25/05/2012

GS NGUYỄN MINH THUYẾT: KHÔNG NÊN ĐẶT CƯỢC TÍNH MẠNG DÂN TỘC



Ngày 5/5/2012 tại buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân tại cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân đã giải đáp nhiều thắc mắc của người dân, trong đó có vấn đề xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) tại Ninh Thuận. Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng đã thông báo năm 2014 chưa thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Một ngày sau  tuyên bố của Bộ trưởng, Nhật Bản đã chính thức đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cuối cùng. Nhân sự kiện này, VNT đã phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - người được dư luận đánh giá cao về những phát biểu ở Quốc hội khi ông giữ vai trò Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá,  Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - xung quanh sự kiện này.


Chúng ta sẽ sụn lưng nếu làm ĐHN
- Dư luận xã hội đánh giá ông là một trong những đại biểu Quốc hội có những ý kiến rất sâu sắc liên quan đến nhiều vấn kinh tế - xã hội, đặc biệt, ông  từng có ý kiến không đồng thuận về dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên và về vụ nợ nần cả trăm nghìn tỷ ở tập đoàn Vinashin. Nhưng hình như ông rất ít nói đến dự án ĐHN, vì sao vậy?

- Dự án xây dựng hai nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận được Chính phủ trình Quốc hội vào tháng 11 năm 2009, tại Kỳ họp thứ 6 QH khoá XII. Khi đó, tôi là một trong những người phát biểu ý kiến phản đối và là một trong 39 người biểu quyết không đồng tình với dự án này. Tôi nhớ là cùng với 39 người không đồng tình, còn có 18 người không biểu quyết (tức là bỏ phiếu trắng).

-  Ông có thể nói rõ lý do khiến ông có những ý kiến không đồng thuận?

- Một dự án phát triển kinh tế - xã hội phải được đánh giá trên ba phương diện: sự cần thiết, tính khả thi và tác động của dự án.
 Về sự cần thiết của dự án, Tờ trình của Chính phủ cho biết với tốc độ phát triển GDP của Việt Nam trung bình 8 – 9 %/năm thì nhu cầu điện năng vào năm 2020 sẽ là 380 tỷ kWh, gấp bốn lần năm 2010. Trong khi đó, Việt Nam không còn khả năng phát triển nhiệt điện do hết than, không còn khả năng phát triển thủy điện vì chỗ nào làm thủy điện được thì đã tận dụng gần hết, làm điện gió, điện mặt trời thì đắt, do đó phải làm ĐHN.


Tuy nhiên, trên thực tế, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của nước ta chỉ đạt 6 – 7 %/năm và trong hoàn cảnh khó khăn về tài chính và khủng hoảng kinh tế như hiện nay, khả năng tăng trưởng cao hơn là rất khó. Theo tôi, để giải quyết vấn đề thiếu điện, một mặt, Việt Nam cần tích cực giảm lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng điện; mặt khác nên chủ động giảm tăng trưởng GDP. Trong nhiều năm, để tăng trưởng GDP, chúng ta thu hút đầu tư bằng mọi giá. Nhưng đổi lại, dân ta bị  mất đất, môi trường bị tàn phá, người lao động có việc làm, nhưng mức lương chỉ từ 1,2 - 1,5 triệu/tháng. Vốn bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả sản xuất rất thấp. Hiện nay chỉ số ICOR (hiệu quả kinh tế) của Việt Nam là 7 tức bỏ ra 7.000 đ thì chỉ thu về được 1.000 đ. Chỉ số này ở khu vực kinh tế nhà nước còn lên đến 9,1. Như vậy, nếu không tăng được hiệu quả đầu tư, không chống được tham nhũng, lãng phí  thì càng tăng trưởng mạnh lại càng thất thoát nhiều.


