành lợi lộc và giành cả quyền uy cho cơ quan công quyền, đẩy phần khó, phần chật chội, thiệt thòi cho người Dân.
Một bộ luật đúng đắn phải triển khai những bảo đảm cụ thể của cơ quan hành pháp để người Dân được thực hiện những quyền mà Hiến pháp cho họ và ngăn cấm cơ quan công quyền xâm phạm, hạn chế quyền đó của người Dân. Nhưng thực tế luật của Quốc hội ta lại cho phép cơ quan công quyền tước đoạt mất những quyền của người Dân đã được ghi trong Hiến pháp. Hiến pháp cho người Dân quyền tự do báo chí (Điều 69, Hiến pháp 1992) nhưng Luật Báo chí lại cấm báo chí tư nhân là đã tước đoạt quyền tự do báo chí của người Dân! Dân gian có câu: Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Dù xác người này mang hồn người kia nhưng vẫn còn cái xác để nhận ra đó là ai. Cơ quan lập pháp của ta mang cả hồn và xác của hành pháp nên chính cơ quan lập pháp lại làm ra luật vi phạm Hiến pháp để cơ quan hành pháp mặc sức lộng hành, vô hiệu Hiến pháp!
Thực tế lại cho thấy, bộ máy công quyền của ta vô cùng cồng kềnh, quan liêu, vô cảm và lười nhác. Việc gì quản lí khó khăn, rắc rối, phức tạp thì cấm béng, thế là yên! Việc gì phiền phức, dây dưa mất thời gian lại có liên quan đến cơ quan khác, liền đóng ngay con dấu khắc sẵn: Kính chuyển, đẩy sang cơ quan khác, thế là xong! Những đơn thư oan ức, đau khổ viết bằng nước mắt và máu của người Dân kêu cứu cơ quan công quyền cứ chạy vòng quanh đèn cù từ cơ quan này sang cơ quan khác, từ trung ương đẩy về địa phương, từ địa phương lại đẩy lên trung ương, vòng quanh bất tận!
Hơn 90% Đại biểu Quốc hội lại là những quan chức công quyền quan liêu, vô cảm, lười nhác đó thì Quốc hội vô cảm với thân phận người Dân, thì công quyền mặc sức lộng hành, thì người Dân bơ vơ, trần trụi trước sự lộng hành của quyền lực là đương nhiên. Những đơn thư viết bằng máu và nước mắt của người Dân gửi đến Quốc hội kêu cứu lại được các ông nghị, bà nghị lạnh lùng “Kính chuyển” như bên cơ quan công quyền. Người Dân thực hiện quyền biểu tình được ghi trong Hiến pháp để nói tiếng nói của lòng Dân Việt Nam trước việc giặc bành trướng ngang ngược xâm phạm lãnh thổ Việt Nam, bắn giết dân lành Việt Nam. Cuộc biểu tình của tinh thần yêu nước đã bị công an hung hãn đàn áp, thẳng tay hành hung. Người biểu tình bị đánh đập thô bạo, bị đạp vào mặt, bị bắt giam phi pháp, bắt không cần lệnh, thích bắt ai thì bắt, bị tước đoạt tài sản. Hiến pháp 1992, điều 71 ghi rõ: Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Công an ngang nhiên chà đạp lên Hiến pháp, ngang nhiên đạp tới tấp vào mặt Dân, ngang nhiên bắt bớ, đánh đập Dân hết lần này đến lần khác trong thời gian dài nhưng 500 Đại biểu Quốc hội đều lặng thinh! Thế mà 500 ông nghị, bà nghị đó vẫn tự nhận và vẫn được xưng tụng là Đại biểu của Dân!
Một Quốc hội như vậy làm luật biểu tình và luật biểu tình lại do bộ Công an, những người đã nhiều lần đàn áp, hành hung người biểu tình soạn thảo thì luật biểu tình rồi cũng chung số phận như luật báo chí mà thôi! Một Quốc hội như vậy đang hăm hở mang Hiến pháp 1992 ra viết lại thì tất cả các chương điều của Hiến pháp viết lại đều là điều 4 của Hiến pháp 1992 được diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau mà thôi!
Hiến pháp là ghi nhận, là xác định cái bất biến của xã hội đầy biến động. Quyền lực của Nhân Dân là bất biến, là mãi mãi. Quyền lực của đảng phái, dù là đảng cầm quyền cũng chỉ nhất thời, cũng biến động với thời gian, với lịch sử. Điều 4 Hiến pháp 1992 là sự ngự trị của cái biến động ở vị trí của cái bất biến. Điều 4 Hiến pháp 1992 đã đưa quyền lực của đảng thay thế quyền lực Nhân Dân. Vì thế Quốc hội mới có gương mặt như Quốc hội khóa XIII!
Bao giờ Quốc hội mới thực sự là cơ quan quyền lực của Nhân Dân để người Dân được thực sự làm chủ đất nước mình, thực sự làm chủ cuộc đời mình? Ngước nhìn Quốc hội tôi lại có nỗi buồn như người con gái theo chồng xa quê nhìn về quê Mẹ, như nỗi buồn của người Việt phải bỏ nước vượt biên ra đi, từ chân trời tự do khắc khoải nhìn về quê Mẹ : Chiều chiều ra đứng ngõ sau / Nhìn về quê Mẹ ruột đau chín chiều. Quê Mẹ ta đấy mà không còn của ta nữa, không còn mang hồn ta nữa! Buồn lắm! Đau lắm!
Nguồn: Viet Studies
Nguồn: Viet Studies
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire