09/02/2012

TƯ TƯỞNG PHAN CHU TRINH

Phan Chu Trinh là nhà cách mạng dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Ông là người xây dựng ra tư tưởng cách mạng hiện đại của Việt Nam có giá trị cho đến tận ngày nay. 
Có rất nhiều bài viết xuất sắc về Tư Tưởng Phan Chu Trinh, có thể đọc một số bài sau đây.
“Khuôn mặt vĩ đại của Phan Châu Trinh theo tôi là khuôn mặt đáng chú ý nhất trong lịch sử văn hoá và chính trị Việt nam ở thế kỷ XX, bởi chính ông đã xác định một cách rành mạch, sáng rõ nhất những nan đề (les problématiques) đặt ra lâu dài mà các thế hệ người Việt Nam sẽ phải- và mãi mãi còn phải- đảm nhận”                    
Nhà sử học Daniel Héméry

         PHAN CHÂU TRINH VÀ CÔNG CUỘC LY KHAI VĂN HÓA HÁN TỘC

Như đã trình bày, tuy các triều đại quân chủ dùng chữ Hán làm chuyển ngữ, nhưng người Việt vẫn nói tiếng Việt.  Tiếng Việt là kỳ quan biểu tượng cho tinh thần độc lập của dân tộc Việt.  Từ thế kỷ 17, khi đến truyền đạo tại Đại Việt, các giáo sĩ Ky-Tô giáo La Mã ký âm tiếng Việt bằng mẫu tự La-tinh, sáng chế một văn tự mới là Quốc ngữ.  Lúc đầu, Quốc ngữ chỉ được truyền bá trong khuôn viên giáo đường.  Khi người Pháp xâm chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ làm thuộc địa năm 1874, vì nhu cầu cai trị, người Pháp sử dụng chữ Quốc ngữ.  Trong thuộc địa Nam Kỳ, Pháp bãi bỏ hoàn toàn chữ Hán ngày 1-1-1882, chỉ sử dụng chữ Pháp và Quốc ngữ
Bảo hộ Trung và Bắc Kỳ năm 1884, do chủ trương khai thác và bóc lột, Pháp giới hạn việc mở mang giáo dục tại vùng đất bảo hộ, chỉ lập một số trường Pháp cần thiết, dạy chữ Pháp để đào tạo lớp quan lại mới cho chế độ mới.  Pháp vẫn để triều đình Huế duy trì thi cử Hán học ở Trung và Bắc Kỳ.     
 Trong hoàn cảnh đó, qua đầu thế kỷ 20, dầu đã đậu phó bảng Hán học năm 1901, khi dấn thân hoạt động duy tân để mở mang đất nước năm 1904, Phan Châu Trinh (1872-1926) đưa ra chủ trương “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”.  Để mở đầu cuộc khai dân trí nhằm chấn dân khí và hậu dân sinh, đầu tiên Phan Châu Trinh vận động từ bỏ “cái học cũ”.  Muốn từ bỏ “cái học cũ”, việc đầu tiên Phan Châu Trinh chủ trương là bãi bỏ việc học chữ Hán, và bãi bỏ việc dùng chữ Hán, đồng thời từ bỏ luôn thi cử Hán học.          
Từ  bỏ thi cử Hán học, tức từ bỏ việc học và truyền bá văn hóa Hán tộc.  Lời kêu gọi sĩ tử không tham dự các kỳ thi Hán học hùng hồn nhất là bài “Chí thành thông thánh thi”, do Phan Châu Trinh viết và bài “Danh sơn lương ngọc phú” do Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng cùng viết năm 1905 tại Quy Nhơn. 
Thay thế chữ Hán, ông kêu gọi sử dụng Quốc ngữ.  Quốc ngữ gồm 24 chữ cái trong mẫu tự La-tinh, có thể dùng để lắp ghép tất cả các từ ngữ trong tiếng Việt, nên rất giản dị, dễ học, dễ viết, dễ sử dụng, dễ truyền bá văn hóa, tư tưởng, khoa học kỹ thuật.  Tại Quảng Nam, Phan Châu Trinh cùng Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng và các trí thức cấp tiến vận động mở rất nhiều trường dạy Quốc ngữ ngay từ năm 1904.  Trường Dục Thanh ở Phan Thiết và Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội đều do Phan Châu Trinh vận động thành lập. Bản thân Phan Châu Trinh cũng làm thơ, viết văn, viết báo bằng Quốc ngữ. 
 Cuộc vận động của Phan Châu Trinh bắt đầu từ 1904, mà cho đến năm 1919, Pháp mới bỏ các kỳ thi Hán học và cho đến gần cuối đời Phan Châu Trinh, chữ Quốc ngữ mới được chính thức phổ cập ở bậc tiểu học bằng nghị định ngày 18-9-1924 của toàn quyền Martial Merlin.  Từ đây, Quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của người Việt và cũng từ đây xuất hiện nền văn học Quốc ngữ, những tác phẩm văn chương, học thuật, nghiên cứu Việt Nam....
Về xã hội, Phan Châu Trinh kêu gọi bãi bỏ những hủ tục trong văn hóa Hán tộc, bỏ thói để tóc dài (búi tó) theo kiểu người Trung Quốc, bỏ quan niệm thứ tự xã hội theo tứ dân, sĩ nông công thương, mà kêu gọi mọi người cùng nhau học những nghề kỹ thuật, học cách thức buôn bán theo kiểu tây phương.
Về chính trị, Phan Châu Trinh đả kích mạnh mẽ chế độ quân chủ “thiên tử” từ Trung Quốc truyền sang.  Theo Phan Châu Trinh, chế độ quân chủ là một chế độ nhân trị.  Ông giải thích: “Nhân trị nghĩa là cai trị một cách rộng rãi hay nghiêm khắc, chỉ huy tùy theo lòng vui, buồn, thương, ghét của một ông vua mà thôi, pháp luật tuy có cũng như không.”  Do đó, nếu đất nước may mắn gặp một ông vua anh hùng, thì đất nước hưng thịnh, nhưng nếu đất nước không may mắn, gặp một ông vua hôn ám, thì đất nước suy sụp.  Nói cách khác, chế độ quân chủ là một chế độ tùy hứng cá nhân người cai trị. 
Thay vào đó, Phan Châu Trinh đề nghị thành lập chế độ dân chủ pháp trị, có hiến pháp, có quốc hội, có tổng thống và có quyền tư pháp độc lập.  Theo ông, trong chế độ dân chủ pháp trị, “quyền lợi và bổn phận của mọi người trong nước đều có pháp luật chỉ định rõ ràng, không khác gì là đã có đường gạch sẵn, cứ trong đường ấy mà đi tự do, muốn bước tới bao nhiêu cũng không ai ngăn cản, chỉ trừ khi nào xâm lấn đến quyền lợi của người khác thì không được.  Vì đối với pháp luật thì mọi người đều bình đẳng, không có ai là quan, ai là dân cả.” (Phan Châu Trinh, “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”.)
Một khái niệm mới được Phan Châu Trinh đưa vào sinh hoạt chính trị Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 là ông đề xướng dân quyền.  Theo ông, dân quyền sẽ là đầu tàu thúc đẩy tất cả những cải cách chính trị, kể cả việc đòi hỏi độc lập từ tay người Pháp vì " dân đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được."
Như thế, trong 1,000 năm Bắc thuộc, tổ tiên chúng ta đã bị Trung Quốc áp đạt nền văn hóa Hán tộc.  Sau đó, tuy đất nước chúng ta độc lập về chính trị, nhưng lại lệ thuộc văn hóa Hán tộc vì trong gần một ngàn năm độc lập, các triều đại quân chủ chọn chữ Hán làm văn tự chính thức, đưa vào chương trình học thuật các sách vở Trung Quốc,và đã đào tạo tầng lớp trí thức theo văn hóa Hán tộc.  Lớp trí thức nầy làm quan và điều hành xã hội cũng theo văn hóa Hán tộc. 
Cho đến khi nền văn hóa Tây phương truyền vào nước Việt, Phan Châu Trinh và các nhà trí thức cấp tiến vào đầu thế kỷ 20 mới thấy rõ nền văn hóa Hán tộc là trở ngại chính cho sự tiến bộ của dân tộc.  Do đó, các ông cương quyết kêu gọi từ bỏ chữ Hán, chấm dứt ý thức hệ quân chủ, dứt khoát ly khai với nền văn hóa Hán tộc, nhằm mở hướng đi mới, canh tân đất nước, tiến lên chế độ dân chủ.
Cuộc ly khai văn hóa Hán tộc do Phan Châu Trinh đề xướng là con đường thiết thực, mở rộng cánh cửa văn hóa cho sự phát triển đất nước.  Nếu không có cuộc mở đường của Phan Châu Trinh, một mặt giới thủ cựu Việt Nam cố duy trì nền văn hóa Hán tộc nhằm duy trì quyền lợi, một mặt người Pháp tránh mở mang văn hóa, làm cho Việt Nam chậm tiến, để dễ bề thống trị, thì nước Việt chúng ta vốn đã chậm tiến, tiếp tục chậm tiến lâu ngày nữa.  Có thể nói, quyết định ly khai văn hóa Hán tộc, chấm dứt việc học chữ Hán, văn hóa Hán, chế độ quân chủ kiểu Hán, đã lót đường cho các phong trào văn hóa, văn học và chính trị từ thời Phan Châu Trinh trở về sau.
Trần Gia Phụng




DÂN SINH, DÂN TRÍ, DÂN KHÍ

Nhân là Người, Dân cũng là Người.
Nhân là Con Người ở trạng thái TĨNH, con người không bị tác động bởi tham, sân, si, con người ngự trị trên TRUNG ĐẠO, con người của chân, thiện, mỹ.
Dân là con người ĐỘNG, con người bị chi phối bởi thực tại thường xuyên biến thiên, bị chi phối bởi chính trị, kinh tế, lịch sử…, con người khi thiện, khi ác, khi tin yêu, khi nghi ngờ.
Tuy nhiên TĨNH và ĐỘNG là hai mặt không thể tách rời của một bàn tay. Vì vậy trong dân có nhân và trong nhân có dân. Sống là hành trình dân tìm về nhân, hành trình “nhân hóa” dân. Mức độ nhân hóa của mỗi người tuy có khác nhau, nhưng nhân hóa là một hiện thực của đời sống: tĩnh là gốc của động, nhân là gốc của dân. Sống ổn định là sống hạnh phúc. Tìm về nhân tức là tìm về hạnh phúc, là ước mơ thường hằng của đời dân. Bằng cách nào dân có thể sống gần nhân, có nhiều cơ hội thể hiện nhân? Chí sĩ PHAN CHÂU TRINH đã trả lời câu hỏi vừa nêu bằng cách chỉ ra ba chuẩn mực xây dựng đời người:Hậu Dân Sinh, Khai Dân Trí và Chấn Dân Khí.
Hậu Dân Sinh: Đời sống phải no cơm, ấm áo. Có thực mới vực được đạo. Đạo làm dân, đạo làm người.
Khai Dân Trí: Muốn thực hiện một đời sống đầy đủ cơm áo và các loại tiện nghi vật chất khác, con người cần có hiểu biết trong rất nhiều lãnh vực khác nhau: nghề nhiệp chuyên môn, kinh tế, tài chành, thương mãi, giao thông, vận tải, pháp lý… gọi chung là dân trí.
Chấn Dân Khí: Dân trí là công cụ giúp xã hội có được khối tài sản vật chất cung ứng cho cuộc dân sinh. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để hoạt động dân sinh diễn ra trong công bằng và ổn định? Làm thế nào để quyền lực chính trị các loại không có khả năng nhân danh vài kiểu ngụy biện của chế độ tư bản nhà nước hay tư bản tư nhân để độc chiếm toàn bộ quyền lợi kinh tế tài chánh của quốc gia ? Hẳn nhiên, dân trí giúp con người có thừa hiểu biết thế nào là trái công bằng, thế nào là nghĩa vụ bảo vệ  hạnh phúc chung. Tuy nhiên biết điều thiện không có nghĩa là đương nhiên hành động phục vụ điều thiện. Muốn tri và hành hợp nhất trong trường hợp này con người cần được tôi luyện trên một học trình đặc biệt. PHAN CHÂU TRINH goi học trình kia là CHẤN DÂN KHÍ.
Dân khí là sức mạnh tinh thần của người dân. Sức mạnh này giúp con người phục vụ sinh hoat xã hội trong hai tình huống khác nhau: Một là can đảm từ bỏ điều ác ám tàng bên trong tâm trí của mỗi người để hành động theo thiện tâm. Hai là can đảm chống lại điều ác phát xuất từ các thế lực đen, đặc biệt là thế lực độc tài, độc đảng, thế lực độc quyền tham ô, thế lực làm tay sai cho ngoại xâm.
Dân sinh và dân trí chỉ biến người dân trở thành chuyên viên các loại, nhiều lắm là chuyên viên khoa bảng. Dân khí đi kèm với dân sinh và dân trí mới thực sự đẩy con người tiến lên hàng ngũ trí thức hướng thượng, trí thức chân chính.
Dân sinh và dân trí chỉ tạo ra sân chơi cho xã hội. Dân khí mới làm cho cuộc chơi kia diễn ra trong công bằng và hạnh phúc. Dân sinh và dân trí chỉ tạo ra triết lý mặt phẳng, dân khí đã biến triết lý mặt phẳng kia thành triết lý lập thể, triết lý bay bổng. Trong điều kiện bay bổng vừa kể, tư tưởng Phan Châu Trinh vừa có điều kiện  nhìn đời sống một cách tròn đầy và sinh động vừa có khả năng mang lại những giải đáp thích nghi và kịp thời dành cho  vô số khó khăn của xã hội. Đó là giá trị cốt lỏi hàm chứa bên trong ba trụ cột tư tuỏng Dân sinh, Dân trí, Dân khí của nhà cách mạng Phan Châu Trinh./. 
            Đỗ Thái Nhiên