Thứ hai là tính khả thi của dự án. Đây là một dự án không có tính khả thi. Xét về mặt nhân lực, chúng ta chưa có bất kỳ một cán bộ kỹ thuật nào về ĐHN chứ chưa nói đến chuyên gia. Hiện nay chúng ta đã cử cán bộ ra nước ngoài để học về ĐHN. Nhưng làm ĐHN khác với đóng gạch. Học đóng gạch chỉ cần một tháng, học làm ĐHN không những đòi hỏi thời gian dài mà còn đòi hỏi tác phong công nghiệp, trước hết là tính kỷ luật, sự cẩn trọng, chính xác. Phải nói thẳng là về tác phong công nghiệp thì người Việt Nam mình hạn chế rõ ràng. Nhiều người tham gia giao thông, cứ thấy vắng bóng cảnh sát là vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Không hiếm trường hợp người ta tháo cả giằng cầu đi bán. Có người còn lấy cắp cả hộp phóng xạ về nhà, bán không ai mua thì đem làm đòn kê chẻ củi. Tính kỷ luật trong xã hội thấp như vậy thì không chắc người được đào tạo về ĐHN sẽ không bị ảnh hưởng hoặc những người phục vụ xung quanh không bị ảnh hưởng.


Về nguyên liệu, nếu làm ĐHN, Việt Nam phải nhập từ nước ngoài. Theo số liệu thống kê thì lượng uranium trên toàn cầu chỉ còn khoảng 15 triệu tấn, đủ phục vụ cho 440 lò phản ứng HN đang hoạt động trong vòng vài chục năm nữa. Và như vậy, khi uranium trở nên khan hiếm thì giá của nó vô cùng đắt đỏ; đến lúc ấy, chắc chắn ta không thể chịu đựng được, đành bỏ không nhà máy ĐHN.


Thứ ba là tác động của dự án. Tôi xin nói về tác động tài chính trước. Về kinh phí làm 2 nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận, Nghị quyết của Quốc hội đưa ra con số 13,2 tỷ USD, nay tương đương 260.000 tỷ đồng. Song Quốc hội lại yêu cầu làm bằng công nghệ an toàn nhất. Ngay tại phiên thảo luận của Quốc hội, nhiều đại biểu đã khẳng định rằng không thể có giá rẻ như vậy. Và trên thực tế, Việt Nam đã ký Hiệp định liên Chính phủ với Nga trong đó Nga cam kết cho vay khoảng 8 tỷ USD (chưa tính phần vốn đối ứng trong nước) cho việc xây NMĐHN Ninh Thuận 1; còn với Nhật tuy chưa ký Hiệp định, nhưng cũng đã đồng ý cho công ty Nhật triển khai làm nhà máy thứ hai dự báo giá thành cũng không thấp hơn. Đó là chưa kể đến chi phí chôn lấp chất thải HN trên dưới 2 tỷ euro/nhà máy. Chi phí dỡ bỏ nhà máy ĐHN khi hết hạn sử dụng (chừng 40 – 50 năm) cũng khác hẳn chi phí tháo dỡ một nhà máy lắp ráp ô tô. Theo GS.VS Hoàng Xuân Phú, ở CHLB Đức, để dỡ bỏ 2 nhà máy ĐHN, người ta phải chi tới 4,1 tỷ euro. Nói thẳng là nếu làm ĐHN chúng ta sẽ sụn lưng.


Tác động đến xã hội cũng là điều cần cân nhắc. Làm ĐHN, chắc chắn chúng ta phải vay tiền; mà khả năng vay từ nguồn ODA (viện trợ trả chậm, không lấy lãi hoặc lãi suất thấp) là không có. Trong khi đó, nợ công của Việt Nam đã xấp xỉ 60%. Gánh nặng nợ nần có thể dẫn đến những bất ổn xã hội. Đó là chưa kể tâm lý lo lắng của người dân, nhất là ở vùng trực tiếp chịu ảnh hưởng của nhà máy ĐHN. Gần đây, tôi có đọc một số ý kiến của nhà thơ dân tộc Chăm Inrasara phản ánh tâm trạng lo lắng về ảnh hưởng của ĐHN đối với quê hương mình. Đó là những ý kiến rất cần được quan tâm.   

Tổ tiên run rủi?

- Thảm họa đến từ thiên nhiên là bất khả kháng, nhưng trên thực tế thảm họa đến từ con người không phải là không thể xảy ra, liệu công nghệ hoàn hảo như chúng ta kỳ vọng sẽ đẩy lùi được thảm họa?


