03/03/2012

ĐẾN VÙNG ĐẤT PHẬT Ký sự của Huỳnh Ngọc Chênh

Đọc trên Facebook thấy anh Trần Trung Đạo đi Ấn Độ viết nhiều bài về Ấn Độ, chợt nhớ lại tôi cũng có một chuyến đi Ấn Độ cách đây hơn sáu năm. Hồi đó tôi có viết loạt bài trên báo Thanh Niên, nhưng bây giờ tìm lại trên Thanh Niên không thấy lại thấy trên Thư Viện Hoa Sen. Cám ơn Thư Viện Hoa Sen đã tập hợp và lưu đầy đủ:                              

ĐẾN VÙNG ĐẤT PHẬT   Kýsự của Huỳnh Ngọc Chênh 
Phóng sự ảnh: Ấn Độ qua cái nhìn của chúng tôi 


Phóng sự ảnh: 
Ấn Độ qua cái nhìn của chúng tôi 

Chúng tôi ở đây là Tỳ kheo Thích Quảng Đạt và nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, trong thời gian tham quan và làm việc tại Ấn Độ đã ghi nhận lại vài hình ảnh của đất nước này.



Các nhà sư Việt Nam, Tây Tạng, Thái Lan và Bangadesh 
đang lễ Phật tại Kỳ Viên tịnh xá

Chùa Việt Nam Phật Quốc Tự (VNPQT) tại Bồ Đề Đạo Tràng

Thành cổ có từ 3.000 năm bên sông Hằng
bị đè nén bên dưới những nhà dân mới xây dựng

Chùa VNPQT tại Lâm tỳ Ni Nêpal là nơi Phật đản sinh

Tắm tại sông Hằng ít nhất một lần trong đời là 
mơ ước cháy bỏng của tất cả người Hindu

Bò rong chơi trên đường phố

Bình minh trên sông Hằng

Đường đến đất Phật
Kỳ 1: Theo "dấu chân" Đường Tăng

Ấn Độ là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại. Nơi này cách đây 2.600 năm đã sản sinh ra một nhà hiền triết vĩ đại, đó là Phật Thích Ca Mâu Ni. Những bài giảng của ông được học trò ghi chép lại thành một triết thuyết mà đến nay đang ảnh hưởng đến hơn 600 triệu người trên thế giới. Những vết tích ông để lại trên vùng đất phía bắc Ấn Độ trở thành vùng đất Phật thu hút hàng triệu người trên khắp thế giới cho đến ngày nay. Tôi có cái duyên được đến vùng đất Phật linh thiêng kỳ bí này.
Đường đến đất Phật hiện nay so với những năm về trước tuy đã trở nên dễ dàng hơn nhưng vẫn còn không ít trở ngại. Tôi phải mất đúng 2 ngày để đi từ TP.HCM đến vùng đất linh thiêng đó. Ấy là tôi đi theo đoàn du khách của Công ty lữ hành East Sea - công ty uy tín nhất trong việc thực hiện tour đến vùng đất Phật - được hướng dẫn kỹ lưỡng đường đi nước bước cũng như lo cho chỗ ăn ở và phương tiện đi lại.
Từ TP.HCM bay qua Malaysia, rồi từ đó đáp máy bay của hãng Malaysia Airlines qua New Delhi, rồi đáp tàu hỏa đến Lucknow thủ phủ bang Uttar Pradesh và đi tiếp ô tô đến kinh thành Xá Vệ (Sravasti). Đó là điểm đến đầu tiên ở vùng đất Phật.
Tại kinh thành Xá Vệ tôi đã gặp ngay "dấu chân" của ngài Huyền Trang, người cách đây gần 1.500 năm đã từ kinh đô nhà Đường, bằng đường bộ ròng rã trong 6 năm, vượt qua dãy Himalaya để đặt chân đến vùng đất linh thiêng này.
Kinh thành Xá Vệ vang bóng cách đây 2.600 năm nay chỉ là vùng đất hoang vắng nghèo nàn. Tuy vậy, nơi đây còn lại 3 Phật tích quan trọng: Kỳ Viên Tịnh Xá, nhà của Cấp Cô Độc và Vô Não là hai đại đệ tử của Phật Thích Ca.
Theo Phật sử, Cấp Cô Độc là đại gia giàu có hàng đầu của kinh thành Xá Vệ. Khi Phật Thích Ca về đây thuyết giảng, ông đã bỏ đạo Bà La Môn theo làm đệ tử của Phật và quyết định tìm mua một khu vườn đẹp nhất làm nơi thuyết giảng và trú ngụ cho đức Phật. Nơi ông vừa ý nhất lại là khu vườn của Thái tử Kỳ Đà con của nhà vua đương thời. Vì không muốn bán khu vườn nên thái tử nói đùa: hãy sắp kín vàng lên khu vườn thì nó thuộc về nhà ngươi. Sáng hôm sau thức dậy ra vườn thái tử giật mình kinh ngạc khi thấy màu vàng sáng rực lên từ khu vườn. Từ đó, nơi ấy trở thành Kỳ Viên tịnh xá là nơi Phật Thích Ca lưu trú thiền định và thuyết giảng suốt trong 24 năm trời.
Kỳ Viên tịnh xá rộng chừng 2 mẫu. Nơi ấy hiện nay còn nền bằng gạch của hương xá là nơi Phật trú ngụ. Chung quanh hương xá là nền các tịnh thất của các ngài Anan, Cadiếp, Cấp Cô Độc, Vô Não, Mục Kiền Liên... là những đại đệ tử của Phật. Trong Kỳ Viên tịnh xá có một cội bồ đề to lớn xum xuê mà khi đến đây tôi thấy vô số những đoàn phật tử hành hương từ các nước Nhật, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Bangladesh, Tây Tạng... đến quỳ lạy, ngồi thiền và dán vào gốc cây vô số những mảnh vàng. Tương truyền rằng gốc cây bồ đề này do ngài Anan chiết từ cây bồ đề tại Bồ Đề Đạo Tràng, là nơi Phật Thích Ca ngồi nhập định 49 ngày để thành chánh quả, về trồng nơi đây. Cội bồ đề ấy trở thành linh thiêng và cuốn hút hàng vạn phật tử trên khắp thế giới về hằng năm là vì Phật Thích Ca trong thời gian ở đây vẫn thường hay ngồi nhập định.