Vai trò tiên phong của Tư tưởng Phan Chu Trinh 


Trong cuốn sách nghiên cứu về Phan Chu Trinh, TS Thu Trang Công thị Nghĩa viết : “đa số các nhà làm sử đã công nhận: Phan Châu Trinh là một nhà dân chủ đầu tiên ở Việt nam” (Thu Trang,sđd) [14] 


- Tinh thần dân chủ PCT được bộc lộ một cách toàn diện : Điều hành xã hội bằng luật pháp chứ không bằng ý thức hệ, phải “tam quyền phân lập” và đa đảng đa nguyên  (bên cạnh một đảng cánh tả rất cần có một đảng cánh hữu), chú trọng tự do tư tưởng , tự do ứng cử bầu cử, tự do lập hội. PCT luôn coi sự phản biện trong mọi lĩnh vực là tối cần thiết,  ngay khi diễn thuyết cũng phải theo nguyên tắc “nghịch luận” (tạo những ý kiến trái ngược để cùng bàn luận).PCT luôn coi trọng sự khác biệt, đồng thời coi trọng sự hợp tác tương hỗ. Về hoạt động thực tiễn PCT là chiến sĩ dân chủ-nhân quyền đầu tiên , chiến sĩ “diễn biến hoà bình” đầu tiên của Việt nam.


Tiến bộ đặc biệt của PCT là sớm biết phê phán bản chất lạc hậu của Nhân trị (hay Đức trị), nó cản trở pháp luật, cản trở nền Dân chủ pháp trị: “Nhân trị nghĩa là cai trị một cách rộng rãi hay là nghiêm khắc chỉ tuỳ theo lòng vui, buồn, thương, ghét của một ông vua mà thôi, pháp luật tuy có cũng như không.” Đừng quên rằng sau bao năm cầm quyền mà thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn chưa có ý thức rõ ràng về xây dựng nền luật pháp (e pháp luật sẽ “trói tay” Đảng làm Đảng khó lãnh đạo), và ngay đến thế kỷ 21 này ĐCSVN vẫn chưa dám thực hiện “tam quyền phân lập”, và không ít cán bộ cũng như trí thức vẫn còn lưu luyến Nhân trị thì mới biết cụ Phan đã đi trước dân tộc một đoạn dài lắm.


Tiếp tục đi xa hơn, Phan Chu Trinh đã trở thành nhà Xã hội Dân chủ đầu tiên, người đầu tiên chủ trương “định hướng” Xã hội chủ nghĩa, nhưng là XHCN phi mác xít, mà thực chất rất gần gũi với nền chính trị của nhiều quốc gia tiên tiến nhất của thế kỷ 21 này.