- Trận động đất, sóng thần dẫn đến thảm hoạ ĐHN ở Fukushima, Nhật Bản, cho thấy con người không thể tưởng tượng được hết mức độ và hậu quả khủng khiếp của thiên tai. Tốt nhất là hãy từ các thảm hoạ nhỡn tiền rút ra bài học cho mình. Tôi nghĩ tổ tiên đã run rủi cho chúng ta bằng những điểm báo rất rõ ràng: Khi ta chuẩn bị triển khai đại dự án bauxite ở Tây Nguyên thì xảy ra thảm họa bùn đỏ ở Hungary; định làm đường sắt cao tốc thì xảy ra hàng loạt tai nạn tầu cao tốc ở Trung Quốc; định làm ĐHN thì xảy ra thảm họa ĐHN ở Nhật Bản. Chẳng lẽ những cảnh báo dồn dập như vậy chưa đủ hay sao? Nên nhớ công nghệ cao đến đâu cũng có rủi ro. Lấy ví dụ, cầu Cần thơ do chuyên gia Nhật Bản thiết kế và chỉ đạo thi công bị sập cầu dẫn; Nhà máy lọc dầu Dung Quất với công nghệ tiên tiến của Pháp cũng dật dờ lúc đóng lúc mở suốt từ ngày khánh thành đến nay. Chúng ta không nên đặt cược tính mạng dân tộc vào kỹ thuật nước ngoài. Nếu còn thoát ra được thì nên cố gắng thoát ra. Thảm họa  có thể xảy ra từ thiên nhiên hay từ những bất cẩn của con người mà Chernobyn là một ví dụ điển hình về sự bất cẩn ấy.

- Nếu không làm ĐHN, Việt Nam sẽ không thể khắc phục được tình trạng thiếu điện đang ngày càng trở nên trầm trọng?

- Năng lượng điện của hai nhà máy ĐHN dự kiến chỉ đóng góp được 4% vào tổng năng lượng điện quốc gia, trong khi lãng phí điện ở nước ta rất lớn. Trong sản xuất, 1kwh điện ở Việt Nam chỉ làm ra được 0,8 USD, trong khi đó cũng 1kwh ở Nhật Bản, người ta làm ra 4,6 USD; ở Singapore 3,4 USD; ở Indonesia 2,7 USD và ở và Philippines 2,1 USD. Vì điện được sử dụng hiệu quả hơn nên mức tăng trưởng điện năng trung bình (do phát triển thêm nhà máy điện hoặc mở rộng quy mô các nhà máy điện hiện có) ở Nhật trong những năm qua chỉ là 0,8%/năm; ở Singapore 4,4%; ở Indonesia 6,3% và ở Philippines 4,6%; trong khi ở Việt Nam là 14,4%, cao hơn cả Trung Quốc (13%). Để đạt 380 tỷ kwh vào năm 2020, nước ta sẽ phải nâng mức tăng trưởng năng lượng điện lên 17%/năm. Nhưng nếu không nâng cao được hiệu quả sử dụng điện thì càng tăng trưởng nhiều càng bất lợi.  
Theo GS.VS Hoàng Xuân Phú, nếu tính cả kinh phí chôn lấp chất thải HN và dỡ bỏ nhà máy ĐHN khi hết hạn sử dụng, tổng giá thành làm ĐHN sẽ cao gấp 43 lần nhiệt điện, 41 lần điện từ khí, 27 lần điện từ gió biển. Trong khi đó, với trên 20 tỷ USD dự kiến đầu tư cho hai nhà máy ĐHN, chúng ta hoàn toàn có thể làm một nhà máy nhiệt điện công suất 18.750 MW, gấp 4,6 lần 2 nhà máy ĐHN ở Ninh Thuận.

- Sau hơn 1 năm xảy ra sự cố ĐHN, ngày 6/5 Nhật đã chính thức đóng cửa lò phản ứng hạt nhân cuổi cùng, trong khi đó nước Nhật vẫn là đối tác giúp Việt Nam xây dựng nhà máy ĐHN? Ông suy nghĩ thế nào về sự kiện này?

- Việt Nam lựa chọn Nga và Nhật là hai nước có khoa học - công nghệ phát triển và cũng là hai nước có thảm họa hạt nhân lớn nhất làm đối tác giúp xây dựng 2 nhà máy ĐHN đầu tiên. Với những thông tin mà mình có được, tôi không hiểu rõ lý do lựa chọn hai nước này. Nhưng điều quan trọng hơn là không hiểu vì sao nước ta vẫn kiên trì phát triển ĐHN, trong khi hàng loạt quốc gia phát triển như Đức, Bỉ, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha, Italia,… và chính nước Nhật đã từ bỏ chính sách phát triển ĐHN. Thủ tướng Nhật Naoto Kan khi còn tại chức đã khẳng định: “Xem xét nguy cơ nghiêm trọng của các tai hoạ hạt nhân, chúng tôi cảm nhận mạnh mẽ rằng chúng ta không thể cứ tiếp tục dựa trên lòng tin là chỉ cần tìm cách bảo đảm an toàn hạt nhân.” Và ngày 6/5 vừa qua, nhà máy điện HN cuối cùng ở Nhật đã phải đóng cửa theo yêu cầu của người dân Nhật. Người dân Nhật cũng rất có thiện chí khi biểu tình đòi Chính phủ không được bán công nghệ ĐHN cho Việt Nam. Ở chiều ngược lại, vừa qua, một số nhà khoa học và các giới khác ở Việt Nam cũng đã gửi thư cho Thủ tướng Nhật Bản với mong muốn nước Nhật không đưa công nghệ ĐHN vào Việt Nam. Còn vì sao Việt Nam vẫn kiên trì thì câu hỏi này chỉ có thể tìm câu trả lời đầy đủ nhất từ Chính phủ.

- Theo nhìn nhận của ông, vì sao Nhật chấm dứt ĐHN?

- Thảm họa HN ở Fukushima đã làm tăng sự tàn phá của trận sóng thần đối với đất nước Nhật, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế cũng như đến đời sống người dân Nhật nói chung và người dân tại Fukushima nói riêng. Nếu ĐHN có góp được phần nào cho sự phát triển của nước Nhật trong giai đoạn vừa qua thì bây giờ nó lại chứng tỏ sức tàn phá quá khủng khiếp. Và ở một nước dân chủ như Nhật thì Chính phủ phải có những quyết định hợp với lòng dân. Chấm dứt ĐHN chính là để đáp ứng nguyện vọng của người dân.
- Bộ trưởng Nguyễn Quân khi trả lời trực tuyến báo chí đã chính thức   thông báo ĐHN chưa thể bắt đầu vào năm 2014.  Theo ông, có nên lùi thời hạn xây dựng ĐHN tới năm 2020?


- Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt, cho rằng nên lùi thời gian ít nhất là 10 năm và chỉ nên làm vài lò phản ứng để có kinh nghiệm đã. Nhưng dự kiến của Việt Nam là đến năm 2025 - 2030 sẽ đứng vào hàng thứ 15 thế giới về ĐHN. Thiết tưởng, chạy theo thành tích trong lĩnh vực này nguy hiểm hơn các lĩnh vực khác nhiều. Mà trên thế giới, cũng không ai người ta khuyến khích mình thi đua như vậy. Ngược lại, chúng ta phải nghiên cứu xem vì sao nhiều nước tiên tiến trên thế giới đang từ bỏ ĐHN.


Theo tôi, là một nước nhiệt đới, chúng ta nên đầu tư học hỏi, nghiên cứu làm điện từ năng lượng gió, từ nhiệt của mặt trời, chứ không nên phát triển ĐHN. Giá thành ban đầu có thể đắt nhưng khi cải tiến được công nghệ sẽ rẻ. Năm ngoái, tôi đi châu Âu, thấy những dàn điện gió trải khắp nước Hà Lan và những tấm pin mặt trời trải khắp nước Đức, tôi cứ mong một ngày nào điện gió, điện mặt trời cũng phổ biến trên khắp đất nước ta.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!
                                                                                          THU HÀ (thực hiện)

Nguồn : Văn Nghệ Trẻ số 22 (282), ngày 27/5/2012
Phần có nội dung bằng chữ màu xanh do người được phỏng vấn chỉnh lý.

24 commentaires:

  1. Điện hạt nhân quả là nguy hiểm vô cùng. Nước Nhật một đất nước đỉnh cao về văn minh về khoa học công nghệ mà vẫn phải từ bỏ. Thì tôi là một người dân bình thường vẫn không hiểu sao mà đất nước ta phải lao vào. Những nguồn điện khác tuy có đắt hơn nhưng đảm bảo an toàn cho tương lai nhiều thế hệ, tương lai đất nước thì nên theo. Vì suy cho cùng khi chết đi giàu có đến cỡ nào thì thân cát bụi cũng trở về cát bụi. Đừng để lại ung thư, thảm họa mà thế hệ cháu con, thế hệ gọi chúng ta bằng cụ, bằng kỵ phải nhận lãnh. Từ bỏ tham vọng về điện hạt nhân là đem lại an toàn, tránh xa thảm họa cho thế hệ tương lai. Mong lắm thay !

    RépondreSupprimer
  2. Mấy ông có ở đây đâu mà đặt cược .
    Có nhà Anh , Mỹ , Úc hết rồi .
    Hy sinh dân tộc cho cá nhân mấy ông thôi .

    RépondreSupprimer
  3. "Không hiểu vì sao nước ta vẫn kiên trì phát triển ĐHN, trong khi hàng loạt quốc gia phát triển như Đức, Bỉ, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha, Italia,… và chính nước Nhật đã từ bỏ chính sách phát triển ĐHN"?
    Thật là một câu hỏi đơn giản và chính đáng nhưng không dễ trả lời. Chỉ có chính phủ và quốc hội mới trả lời được câu hỏi này để thể hiện trách nhiệm trước lịch sử và tương lai dân tộc, tạo ra sự đồng thuận của toàn xã hội.

    RépondreSupprimer
  4. Cảm ơn anh Chênh ,cảm ơn bác Thuyết.Xúc động khi đọc những lời tâm huyết đầy trách nhiệm cửa bác Thuyết.Bác Thuyết và nhiều nhà trí thức ,nhân sĩ đã gióng lên tiếng chuông thức tỉnh những người lảnh đạo quốc gia để họ cẩn trọng trong các quyết định có tính sống còn của dân tộc.Nước ta còn quá nghèo dân mình nhiều người còn khổ thì những Vinashin,Vinaline ,bô xít,sông tranh ...chỉ làm đất nước nghèo hơn,người dân khổ hơn.

    Cũng mong tiếng chuông đánh động được nhiều hơn những nhà trí thức khác quan tâm hơn đến vận mạng đất nước mà cùng lên tiếng nói chung,cùng góp ý cho lảnh đạo nước nhà.Quốc gia hưng vong Thất phu hửu trách ,hà huống gì mình là...

    RépondreSupprimer
  5. Yêu sự thật25 mai 2012 à 11:14

    Tôi đề nghị quốc hội công bố danh tính những đại biểu bấm nút đồng ý biểu quyết xây dựng nhà máy ĐHN. Đồng thời bắt những người này cam kết sẽ chuyển đến sống tại Ninh Thuận cạnh nhà máy ĐHN khi nào nhà máy đưa vào vận hành. Tôi đảm bảo sẽ khối bác chạy mất dép ngay

    RépondreSupprimer
  6. chúng ta chưa có văn hóa tối thiểu chứ chưa nói tới văn hóa công nghiệp. Việc chỉ có cái bông hoa Anh Đào trồng ở bờ hồ mà trong phút chốc nó đã bị phá tan tành, đổ cả hàng trăm ngàn tỷ vào túi của một nhóm người như Vinashin, Vinalines và nhiều Vina... nữa mà chẳng có ai từ chức, chịu trách nhiệm là minh chứng cho điều đó. Vì thế muốn có điện hạt nhân đầu tiên dân ta phải sống có văn hóa đã, nếu không thì sự tiêu vong dân tộc, giống nòi không khó mà sớm xẩy ra trên đất nước hình chữ S này của chúng ta đâu

    RépondreSupprimer
  7. Khi bàn đến Bauxit thì xảy ra thảm họa tràn bùn đỏ ở Hungari,khi bàn đến đường cao tốc xe lửa Bắc Nam thì xảy ra tai nạn liên tiếp, kinh hoàng do lỗi kĩ thuật ở đường sắt cao tốc Trung Quốc,khi bàn đến xây dựng điên hạt nhân thì xảy ra sự cố ở Fukushima,Nhật Bản.Những hiện tượng
    thuyết phục xảy ra đúng lúc đầy ý nghĩa đó nên dùng nhờ"TUỆ NHÃN TIÊN TỔ".Dùng"Tổ tiên dun rủi",nét nghĩa biểu cảm không được chính xác lắm,thưa GS Nguyễn Minh Thuyết.

    RépondreSupprimer
  8. Trừ các ĐB không ủng hộ và bỏ phiếu trắng còn lại là ủng hộ:
    Đề nghị xây nhà ở Ninh Thuận cấp không cho các vị về đó sống nhưng không được bán ở chỗ khác, yêu cầu mỗi ĐB cử 01 xuất con hoặc cháu đi đào tạo ĐHN. Tổ chức cho các ĐB đi tham quan ĐHN checnobun và Fukushima rồi về bấm lút lại.

    RépondreSupprimer
  9. Mấy chú thương binh thăm Anh Diện hôm trước đâu rồi nhỉ ?

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Phan Xuân Thuận26 mai 2012 à 00:01

      Có đây, mời các bạn vào xem: http://xuandienhannom.blogspot.com/2012/05/dan-luan-on-cua-nhom-thuong-binh-nang.html

      Supprimer
  10. Không biết anh Chênh và GS Nguyễn Minh Thuyết có sợ "thương binh nặng Hà Nội" không mà đăng Entry này? Thấy trình độ hợp đồng của "họ" rất chuẩn (đừng tưởng họ ngây ngô !)

    RépondreSupprimer
  11. Người lính25 mai 2012 à 19:20

    Các bác biết một mà không biết 2!
    Muốn có bom nguyên tử thì phải có nhà máy điện nguyên tử( nó là tấm bình phong cho việc nghiên cứu, chế tạo bom nguyên tử chứ )
    Đây là bí mật quốc gia, sao lại nói, giải thích cho mọi người biết được. có nhà máy điện NT thì mới mua URADium về làm ruột bom được chứ.
    Hi vọng 20 năm sau nước ta là cường quốc hạt nhân! Lúc đó thì ta chả sợ nước nào cả. Bắc Triều tiên, nước họ nghèo nhưng có bom nguyên tử là Nhật, Hàn quốc ngán ngẩm ngay.

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. chưa có bom thì đã tiêu rồi, Israel là nước nhỏ thôi nhưng sẳn sàng đánh Iran vì làm bom HN , ở đó mà biết 1 với 2.

      Supprimer
  12. Tôi đề nghị tìm địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở gần Hà nội. Việc này có nhiều cái lợi:
    Các bác cùng gia đình các bác có thẩm quyền quyết định xây được ở gần nó. Tiện đi lại thăm nom, vuốt ve tác phẩm của mình.
    Dân chúng thấy các bác ở cạnh nó nên cũng yên tâm hơn, bớt nói ra nói vào.
    Có gì xảy ra thì các bác ăn trước rồi mới đến dân.

    Cũng như thủy điện Sông Tranh, các bác khăng khăng không sao cứ xây dinh thự, đưa gia đình vợ con đến gần chân đập mà ở. Phong cảnh hữu tình, thiên nhiên hoang dã. Mà lại yên lòng dân.

    RépondreSupprimer
  13. Là 1 kĩ sư Hệ thống điện, công tác nhiều năm trong ngành điện, tôi biết hiện tại và các năm tiếp theo, nước ta còn thiếu điện.
    Với lượng điện năng tiêu thụ hàng năm tăng trung bình khoảng 15% thì sau 5 năm sản lượng điện tiêu thụ sẽ tăng gấp 2 lần!
    Trước khi xảy ra sự cố tại nhà máy điện nguyên tử ở Fukushima, tôi cũng rất nhiệt tình ủng hộ việc nước ta cần xây dựng nhà máy điện nguyên tử.
    Nhưng nay, tôi thấy rằng việc XD nhà máy điện Nguyên tử cần phải xem xét lại 1 cách nghiêm túc trên cơ sở nghiên cứu thật khoa học, khách quan của các nhà khoa học.
    " Nhiệt tình + ngu dốt = phá hoại"!
    Kính xin các vị lãnh đạo đất nước và các ĐBQH hãy bình tĩnh xem xét lại vấn đề trọng đại này 1 cách hết sức thận trọng để tránh hậu họa khôn lường cho đất nước!

    RépondreSupprimer
  14. Nguyễn An Liên25 mai 2012 à 22:07

    Về hiệu quả thì ĐHN không lấn lướt các nhà máy điện khác! Về mặt an toàn thì đáng lo ngại ! Đã rõ ràng như vậy nhưng không hiểu tại sao chính phủ vẫn cố tình triển khai làm nhà máy ĐHN nhỉ ? Phần trăm của 20 tỷ USD hấp dẫn quá đi mà !