Nhà sư VN đang nghiên cứu di tích Đại học Nalanda

Cách không xa Kỳ Viên tịnh xá là nhà của Cấp Cô Độc và Vô Não. Cấp Cô Độc trước khi trở thành đệ tử của Phật là một triệu phú do vậy nhà của ông to lớn nguy nga như một lâu đài. Lâu đài đó trải qua 2.600 năm với bao tàn phá của thời gian và con người, ngày nay vẫn còn lại khu nền móng bằng gạch tương đối nguyên vẹn với đặc trưng kiến trúc Ấn Độ cổ đại.
Nền nhà còn lại của Vô Não gần đó cũng không kém phần to lớn. Vô Não là tu sĩ của một giáo phái lạ thường, tin rằng khi giết đủ 100 người rồi chặt đủ 100 ngón tay đeo lên cổ thì sẽ đắc đạo. Khi gặp Phật Thích Ca ông chỉ còn thiếu 1 ngón cuối cùng và ông muốn giết mẹ ông để lấy ngón tay đó. Phật đã cảm hóa được ông và ông đã quay đầu thấy bến bỏ dao giết người để trở thành đệ tử của Phật.
Cách đây gần 1.500 năm - năm 625 sau công nguyên - ngài Huyền Trang sang tận đây nghiên cứu, tham quan và thỉnh kinh. Những gì ông tìm tòi và nghe thấy được ghi chép lại trong cuốn Đại Đường Tây Quốc Ký nổi tiếng của ông. Trước đó gần 100 năm cũng có một nhà sư Trung Quốc khác sang đây, đó là sư Pháp Hiển. Cũng như ngài Huyền Trang, ông cũng tìm tòi nghiên cứu và để lại dấu vết của mình khắp các nơi mà đức Phật từng đi qua. Đó là nơi Phật ra đời: vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Phật tu thành đạo: Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Phật thuyết pháp đầu tiên: Bà La Nại, nơi Phật tịch diệt: Câu Thi Na... 
Do vậy mà đến nhiều Phật tích tôi đều thấy có bảng ghi nhận sự hiện diện của hai nhà sư này, đặc biệt tại Nalanda, Trường đại học Phật giáo đầu tiên trên thế giới ra đời cách đây trên 1.500 năm. Trường giảng dạy không chỉ kinh Phật mà còn có các môn: Thiên văn, Thần học, Luận lý, Y học... Theo tài liệu để lại, Trường đại học Nalanda được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 sau công nguyên. Trường có khoảng 2.000 giáo sư và 10.000 sinh viên, trong đó không chỉ của Ấn Độ mà còn nhiều nơi khác đến. Có 13 học viên của Trung Quốc và Triều Tiên đã từng học ở trường này, trong đó có hai thầy Pháp Hiển và Huyền Trang. Hai vị sư nổi tiếng ấy đã đến đây nghiên cứu, học tập và được ở lại giảng dạy một thời gian dài. Khi học và dạy ở đây thầy Huyền Trang có tên Ấn Độ là Mokshadeva. Những ghi chép của thầy về nơi này trong cuốn Đại Đường Tây Quốc Ký là một trong những sử liệu quan trọng về Đại học Nalanda đồng thời là xác nhận quan trọng sự lan tỏa và ảnh hưởng ra thế giới của nền văn minh cổ đại Ấn Độ.
Rất tiếc vào thế kỷ thứ 12, nạn ngoại xâm tràn đến, Trường đại học Nalanda bị thiêu rụi. Vì quá to lớn và chứa toàn bộ kinh sách cũng như các tài liệu giảng dạy của các môn học, trường cháy ròng rã trong ba tháng trời. Nay trường chỉ còn lại những nền gạch làm chứng tích. Tuy là những nền gạch nhưng nhìn vào vẫn thấy được quy mô to lớn của trường cũng như thấy được trình độ kiến trúc siêu việt của người Ấn Độ cổ đại.
Huỳnh Ngọc Chênh
(Thanh Niên)


Kỳ 2: Lâm Tỳ Ni và Việt Nam Phật Quốc tự  

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire