24/11/2012

Hộ chiếu «lưỡi bò» Trung Quốc: Đã đến lúc phải có giải pháp quyết liệt hơn


Thụy My

23-11-2012
Nhà cầm quyền Bắc Kinh vừa cho phát hành loại hộ chiếu điện tử mới, trong đó có in bản đồ có hình lưỡi bò, biểu thị yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông, trong đó có cả Hoàng Sa và Trường Sa. Chính quyền Việt Nam, Philippines, Đài Loan và Ấn Độ đã nhanh chóng lên tiếng phản đối với các mức độ khác nhau.
Về phía người dân Việt Nam, thủ đoạn mới của Trung Quốc cũng đã làm cho dư luận hết sức xôn xao. Vừa trở về từ Ấn Độ và Nepal hôm nay 23/11/2012, ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty dã ngoại Lửa Việt tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã dành thì giờ trao đổi với RFI Việt ngữ về vấn đề này, với tư cách một công dân Việt.

RFI Kính chào ông Nguyễn Văn Mỹ, rất cám ơn ông đã nhận trả lời phỏng vấn. Thưa ông, ông có cảm nghĩ như thế nào về hành động Trung Quốc in bản đồ có hình lưỡi bò lên hộ chiếu ?
Ông Nguyễn Văn Mỹ : Tôi vừa đi công tác ở Ấn Độ và Népal, nên chỉ mới nắm thông tin một cách tổng quát thôi. Nhưng điều đó thì bản thân tôi không hề ngạc nhiên, chỉ có điều họ đưa ra như vậy là rất sớm. Tức là chuyện đó trước sau gì cũng làm thôi. Mà phải chăng đây là cái món quà đầu tiên ra mắt thế giới của Tập Cận Bình.
Tại sao tôi không ngạc nhiên ? Bởi vì thật ra tham vọng của Trung Quốc thể hiện rẩt là rõ. Một mặt thì họ nói rằng họ không gây chiến, họ hết sức ôn hòa và tôn trọng các nước khác ; mà họ luôn luôn làm ngược lại. Tức là trong khi những tranh chấp đó chưa hề được giải quyết thì họ đơn phương tuyên bố là cái đó của họ. Mà điều này là trái với thông lệ ngoại giao, thể hiện tinh thần nước lớn. Người Việt mình dùng cái từ là « cả vú lấp miệng em » đó. Cái này gần như là bản chất của Trung Quốc.
Tháng trước tôi vừa đi Quảng Châu và Hải Nam về. Thì phải nói rằng là Trung Quốc đã đạt được rất nhiều thành tựu về kinh tế cũng như quản lý. Nhưng mà bên cạnh đó thì cũng đó những điều mà người nước ngoài họ rất là khó chịu.
Cái tinh thần bài Nhật, được hiểu ngầm gần như được sự hậu thuẫn của chính quyền, rất là quyết liệt. Hướng dẫn viên địa phương khuyến cáo chúng tôi không nên vào các nhà hàng Nhật để ăn, không vào các cửa hàng của Nhật để mua bán, bởi vì có thể bị hiểu lầm là người Nhật, và có thể bị hành hung. Một cái đất nước nếu mà có tinh thần tôn trọng nhau thì không thể giải quyết bằng cái kiểu đó được !
Việc thứ hai, tại sao tôi bảo là không ngạc nhiên. Bởi vì chúng tôi đi làm việc, khi vào các cơ quan nhà nước của Trung Quốc thì thấy một điều rất là rõ. Sau lưng bàn làm việc của nhân viên họ, và đặc biệt lãnh đạo của họ, luôn luôn có cái bản đồ hình lưỡi bò to đùng ! Và trên tất cả các tài liệu do họ phát hành, từ du lịch cho tới kinh tế…luôn luôn có hình lưỡi bò.
Họ kêu gọi đàm phán nhưng bản thân họ không thèm đàm phán, họ xem như cái đó đương nhiên là của họ rồi. Và tôi cho rằng đó là thái độ thách thức không chỉ Việt Nam, mà thách thức cả thế giới, khó mà chấp nhận được.
Trung Quốc có rất nhiều mặt mạnh, và thật ra nếu họ ôn hòa, thật lòng tôn trọng các nước khác một chút, thì họ có thể làm bá chủ thế giới, thay vì cái thái độ mà mình gọi là hung hăng, hiếu chiến hiện nay. Thái độ của họ rất thiếu tôn trọng các nước khác, kể cả những nước láng giềng có bề dày truyền thống hữu nghị như Việt Nam thì họ cũng chẳng thèm tôn trọng.
Cho nên đó là thách thức của cả thế giới. Và Trung Quốc họ làm là có ý đồ rõ ràng, bài bản từ đầu tới cuối. Một cái chiến lược có thể nói là trong vòng bao nhiêu năm, chứ không phải là làm một cách tự phát, theo nhiệm kỳ hoặc là theo một cá nhân nào đó.
RFI Như vậy theo ông Việt Nam phải đối phó như thế nào ?
Trong những năm kháng chiến chống Pháp trước đây, Hồ Chí Minh có nói một ý rất hay, là « Chúng ta càng nhu nhược thì kẻ thù càng lấn tới ». Hiện nay mình chưa nói Trung Quốc là kẻ thù, nhưng rõ ràng trong quan hệ đối ngoại song phương cũng vậy. Mình càng nhu nhược thì đối phương họ càng lấn tới. Và cha ông mình cũng thường nói là « Mềm nắm, rắn buông ».
Thì tôi nghĩ rằng có lẽ đã đến lúc mình phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Bởi vì mình là người đụng chạm trực tiếp nhất, bị ảnh hưởng nhiều nhất, chứ còn các nước khác không bị trực tiếp như mình. Cho nên coi như mình là nạn nhân đi, mà mình không lên tiếng mạnh mẽ, mình phản ứng một cách yếu ớt, hoặc là chấp nhận chuyện đó là bình thường, thì khó mà đòi hỏi thế giới, bạn bè đồng tình ủng hộ mình. Và nhân dân sẽ trách Nhà nước là tại sao những việc như thế mà chúng ta lại không có cách gì hành xử.
Thật ra mình làm cái này không phải chỉ cho mình không thôi, mà cả cho những nước đang bị Trung Quốc o ép, cho cả bạn bè thế giới, và thậm chí giúp đỡ nhân dân Trung Quốc. Bởi vì suy nghĩ thật lòng, tôi cũng có qua Trung Quốc, có tiếp xúc thì không phải là người Trung Quốc nào cũng nghĩ như thế đâu. Họ cũng muốn hòa bình, hữu nghị anh em. Nếu càng sa vào những tranh chấp quyết liệt như thế, thì tất cả đều bị thiệt hại. Và điều đó là mình cũng giúp cho nhân dân Trung Quốc tránh khỏi những chuyện bị đầu độc, bị nhồi nhét những điều không có thực của lịch sử.
RFI : Về mặt cụ thể, không biết lượng khách du lịch Trung Quốc mỗi năm vào Việt Nam là bao nhiêu, chẳng lẽ không cho họ vào ? Còn nếu cho thì coi như mặc nhiên chấp nhận bản đồ hình lưỡi bò của họ, có phải không thưa ông?
Cái đó thì vì mình không phải là Nhà nước, mình chỉ có ý kiến thôi. Còn Nhà nước chắc họ cũng có những phương án đối phó, chưa biết là thế nào, và dựa trên cơ sở nào thôi. Nhưng lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam hiện nay đông nhất là đường bộ, đi qua ngõ các cửa khẩu bằng giấy thông hành. Và lượng khách này thật ra là khách đi chơi qua Việt Nam, thì không phải là khách quan trọng đâu.
Lượng khách đi bằng đường hàng không qua Việt Nam cũng không phải là nguồn khách lớn tới mức mà chúng ta sợ bị ảnh hưởng, và chi tiêu của họ cũng không phải là nhiều. Khách Trung Quốc đi đến đâu thì ồn ào, và xin lỗi là, khách châu Âu họ cũng ngại, họ tránh ra. Thậm chí giả sử khách Trung Quốc mà có đông tới mức có thể áp đảo chăng nữa, thì cũng không phải vì cái chuyện đó mà chúng ta có thể bán rẻ chủ quyền lãnh thổ, cũng như uy tín của cả đất nước.
Cho nên theo tôi, mình không phải là Nhà nước, thì mình không thể đề ra chủ trương, nhưng nếu với tư cách công dân thì mình có quyền kiến nghị. Còn nghe hay không là chuyện quản lý của Nhà nước, đó là chuyện khác nữa. Tổ tiên mình đã dạy rồi, mềm nắm rắn buông. Khi có tranh chấp thì chúng ta mềm mỏng, kiên nhẫn nhưng mà không nhu nhược. Và chúng ta càng nhún nhường thì có khi đối thủ lại càng lấn tới – đây là quy luật của cuộc sống rồi, và nó chỉ bất lợi cho mình thôi.
Bản thân tôi trước hết với tư cách công dân, tôi nghĩ rằng có mấy biện pháp mình có thể thực hiện. Một là, việc đầu tiên về phía Nhà nước, mình sẽ gởi công hàm phản đối – chuyện đó là đương nhiên rồi – và thông báo lộ trình cho họ. Nếu trong vòng bao lâu mà anh vẫn sử dụng cái hộ chiếu đó, thì tôi sẽ không cấp nhập cảnh cho anh. Cái thứ hai, trong lúc chờ thay đổi hộ chiếu, mình có thể sẽ thu hồi cái hộ chiếu đó không cho sử dụng, cấp tạm cho một cái giấy thông hành gì đó, rồi về mình trả lại.
Tôi nghĩ rằng từ chối khách Trung Quốc cũng không có gì ghê gớm cả. Chính cái thái độ hung hăng của Trung Quốc đã làm cho một lượng khách du lịch Việt Nam cũng không muốn đi Trung Quốc. Người Trung Quốc tự làm cô lập mình – mất một lượng khách khá lớn đến Trung Quốc, mất một lượng bạn bè lâu nay có tình cảm với nhân dân Trung Quốc, qua những thành tựu mà họ đạt được về quản lý, về kinh tế…
Mất một lượng khách khá lớn từ Việt Nam và từ các nước có mâu thuẫn trực tiếp, với lại cả những người bình thường nữa. Bây giờ làn sóng không thích người Trung Quốc không phải chỉ có ở Việt Nam và Đông Nam Á không đâu, mà nó lan ra cả châu Phi ! Cả châu Âu, cả Mỹ. Thì cái đó lợi bất cập hại.
Cho nên tôi nhắc lại là đã đến lúc mình cần có thái độ mạnh mẽ và dứt khoát hơn, để khẳng định chủ quyền. Chúng ta không hung hăng, mình hết sức là kiên nhẫn, nhưng không có nghĩa là bạc nhược. Anh nói một đằng làm một nẻo thì dù tôi là nước nhỏ hơn, nhưng mà về mặt pháp luật tôi bình đẳng. Sau lưng Việt Nam có cả nhân dân thế giới nữa mà. Ở cái thời đại hiện nay, không phải như hồi xưa mà muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm.
RFI : Tóm lại là theo ông, chính quyền Việt Nam cần có thái độ dứt khoát và căn cơ hơn ?
Đã đến lúc mà chúng ta, về phía Nhà nước, cũng cần phải có biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc giáo dục. Đền Preah Vihear tranh chấp với Thái Lan, thì tôi đi qua Campuchia tôi thấy tất cả trên toàn lãnh thổ Campuchia họ trương một cái pa-nô « Preah Vihear là của chúng ta ! ». Thì tại sao mình không dám trương một cái bảng to đùng « Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam » trên khắp cả nước Việt Nam ?
Mình có chứng minh lịch sử, thì tại sao Trung Quốc họ làm như thế mà mình không làm ngược lại cho nhân dân mình biết cái chuyện đó là chuyện không đúng. Và không chỉ làm với nhân dân trong nước mà còn với nhân dân thế giới biết rằng, chuyện đó là người Trung Quốc sai. Chứ không thể bây giờ Trung Quốc muốn làm gì thì làm, còn ta thì cứ im lặng. Im lặng ở đây không phải là vàng nữa, mà có nghĩa sẽ là bùn !
Với tư cách công dân thì tôi muốn là có thái độ mạnh mẽ, dứt khoát hơn, chứ không thể làm theo kiểu đối phó hiện nay. Từ trong tài liệu sách giáo khoa, trong các văn bản gởi ra nước ngoài, tất cả mọi cái…nếu Trung Quốc họ không đưa vào, ta tranh chấp thì ta tôn trọng. Nhưng vì Trung Quốc đã làm như thế bao nhiêu năm nay rồi.
Thậm chí tôi nhớ là trong một lần vào Việt Nam để giới thiệu chương trình du lịch Trung Quốc tại khách sạn Rex, Thành phố Hồ Chí Minh, thì người Trung Quốc đưa ngay tài liệu có đường lưỡi bò vào trong đó luôn. Không ai để ý, nhưng tới lúc về nhà mình mở tài liệu ra mới hết hồn. Thì phải nói là họ ngang ngược không còn chỗ nào mà nói nữa cả !
Nhân dân Việt Nam sẽ có những phán xét đối với những chính sách của Nhà nước trong việc đối phó. Mà đừng hy vọng rằng Trung Quốc thay đổi. Rất khó, cực kỳ khó !
Hồi nãy tôi có nói mình sẽ thông báo cho họ một thời hạn để họ thay đổi. Đó là về mặt pháp lý mình phải làm cho đúng thủ tục, chứ không phải đùng một cái mình ngưng không cho người ta vô, và để người ta không trách mình sau đó. Chúng tôi đã có thời hạn cho anh rồi, mà anh vẫn khăng khăng như thế thì thôi.
Anh vô nhà tôi mà anh lại bảo là nhà của anh thì ai mà chấp nhận. Ai mà lại đi tiếp một cái người, mà xin lỗi, phải dùng cái từ hơi nặng là, ai mà đi tiếp kẻ cướp bao giờ !
RFI : Xin rất cảm ơn ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty dã ngoại Lửa Việt tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã dành thì giờ trả lời cuộc phỏng vấn hôm nay của chúng tôi.

7 commentaires:

  1. Chắc rằng không bàn gì nhiều ,hảy xem bài viết hôm nay của Mặc Lâm trên Rfa ,1 bài viết rất hay ,đây là 1 cơ hội quảng bá không công cho VN và nhửng nhân viên làm công tác hải quan,công an,du lich,khách sạn ,nhà hàng nghỉ gì khi đất nước của mình bị người khác in trên hộ chiếu nước họ ,1 đề nghị rất hay là tại mổi nơi có khách du lịch đến thăm ghi bằng 4 thứ tiếng Anh ,pháp ,hoa,Ả rập "bạn có biết hoàng sa ,trường sa là của VN không"

    RépondreSupprimer
  2. Hành động của TQ là đường lối chính sách "quốc gia" của họ.
    Hành vi phản đối của VN chỉ là một anh giám đốc Cty,những anh còm trong diễn đàn "lậu" và một số người làm ngành nghề khác.
    Ông NHÀ NƯỚC đâu rồi? Làm cho mạnh lên nào.
    Đánh Mỹ còn được bây giờ lại sợ Tàu?

    RépondreSupprimer
  3. Nếu chúng ta không mở miệng ra thì lâu ngày sẽ thành người câm.

    RépondreSupprimer
  4. Có, không chỉ một, mà rất nhiều giải pháp đủ mạnh và đủ quyết liệt để kẻ lưu manh, ngang ngược phải e dè nhìn trước ngó sau mỗi khi muốn ... làm bậy nữa. Nhưng vấn đề là các "tồng chí" lãnh đạo ngồi trên cao cao có dám, có chịu áp dụng, thực thi không kìa. Mười phần hết chín là không !!!

    RépondreSupprimer
  5. Nguyệt Đồng Xoài24 novembre 2012 à 21:28

    Bác Hồ ơi cứu chúng con! Bác có linh thiêng thì bên dưới âm phủ Bác hãy quở trách cái đồng chí Chế Lan như đồng chí Tố Hữu khi xưa mần thơ ca ngợi Mao chủ tịch vĩ đại “Bác Mao có ở đâu xa, Bác Hồ ta đó chính là bác Mao”.

    Thật ra thì Việt Nam đã bị nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa Vô sản XHCN anh em bao vây thắt chặt 4 phương rồi.

    - Phương Bắc thì đương nhiên là lãnh thổ Trung Hoa Lục Địa án ngữ và VN không thể bung chạy ra phương này.

    - Phương Đông thì cái gọi là đường lưỡi bò, Hoàng Sa, Trường Sa nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa Vô sản XHCN anh em chiếm và tranh chấp, và vì thế VN không thể bung chạy ra phương này.

    - Phương Tây thì xem như xong rồi. Người tình Campuchia (cùng nhau sát cánh với nước CHXHCN VN khi xưa đánh Cộng sản Khmer Đỏ Polpot Iêng Sari) Husen ngả vào vòng tay người tình Trung Quốc vĩ đại, chia tay người tình VN. Nước Lào XHCN Vô sản anh em thì ngả về phía Trung Quốc hay sẽ đứng trung lập trong vụ tranh chấp Việt-Hoa. Và vì thế VN không thể bung chạy ra phương này.

    - Phương Nam gián tiếp mà thấy thì cũng bị nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa Vô sản XHCN anh em bao vây. Lý do? Bên dưới là phương Nam thì dân Singapore cũng là cái giống dân gốc Tàu chiếm đa số trong guồng máy kinh tế, chính trị … ngoài dân thiểu số gốc Ấn, Malaysia, Thái Lan, bản địa xa xưa. Nếu có chiến tranh thì Singapore sẽ đương nhiên bênh vực Trung Quốc máu mủ gốc Tàu phù với họ, hay họ sẽ đứng trung lập vì miếng ăn với Tàu Cộng. Indonesia hay Australia thì sẽ đứng trung lập hoặc múa võ mồm lên án Trung Quốc cho có lệ, vô thưởng vô phạt vì ảnh hưởng kinh tế buôn bán làm ăn không nhỏ của nước họ với thằng Tàu Cộng.

    RépondreSupprimer
  6. Đồng ý với các vị,không nên nhân nhượng và mềm mỏng với chúng,đến nước này thì quá lắm rồi.

    RépondreSupprimer
  7. Tôi thấy ngạc nhiên là tại sao mọi người lại hài lòng với chữ HỦY đóng trong hộ chiếu „lưỡi bò“ vì nó hoàn toàn không có ý nghĩa gì. Điều này chỉ chứng tỏ người ra chỉ thị đóng con dấu đó chẳng hiểu cái đek gì về luật quốc tế. Không một nhà chức trách của bất kỳ nước nào có quyền hủy hoặc làm hư hại hộ chiếu của công dân nước khác. Hộ chiếu là tài sản quốc gia chứ không phải là tài sản riêng của người được cấp hộ chiếu đó. Kể cả khi trục xuất một ai đó thì cảnh sát ngoại kiều cũng chỉ có thể đóng dấu “Trục xuất – Banish” chứ làm sao có thể hủy được hộ chiếu đó.

    Tại sao không cho đóng con dấu với nội dung “ Việt Nam không thừa nhận hộ chiếu này – Viet Nam doesn´t accept the passport”. Tiếng Anh là ngôn ngữ chung cho tất cả các nước được dùng trong hộ chiếu, ngoài ngôn ngữ địa phương. Đơn giản với cách này thì Việt Nam cũng đủ để cho các nước khác biết thái độ của mình trước hành vi bá quyền của Trung Quốc.

    Một việc nữa cần làm là thay cái hình hoa thị, hoa khế không có ý nghĩa gì trong tờ thị thực rời bằng hình nước Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

    RépondreSupprimer