    RépondreSupprimer
  15. Các bác ơi! Em dao chơi mấy vòng ở Vĩnh Trường nơi xây dựng Nhà Máy ĐHN Ninh Thuận 1. Bà con dân ở nơi này khoảng 600 người lớn nhỏ rất phấn khởi, ăn xài chờ đợi được đi nơi khác. Tiền các SẾP đưa cho không mà, sau này nhận đền bù thì trừ. Đất đai bi giờ toàn "người lạ" bỏ tiền mua sạch, dân chỉ ở giữ dùm mấy người đó.

    Em đi Vĩnh Hải nơi làm ĐHN Ninh Thuạn 2 thì bà chính quyền đem dân làng biển về núi lượm đá mà ăn vì bao đời dân biển đâu biết phá rừng. đất đai thì hàng loạt người lạ hoắc có tên sổ đỏ. Em nghĩ một cuộc buôn bán công nghệ và đất đai sẽ diễn ra.

    Làm ĐHN hay vì lợi ích riêng của nhóm người buôn lậu xuyên Quốc Gia ???. Thiếu mẹ gì cách làm ra điện mà lại đi làm Hạt nhân. Em mong T/s Nguyễn Chánh Khê mau mau lên tiếng dẹp ngay cái ĐHN làm điện nước gấp gấp.

    RépondreSupprimer
  16. Thủy điện thì như Hố Hô - Sông Tranh , nhiệt điện thì than cạn kiệt nhập khẩu thêm ,dầu khí thì thiếu trầm trọng . Thôi thì cứ trước mắt đời này ăn mặn đã còn con cháu khát nước ra sao thì ...tính sau .

    RépondreSupprimer
  17. Cứ làm đã, còn hậu quả thì dân đen chúng mày chịu, chúng tao và con cái 3 đời sau này của chúng tao sẽ sống ở Canada, Mỹ, Úc, New Zealand..và cả China, khà khà, dân đen chúng mày cứ bàn đi, thoả mái, còn quyết làm hay không là quyền của bọn tạo, luật pháp, dân chủ hả, còn khướt nhé, chỉ có USD trong đầu chúng tao thôi, mịa. khà khà.
    ............

    Xin lỗi bác HNC nhé, tại iem nghe lỏm được "Họ" nói thế khi iem đang đấm bóp, mát xa cho "họ" kiếm cơm qua ngày, biên y nguyên ra thôi, hic

    RépondreSupprimer
  18. điếc đâu có sợ súng. chỉ cần trúng quả này ...là họ có biệt thự, vợ trẻ ngay, giống như bán Bauxit mà. Sống chết mặc bay tiền thày bỏ túi đã.

