10/02/2012

CON ĐƯỜNG DẪN TA VỀ VỚI PHAN CHU TRINH

Trích một số đoạn trong bài nghiên cứu về Tư Tưởng Phan Chu Trinh rất nổi tiếng của Hà Sỹ Phu


            Con đường dẫn ta về với Phan Chu Trinh.

Trong những nhân vật lịch sử của dân tộc ta hồi đầu thế kỷ 20, gắn liền với cuộc đấu tranh chống Pháp, có ba nhân vật đặc biệt mà tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn cả là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Nguyễn Tất Thành tức Hồ Chí Minh.



   Nói về tinh thần đánh Pháp và đi đến thành công thì nổi bật nhất là Hồ Chí Minh, rồi đến Phan Bội Châu, rồi mới đến Phan Chu Trinh, vì hai vị trên chủ trương dùng bạo lực đánh Pháp ngay, còn PCT lại bắt đầu bằng sự  tiếp xúc ôn hoà với Pháp. Ấn tượng PCT để lại trong đầu chúng tôi chỉ là  hình ảnh một nhà nho nghĩa khí không sợ Côn Lôn (nhà tù của Pháp), một bức thư “thất điều” kể tội vua Khải Định, một cái án tử hình sau giảm thành lưu đày chung thân, vài hoạt động nhân quyền ở Pháp, một số văn thơ yêu nước, và đặc biệt là đám tang lịch sử khơi dậy một cao trào đấu tranh toàn quốc, thế thôi, chẳng mấy ai chú ý đến vấn đề tư tưởng. PCT mặc dù vẫn được kính trọng song  đối với chúng tôi quả thực chưa có gì thu hút lắm .


    Nhưng từ khi biết vươn ra khỏi “tháp ngà” chuyên môn của mình để suy nghĩ và viết ra những ưu tư về tình hình đất nước, chúng tôi mới thực sự để tâm tìm đọc Cụ Phan (PCT).


   - Điểm khởi thủy dẫn chúng tôi đến với PCT là từ hai chữ “Dân trí”. Nhất định trước hết phải khai thông dân trí,mà “tổ sư” đề cao dân trí là PCT. “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, Cụ đưa dân trí lên hàng đầu trong chiến lược hành động!


  -  Điểm thứ hai là phương pháp đấu tranh ôn hòa bất bạo động, hơn thế còn lợi dụng những yếu tố tiến bộ của chính nước Pháp là kẻ đang cai trị mình để dần dần thoát khỏi thân phận bị cai trị. Điểm này cũng đang lặp lại với hoàn cảnh Việt nam hiện nay. Đây chính là thủ pháp “hiệp khí đạo” đây, nhìn bề ngoài nó giống như sự mềm yếu xin xỏ vậy, điểm khác nhau là ở chỗ lợi dụng sự “cầu hòa” ấy để tranh thủ nâng cao dân trí, tự lập tự cường, nâng trình độ văn minh của dân mình lên. Nâng cao được dân trí là củng cố được hậu phương, gây lại được sức mạnh cho mình. Có nội lực cao cường rồi thì lật ngược thế cờ lúc nào chẳng được? Dân trí chưa cao thì dân chưa đủ năng lực làm chủ, có đem máu xương đổi lấy chính quyền ngay thì dân cũng không làm chủ được chính quyền ấy, và rút cuộc dân lại chuốc lấy một kẻ áp bức khác thôi.


Phan chu Trinh hơn hẳn những người đương thời ở suy nghĩ ấy. Chúng tôi khâm phục và coi cụ Phan như người Việt nam đầu tiên tiếp cận phương pháp chuyển đổi xã hội bằng con đường văn minh nhất , mà ngày nay gọi là phương pháp “Diễn biến hòa bình”.


  -  Nhưng như thế chưa đủ. Điều quan trọng có tính xuyên suốt là phải có một Tư tưởng, vì sự nghiệp lớn nào chẳng cần một triết lý để quán xuyến và làm nền cho dân trí.


Những chân lý phổ quát đã phổ biến trên thế giới là một chuyện, có Việt hóa được chân lý ấy để tạo ra sức mạnh lôi cuốn dân tộc, đủ sức chống lại những thiên hướng sai lầm hay không, thì không phải dễ. Đem những hạt giống tư tưởng ưu việt ở nơi khác gieo vào mảnh đất Việt nam chắc gì đã mọc, hay mọc rồi cũng còi cọc lụi tàn? Đâu có thể sang “Tây trúc” hay “Mỹ trúc” gì đó để thỉnh kinh?


   - Thử điểm lại chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh: Chủ nghĩa Mác tuy là ngoại lai nhưng trước đây vào được Việt nam vì nó bắt rễ rất nhanh vào lòng khát khao đổi đời của người bị trị cùng khổ, nay tình hình đã đảo ngược, nếu những người bị trị cùng khổ lại tiếp tục áp dụng nó thì lịch sử sẽ lặp lại một chu kỳ nữa chăng?.


     “Tư tưởng Hồ Chí Minh” xuất hiện mấy năm gần đây có ưu điểm là giống “local” nhưng khốn nỗi lại là cái không có thật , mới chế biến ra thôi, thực chất vẫn là hạt giống “quốc tế 3” là hạt giống hiện nay đã bị loài người gạt ra ngay tại mảnh đất quê hương của nó. 


Từ Dân chủ, Phan Chu Trinh trở thành nhà Dân chủ Xã hội, hướng về một chủ nghĩa Xã hội phi Mác xít.


   Điểm nổi bật trước tiên trong quan điểm chính trị của PCT là tinh thần dân chủ, “đa số các nhà làm sử đã công nhận: Phan Châu Trinh là một nhà dân chủ đầu tiên ở Việt nam” [14].


     Dân chủ là quyền làm chủ của dân trong một nước, một quốc gia. Nhưng thế nào là một quốc gia, khi nào thì hình thành quốc gia. Theo PCT thoạt đầu trong chế độ quân chủ chưa  có quan hệ giữa dân và nước, mà chỉ có vua và các thần dân của vua, vua thu hết mọi thứ vào trong tay của mình, xử sự mọi việc như trong nhà của mình, mình chết thì con mình lên thay.


Quan hệ ấy là “gia đình luân lý” và khi ấy chưa có quốc gia. Từ khi có tư tưởng khai sáng, bác bỏ tính chất “đại gia đình”, bác bỏ quyền lực của vua là do trời định sẵn, vạch rõ quan hệ của vua với mọi người trong xã hội là bình đẳng, quyền lực của vua là do mọi người trong xã hội giao cho…, khi ấy khái niệm nước (quốc gia) mới hình thành, gia đình luân lý mới chuyển thành quốc gia luân lý. Và sau này từ quốc gia luân lý sẽ hình thành xã hội luân lý, từ chủ nghĩa quốc gia sẽ phát triển thành chủ nghĩa Xã hội. Theo PCT khái niệm Chủ nghĩa Xã hội (socialism) có căn nguyên như thế. Sự tiến triển ấy theo PCT là “lẽ tiến hoá tự nhiên”.


    Đối chiếu tiến trình “tiến hoá tự nhiên” ấy vào nước ta cụ Phan thấy trình độ Việt nam thời ấy còn quá lạc hậu: “Bàn đến quốc gia luân lý thì tôi xin thưa rằng, nước ta tuyệt nhiên không có” (NQT, tr.487). “… quốc gia luân lý của ta từ xưa đến nay chỉ ở trong vòng chật hẹp hai chữ vua và tôi. Không nói đến “dân và nước” vì dân không được bàn đến việc nước!” (NQT, tr. 487). Chưa có một nhà nước dân chủ thì chưa thể nói đến quốc gia theo đúng nghĩa được (quan niệm dân chủ của PCT thật là triệt để, quyết liệt).


    Theo PCT chủ nghĩa quốc gia (nationalism) phải tiến sang chủ nghĩa Xã hội (socialism) để giải quyết hai mâu thuẫn, mâu thuẫn giữa người với người trong mỗi quốc gia và mâu thuẫn giữa các quốc gia trên thế giới. Bên trong thì “giàu nghèo cách biệt thái quá, người ngồi không kẻ cắm đầu làm, thành ra kẻ lao động, người tư sản xung đột nhau mà trong nước không yên” (NQT,tr.506). Trên thế giới thì “ Mê tín quốc gia chủ nghĩa về đời trung cổ thái quá, yêu nước mình, ghét nước người, cho nên phải mang hoạ chiến tranh mãi mãi” (NQT,tr.506).


Chủ nghĩa Xã hội giải quyết quan hệ “người này với người kia, người có giúp người không, người mạnh giúp cho người yếu” (tức là làm giảm bớt sự cách biệt về tiền bạc và về quyền lực), ngoài ra còn giúp giải quyết quan hệ “loài người với loài người” tức quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia.


    


  Nghiên cứu quan điểm Phan Chu Trinh về Xã hội chủ nghĩa so sánh với quan điểm Mác xít, ông Mai Thái Lĩnh đã rất đúng khi kết luận: “Với quan niệm như trên, rõ ràng là cái nhìn của Phan Châu Trinh hoàn toàn khác với quan điểm mác-xít. Theo nhà chí sĩ họ Phan, xã hội loài người tiến lên theo con đường “gia đình - quốc gia - xã hội”, trong khi đối với Marx thì “lịch sử tất cả các xã hội cho đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”.(MTL,sđd) [11]. Thực tế cho thấy không bao giờ có chuyện Vô sản toàn thế giới (vượt qua ranh giới các quốc gia) mà liên hiệp lại được.