Vậy nếu tôn vinh Phan Chu Trinh là nhà Tư tưởng lớn của dân tộc này thì có xứng đáng không?


Học giả Hoàng Xuân Hãn nói : “Những tư tưởng của Phan Chu Trinh về cơ bản vẫn còn giá trị lớn đối với xã hội ta ngày nay”. Bởi vì, như ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc : “Những vấn đề cơ bản nhất làm nền tảng cho độc lập tự chủ và phát triển dân tộc mà Phan Chu Trinh đã thống thiết nêu lên từ đầu thế kỷ XX, trong đó trung tâm là vấn đề dân trí…thì đến nay vẫn còn nguyên đấy”, “Đó là một nhiệm vụ, một món nợ mà lịch sử còn để lại cho chúng ta hôm nay : nhiệm vụ xây dựng một xã hội dân chủ trên cơ sở một dân trí được nâng cao”. (Nguyên Ngọc) [15]


Nhà sử học Daniel Héméry, một người nghiên cứu khá sâu về Việtnam, (và khá sâu về chủ tịch Hồ Chí Minh) đã viết : “Khuôn mặt vĩ đại của Phan Châu Trinh theo tôi là khuôn mặt đáng chú ý nhất trong lịch sử văn hoá và chính trị Việt nam ở thế kỷ XX, bởi chính ông đã xác định một cách rành mạch, sáng rõ nhất những nan đề (les problématiques) đặt ra lâu dài mà các thế hệ người Việt nam sẽ phải- và mãi mãi còn phải- đảm nhận”.[16]
      Hà Sỹ Phu

7 commentaires:

  1. Từ lâu,tôi đã từng cho rằng cụ Phan Chu Trinh
    là nhà yêu nước vĩ đại nhất trong lịch sử VN.
    cận đại.
    Tư tưởng cụ đi trước thời đại cả 100 năm,đó là viễn kiến không ai sánh được.
    Xin được bày tỏ sự khâm phục đối với cụ.

    RépondreSupprimer
  2. Lê Thành Nhân9 février 2012 à 13:49

    Việt Nam, nếu xây dựng một tư tưởng chủ đạo thì tư tưởng Phan Chu Trinh là số một. Trong thời hiện đại chưa ai có tư tưởng ngoài cụ Phan Chu Trinh. Tôi hoàn toàn đồng ý với nhiều người, không hề có tư tưởng HCM, đó là tư tưởng Mac- Lê được diễn dịch lại. Chỉ duy nhất Phan Chu Trinh mới là người có tư tưởng.

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Nguyễn An Liên9 février 2012 à 22:33

      Tư tưởng HCM là thứ đạo văn, tôi thấy HCM đạo văn nhiều lắm từ Bản tuyên ngôn độc lập đạo của Tổng thống Mỹ cho đến Ngục trung nhật ký đạo của người tù TQ nào đó....Đó là những cái ta biết còn những cái chưa biết nữa chắc cũng nhiều lắm ! Nói láo giống như cây kim giấu trong bọc, lâu ngày cũng lòi ra thôi!

      Supprimer
  3. Em cám ơn Thầy, Thầy theo sát nhịp đập của thời cuộc quá! ngưỡng mộ ngưỡng mộ. Mời Thầy đọc lại Việt nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang vào thời điểm này, sung sướng lắm.
    Thế giới Tôn Vinh Albert còn người Việt Nam xứng đáng tôn vinh Cụ Phan là nhân vật của thế kỷ 20.

    Em Chuyên, học trò Hòa vang.

    RépondreSupprimer
  4. Co phai. Le Tan Huynh Chuyen khong.

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. đúng rùi đóa, Bác Thiệu còn nhớ COMVIK không?
      Chuyên

      Supprimer
  5. Cụ Phan Chu Trinh không những là bậc cha chú của Nguyễn Tất Thành mà còn là người dẫn dắt Nguyễn tất Thành vào con đường cách mạng nhưng Nguyễn Tất Thành đã phản bội ông, đưa dân tộc vào con đường công sản.

    RépondreSupprimer