    RépondreSupprimer
  19. Sau thảm hoạ Fukushima, người Nhật đã dùng tẹc nhựa để trử nước đã nhiễm phóng xạ, đến mùa đông trời lạnh nước đóng băng thể tích nước bị đóng băng nở ra làm các tẹc nhựa bị vỡ, nước bị nhiễm phóng xạ chảy ra ngoài... (LẤY TỪ nội dung phim tài liệu chiếu trên đài Arte (Pháp- Đức)vào dịp tháng 3 vừa rồi). Người Nhật hoang mang không biết còn chỗ nào an toàn nữa?
    Tôi ko dám phủ nhận văn minh của người Nhật vì họ có những phát minh làm thế giới phải khâm phục như: Công nghiệp ô-tô, máy móc, tự động v.v... Sự việc trên chắc cũng vì "nóng bắt tai", nhưng cũng chứng tỏ không có sự lường trước sự cố có thể xẩy ra.
    Với điện HN còn bao nhiêu sự cố tiềm tàng ngoài khả năng kiểm tra của con người. Hiện nay việc tháo dỡ các lò phản ứng đã đóng cửa tốn bao nhiêu công sức và tiền của vì ngoài chất thải, các vật liệu xây nên lò như bê-tông, sắt thép đều đã nhiễm phóng xạ, đều phải cất ở độ sâu chừng 100 m dưới lòng đất và phải bảo đảm an toàn 1 triệu năm.
    Tại sao chúng ta cứ không phát triển điện mặt trời, điện gió, trong lúc các nước văn minh phát triển ào ào: Đan Mạch, Shotland, Hà Lan, Đức v.v. Đừng lấy lý do đắt. Thềm lục địa chúng ta bao la, lại rất gần với dải đất hình chữ S, kéo điện vào đất liền không phải đi đường xa như ở Đức chẳng hạn, từ biển Bắc Hải đến vùng Nam Đức phải kéo hàng nghìn cây số cáp nhưng họ vẫn làm. Dĩ nhiên trước khi làm phải rà soát kỹ tính khả thi ở mọi góc độ. Tôi tin tương lai VN sẽ phải chuyển đổi nguồn năng lượng theo hướng đó. Nhiệt điện, thủy điện cũng phải phát triển để bổ sung cho phong điện và quang điện nhưng nhiên liệu cho nhiệt điện phải là khí tự nhiên hay Biogas, mà VN cũng nên phổ biến, làm chủ công nghệ SX Biogas. Thủy điện nhỏ chừng 60-70 sức ngựa có thể xây khắp nơi phục vụ đia phương và gia đình trên những con sông, con suối nhỏ, ở Đức còn có những nhà máy như thế đã sử dụng từ đầu thế kỷ 19. Tôi ko phải là chuyên gia ngành điện, nhưng tôi đã theo dõi qua báo chí và đài quốc tế, khuynh hướng chuyển đổi năng lượng hóa thạch bằng năng lượng sạch là nguồn năng lượng tương lai cho loài người.
    Mời bạn đọc: Máy bay điện quang của nhà thử nghiệm hàng không Thụy Sĩ Bertrand Piccard bắt đầu cất cánh bay thử sang Marokko(2500 km) và tiến tới sẽ bay thử nghiệm quanh quả đất: http://www.spiegel.de/reise/aktuell/solarflugzeug-solar-impulse-gesta...
    Cảm ơn tham luận của giáo sư Thuyết, cảm ơn Blogger Huỳnh Ngọc Chênh.

    RépondreSupprimer
  20. Tôi nghĩ không nên làm điện hạt nhân mà nên chuẩn bị bom hạt nhân răn đe thằng tàu phỉ.

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Xu hướng phát triển nguồn điện năng của các tiên tiến trên thế giới hiện nay là Quang Điện từ năng lượng Mặt Trời vì các lý do
      - Nguồn năng lượng MT là vô tận ,là nguồn năng lượng xanh và sạch nhất , không ảnh hưởng đến sinh thái mà còn làm giảm độ nóng lên của trái đất ( phong điện và thủy điện cũng là nguồn năng lượng xanh nhưng hiện đang bị hạn chế vì có tính chất hủy hoại môi trường sinh thái )
      - Công nghệ SX Pin NLMT ngày càng phát triển nhanh chóng về nhiều mặt tạo được hiệu suất cao , giá thành rẻ ( năm 2009 pin NLMT (solar panel) là 3,3USD/ Watt ,năm 2012 chỉ còn 1,1 Usd / Watt giảm 3 lần ) điều này cho phép xây dựng nhà máy Điện MT ở mức 4-5 Usd / watt và tương lai còn xuống thấp hơn nhiều ( phong điện ,thủy điện từ 2,5 - 3 usd/watt, Điện HN hơn 3usd/watt)
      - trong tương lai quang điện có thể dùng cho ngành Hàng không, hàng hải thay dầu khí , phong điện thủy điện thì không
      - VN rất có nhiều điều kiện để phát triển quang điện , dể vận hành, cơ động ,có nhiều nguyên liệu đề sx .
      Vì vậy nếu người lãnh đạo có tầm ,nhìn xa một chút thì sẽ thấy tương lai thay vì đầu tư vào CN đang bỏ đi của thế giới .

      Supprimer
  21. Chỉ mỗi việc kè đập ngăn nước làm thủy điện còn tóe tòe loe ra kia kìa. Trông đập thủy điện sông tranh thì biết. chỉ vì túi tiền riêng mà làm ăn nhố nhăng như vậy. Nay lại học đòi làm điện hạt nhân!Chưa đưa vào vận hành nó đã nổ con mẹ nó rồi. Chỉ chết dân tỉnh Ninh thuận và xung quanh. Ờ mà nhà máy có công suất to thì nó nổ cũng to, không khéo cả sài gòn cũng ăn đủ !

    RépondreSupprimer