     Điều đáng khâm phục ở PCT là khi phê phán nền quân chủ, phê phán nạn bất công, phê phán thói độc tài, phê phán những sai lầm, yếu kém của bạn bè, Cụ là người thẳng thắn đến mức rất nặng lời, rất quyết liệt (như phê phán Phan Bội Châu, Nguyễn Tất Thành…), nhưng khi tìm đường giải thoát cho dân tộc Cụ lại luôn nghĩ đến con đường trung dung, ôn hòa, hợp pháp.


    Phải chọn con đường ôn hoà là bởi thương dân. Khi phê phán con đường bạo lực cách mạng của Phan Bội Châu, của Nguyễn Tất Thành Cụ giải thích: Lực mình yếu mà muốn dùng bạo lực tất phải nhờ vả người khác, thế thì “thảng như cái phương pháp của ông Phan (Phan Bội Châu) mà thành công, thì quốc dân đồng bào vẫn nguyên là cái lưng con ngựa, chỉ thay người cỡi mà thôi”. (thư PCT gửi Nguyễn Ái Quấc).


Vì thế mà phải tự lực, lúc đầu phải chọn con đường hoạt động hợp pháp, hợp pháp tối đa, thậm chí phải “khẩu thuyết vô bằng” để chính quyền không kiếm được cớ mà trị tội. (Chứ không phải chưa chi đã ngang nhiên tuyên bố thế này thế khác để giương oai!). “Chỉ vì tính cách và trình độ của ông (tức PBC) cùng với tánh cách và trình độ của quốc dân trong nước tương ứng với nhau, nên người trong nước mê theo mà không biết,vui theo mà quên chết. Do đó cuộc dân biến không khác nào ông Phan Bội Châu trực tiếp giết dân”. Cụ lên án thái độ cứ ở bên ngoài xúi giục người trong nước hy sinh để mình “đãi thời đột nội”. Cụ lên án sự bạo động của “chủ nghĩa báo thù” hay chỉ biết “ đâm đầu vào lửa chết vô ích”.


Thời kỳ Phan Chu Trinh ở Pháp (1911-1925) là thời kỳ thế giới đầy biến động về các quan điểm cách mạng, trong đó có cách mạng vô sản Nga Tháng Mười 1917, sự phân ly giữa đảng Xã hội và đảng Cộng sản Pháp ở đại hội Tours tháng 12-1920.


Trong khi Nguyễn Tất Thành chọn con đường Cộng sản của Quốc tế 3 thì PCT rất gần gũi với Léon Blum, Marius Moutet, Jules Roux, …là những đảng viên đảng Xã hội­ không chịu gia nhập Đảng cộng sản mà vẫn tiếp tục con đường Jean Jaurès đã vạch ra.


“Phan Châu Trinh không gần gũi với “cánh tả” của Đảng Xã hội, tức là phái xã hội chủ nghĩa từ cuối năm 1920 đã rời bỏ Đảng Xã hội (SFIO) để thành lập Đảng Cộng sản, gia nhập Quốc tế III. Trước và sau Đại hội Tours (12/1920), đã có nhiều Việt kiều khuynh tả lôi kéo ông tham dự các cuộc họp của cánh tả Đảng Xã hội và sau này là Đảng cộng sản. Nhưng có thể vì bản tính ôn hoà, hoặc vì quan niệm về “dân chủ, cộng hoà” của ông đã bắt rễ khá sâu trong nhận thức, ông xa rời Đảng cộng sản Pháp một cách tự nhiên; và những người cộng sản cũng “dị ứng” với ông một cách tự nhiên...” (MTL,sđd) [11]


    Trong một lá thư đề ngày 26.3.1922 PCT viết : “Say mê chủ nghĩa xã hội, tôi đã luôn đấu tranh chống lại chế độ độc tài chuyên chế hiện nay đang có mặt ở Đông Dương, do các nhà chức trách Pháp cũng như do các quan lại bản xứ thực hiện” (MTL,sđd) [11]. Cũng đau lòng vì cảnh đất nước trong vòng nô lệ, cũng một môi trường trưởng thành là Paris nước Pháp, lại cũng yêu lý tưởng Xã hội đến say mê, vậy mà khác với Nguyễn Tất Thành, PCT không sa vào chủ nghĩa chuyên chính. Trước sau trong tâm hồn nhà nho cách mạng vẫn thắp sáng một ngọn đèn dân chủ.


Chính ngọn đèn ấy đã dẫn Cụ đến tư tưởng đa đảng đa nguyên từ những ngày đầu thế kỷ. Hồi ấy ở Paris cũng có một du học sinh tên là Đông gửi thư cho PCT bày tỏ lo ngại “đa đảng đa nguyên thì loạn” (như quan điểm ĐCSVN hôm nay), Cụ đã trả lời : “Còn anh lo trong nước sinh ra nhiều đảng phái mà hại, ấy là anh hiểu lầm; trong nước nhiều đảng thì cãi cọ nhau nhiều, cãi cọ nhiều thì thì sự lợi hại mới biết, dân mới có thể lựa đảng nào phải mà theo; anh xem các nước văn minh, nước nào mà không có bè đảng, chỉ có nước dã man, thì chỉ có một lệnh vua mà thôi.” (MTL,sđd)[10]. Cụ chủ trương xã hội pháp trị (dân trị) và vạch rõ những tệ hại, tuỳ tiện, may rủi của chủ nghĩa nhân trị (đức trị, quân trị) mà hôm nay không ít người vẫn còn say mê. PCT chủ trương tam quyền phân lập. ”Đảng tiền phong” ngày nay đã đi chậm sau ông già nhà nho ấy ngót một thế kỷ, mà bây giờ cũng đã chịu nghe đâu?.


Phan Chu Trinh là một người Dân chủ Xã hội. Nhưng “mặc dù gần gũi với những người thuộc Đảng Xã hội, tư tưởng của Phan Châu Trinh vẫn không hoàn toàn giống họ. Trong khi những người xã hội chủ nghĩa ở Pháp vẫn còn bị ràng buộc ít nhiều với chủ nghĩa Marx thì quan niệm về chủ nghĩa xã hội của Phan Châu Trinh lại không có dính dáng chút gì với chủ nghĩa Marx. Không có đấu tranh giai cấp, không có sự lên án đối với chế độ tư hữu, và do đó cũng không có chủ trương quốc hữu hoá.” (MTL, sđđ) [11]


    “Vấn đề là tại sao Phan Châu Trinh không đả kích chế độ tư hữu, không lên án kịch liệt giai cấp tư sản như những người mác-xít hay những người cộng sản? Ngoài bản tính ôn hoà mà ông đã có ngay từ thời bắt đầu hoạt động chính trị, chúng ta cần chú ý đến chủ trương của ông về kinh tế. Ngay từ khi phát động Phong trào Duy Tân, Phan Châu Trinh đã đề ra khẩu hiệu “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, kêu gọi mọi người lập “hội nông“, “hội buôn”, “hội nuôi tằm”,v.v. nói chung là khuyến khích dân làm giàu. Như vậy, nếu ông không lên án chế độ tư hữu, không đặt quốc hữu hoá thành mục tiêu hàng đầu thì cũng là điều dễ hiểu.  Có thể do Phan Châu Trinh không coi chế độ tư hữu là nguồn gốc của mọi bất công xã hội. Hoặc ông cho rằng nước Việt Nam còn quá nghèo, đất nước muốn phát triển còn cần nhiều đến những nhà tư sản yêu nước. Do đó, ông không đả kích người giàu, mà chỉ đề ra yêu cầu “người giàu giúp đỡ người nghèo”. Nói một cách chính xác, quan niệm của ông nghiêng về “công bằng” (justice) hơn là “bình đẳng” (égalité)”.(MTL,sđd) [11]            


     Phan Chu Trinh thuộc những nhà Dân chủ Xã hội tiên phong, một chủ nghĩa DCXH mang dấu ấn Việt nam, sinh ra từ điều kiện Việt nam. Cái chủ nghĩa Xã hội nhân đạo mà ta đang định hướng về Bắc Âu để kiếm tìm thì nay chẳng những không phải tìm đâu xa, mà còn sẵn có một phương sách thích hợp hơn với dân với nước ta nữa.


                                                                                                                           Hà Sỹ Phu

4 commentaires:

  1. Một bài phân tích về lich sữ & PCT rất hay. Không thể có "Vô sản trên toàn thế giới" được

    RépondreSupprimer
  2. Cảm ơn bác Huỳnh Ngọc Chênh vô cùng nhiều. Bài nghiên cứu xuất sắc của Hà Sĩ Phu về Phan Châu Trinh khá dài, chúng tôi ngại đọc, chỉ biết loáng thoáng. Nay bác Chênh rút tỉa những ý quan trọng mới khiến người đọc “ngoại đạo” thâu tóm được ngay cái tinh tuý của quan điểm PCT mà HSP đã minh định. Cảm ơn rất nhiều.

    RépondreSupprimer
  3. Đọc lại Phan Chu Trinh càng thấy con người nầy vĩ đại. Bọn hậu sinh "tiểu nhân đắc ý" chụp được cơ hội giành công trạng của nhân dân rồi lên giọng thế nầy thế khác. Co

    RépondreSupprimer
  4. cùng là thầy và trò trường Phan Chu Trinh hôm nay mới hiểu về cụ.
    sao giống tôn trung sơn quá

    RépondreSupprimer